Cuộc khủng hoảng thiếu hụt chip toàn cầu được cho rằng sẽ bắt đầu thuyên giảm trong năm tới, nhưng ngay lập tức nhiều người còn lo ngại về một cuộc khủng hoảng thừa ngay tiếp sau đó khi 29 nhà máy sản xuất chip mới đang có kế hoạch được xây dựng và sẽ đưa vào hoạt động trong vài năm tới [1].
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng thiếu hụt chip toàn cầu hiện nay vẫn đang có ảnh hưởng sâu sắc tới nhiều lĩnh vực và vấn đề khác nhau. Một trong những vấn đề đang rất được quan tâm là sự ảnh hưởng tới lực lượng lao động có trình độ kỹ thuật cao.
Giải pháp tình thế cho thiếu hụt lao động lĩnh vực chip
Sẽ khá dễ hiểu khi tìm mối liên hệ giữa việc thiếu hụt chip và vai trò của lực lượng lao động có trình độ kỹ thuật cao hiện nay, đó là, khi các nhà máy sản xuất thiếu chip để sản xuất thì người ta sẽ ngay lập tức hỏi đội ngũ kỹ sư liệu có giải pháp kỹ thuật nào thay thế việc dùng chip, linh kiện đó không?
Các công ty có thể đưa ra các giải pháp kỹ thuật linh hoạt cho phép dễ dàng điều chỉnh sản phẩm của mình, sẽ nhanh chóng giảm thiểu tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng đứt đoạn chuỗi cung ứng chip toàn cầu. Nhưng để thực hiện thành công việc xây dựng thêm các giải pháp thay thế đáng tin cậy bằng cách sử dụng các thành phần chip tiêu chuẩn sẵn có là một việc đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật rất cao.
Một bài báo có tiêu đề "Engineering Your Way Out of the Global Chip Shortage" đăng trên "Harvard Business Review" [2] có đề cập một chi tiết khá thú vị là hầu hết các nhóm lãnh đạo thời gian vừa qua chỉ sử dụng các biện pháp mang tính "chiến thuật" để đối phó khủng hoảng chip toàn cầu như tăng cường mở rộng kho tích lũy, tăng độ dự báo nhu cầu…
Những chiến thuật này có thể có tác dụng tức thời nhưng chắc chắn chúng không giải quyết gốc rễ của vấn đề. Thay vào đó, một số công ty hàng đầu đang bước những bước tiến xa hơn khi tập trung chú ý vào nhóm kỹ sư của mình để nhanh chóng điều chỉnh các thiết kế sản phẩm theo hướng: thiết kế cho khả năng phục hồi và thiết kế theo sự sẵn sàng.
Theo một báo cáo khảo sát của công ty Avnet, Mỹ, thì có hơn 55% số kỹ sư cho biết rằng họ đang phải thiết kế lại phần cứng hoặc kết hợp một thiết kế mới hoặc sử dụng các thành phần thay thế đang được phổ biến rộng rãi [3].
Một số chính phủ và các nhà sản xuất chip hàng đầu đang tài trợ cho việc xây dựng các nhà máy sản xuất chip riêng để tăng năng lực sản xuất từ lãnh thổ của họ nhằm chống lại sự phụ thuộc vào các cơ sở sản xuất ở châu Á. Ví dụ, như Intel đang đầu tư 33 tỷ euro để xây dựng nhà máy sản xuất bán dẫn ở Châu Âu, và họ ước tính cần tới 3000 kỹ sư có tay nghề cao để vận hành các cơ sở này, đó là chưa tính tới tới các tác động lan tỏa đối với các nhà máy và đối tác trong hệ sinh thái Intel.
Ngay cả công ty sản xuất bán dẫn các tiến trình công nghệ tiên tiến nhất thế giới như TSMC cũng được cho rằng họ đang gặp vấn đề về tuyển dụng lực lượng lao động để vận hành nhà máy của họ ở Mỹ.
Khủng hoảng thiếu hụt lực lượng lao động trình độ kỹ thuật cao và cơ hội cho Việt Nam?
Việc thiếu các kỹ sư có tay nghề cao có thể sẽ làm chệch hướng các nỗ lực dẫn đầu trong các công nghệ tiên tiến khi chip ngày càng trở lên phức tạp, rõ ràng là áp lực ngày càng gia tăng đối với thị trường lao động kỹ thuật cao. Việc có thêm các kỹ sư mới không thể thực hiện được trong ngắn hạn vì các kỹ sư sẽ cần thời gian để học các kỹ năng mới. Vì vậy, cần có một giải pháp để lấp đầy khoảng trống này.
Do ảnh hưởng của đại dịch, nhiều công ty đã chuyển chiến lược sang chiến lược bố trí làm việc việc từ xa hoặc tăng cường dịch vụ thuê ngoài hoặc kết hợp cả hai. Sự tham gia của các kỹ sư mới này là một nhân tố đảm bảo tính đối mới sáng tạo và các công ty có thể tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng.
Đối với một công ty ở Mỹ, việc thuê một kỹ sư làm việc ở nhà từ Việt Nam có thể có chi phí thấp hơn so với việc thuê một kỹ sư toàn thời gian làm việc tại địa phương. Kết quả là các công ty có nhiều lựa chọn hơn trong việc tuyển dụng nhân tài phù hợp nhất đối với các dự án của họ.
Riêng lĩnh vực thiết kế chip ở Việt Nam, có thể nói chúng ta đã có khoảng 20 năm phát triển nguồn nhân lực. Theo ước tính của tác giả, Việt Nam có khoảng 5000 kỹ sư, có thể đảm nhận công việc ở tất cả các mảng việc trong khâu thiết kế. Cùng với sự bùng nổ của Internet tại Việt Nam từ những năm 2000, các kỹ sư Việt Nam đã tận dụng được nguồn tài nguyên kiến thức phong phú cho việc học hỏi và chia sẻ kiến thức chuyên ngành, liên tục tích lũy và nâng cao kỹ năng nghề.
Theo thời gian, các kỹ sư Việt Nam đã dần chinh phục được lòng tin của các kỹ sư và các cấp quản lý ở nước ngoài, được giao những công việc khó trong các dự án thiết kế chip. Ngày càng nhiều các dự án quan trọng của tổ chức có sự tham gia của các kỹ sư làm việc tại các văn phòng Việt Nam, ngày càng có thêm những công ty lớn quyết định đặt văn phòng hoặc mở rộng quy mô kỹ sư thiết kế chip ở Việt Nam, có thể kể đến như: Marvell, Ampere, Synopsy, ...
Đặc biệt những năm gần đây, có sự gia tăng đáng kể về số lượng kỹ sư từ Việt Nam ra nước ngoài làm việc cho các công ty nối tiếng nằm trong top 10, top 15 các công ty vi mạch bán dẫn lớn nhất toàn cầu. Hiện nay các kỹ sư của Việt Nam còn được các công ty ở Singapore, Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc,… săn đón mời sang các nước đó làm việc dài hạn.
Thực tế cho thấy nhu cầu tuyển dụng của các công ty vi mạch đang hoạt động ở Việt Nam hiện nay là rất lớn. Chúng ta có lợi thế là đội ngũ kỹ sư khá lành nghề, tuổi nghề trung bình đang ở độ tuổi vàng với số năm kinh nghiệm trung bình khoảng 5 năm. Có thể nói đây là độ tuổi có nhiều sáng tạo nhất và đóng góp được nhiều nhất cho tổ chức.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội chưa từng có để bứt phá trong lĩnh vực thiết kế chip vi mạch. Đồng hành cùng với chính phủ cũng như các trường đại học kỹ thuật đầu ngành của Việt Nam, cộng đồng các kỹ sư vi mạch Việt Nam từ khi thành lập đã rất nhiệt tình tham gia các sự kiện hỗ trợ xây dựng cộng đồng. Cụ thể, các kỹ sư có kinh nghiệm thường xuyên chia sẻ thông tin, hướng nghiệp thông qua các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt có những chương trình đào tạo chuyên nghành được vận hành bởi chính các bạn kỹ sư có kinh nghiệm và các bạn sinh viên đam mê tìm hiểu được đào tạo hoàn toàn miễn phí.
Thời gian vừa qua, cộng đồng vi mạch Việt Nam [4] cũng tiến hành hàng loạt các hoạt động gặp gỡ trực tiếp và chia sẻ định hướng nghề thiết kế vi mạch tới các bạn sinh viên các trường đại học kỹ thuật trên phạm vi địa lý trải rộng từ Hà Nội tới Cần Thơ. Cộng liên tục đưa ra các sáng kiến phát triển đội ngũ nhân lực kỹ thuật cao, chúng ta tin tưởng và quyết tâm để không một lần nữa bỏ lỡ cơ hội bắt kịp chuyến tầu công nghệ vi mạch thế giới.
Tài liệu tham khảo
[1]. www.semi.org
[2]:https://hbr.org/2021/12/engineering-your-way-out-of-the-global-chip-shortage
[3]. https://www.businesswire.com/news/home/20220301005178/en/Avnet-Insights-Survey-Indicates-Chip-Shortages-Will-Continue-Explores-Impact-on-Product-Design
[4]. https://www.facebook.com/groups/vimachvn