Diễn đàn

Nhu cầu nhân lực ngành bán dẫn - Một phần góc nhìn người trong cuộc

Thanh Lâm - Cộng đồng Vi mạch Việt Nam 01/11/2023 07:45

Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đề cập rất nhiều về việc Việt Nam đang thiếu hụt nhân lực cho ngành bán dẫn.

Tóm tắt:
- Thực trạng sự khan hiếm kỹ sư thiết kế chip ở Việt Nam:
+ Hiện tại, Việt Nam có khoảng hơn 5.000 kỹ sư tham gia khâu thiết kế chip. Đây là con số rất khiêm tốn tính trên tổng số 40 công ty về chip đang hoạt động.
+ Một công ty mới tham gia thị trường không dễ để có thể tuyển dụng được ngay 20 - 30 kỹ sư có kinh nghiệm.
+ Thực chất việc khó tuyển dụng kỹ sư về chip không nằm ở vấn đề số lượng đào tạo không đáp ứng đủ mà nằm ở việc các công ty không mặn mà trong việc tăng cường tuyển dụng sinh viên mới ra trường hàng năm.
- Yêu cầu chuyên môn của kỹ sư mới ra trường đối với công việc thiết kế vi mạch: nắm chắc kiến thức nền tảng được dạy trong trường; hiểu kỹ về ngành; cần có năng lực ngoại ngữ.
- Ví dụ thực tế lời giải cho bài toán đào tạo nguồn nhân lực vi mạch (từ Công ty CoAsia SEMI):
+ Mở khóa học cơ bản về chip miễn phí cho sinh viên (từ 2020); hỗ trợ từ 3 - 4 tháng thực tập sau khi ra trường; tuyển dụng nếu sinh viên có mong muốn và phù hợp yêu cầu.
+ Với việc đào tạo như trên, công ty gần như tuyển được ngay sau khi các sinh viên ra trường (sau 3 năm, tới nay công ty đã phát triển được đội ngũ 80 kỹ sư).

Đứng từ khía cạnh quản lý nhà nước, có lẽ đúng. Đến năm 2030, nếu chúng ta không có 50.000 kỹ sư bán dẫn thì Việt Nam dựa vào đâu để lọt top các nước có nền công nghiệp vi mạch phát triển trên thế giới. Đấy là mục tiêu nhiều tham vọng là bài toán rất lớn, như trong bài thơ của Bác Hồ có thể ví nhiệm vụ này là hòn đá rất to, rất nặng, phải cần rất nhiều người nhấc thì mới được. Và liệu chúng ta sẽ chung tay cùng nhấc?

Thực trạng sự khan hiếm kỹ sư thiết kế chip ở Việt Nam

Theo ước tính của Cộng đồng Vi mạch Việt Nam, hiện tại, Việt Nam có khoảng hơn 5.000 kỹ sư tham gia khâu thiết kế chip. Nếu coi con số 5.000 là kết quả của 20 năm phát triển, thì tính trung bình trong thời gian qua mỗi năm chúng ta phát triển được 250 kỹ sư mới. Giả sử số lượng kỹ sư này là do 10 trường đại học (ĐH) kỹ thuật đầu ngành ở cả ba miền của Việt Nam đào tạo thì hàng năm trung bình mỗi trường đào tạo được 25 kỹ sư. Đây là con số không hề quá sức với các trường ở thời điểm hiện tại.

Trong số 40 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip ở Việt Nam, mặc dù trong đó xuất hiện những tên tuổi lớn trên thế giới nhưng đa số các công ty ở Việt Nam có quy mô nhân sự dưới 100 kỹ sư. Không nhiều các công ty có kế hoạch tuyển dụng số lượng lớn sinh viên mới ra trường hàng năm. Các công ty thường có xu thế tuyển dụng các kỹ sư đã có kinh nghiệm nên nếu nói tình trạng khó tuyển nhân sự là ý nói khó tuyển nhân sự có kinh nghiệm.

Không như cách đây 20 năm, các công ty vào Việt Nam chấp nhận tuyển sinh viên mới ra trường để đào tạo. Hiện tại, chúng ta đã có đội ngũ 5.000 kỹ sư nên các công ty mới vào họ sẽ tập trung tuyển các kỹ sư có kinh nghiệm từ thị trường trước. Với các công ty nhiệt tình trong việc tuyển dụng sinh viên mới ra trường vào đào tạo, sau một thời gian họ nhận ra mình đào tạo rồi kỹ sư lại sang công ty khác, nên họ sẽ dần thu hẹp lại việc tuyển dụng sinh viên mới ra trường hàng năm.

Cũng trong thời gian dài đó thì Chính phủ gần như không có chính sách khuyến khích hay ưu đãi nào cho các công ty nhiệt tình trong việc tuyển sinh viên mới ra trường. Nếu trong thời gian tới không có sự thay đổi đáng kể nào thì có thể số lượng kỹ sư thiết kế chip sẽ bị bão hòa ở con số 5.000 kỹ sư này. Đây là con số rất khiêm tốn nếu tính trên tổng số 40 công ty đang hoạt động, và sẽ không dễ để một công ty mới tham gia thị trường có thể tuyển dụng được ngay 20 - 30 kỹ sư có kinh nghiệm.

Trong bối cảnh tươi sáng trên đà phục hồi của nền kinh tế, giả sử các công ty có nhu cầu tăng trưởng nhân sự 10%/năm thì nhu cầu toàn thị trường sẽ là 500 kỹ sư mới. Lấy năm 2023 làm bản lề, khi 10 trường ĐH kỹ thuật đầu ngành đẩy mạnh đào tạo ngành vi mạch, thì chỉ cần trung bình mỗi trường đào tạo 50 sinh viên một khóa là đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Như vậy, vấn đề thực chất hiện nay không nằm ở vấn đề số lượng đào tạo không đáp ứng đủ mà nằm ở việc các công ty không mặn mà trong việc tăng cường tuyển dụng sinh viên mới ra trường hàng năm.

Yêu cầu chuyên môn của kỹ sư mới ra trường đối với công việc thiết kế vi mạch thực tế

Nói về vi mạch là nói về sản xuất hàng loạt số lượng vô cùng lớn, một thiết kế khi đưa vào sản xuất thì mỗi mẻ sản xuất sẽ tạo gia hàng trăm triệu chip. Do đó, chỉ một sai sót nhỏ trong thiết kế có thể sẽ làm hỏng cả mẻ sản xuất, sẽ vứt đi hàng triệu chip mà không thể mang về sửa vá lỗi rồi cập nhật lại như phần mềm. Sai sót xảy ra thì cái giá phải trả sẽ rất đắt, thậm chí có thể phá sản cả công ty.

Với thiết kế có tính mới nhiều thì cần sản xuất thử nghiệm, kiểm tra rất kỹ trước khi đem đi sản xuất hàng loạt, quá trình này rất tốn thời gian. Chính vì lý do này, mà kỹ sư ngành này có tính bảo thủ rất cao, kỹ sư càng có nhiều kinh nghiệm thì lại càng có giá trị. Do đó, các bạn sinh viên mới ra trường thường dễ nản khi chưa được tin tưởng giao việc ngay.

Các bạn trẻ cần quá trình tích lũy kinh nghiệm vài năm trong giai đoạn đầu. Và một khi các bạn trẻ kiên trì vượt qua được giai đoạn ban đầu này thì tương lai sẽ rất sáng. Thị trường chip là vô cùng lớn, số lượng thiết bị điện mà không có chip ở trong bây giờ rất khó tìm, ngay cả ổ cắm điện bây giờ cũng có chip ở trong. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật tương lai như trí tuệ nhân tạo, xe tự lái,... sẽ không thể thành hiện thực nếu thiếu chip. Chip sẽ ngày càng phức tạp nên sẽ cần thêm nhiều nhân lực.

Đa số các bạn sinh viên khối kỹ thuật các ngành như điện tử, kỹ thuật máy tính đều được đào tạo các môn học nền tảng cho lĩnh vực thiết kế chip, nếu sinh viên nào chăm chỉ học và tham gia làm bài tập lớn một cách nghiêm túc các bạn sẽ tiếp thu rất nhanh các kiến thức, kinh nghiệm thực tế khi trao đổi với các kỹ sư có kinh nghiệm.

Với các sinh viên thì thời gian đào tạo tại chỗ (on- job-training) rất ngắn chỉ cần 3 - 6 tháng, nhưng số này không nhiều, khi phỏng vấn ngắn cho các khóa học “chip design fundamental” của công ty công ty CoAsia SEMI Việt Nam trong thời gian qua, rất nhiều bạn không bật ra được ngay tên của các môn học có liên quan tới lĩnh vực thiết kế chip, và ngay cả với những bạn được nhận vào khóa học thiết kế chip cơ bản (chip design fundamental), thì rất nhiều kiến thức trong khóa học đã được dạy trong trường nhưng khi nói lại với các bạn thì các bạn lại thấy như kiến thức mới. Tuy nhiên, sau một thời gian khoảng 3 - 4 tháng tập trung thì các bạn đã tích lũy đủ kiến thức cơ bản có thể tự tin trả lời tốt các câu hỏi trong các cuộc phỏng vấn kỹ thuật.

dao-tao-ban-dan-2.jpg

Đứng từ phía doanh nghiệp, họ cũng hiểu là các bạn trẻ chưa có kinh nghiệm thực tế nên thường sẽ không kỳ vọng các bạn kỹ sư mới ra trường có thể giải quyết ngay các vấn đề kỹ thuật hóc búa hoặc có những phát kiến có ảnh hưởng lớn cho tổ chức, các công ty kỳ vọng các bạn có năng lực học hỏi nhanh, có thể hiểu và thực hiện được một số yêu cầu từ các anh chị kỹ sư có kinh nghiệm. Do đó đối với các bạn sinh viên mới ra trường thì yêu cầu với các bạn cũng khá đơn giản, các bạn cần nắm chắc kiến thức nền tảng được dạy trong trường; các bạn bỏ công sức tìm hiểu kỹ về ngành này, tránh việc các bạn theo trào lưu tham gia rồi lại thiếu kiên trì bỏ cuộc giữa chừng thì rất lãng phí thời gian và công sức của cả các bạn và doanh nghiệp. Tiếp đến, các bạn cần có năng lực ngoại ngữ để có thể sòng phẳng nói chuyện kỹ thuật với đồng nghiệp và đối tác người nước ngoài.

Ví dụ thực tế lời giải cho bài toán đào tạo nguồn nhân lực vi mạch

Tháng 3/2020, Công ty CoAsia SEMI thành lập văn phòng ở Hà Nội, với nhiệm vụ tập trung phát triển đội ngũ kỹ sư thiết kế SoC (System on chip) sử dụng công nghệ tiên tiến dưới 10nm cho các ứng dụng đòi hỏi tính toán phức tạp và có độ tin cậy cao. Khi đó ở Hà Nội không có nhiều nguồn lực có thể đáp ứng nên công ty đã xác định ngay từ đầu là sẽ tuyển dụng các bạn sinh viên mới ra trường rồi đào tạo dần lên với lộ trình cơ bản như sau:

- Công ty đã đưa ra khóa học cơ bản về chip, đặc biệt là khóa học này hoàn toàn miễn phí, dành cho các bạn sinh viên học lĩnh vực điện tử viễn thông, kỹ thuật máy tính, tự động hóa, vật lý kỹ thuật,... nói chung là các ngành liên quan tới điện tử và vật lý bán dẫn ở các trường ĐH như ĐH Bách khoa Hà Nội (BKHN), Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), ĐH Giao thông Vận tải (GTVT), Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Học viện Kỹ thuật Mật mã,... đều có thể tham gia.

- Sau khi học xong các sinh viên mới ra trường hiểu cơ bản thiết kế chip là gì. Nếu các sinh viên này mong muốn tiếp tục theo đuổi lĩnh vực thiết kế chip, công ty sẽ tiếp tục hỗ trợ từ 3 - 4 tháng thực tập (lưu ý, vẫn không có ràng buộc về việc các bạn cần phải làm việc với công ty sau thực tập). Trong quá trình thực tập, các sinh viên mới ra trường sẽ được tương tác trực tiếp với các kỹ sư đi trước có kinh nghiệm hơn, được trải nghiệm các công cụ, phần mềm thiết kế chip chuyên dụng trong từng mảng việc thiết kế chip.

- Sau khi các sinh viên mới ra trường có mong muốn gắn bó làm việc với công ty thì sẽ được phỏng vấn, nếu phù hợp sẽ được công ty mời ký hợp đồng chính thức. Thời gian đầu các bạn kỹ sư mới trải qua giai đoạn on-job training kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm để các bạn tích lũy đủ kỹ năng chuyên môn mà dự án yêu cầu.

- Sau đó, các sinh viên mới ra trường sẽ được tham gia dự án đầu tiên dưới sự kèm cặp (bay kèm) của các anh chị kỹ sư đã có kinh nghiệm. Dần dần các sinh viên mới tốt nghiệp sẽ trưởng thành lên qua các dự án tiếp theo.

dao-tao-ban-dan-1.jpg

Sau 3 năm, cho tới thời điểm hiện tại công ty đã phát triển được đội ngũ 80 kỹ sư. Đặc biệt đối với các bạn kỹ sư mới công ty cần 3 - 4 tháng cho khóa học chip design fundamental và thời gian thực tập, nhưng vì công ty tận dụng khoảng thời gian khi các bạn còn đang là sinh viên nên có thể nói công ty gần như tuyển được ngay sau khi các bạn ra trường, thậm chí là trước khi các bạn bảo vệ đồ án tốt nghiệp, nghĩa là công ty đã rút ngắn được khá nhiều thời gian đào tạo. Đây có thể là một ví dụ để Việt Nam có thể áp dụng nhân rộng mô hình kết hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường trong việc phát triền nguồn nhân lực bán dẫn ở Việt Nam trong thời gian tới.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 tháng 10/2023)

Bài liên quan
  • Nguồn cung – cầu nhân lực ngành bán dẫn: bài toán cần tháo gỡ
    Việt Nam đang nổi lên như một trong những quốc gia tiềm năng hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn và đây được dự báo sẽ sớm trở ngành công nghiệp “tỷ USD”. Tuy nhiên, ngành vi mạch bán dẫn tại Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Nhu cầu nhân lực ngành bán dẫn - Một phần góc nhìn người trong cuộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO