Một số ý kiến, đề xuất phát triển vi mạch quốc gia

Nguyễn Thanh Yên| 18/10/2021 15:17
Theo dõi ICTVietnam trên

Một chủ đề nóng thu hút rất nhiều sự quan tâm mức độ toàn cầu thời gian qua là tình trạng thiếu hụt chip. Việt Nam tuy chưa có nhà máy sản xuất chế tạo chip nhưng Việt Nam cũng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng chip khi có mặt ở khâu thiết kế, đóng gói kiểm thử hơn 20 năm qua. Vậy Việt Nam nên có những điều chỉnh hay hành động gì cho Chương trình phát triển vi mạch quốc gia?

Năm 2017, "Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030" đã được nâng cấp thành "Chương trình phát triển vi mạch quốc gia giai đoạn 2018 - 2030." Và mới đây nhân việc Hội công nghệ vi mạch bán dẫn TP. HCM đang soạn thảo "Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch quốc gia giai đoạn 2022 - 2030" để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. 

Một nhóm các chuyên gia cộng đồng vi mạch Việt Nam đã toạ đàm trao đổi về "Chương trình phát triển vi mạch quốc gia" nhằm đóng góp ý kiến cho việc phát triển vi mạch ở Việt Nam. Rất nhiều ý kiến tâm huyết đã được trao đổi, chia sẻ và nhận được sự đồng thuận cao của cộng đồng.

Quyết tâm chính trị

Hiện nay, vi mạch là lĩnh vực rất quan trọng, có thể coi là lĩnh vực nền tảng quan trọng cho nhiều lĩnh vực khác. Sự phát triển của những quốc gia giàu mạnh, phát triển trên thế giới hiện tại đều có sự đóng góp quan trọng của công nghiệp vi mạch. Tuy nhiên, vi mạch đòi hỏi nguồn nhân lực lớn, các chuyên gia trình độ cao, tầm nhìn rất dài.

Cụ thể, phát triển vi mạch Việt Nam đòi hỏi quyết tâm chính trị ở mức cao nhất để thống nhất sự hợp tác từ tất cả các bộ, các tổ chức, nguồn lực quốc gia. Ngoài các Bộ như Bộ Khoa học Công nghệ (KH&CN), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính như đã được nhắc đến trong bản dự thảo thì cũng cần có sự tham gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) để đáp ứng nguồn nhân lực hay có sự tham gia của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhằm tối đa hóa các gắn kết mạng lưới các doanh nghiệp (DN) mạnh.

Trong bản dự thảo "Chương trình phát triển vi mạch quốc gia" hiện tại mới chỉ đang thấy sự xuất hiện tham gia phối hợp của một số Bộ và DN, các ý kiến cho rằng như thế là chưa đủ so với tầm cỡ của một chương trình phát triển vi mạch mức quốc gia, theo đó, cần sự hỗ trợ, cam kết từ tất cả những cơ quan nhà nước nêu trên.

Do vậy, các ý kiến đề nghị Chương trình nêu rõ sự cam kết chính trị ở mức cao nhất để tạo niềm tin và huy động tối đa nguồn lực đất nước cho chương trình này. Đây sẽ là căn cứ pháp lý mới, nghị quyết, chỉ đạo mới của Chính phủ, Quốc hội cho chương trình.

Tiếp theo, Hiệp hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP. HCM cần được nâng cấp thành Hiệp hội quy mô toàn quốc, dưới sự bảo trợ của Thủ tướng Chính phủ hoặc một trong các Phó Thủ tướng được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền để kết nối và bao phủ phạm vị rộng hơn, xứng tầm phù hợp với chương trình phát triển quốc gia thay vì chỉ tập trung ở TP. HCM. Hiệp hội sẽ là đầu mối thông tin nhất quán, và chính thống về lĩnh vực vi mạch ở Việt Nam, như: các báo cáo khảo sát tình trạng nguồn nhân lực; danh sách các DN đang hoạt động; danh sách các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu; kết quả hiện trạng các chương trình đề án phát triển sản phẩm vi mạch quốc gia,… đều sẽ công khai dễ tìm kiếm cho các tổ chức cá nhân mong muốn tìm hiểu đóng góp.

Tầm nhìn/quan điểm của chương trình

Hiện tại bản Dự thảo Chương trình đưa ra tầm nhìn 10 năm. Với lĩnh vực vi mạch, các ý kiến đóng góp cho rằng 10 năm là chưa phù hợp. Một sản phẩm vi mạch từ lúc có ý tưởng thiết kế cho tới lúc sản phẩm có thể thương mại hóa ngoài thị trường cần ít nhất 3 năm. Do đó trong 10 năm chỉ đủ để làm được một hoặc hai sản phẩm, rất khó để định vị hay có được định hướng rõ ràng cho sự phát triển của lĩnh vực vi mạch Việt Nam.

Ngoài ra, quan điểm của chương trình phát triển vi mạch Việt Nam nên nhấn mạnh việc phát triển vi mạch có xuất phát điểm từ tư duy sản phẩm, hướng tới tạo ra các sản phẩm đủ sức cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường tự do, tránh cách hiểu nhầm việc phát triển vi mạch là xuất phát từ việc áp đặt mang tính chủ quan.

Theo đó, về nội dung này, các ý kiến cho rằng cần tiến hành đánh giá thật khách quan kết quả của các chương trình phát triển vi mạch tới thời điểm hiện tại, thực trạng ngành vi mạch Việt Nam, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực; Tiến hành nghiên cứu nhu cầu phát triển ngành vi mạch của Việt Nam cả trong nước và các chương trình định hướng thu hút vốn đầu tư FDI trong thời gian tới. 

Chương trình nên có tầm nhìn 30 năm, trong đó thể hiện rõ tính kiến trúc của ngành công nghiệp bằng việc xác định rõ định hướng sản phẩm đầu ra chủ lực trong từng giai đoạn. Ví dụ, ban hành hướng dẫn đấu thầu công khai đối với danh sách chip cần nội địa hóa kèm các điều kiện ưu đãi đối với các công ty/DN Việt Nam tham gia đấu thầu. Nếu không có công ty nào đủ năng lực đấu thầu thì nghĩa là thị trường chưa sẵn sàng, nếu thị trường chưa sẵn sàng thì chương trình phát triển vi mạch nên tập trụng cho mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực và tìm hiểu khảo sát để cải tiến chính sách ưu đãi thay vì tập trung phát triển sản phẩm khi chúng ta chưa sẵn sàng.

Một số ý kiến, đề xuất phát triển vi mạch quốc gia - Ảnh 1.

Các kỹ sư Công ty TMA, Công viên phần mềm Quang Trung thiết kế sản phẩm vi mạch điện tử (Ảnh: nhandan.com.vn).

Tính liên kết của các đề án con với tầm nhìn tổng thể của Chương trình

Theo các ý kiến, 10 đề án con đang chưa thực sự được liên kết một cách chặt chẽ với chương trình tổng thể, mục tiêu và cách thức thực hiện chưa rõ ràng, mức độ khả thi chưa có tính thuyết phục cao. Ví dụ, Ban chỉ đạo thực hiện chương trình đặt ở Bộ TT&TT nhưng các đề án lại do bộ KH&CN chủ trì. Phân vai giữa các bộ, địa phương, DN lớn của nhà nước, đối tác tư nhân và DN nước ngoài cũng như trách nhiệm và nguồn vốn của Bộ KH&CN, Bộ TT&TT, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), Khu Công nghệ cao HCM (TP. HCM),... chưa được làm rõ. Cơ sở kỹ thuật, thị trường để xác định các sản phẩm chủ lực cũng chưa được được nêu rõ. Định hướng phát triển đề án ươm tạo DN chưa cụ thể, hệ sinh thái để các DN phát triển cũng chưa được đề cập.

Theo đó, các ý kiến đề xuất cần có "kiến trúc sư" tổng thể cho Chương trình để các định hướng của các đề án con được xác định rõ ràng, cụ thể và có tính liên kết chặt chẽ với nhau. Các sản phẩm cần có lộ trình phù hợp với thực tế năng lực trong từng giai đoạn. Sản phẩm quốc gia cần có tính liên kết các ngành, không chỉ tập trung 100% vi mạch. Ví dụ, sản phẩm chip AI có hàm lượng vi mạch cao (ví dụ 50%) kết hợp phần mềm và ứng dụng nghiên cứu cơ bản…

Sản phẩm quốc gia phục vụ nhu cầu nội địa như các sản phẩm vi mạch trong giao thông minh: chip quan trắc sụt trượt các tỉnh miền núi, chip quan tắc áp lực lỗ rỗng đồng bằng sông Cửu Long, chip quan trắc sức khỏe công trình, chip đo lường trong giao thông thông minh…

Phát triển nguồn nhân lực

Chương trình có đề cập tới đề án phát triển nguồn nhân lực, các ý kiến cho rằng đây là đề án quan trọng nhất trong giai đoạn đầu vì thực tế nguồn nhân lực phát triển ở Việt Nam chưa nhiều, nếu nguồn nhân lực không đủ thì tất cả các đề án phát triển sản phẩm hay những mục tiêu khác sẽ khó thực hiện.

Một số ý kiến, đề xuất phát triển vi mạch quốc gia - Ảnh 2.

(Ảnh: sdh.hcmus.edu.vn.)

Các ý kiến đóng góp đề xuất một số ý tưởng cụ thể phát triển nguồn nhân lực như tập trung phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn 5 - 10 năm tới để đạt số lượng nhân lực đủ lớn ví dụ 10.000 kỹ sư. Vi mạch nên định hướng phát triển theo hình tháp, lấy giáo dục làm nền tảng. Cần xây dựng môn học thiết kế chế tạo vi mạch bài bản về chương trình đào tạo và Lab, lựa chọn cơ sở giáo dục có lợi thế liên kết với các trường/viện quốc tế mà những trường/viện này có sẵn những hoạt động chế tạo mẫu thử dành cho nghiên cứu.

Bên cạnh đó, cần ban hành các hướng dẫn cụ thể, đơn giản các thủ tục, điều kiện để các DN nước ngoài đầu tư lĩnh vực vi mạch hay các DN ở Việt Nam đang hoạt động trực tiếp làm về lĩnh vực vi mạch dễ dàng nhận được ưu đãi từ các chính sách thuế của chính phủ. Nếu có thêm một đầu tư vào Việt Nam thì có thể góp phần tạo ra trung bình 50 - 100 kỹ sư vi mạch mới cho Việt Nam. Các DN đang hoạt động tại Việt Nam cũng sẽ có điều kiện để mở rộng đội ngũ kỹ sư.

Đề án có thể đề ra đẩy mạnh hơn nữa việc thu hút tận dụng mạng lưới người Việt Nam làm vi mạch ở nước ngoài bằng việc xác định đầu mối cụ thể trong nước có nhiệm vụ kết nối, tập hợp, triển khai, báo cáo kết quả định kỳ của việc thu hút các chuyên gia người Việt Nam trong lĩnh vực vi mạch ở nước ngoài tham gia các dự án trong nước. Đề án quy định rõ việc có sự đóng góp kỹ năng chuyên môn từ nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài.

Đề án cũng cần đảm bảo nguồn kinh phí trao học bổng đều đặn và cam kết đảm bảo giới thiệu công việc sau khi ra trường với các bạn sinh viên được trao học bổng bằng việc xây dựng nền tảng kết nối chặt chẽ giữa đại học và DN. Nghiên cứu và xác định rõ tập trung đào tạo phát triển nguồn lực vi mạch ở mức phổ thông, đại học, thạc sỹ hay tiến sỹ.

Các ý kiến góp ý về ban hành quy định chính sách chính phủ và các đề xuất khác

Chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân.

Bên cạnh chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN, chính phủ có thể cân nhắc thêm chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân vì các DN hoạt động lĩnh vực vi mạch ở Việt Nam hiện tại chủ yếu là mở mở văn phòng, trả lương thuê kỹ sư người Việt Nam thiết kế vi mạch và thường không phát sinh thu nhập DN chịu thuế hoặc phần này rất ít. Chính phủ có thể ban hành chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho các đối tượng DN hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực.

Ví dụ, nếu DN mỗi năm cam kết tuyển dụng x% kỹ sư mới ra trường thì Chính phủ sẽ giảm tương ứng y% thuế thu nhập cá nhân cho kỹ sư của DN đó. Việc này sẽ góp phần thu hút thêm các kỹ sư nhiều kinh nghiệm tới Việt Nam làm việc vì mức chịu thuế thu nhập cá nhân hấp dẫn và thúc đẩy DN tuyển dụng thêm các bạn kỹ sư mới ra trường, phá vỡ tình trạng con gà quả trứng của việc nếu không có việc thì sinh viên sẽ không học, và nếu không có nguồn lực thì DN sẽ không đầu tư mở rộng.

Quy định xuất nhập khẩu thiết bị điện tử công nghệ cao

Việc đưa chip vi mạch ra thị trường rất cần hệ sinh thái các đơn vị sản xuất thiết bị điện tử để tạo ra các sản phẩm mẫu, hiện nay quy định về xuất nhập khẩu các thiết bị điện tử công nghệ cao đang chưa thật thuận tiện cho các đơn vị sản xuất và đo kiểm sản phẩm mẫu số lượng nhỏ gây ảnh hưởng trực tiếp tới các đơn vị thiết kế chế tạo sản phẩm chip vi mạch. Các ý kiến đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành các chính sách tạo điều kiện thuận lợi hơn về việc xuất nhập khẩu các thiết bị linh kiện điện tử cho các đối tượng là các đơn vị sản xuất đo kiểm thiết bị điện tử hoạt động ở Việt Nam.

Chính sách hỗ trợ thúc đẩy tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm điện tử

Các ý kiến góp ý khuyến khích tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm điện tử sẽ thúc đẩy, tạo ra nhu cầu tiêu dùng nội địa với các sản phẩm chip vi mạch thiết kế chế tạo sản xuất ở Việt Nam. Chính sách này cũng sẽ thúc đẩy tính liên kết hợp tác giữa các tập đoàn DN tại Việt Nam, góp phần hình thành và phát triển hệ sinh thái phát triển các sản phẩm vi mạch trong nước./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Một số ý kiến, đề xuất phát triển vi mạch quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO