Đề xuất chính sách phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam
Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên công nghệ phát triển rực rỡ mà ở đó những con chip điện tử đóng vai trò nền tảng, chip vi mạch có tầm ảnh hưởng ngày càng quan trọng đối với đời sống con người.
Tóm tắt:
- Hỗ trợ của một số nước, khu vực trong lĩnh vực bán dẫn: Mỹ: khoảng 52,7 tỷ USD; châu Âu: 49 tỷ USD; Nhật
Bản: 86 tỷ USD trong 10 năm; Trung Quốc: đã thành lập quỹ đầu tư công nghiệp bán dẫn quốc gia với số tiền huy động: 2014: 19 tỷ USD, 2019: 27 tỷ USD, hiện được cho rằng đang huy động thêm 41 tỷ USD;...
- Thành công của một số nước, vùng lãnh thổ tại châu Á:
+ Hàn Quốc: Số một thế giới về đội ngũ thiết kế sản xuất bộ nhớ.
+ Malaysia: Số một thế giới về đội ngũ kỹ sư trong nhà máy đóng gói và kiểm thử chip.
+ Đài Loan (Trung Quốc): Số một thế giới về đội ngũ kỹ sư làm việc trong nhà máy sản xuất chip.
- Đề xuất cho Việt Nam:
+ Đẩy phát triển lĩnh vực vi mạch.
+ Xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực và phát triển doanh nghiệp trong nước.
Ở nhiều nước, khu vực trên thế giới, chip được coi là sản phẩm chiến lược có ý nghĩa sống còn trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Chính sách của một số nước trong cuộc chạy đua phát triển lĩnh vực bán dẫn
Các đạo luật CHIP với số tiền cam kết hỗ trợ nhiều tỷ đô la đã được các chính phủ khắp nơi trên thế giới phê duyệt. Đơn cử ngày 28/7/2022, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật nhằm khuyến khích việc sản xuất chip bán dẫn trong nước. Đạo luật này đảm bảo gói hỗ trợ tài chính khoảng 52,7 tỷ USD cho việc phát triển các chương trình sản xuất bán dẫn, đáng chú ý, 11 tỷ USD trong đó được phân bổ cho các hoạt động nghiên cứu và đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Ngoài ra, 24 tỷ USD cũng sẽ được bổ sung nhằm hỗ trợ cho các chính sách ưu đãi thuế.
Châu Âu ban hành gói hỗ trợ 49 tỷ USD. Nhật Bản cam kết chi 86 tỷ USD trong 10 năm để hồi sinh ngành chip. Ấn Độ cũng có tham vọng trở thành cường quốc về bán dẫn khi ban hành nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư từ các công ty nước ngoài. Đài Loan cũng thông qua các quy định mới với nhiều ưu đãi cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn nhằm tăng tính cạnh tranh và duy trì vị thế của mình.
Mới đây, Ủy ban đặc biệt về chất bán dẫn Hàn Quốc đã tiết lộ về dự luật Chip của Hàn Quốc trong việc hỗ trợ thuế quy mô lớn đối với các đầu tư vào các cơ sở bán dẫn, theo đó thời hạn tín dụng thuế với các khoản đầu tư vào các cơ sở công nghiệp chiến lược công nghệ cao quốc gia như chất bán dẫn được kéo dài thêm 3 năm từ năm 2027 tới năm 2030. Dự luật này cũng mở rộng phạm vi hỗ trợ thuế, hỗ trợ nghiên cứu phát triển và đào tạo nguồn nhân lực.
Đặc biệt, Trung Quốc đã thành lập quỹ đầu tư công nghiệp bán dẫn quốc gia với số tiền huy động được lần lượt là 19 tỷ USD lần đầu vào năm 2014, 27 tỷ USD vào năm 2019, và gần đây quỹ này được cho rằng đang huy động thêm 41 tỷ USD để tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực thiết kế vi mạch, đóng gói, thiết bị và vật liệu bán dẫn. Quỹ được đóng góp một phần từ ngân sách nhà nước và từ các nguồn lực xã hội, hoạt động dưới sự điều hành của Bộ Công nghiệp và Thông tin Trung Quốc với tham vọng nhanh chóng tự chủ trong lĩnh vực thiết kế sản xuất chip bán dẫn.
Điểm qua một số thông tin kể trên, ta thấy, châu Á đang là khu vực phát triển rất sôi động và là nơi được cho là sẽ định hình tương lai của lĩnh vực bán dẫn toàn cầu.
Câu hỏi đặt ra cho Việt Nam
Việt Nam với vị trí địa lý nằm ở trung tâm của châu Á, hàng năm có hơn nửa triệu học sinh đăng ký xét tuyển đại học, chỉ cần một phần nhỏ trong số này theo đuổi lĩnh vực vi mạch thì Việt Nam sẽ đảm bảo yếu tố nguồn nhân lực cho bất kỳ kế hoạch đầu tư phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam nào, nếu có, trong tương lai. Đấy là chưa kể chúng ta đang sở hữu trữ lượng đất hiếm đứng thứ 2 trên thế giới chưa khai thác ồ ạt. Đó là những lợi thế Việt Nam đang có trong việc thu hút kêu gọi đầu tư hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn.
Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ được coi là có tiềm năng để phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, chúng ta gần như chưa có thành tựu gì đáng kể, trong khi ngành vi mạch đã phát triển hơn nửa thế kỷ và là ngành có tốc độ phát triển vô cùng nhanh với sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt.
Cũng gần đây chúng ta nghe được tin tức về việc bắt đầu mở rộng sang khâu đóng gói chip cao cấp của nhà máy Samsung tại Việt Nam, hay như nhà máy Hana Micron, nhà máy Amkor vừa đi vào hoạt động,... Tất cả các công ty này đều là công ty có vốn đầu tư trực tiếp ở nước ngoài. Trong các nhà mày này, các công ty áp dụng quy trình có tính tự động hóa rất cao, máy móc đóng vai trò chủ yếu. Các công ty Việt Nam chưa tham gia được vào hệ sinh thái sản xuất bán dẫn này.
Nói riêng về mảng thiết kế chip thì nhân lực kỹ thuật người Việt Nam chủ yếu là làm cho các công ty nước ngoài, kỹ sư Việt Nam có nhiều người giỏi nhưng đặc thù là chúng ta giỏi ở từng khâu, từng công đoạn chứ chưa xuất hiện đội ngũ đông đảo ở mức tổng công trình sư, tự tin thiết kế hoàn chỉnh và thương mại hoá được sản phẩm chip.
Xung quanh Việt Nam có những bài học thành công như tại Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Malaysia,... Xuất phát điểm của các nước, vùng lãnh thổ này đều bắt đầu từ những vị trí rất thấp trong hệ sinh thái bán dẫn, sau đó tích lũy hiểu biết, kinh nghiệm rồi dần vươn lên trở thành vị trí số một ở một số khâu, công đoạn trong chuỗi giá trị thiết kế sản xuất bán dẫn.
Tuy nhiên, châu Á của hiện tại khác xa châuÁ của 30 - 40 năm về trước. Bài học có thể thấy là thành công của Malaysia hay Hàn Quốc là không giống nhau mỗi nước đều tìm ra một lĩnh vực mà họ xác định sẽ trở thành số một. Nếu người Hàn Quốc là số một thế giới về đội ngũ thiết kế sản xuất bộ nhớ, người Đài Loan (Trung Quốc) là số một thế giới về đội ngũ kỹ sư làm việc trong nhà máy sản xuất chip thì người Malaysia là số một thế giới về đội ngũ kỹ sư trong nhà máy đóng gói và kiểm thử chip.
Câu hỏi đặt ra là chúng ta có thể học hỏi gì từ bài học thành công đó? Việt Nam trong bao lâu nữa sẽ có thể vươn lên vị trí dẫn đầu một mảng trong hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu?
Đề xuất cho Việt Nam
Theo ước tính của Cộng đồng Vi mạch Việt Nam, hiện tại chúng ta có khoảng hơn 5.000 kỹ sư tham gia khâu thiết kế chip, nếu coi con số 5.000 là kết quả của 20 năm phát triển, thì tính trung bình trong thời gian qua mỗi năm chúng ta phát triển được 250 kỹ sư mới. Đây là con số ấn tượng trong hoàn cảnh không nhiều trường ở Việt Nam có chương trình đào tạo bài bản về thiết kế vi mạch, nhưng là chưa đủ để Việt Nam có thể được kể tên là một trong những nước có nền công nghiệp bán dẫn phát triển.
Trong số 40 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip ở Việt Nam, xuất hiện những tên tuổi lớn trên thế giới nhưng đa số các công ty ở Việt Nam có quy mô nhân sự dưới 100 kỹ sư. Do đó, không nhiều các công ty có kế hoạch tuyển dụng số lượng lớn sinh viên mới ra trường hàng năm. Các công ty thường có xu thế tuyển dụng các kỹ sư đã có kinh nghiệm nên nhu cầu nguồn nhân lực của các công ty tuy lớn nhưng rất khó để Việt Nam có thể tăng trưởng nhanh số lượng kỹ sư thiết kế chip hàng năm nếu mọi thứ vẫn diễn ra như hiện tại.
Nếu lấy năm 2023 làm năm bản lề, khi các trường đẩy mạnh đào tạo chuyên ngành vi mạch, giả sử Việt Nam tập trung cho 10 trường kỹ thuật đầu ngành mở chương trình đào tạo định hướng vi mạch, mỗi khóa tuyển sinh 80 sinh viên thì mỗi năm sẽ có 800 kỹ sư mới, đồng nghĩa với việc chúng ta cũng cần chuẩn bị một thị trường với năng lực hấp thụ nguồn nhân lực gấp ba thị trường hiện nay. Câu hỏi tiếp tục được đặt ra là làm sao để các công ty tăng số lượng tuyển dụng sinh viên mới ra trường? Làm thế nào Việt Nam có thể khuyến khích tạo thêm nhiều công ty mới?
Đa số các chương trình hay hành động thúc đẩy phát triển lĩnh vực vi mạch ở Việt Nam thời gian qua thường có thời hạn 10 năm. Khi chúng ta chưa có nền tảng đáng kể thì tầm nhìn 10 năm cho lĩnh vực vi mạch có thể là chưa phù hợp. Một sản phẩm vi mạch từ lúc có ý tưởng thiết kế cho tới lúc sản phẩm có thể thương mại hóa ngoài thị trường cần ít nhất 3 năm. 10 năm chỉ đủ để làm được hai hoặc ba sản phẩm, rất khó để định vị hay hoạch định được hướng đi cụ thể, rõ ràng cho sự phát triển của lĩnh vực vi mạch Việt Nam.
Ngoài ra, khi nói tới vi mạch là nói tới sản phẩm được sản xuất hàng loạt, số lượng vô cùng lớn, cũng đồng nghĩa với việc chúng ta cần thời gian chuẩn bị sẵn sàng cho sự cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường tự do, toàn cầu.
Rõ ràng, phát triển vi mạch đòi hỏi nguồn nhân lực lớn, các chuyên gia trình độ cao, không thể khác, chính phủ Việt Nam cần đưa ra các chính sách phù hợp để có thể huy động tối đa tất cả các nguồn lực quốc gia, cụ thể là các chính sách cần thể hiện được tầm nhìn trong dài hạn và cam kết, quyết tâm chính trị ở mức cao nhất.
Từ góc độ quản lý nhà nước, nên chăng chính phủ trước mắt nghiên cứu tập trung vào hai nhóm chính sách sau: (1) Nhóm chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực; và (2) nhóm chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp trong nước, hoặc khuyến khích doanh nghiệp trong nước liên doanh liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài. Chính phủ tạo sân chơi để có thể tập hợp trí tuệ toàn dân, ai có lợi thế gì thì xung phong làm cái nấy, quan trọng là tinh thần dấn thân dám làm, và làm tới cùng, cụ thể:
- Tập trung phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn 5-10 năm tới để đạt số lượng nhân lực đủ lớn, ví dụ 10.000 - 20.000 kỹ sư. Đào tạo vi mạch cần kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp, nhà trường xây dựng các môn học thiết kế chế tạo vi mạch bài bản có tính liên kết, liên tục; lựa chọn cơ sở giáo dục có lợi thế liên kết với các trường/viện quốc tế hoặc các doanh nghiệp mà họ có thể hỗ trợ thực hành, những hoạt động chế tạo mẫu thử, và đảm bảo giới thiệu công việc sau khi ra trường.
- Chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân để thúc đẩy việc thu hút kỹ sư, chuyên gia vi mạch làm việc tại Việt Nam. Làm việc trong lĩnh vực vi mạch, chỉ một sai sót nhỏ có thể dẫn tới hậu quả làm hỏng cả một mẻ sản xuất, dẫn đến việc phải loại bỏ số lượng hàng triệu tới hàng trăm triệu chip mà không thể mang về sửa, vá lỗi rồi cập nhật lại như trong phần mềm. Do đó, kỹ sư càng có kinh nghiệm thì càng có giá trị cao trong doanh nghiệp.
Điều này cũng dẫn tới yêu cầu đối với các kỹ sư mới là họ cần kiên trì tích lũy kinh nghiệm trong một khoảng thời gian một vài năm đầu tiên, sẽ rất lãng phí thời gian và công sức của kỹ sư, doanh nghiệp và nguồn lực xã hội khi kỹ sư mới bỏ cuộc giữa chừng. Trong khi mặt bằng chung thu nhập của kỹ sư ở Việt Nam còn rất khiêm tốn so với các nước thì tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân của chúng ta lại khá cao, điều này đang không hấp dẫn các kỹ sư có kinh nghiệm ở lại Việt Nam làm việc, cũng như không thu hút sinh viên theo học lĩnh vực bán dẫn.
Việt Nam đang tạo ra bất lợi về chính sách trong cuộc đua thu hút các kỹ sư vi mạch có kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam. Giữ, duy trì được đông đảo đội ngũ kỹ sư có kinh nghiệm ở Việt Nam sẽ là chìa khóa then chốt để phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn trong thời gian tới.
- Ngoại giao nhà nước để đơn giản hóa thủ tục visa, thẻ cư trú đối với công dân đang làm việc trong lĩnh vực vi mạch khi sang các nước, vùng lãnh thổ Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, ... cũng như công dân của các nước, vùng lãnh thổ trên tới định cư ở Việt Nam.
- Ban hành các hướng dẫn cụ thể phù hợp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp, để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư lĩnh vực vi mạch hay các doanh nghiệp ở Việt Nam đang hoạt động trực tiếp làm về lĩnh vực vi mạch bất kế lớn hay nhỏ đều dễ dàng nhận được ưu đãi từ các chính sách thuế và hạ tầng của chính phủ.
- Bổ sung các quy định nhằm đơn giản hóa việc xuất nhập khẩu các thiết bị linh kiện điện tử, máy tính, máy chủ cho các đối tượng là các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thiết kế chip. Vì việc đưa chip vi mạch ra thị trường rất cần hệ sinh thái các đơn vị sản xuất thiết bị điện tử để tạo ra các sản phẩm mẫu, hiện nay quy định về xuất nhập khẩu các thiết bị điện tử công nghệ cao đang chưa thật thuận tiện cho các đơn vị thiết kế chế tạo, sản xuất, đo kiểm sản phẩm mẫu số lượng nhỏ ở Việt Nam.
- Cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm điện tử. việc này góp phần tạo ra nhu cầu tiêu dùng nội địa với các sản phẩm chip vi mạch thiết kế chế tạo sản xuất ở Việt Nam. Chính sách này cũng sẽ thúc đẩy tính liên kết hợp tác giữa các tập đoàn doanh nghiệp tại Việt Nam, góp phần hình thành và phát triển hệ sinh thái phát triển các sản phẩm vi mạch trong nước.
- Thành lập, bảo trợ hiệp hội công nghệ vi mạch bán dẫn Việt Nam nhằm tạo ra đầu mối thông tin nhất quán, chính thống, thuận tiện cho các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước mong muốn tìm hiểu đóng góp phát triển lĩnh vực vi mạch ở Việt Nam; đồng thời bổ sung, tham mưu hỗ trợ thực hiện chiến lược phát triển ngành bán dẫn.
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 tháng 10/2023)