Tuyến bài AI và báo chí: Bài 3Nhà báo phải tự đào tạo để cạnh tranh với AI
Nếu nhà báo tự học và nắm bắt được các kỹ năng mới thì sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho giai đoạn sau này khi phải cạnh tranh với những yếu tố mới như là trí tuệ nhân tạo (AI).
AI đang phát triển không ngừng
Qua nghiên cứu và theo dõi về sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), ông Đặng Hải Lộc, Giám đốc điều hành (CEO) kiêm Giám đốc công nghệ (CTO) AIV Group đã đưa ra nhận định về 3 xu hướng phát triển AI trong ngắn hạn khi trao đổi với những người làm báo và bạn đọc quan tâm đến ứng dụng công nghệ vào làm báo trước thềm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2024.
Theo ông Đặng Hải Lộc, xu hướng đầu tiên là AI sẽ tích hợp sâu rộng vào trong các thiết bị thông minh. Tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu (WWDC) 2024 mới đây, Apple đã giới thiệu mô hình AI giống như chatGPT sẽ được tích hợp vào điện thoại thông minh (smartphone) của mỗi người và xu hướng này được nhận định là sẽ mở ra cuộc cách mạng có thể gọi là AI phone. Hiện, điện thoại Android, Huawei đã có tính năng này và AI cũng đã được tích hợp vào các máy tính Windows của Microsoft.
Nói về sự thay đổi này, CEO AIV Group cho rằng: “AI đã tích hợp sâu rộng vào trong cuộc sống của mỗi người. Với ChatGPT, mọi người thích thì dùng, không thích thì thôi nhưng khi AI tích hợp vào trong iPhone, smartphone thì dù có hay không đồng ý dùng AI thì AI vẫn hiện diện trong chiếc điện thoại và vẫn chia sẻ dữ liệu cá nhân cho AI”.
Theo CEO AIV Group, điều này là có lợi cho người dùng như hỗ trợ người dùng sử dụng máy tính, điện thoại bằng việc sử dụng giọng nói để điều khiển, đặc biệt đối với những người lớn tuổi, người không thành thạo máy tính, điện thoại vẫn có thể sử dụng các thiết bị tốt hơn.
Trong tương lai rất gần, AI không chỉ tồn tại như một chiến lược giống như chatGPT mà tích hợp vào trong robot, smartphone, máy giặt, máy lau nhà, các thiết bị tiện ích phục vụ cuộc sống… Trung Quốc đã có thể tạo ra những robot có biểu hiện cảm xúc và có chiến lược quốc gia đưa robot vào thị trường lao động vào năm 2025.
“Điều này cho thấy AI đang 'lao rất nhanh' để ứng dụng vào mọi mặt cuộc sống và AI sẽ can thiệp dữ liệu cá nhân của chúng ta nhiều hơn”, CEO AIV Group nhận định.
Xu hướng thứ hai là sự xuất hiện của GPT5. Hiện tại, OpenAI đã bắt đầu quá trình huấn luyện GPT5. Theo những đồn đoán và CEO OpenAI Sam Altman, GPT5 sẽ cực kỳ thông minh, thông minh đến mức GPT4 trở nên “ngốc nghếch” dù có hàng loạt “siêu năng lực”, hoạt động ngang bằng với con người trong nhiều bài kiểm tra chuyên môn và tiêu chuẩn học tập khác nhau. GPT5 được dự báo sẽ có nhiều khả năng, có thể đọc hình ảnh, lắng nghe, phân tích theo thời gian thực.
Dự kiến trong thời gian sớm, khả năng rất lớn là AI có thể giúp người dẫn chương trình đọc luôn bản tin thời tiết, tài chính… thậm chí là phân tích, bình luận. Những bình luận viên bóng đá chỉ cần quay lại một tình huống bóng đá và AI sẽ xem, đọc tình huống bóng đá đó, cung cấp thông tin hoặc thậm chí bình luận cùng với bình luận viên bóng đá. Bình luận viên bóng đá lúc đó có thể chỉ cần cung cấp dữ liệu chuyên môn cho AI.
Xu hướng thứ ba là công nghệ sinh hình ảnh và sinh video đã đạt được bước tiến cực kỳ lớn trong khoảng thời gian ngắn gần đây. Khả năng này vừa được hiện thực khi chỉ cần có hình ảnh, mô tả hình ảnh là đã có thể tạo được một video rất chân thực. Hiện tại trên mạng xã hội đang có một làn sóng chuyển tất cả bức ảnh cũ như ảnh của ông Thích Minh Tuệ đi bộ hành trên đường được đưa vào mô tả là đã có thể tạo thành một đoạn video.
Khả năng này được CEO AIV Group nhận định sẽ tương đối hoàn thiện trong khoảng 6 tháng đến 1 năm tới, giúp cho người dùng có thể sáng tạo ra phim, video hoạt hình (animation)…
Bước tiến nữa là AI có thể không dừng lại ở dạng video mà cùng với công nghệ VR có thể tạo ra khán phòng 3D và đưa không gian này vào metaverse. Điều này được dự báo sẽ làm thay đổi rất lớn đối với việc học tập, giải trí, giao lưu, truyền tải tin tức. “Trong 1-2 năm tới có chương trình truyền hình trực tiếp với không gian trường quay sẽ thay đổi như theo mong muốn và có thể sớm hơn dự kiến”.
Đồng quan điểm, ông Trần Vũ Nguyên, đồng sáng lập và Giám đốc đào tạo của AI Education cho rằng AI trong tương lai sẽ thông minh hơn. Hiện nay, hình ảnh do AI tạo ra là có thể nhìn, biết. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu về sản xuất hình ảnh bằng AI thì đã có những tiến bộ trong sản xuất một bức bức tranh AI vì trí nhớ của AI đã được cải thiện nhờ dữ liệu tốt hơn, thông tin chính xác và tạo ra hình ảnh (visual) tốt hơn.
Báo chí cần tích cực, chủ động ứng dụng AI
Trước những xu hướng tiến bộ không ngừng của AI, ông Rishad Patel đồng sáng lập Splice Media (Tây Ban Nha) với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông, cho biết trong thời đại AI, truyền thông phải hướng tới và tập trung giải quyết các vấn đề cụ thể của người dùng. AI là công cụ giúp trả lời cho nhu cầu của người dùng.
Truyền thông hiện đại cần giải đáp được 5 câu hỏi: Ai cần thông tin này? Tại sao họ lại cần? Họ có thể tiếp cận nó bằng cách nào? Họ có thể làm gì với nó? Làm thế nào để biết thông tin này là thật?
Trong khi đó, ông Trần Vũ Nguyên cũng nhìn nhận, có một trường phái ngày càng có nhiều người theo đuổi công nghệ vị nhân sinh, tức là sử dụng công nghệ để phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của con người. Các công cụ AI, nhất là AI tạo sinh, hiện đang được ứng dụng phổ biến trong lĩnh vực báo chí - truyền thông để sản xuất nội dung, kiểm tra tính xác thực của nội dung video, hình ảnh.
Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus cho biết nhà báo hiện nay có thể dùng công cụ AI để tìm kiếm thông tin và nhận kết quả thay vì tìm kiếm bằng Google.
Ông Nguyễn Hoàng Nhật cũng bày tỏ quan điểm thay vì đổ lỗi cho Facebook, Google lấy hết quảng cáo của báo chí khiến cho báo chí gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì có thể thấy rằng Google mang lại rất nhiều công cụ hữu ích cho các cơ quan báo chí.
"Cơ quan báo chí biết tận dụng các công cụ công nghệ thì có thể vượt lên dẫn đầu trong cuộc đua. Nhiều cơ quan báo chí đã biết cách đa dạng hoá nguồn thu và tìm ra những nguồn thu mới nhờ công nghệ. AI là công nghệ cần khai thác và có thể giúp cho cơ quan báo chí đa dạng nguồn thu.
AI làm cho mọi việc trở nên dễ dàng hơn so với trước như có thể tạo ra những sản phẩm nội dung số nhờ AI. AI mang lại nhiều cơ hội hơn rất là nhiều so với việc lấy đi cơ hội việc làm”, ông Nguyễn Hoàng Nhật cho biết.
Phó Tổng Biên tập VietnamPlus cũng cho rằng báo chí là một mô hình kinh doanh và AI đang tạo thêm những cơ hội như việc VietnamPlus dự kiến tổ chức một tọa đàm về sốt xuất huyết. “Do xuất phát điểm của báo là không mạnh về tổ chức các sự kiện nhưng nhờ trợ lý AI mà có thể nắm được các khâu lập kế hoạch truyền thông”.
Trước xu hướng công nghệ tiến bộ không ngừng, AI luôn có bước đột phá nhanh và chuyển đổi số (CĐS) báo chí là điều không thể đảo ngược, Phó Tổng Biên tập Nguyễn Hoàng Nhật chia sẻ một trong những trụ cột CĐS của VietnamPlus là khâu đào tạo, học tập kỹ năng mới phải là việc thường xuyên và liên tục.
Chính vì vậy, toàn bộ phóng viên, biên tập viên (PV, BTV) của báo phải thường xuyên trau dồi kiến thức mới, nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau. Hiện, toà soạn đã có nhiều PV ý thức được học tập kỹ năng mới, kể cả khi chưa tổ chức được một khoá đào tạo nào về AI thì các PV, BTV đã tự tìm các khoá đào tạo về AI từ bên ngoài.
“Các nhà báo phải chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Nếu một nhà báo chưa phải là chuyên gia và một nhà báo khác cùng xuất phát điểm mà biết sử dụng AI, biết cách ra câu lệnh thì nhà báo đó có thể trở thành chuyên gia. Nếu nhà báo tự học và nắm bắt được các kỹ năng mới thì sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho giai đoạn sau này khi phải cạnh tranh với những yếu tố mới như là yếu tố AI”, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật cho hay./.