Truyền thông

Ứng dụng AI vào nghiên cứu và tiếp cận công chúng trong báo chí truyền thông

Trường Thanh 08:20 24/02/2024

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào nghiên cứu và tiếp cận công chúng trong các cơ quan báo chí có thể mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, điều quan trọng là triển khai và quản lý AI một cách thận trọng, tuân thủ pháp luật và đạo đức, tập trung vào mục tiêu cụ thể của từng cơ quan báo chí.

ai-va-bao-chi.jpeg

AI đem đến cho công chúng những trải nghiệm báo chí độc đáo và thú vị

Chiến lược chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2030 và Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành và từng bước thực hiện cho thấy đã trở thành tất yếu, không chỉ đơn thuần là một lựa chọn. Đặc biệt, đối với các cơ quan báo chí, CĐS không chỉ là một cơ hội mà còn là một nhiệm vụ đầy thách thức. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ để thay đổi cách thức làm báo, tiệp cận công chúng là một đòi hỏi thiết thực.

Trong bối cảnh xã hội thông tin tạo nhiều cơ hội cho công chúng lựa chọn tiếp cận nguồn thông tin đa dạng và phong phú, đồng thời tạo nên những thách thức với các cơ quan báo chí trong nghiên cứu và tiếp cận công chúng. Ngoài những phương pháp nghiên cứu và tiếp cận công chúng báo chí truyền thống thì ứng dụng AI cũng là một lựa chọn hiệu quả và không thể thiếu hiện nay.

TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (AJC) cho biết: Trong lĩnh vực báo chí, AI đã thay đổi cách mà các cơ quan báo chí truyền thông tiếp cận công chúng và thực hiện nghiên cứu công chúng. Trong bối cảnh CĐS hiện nay, AI đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp giải pháp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dùng thông tin và cải thiện hiệu suất trong công việc nghiên cứu và xuất bản thông tin.

Các ứng dụng nghiên cứu công chúng sử dụng AI có thể giúp tối ưu hóa quá trình sản xuất nội dung, tăng cường tương tác với công chúng và cải thiện hiệu suất toàn diện tại các cơ quan báo chí trên các nền tảng số.

“Có thể tận dụng thế mạnh của AI, sức mạnh của công nghệ với các phương pháp nghiên cứu và tiếp cận công chúng truyền thống nhằm đem đến cho công chúng những trải nghiệm báo chí độc đáo và thú vị”, TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh chia sẻ.

PGS. TS. Đinh Thị Thu Hằng, Trưởng Khoa Phát thanh - Truyền hình - AJC nhấn mạnh: Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với sự lên ngôi của các hệ thống thông minh, trong đó có AI đang mang đến những cơ hội và thách thức đối với hoạt động sáng tạo nội dung báo chí và truyền thông. Công nghệ không chỉ tác động đến cách thức báo chí, truyền thông truyền đi thông điệp của mình, chi phối, tác động đến cách thức và hiệu quả tiếp cận của công chúng, mà còn tác động sâu sắc đến chất lượng thông tin.

Phương án nghiên cứu và tiếp cận công chúng sử dụng AI

TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh chỉ ra một số phương án nghiên cứu và tiếp cận công chúng sử dụng AI như: Phân tích tương tác công chúng; Gợi ý nội dung sử dụng học máy; Soạn bài viết với sự hỗ trợ của AI; Phân tích tương tác trên mạng xã hội (MXH); Tạo nội dung đa phương tiện; Phân tích trích xuất thông tin; Tạo chatbot để hỗ trợ công chúng.

Phân tích tương tác công chúng: Phương pháp này sử dụng AI để phân tích các yếu tố tương tác như số lượng lượt xem, lượt chia sẻ và bình luận trên các bài viết.

Kết quả phân tích giúp tòa soạn hiểu rõ hơn về sự quan tâm của công chúng và định hình chiến lược sản xuất nội dung dựa trên dữ liệu kết quả phân tích ấy. Điều này không chỉ giúp hiểu rõ hơn về sự quan tâm của công chúng, mà còn định hình chiến lược sản xuất nội dung dựa trên dữ liệu thực tế.

Gợi ý nội dung sử dụng học máy: Phương án này phát triển hệ thống gợi ý nội dung dựa trên học máy và sử dụng dữ liệu lịch sử của công chúng để tạo nội dung cá nhân hóa và thú vị hơn. Hệ thống gợi ý nội dung dựa trên học máy có thể giúp tạo ra trải nghiệm đọc riêng biệt và nâng cao sự tương tác của công chúng.

Soạn bài viết với sự hỗ trợ của AI: Sử dụng công cụ soạn thảo dựa trên AI để tạo ra bài viết một cách hiệu quả và sáng tạo. Việc này có thể tối ưu hóa quá trình soạn thảo và bảo đảm chất lượng nội dung.

Phân tích tương tác trên MXH: Theo dõi hoạt động trên các MXH sử dụng AI là một công cụ mạnh mẽ để đo lường hiệu quả của chiến dịch truyền thông.

Tạo nội dung đa phương tiện: AI đang thay đổi cách tạo nội dung đa phương tiện một cách đáng kể. Có thể sử dụng AI để tạo nội dung đa phương tiện như video, podcast hoặc hình ảnh động. Điều này mở rộng phạm vi sản xuất nội dung và thu hút một khối lượng công chúng đa dạng hơn.

Phân tích trích xuất thông tin: Sử dụng kỹ thuật trích xuất thông tin từ văn bản tự động có thể giúp nhanh chóng cập nhật tin tức và tạo bài viết về các sự kiện quan trọng.

Tạo Chatbot để hỗ trợ công chúng: Việc phát triển một chatbot dựa trên AI để hỗ trợ trực tuyến cho công chúng, trả lời câu hỏi cơ bản, và hướng dẫn công chúng đến nội dung phù hợp.

ai-va-bao-chi.png

Một số khuyến nghị

TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh nhấn mạnh, sử dụng AI trong quản lý và điều hành cơ quan báo chí có thể mang lại hiệu quả cao, giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất nội dung, cải thiện tương tác với độc giả và tối ưu hóa phân phối nội dung.

Tuy nhiên, để có thể ứng dụng AI vào nghiên cứu và tiếp cận công chúng trong bối cảnh CĐS, theo TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh, cần tính và cân nhắc đến việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bao gồm việc bảo đảm có đủ tài nguyên phần cứng và phần mềm cũng như đào tạo nhân viên sử dụng AI.

Đồng thời, xây dựng một hệ thống thu thập dữ liệu tin cậy và liên tục để cung cấp dữ liệu đầu vào cho các dự án AI; Đặt ra mục tiêu cụ thể và rõ ràng cho việc sử dụng AI trong quản lý báo chí; Cân nhắc các mục tiêu như tối ưu hóa quy trình sản xuất nội dung, cải thiện tương tác với độc giả, hoặc tối ưu hóa phân phối nội dung.

Cùng với đó, hợp tác với chuyên gia AI hoặc công ty chuyên cung cấp dịch vụ AI để bảo đảm triển khai và sử dụng AI một cách hiệu quả. Các chuyên gia có thể giúp vận hành các mô hình AI và tối ưu hóa chúng cho nhu cầu cụ thể của cơ quan báo chí; Thiết lập một quy trình đánh giá và kiểm tra liên tục hiệu suất của dự án AI.

Hơn thế nữa, các cơ quan báo chí phải chấp nhận sự thay đổi và đào tạo nguồn nhân lực. Việc áp dụng AI có thể thay đổi cách làm việc trong cơ quan báo chí. Bảo đảm cán bộ, phóng viên, nhà báo, đội ngũ biên tập, kỹ thuật viên... được đào tạo và sẵn sàng chấp nhận các thay đổi cũng như tạo ra môi trường thúc đẩy sự học hỏi và thích nghi.

Đặc biệt, sử dụng AI phải bảo đảm tuân thủ pháp luật và đạo đức. Luôn tuân thủ các quy định pháp luật và đạo đức trong việc thu thập, xử lý và sử dụng dữ liệu AI. Điều này bảo đảm tính chính xác và đạo đức trong mọi hoạt động.

“Ứng dụng AI vào nghiên cứu và tiếp cận công chúng trong các cơ quan báo chí có thể mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, điều quan trọng là triển khai và quản lý AI một cách thận trọng, tuân thủ pháp luật và đạo đức, tập trung vào mục tiêu cụ thể của từng cơ quan báo chí. Điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng và hiệu suất của các cơ quan báo chí trong thời đại số hóa”, TS. Nguyễn Thị Tuyết Minh chia sẻ.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Tài liệu Hội thảo báo chí quốc tế “Quản trị tòa soạn báo chí số: Lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm tại khu vực ASEAN”

[2]. http://lyluanchinhtri.vn/home/...

[3]. https://nguoilambao.vn/ung-dun...

Bài liên quan
  • Xu hướng phát triển của podcast trong bối cảnh chuyển đổi số báo chí
    Trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS) mạnh mẽ hiện nay, các phương tiện truyền thông mới ra đời và khẳng định sự phát triển vượt trội của mình. Cùng với các phương tiện truyền thông truyền thống và hiện đại, podcast nổi lên như một xu hướng phát triển phù hợp với sự tiếp nhận thông tin của công chúng.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng AI vào nghiên cứu và tiếp cận công chúng trong báo chí truyền thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO