Ứng dụng công nghệ cải tiến là cần thiết để phục hồi du lịch

Nguyễn Khiêm| 02/02/2021 09:09
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo đại diện Google, Covid-19 đã thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) diễn ra nhanh hơn bao giờ hết và ngành du lịch cần ứng dụng công nghệ để mở rộng kinh doanh, tiếp cận khách hàng tiềm năng trên môi trường Internet nhằm nhanh chóng hồi phục sau đại dịch.

Giải pháp độc đáo giới thiệu cảnh đẹp Việt Nam trong dịch Covid-19

Cuối tháng 1/2021, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Google tổ chức sự kiện ra mắt Dự án "Google Arts and Culture - Kỳ quan Việt Nam". Dự án này được thực hiện nhằm chung tay phục hồi du lịch Việt Nam do ảnh hưởng của Covid-19.

Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, dự án quảng bá "Google Arts and Culture - Kỳ quan Việt Nam" do Tổng cục Du lịch và Tập đoàn Google phối hợp thực hiện, có sự hỗ trợ của các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Công ty Oxalis Adventure và nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt - người từng đạt nhiều giải thưởng do Tạp chí danh tiếng National Geographic bình chọn.

Chia sẻ về dự án, bà Hà Lâm Tú Quỳnh, Giám đốc Truyền thông và Quan hệ công chúng phụ trách Việt Nam tại Google cho biết, dự án bắt đầu từ năm 2019 trước khi đại dịch Covid-19 và thuộc chuỗi hoạt động hỗ trợ ngành du lịch Việt Nam của Google.

Để phục hồi, ngành Du lịch cần ứng dụng công nghệ và tiếp cận khách hàng trên môi trường Internet - Ảnh 1.

Bà Hà Lâm Tú Quỳnh: Ngành du lịch cần ứng dụng công nghệ , tiếp cận khách hàng tiềm năng trên môi trường Internet để có thể nhanh chóng hồi phục sau đại dịch.

Cụ thể, năm 2019, dự án bắt đầu với việc xây dựng chủ đề nội dung đồ sộ cho Kỳ quan Việt Nam, bao gồm hình ảnh và video với sự đóng góp nội dung từ nhiều tổ chức như Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế. Dự án cũng có sự đồng hành của nhiếp ảnh gia đoạt giải thưởng của National Geographic Trần Tuấn Việt, người thực hiện hơn 1.000 ảnh chụp trong hơn một tháng tại các tỉnh miền Trung.

Song song đó, Google đã tổ chức chương trình Google Adventure Vietnam với mục đích quảng bá danh thắng Việt Nam đến với thế giới qua các "đại sứ du lịch trực tuyến" là những nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng trên YouTube trong nước và quốc tế như Philippines, Đài Loan, Đức, Hàn Quốc cùng đến và trải nghiệm nhiều danh thắng như Hội An, khám phá hang động ở Quảng Bình, tận hưởng biển đẹp đẽ ở Đà Nẵng...

Dự án Kỳ quan Việt Nam góp phần mang đến những góc nhìn phong phú về Việt Nam từ kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ, nghệ thuật trình diễn đặc sắc, lễ hội truyền thống đến ẩm thực đất Việt…

"Dĩ nhiên không gì có thể so sánh được với việc tận mắt, tận tay có những trải nghiệm thực tế nhưng đây là giải pháp thực tế, độc đáo khi ngành du lịch vẫn còn bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19", bà Quỳnh chia sẻ thêm.

Cũng theo bà Quỳnh, các triển lãm của Dự án Kỳ quan Việt Nam có những tính năng tương tác cho phép du khách trải nghiệm các kỳ quan, nét văn hóa của Việt Nam theo cách mới mẻ, chẳng hạn chức năng bộ lọc màu giúp người dùng được chứng kiến những nội dung theo các chủ đề màu sắc sống động, chân thực. Chế độ xem từ trên không đưa đến những khung hình mới lạ và phần đố vui giúp người dùng có cơ hội ôn lại, tìm hiểu thêm về các kiến thức liên quan.

Nội dung các triển lãm Kỳ quan Việt Nam được giới thiệu qua tiếng Việt và tiếng Anh nhằm cung cấp thông tin không chỉ cho người mê du lịch trong nước mà còn mọi người trên thế giới. Dự án được Google quảng bá qua nhiều kênh quốc tế, từ mục "Đặc biệt" trên website Google Arts & Culture cho đến các kênh mạng xã hội và YouTube, lan tỏa qua những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Để phục hồi, ngành Du lịch cần ứng dụng công nghệ và tiếp cận khách hàng trên môi trường Internet - Ảnh 2.

Đồng lòng mong muốn góp sức cho ngành du lịch Việt Nam

Chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện dự án, Giám đốc Truyền thông của Google tại Việt Nam cho rằng, Google đã phải đối mặt với khó khăn ngay từ lúc lên ý tưởng của dự án tổng thể, đến những trở ngại cho các khâu triển khai tại các tỉnh vì đây là dự án quy mô đầu tiên của Google đối với ngành du lịch Việt Nam.

Tuy vậy, Google may mắn có được sự ủng hộ và đồng hành của những đối tác như Tổng cục Du lịch Việt Nam, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình và các sở ban ngành địa phương, nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt và công ty Oxalis Adventure đã giúp biến ý tưởng thành hiện thực cũng như được thực hiện thuận lợi hơn. Bên cạnh đó là việc đưa một lượng dữ liệu đồ sộ lên Google Arts & Culture bao gồm hình ảnh, video và nội dung thông tin chi tiết của từng ảnh, địa điểm, địa danh hay các câu chuyện. Các đội nhóm của Google đã cùng hợp tác với nhau để Kỳ quan Việt Nam thành hình và tỏa sáng.

"Tôi nghĩ rằng các tổ chức và công ty đều đồng lòng mong muốn góp sức cho ngành du lịch Việt Nam phát triển, đặc biệt là hồi phục trở lại từ những thiệt hại nặng nề từ đại dịch Covid-19 và thiên tai lũ lụt trong năm 2020", bà Quỳnh nói.

Về kỷ niệm đáng nhớ nhất của dự án, bà Quỳnh cho rằng, đó là sự kỳ vĩ đến thảng thốt khi trải nghiệm thực tế các hang động tại "Vùng đất của những hang động" tại Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) của những nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng trên YouTube và người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, hay bất ngờ bởi những món ăn địa phương tuyệt vời tại phố cổ Hội An.

"Những biểu cảm của họ và niềm vui được trải nghiệm mà họ chia sẻ là những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình thực hiện Kỳ quan Việt Nam", bà Quỳnh khẳng định.

Hang Sơn Đoòng cũng là địa danh mà đội ngũ thực hiện ấn tượng nhất. Vẻ đẹp tự nhiên choáng ngợp, sự kỳ vĩ của tạo hoá, những thử thách mạo hiểm cùng đem đến trải nghiệm tuyệt vời và cả những điều thú vị ẩn giấu còn chưa được khám phá. Đó là tất cả những ấn tượng mà du lịch Việt Nam có thể mang lại cho du khách.

Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới, theo bà Quỳnh, Google hy vọng sau thành công của dự án này, có thể triển khai nhiều dự án hơn, kết hợp với các sở du lịch ở các tỉnh để làm ở miền Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long.

Để phục hồi, ngành Du lịch cần ứng dụng công nghệ và tiếp cận khách hàng trên môi trường Internet - Ảnh 3.

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đang xem video các địa danh cùng âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Phối hợp Tổng cục Du lịch đẩy mạnh phục hồi du lịch Việt Nam

Đại diện Google khẳng định, dự án Kỳ quan Việt Nam là một trong chuỗi hoạt động hỗ trợ du lịch Việt Nam của Google. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng nề đến ngành du lịch, vào tháng 7/2020, Google đã phối hợp cùng Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh để tổ chức buổi đào tạo kỹ năng kỹ thuật số và quảng bá tiếp thị số cho các cán bộ quản lý nhà nước về du lịch, cùng hơn 300 doanh nghiệp (DN) du lịch và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nhằm tạo sự hiện diện của DN trên môi trường số, mở rộng những cơ hội tiếp cận và thu hút khách hàng từ mạng Internet, thúc đẩy du lịch nội địa trong giai đoạn bình thường mới sau thời gian giãn cách do đại dịch Covid-19.

Hay vào tháng 12/2020 vừa qua, Google giới thiệu công cụ Travel Insights with Google cung cấp dữ liệu và thông tin chuyên sâu về ngành du lịch hướng tới mục tiêu giúp các công ty lữ hành nói riêng và ngành du lịch nói chung, hiểu rõ hơn về nhu cầu du lịch bị dồn nén trong thời gian qua. Từ đó tận dụng dữ liệu để lập kế hoạch cho con đường phục hồi phía trước của ngành Du lịch.

Ngoài ra, tháng 3/2020, Google Doodle bánh mì đã xuất hiện trên trang chủ Google không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia khác, quảng bá hình ảnh món ăn đường phố đặc trưng của người dân Việt đến với cộng đồng thế giới. Sự kiện gặt hái thành công với sự ủng hộ từ Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cùng lan tỏa mạnh mẽ của truyền thông.

Về vấn đề CĐS cho ngành Du lịch Việt Nam, theo bà Quỳnh, CĐS là việc phải làm không chỉ ở lĩnh vực du lịch, Covid-19 đã thúc đẩy CĐS diễn ra nhanh hơn bao giờ hết. "Ứng dụng công nghệ cải tiến và tối ưu hóa các quy trình bên trong và bên ngoài, mở rộng kinh doanh tiếp cận khách hàng tiềm năng trên môi trường trực tuyến là điều cần kíp cho DN du lịch, lữ hành để có thể hồi phục sau đại dịch", bà Quỳnh nói.

Theo Báo cáo Kinh tế số năm 2020 của Google và Temasek vừa công bố đã cho thấy có đến 76% người dân Việt Nam muốn đi du lịch ngay khi có thể, đây là số liệu cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Các DN du lịch và lữ hành cần hiểu rõ các xu hướng này để khai thác, tạo ra sự tăng trưởng, cũng như khai thác thông tin từ công cụ Travel Insights của Google, nắm bắt các kỹ năng kỹ thuật số như định vị DN của mình trên mạng. Đồng thời vận dụng quảng bá tiếp thị số qua YouTube hay mạng xã hội, khơi gợi cảm xúc với các người dùng trẻ thường tò mò và hứng khởi với những trải nghiệm mới

"Dựa trên những hứng khởi đó thôi thúc họ lên kế hoạch để có những trải nghiệm sờ tận tay, thấy tận mắt. Quảng bá khơi gợi niềm cảm hứng sẽ giúp thu hút những đối tượng khách hàng mới vốn ưa thích du lịch và trải nghiệm", bà Quỳnh kết luận.

Để phục hồi, ngành Du lịch cần ứng dụng công nghệ và tiếp cận khách hàng trên môi trường Internet - Ảnh 4.

Hang Sơn Đoòng là địa danh mà đội ngũ thực hiện dự án Kỳ quan Việt Nam ấn tượng nhất.

Google Arts & Culture là một sáng kiến phi lợi nhuận của Google, chuyên hợp tác cùng các tổ chức văn hóa và nghệ sĩ toàn cầu với mục tiêu bảo tồn và mang các nền văn hóa trên thế giới lên trực tuyến, để mọi người có thể tiếp cận và trải nghiệm ở mọi lúc, mọi nơi.

Hiện Google Arts & Culture có hơn 2.000 đối tác toàn cầu với 12.415 triển lãm trực tuyến, mang đến những công nghệ mới nhất để người dùng có thể trải nghiệm các tác phẩm nghệ thuật với độ phân giải cao hoặc tham gia các tour tham quan ảo ở những bảo tàng nổi tiếng thế giới.

Thông qua Google Arts & Culture, những nội dung tuyệt vời của 35 triển lãm trong Kỳ quan Việt Nam với các danh thắng tự nhiên độc đáo, văn hóa nghệ thuật, cùng ẩm thực đa dạng của Việt Nam có thể đến với mọi người trên thế giới.

Khám phá Kỳ quan của Việt Nam trên Google Arts & Culture hoặc sử dụng ứng dụng trên iOS/ Android với từ khóa "Wonders of Vietnam".


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Quản lý tài nguyên Internet tại Việt Nam tạo môi trường kinh doanh bình đẳng
    Theo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Bộ TT&TT, các quy định về quản lý tài nguyên Internet tại Nghị định số 147/2024/NĐ-CP là hành lang pháp lý hiệu quả để hiện thực hóa nhiều mục tiêu, trong đó thiết lập môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và ngăn chặn các hành vi lợi dụng hoạt động, dịch vụ trên Internet để thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật.
  • Hà Nội triển khai 3 giai đoạn để giao thông thông minh
    Theo đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hệ thống giao thông thông minh tạo ra nguồn dữ liệu số mới từ việc đi lại của người dân, phương tiện giao thông... để doanh nghiệp phát triển sản phẩm mới gia tăng giá trị.
  • Người dùng yêu cầu cao hơn về bảo mật dữ liệu cá nhân
    Khảo sát “Quyền riêng tư của người tiêu dùng năm 2024” của Cisco cho thấy người dùng đã nhận thức cao hơn về rủi ro trong việc chia sẻ dữ liệu cá nhân, sự ủng hộ đối với các quy định thận trọng và hiểu biết sâu sắc hơn về việc xây dựng lòng tin trong thế giới số.
  • ‏FPT và SDEC hợp tác thúc đẩy kinh tế số tại Malaysia‏
    FPT và Tập đoàn Kinh tế Số Sarawak (SDEC), một doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước Malaysia, đã ký kết Biên bản ghi nhớ nhằm thúc đẩy bang Sarawak trở thành nền kinh tế số hàng đầu khu vực. ‏
  • GELEX xây dựng thương hiệu thông qua các hoạt động CSR
    Các hoạt động CSR của GELEX được thực hiện bền bỉ trong nhiều năm qua, trở thành yếu tố cốt lõi trong việc xây dựng thương hiệu bền vững.
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ cải tiến là cần thiết để phục hồi du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO