Ứng dụng công nghệ giúp các quốc gia Đông Nam Á hiện đại hoá công tác quản lý thuế

Ngọc Diệp| 21/03/2022 22:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sẽ giúp hiện đại hóa, số hóa công tác quản lý thuế nhà nước, đồng thời tránh việc trục lợi trong quản lý thuế và giúp quản lý thuế chặt chẽ hơn.

Theo Nikkei Asia, các nước Đông Nam Á dường như sẵn sàng để tiếp tục phục hồi trong năm 2022, với xuất khẩu tăng nhanh thúc đẩy sự phục hồi sau khi khu vực trải qua những tác động của đại dịch COVID-19..

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực này sẽ tăng 5,1% trong năm nay. Con số này cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng ước khoảng 3% trong năm 2021, khi dịch COVID-19 khiến nhiều nhà máy trong khu vực phải đóng cửa trong mùa hè.

Tuy nhiên, kinh phí cho các nỗ lực phục hồi là rất lớn và sự phục hồi của khu vực có thể sẽ thay đổi nếu biến thể Omicron tiếp tục lan rộng. Vì vậy, các quốc gia cần tăng cường ngân sách nhà nước để đảm bảo có đủ nguồn lực để khôi phục kinh tế.

Nhằm huy động hiệu quả hơn các nguồn lực, các cơ quan thuế ở các quốc gia Đông Nam Á cần ứng dụng công nghệ để cải thiện dịch vụ và nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế nói chung và các doanh nghiệp (DN) nói riêng. Việc triển khai các công nghệ số có thể giúp cơ quan thuế giảm chi phí, tăng cường tính minh bạch và loại bỏ một số rào cản đối với những người nộp thuế. Việc nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế cũng đồng nghĩa với việc nhiều cá nhân và DN tham gia vào hệ thống thuế hơn, do đó tăng cường nguồn thu ngân sách cho nhà nước.

Hiện đại hóa công tác quản lý thuế

Theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, các quốc gia Đông Nam Á gặp rất nhiều thách thức trong việc cải thiện việc thu thuế cũng như đấu tranh chống gian lận, thất thoát thuế. Hầu hết các quốc gia đều không đạt được mức tổng thu từ thuế đạt 15% GDP - đây là mức được coi là tối thiểu cần thiết để phát triển bền vững.

Việc quản lý thuế khu vực phi chính thức tại Đông Nam Á cũng còn nhiều hạn chế, trong khi khu vực này có tỷ trọng tương đối lớn trong nền kinh tế, chiếm 43% GDP ở Thái Lan, 35% ở Campuchia, 28% ở Philippines, 25% ở Lào và 23% tại Indonesia.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ đang từng bước giúp hiện đại hóa công tác quản lý thuế, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý cũng như nâng cao chất lượng phục vụ tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, DN thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với ngân sách nhà nước. Chuyển đổi sang hệ thống thuế trực tuyến giúp đơn giản hóa việc khai thuế, dễ dàng quy trình nộp thuế và tăng cường giao tiếp với người nộp thuế.

Một báo cáo năm 2020 từ công ty tài chính PwC và Ngân hàng thế giới (WB) cho thấy châu Á - Thái Bình Dương là một trong những khu vực tích cực nhất trong việc triển khai các nền tảng kê khai và nộp thuế trực tuyến, giúp đơn giản hóa và cải thiện công tác quản lý thuế cũng như tính tuân thủ của người nộp thuế. Việc truy cập Internet tốt hơn đã cho phép các quốc gia cung cấp dịch vụ thuế trực tuyến, thậm chí một số quốc gia còn triển khai ứng dụng di động để phục vụ người nộp thuế tốt hơn.

Trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan có hệ thống nộp hồ sơ thuế điện tử tiên tiến nhất. Malaysia đã bắt buộc các DN phải nộp hồ sơ thuế điện tử, 97% tờ khai thuế cá nhân cũng được nộp bằng phương thức điện tử. Tại Thái Lan, 40% tờ khai thuế thu nhập DN và 77% tờ khai thuế thu nhập cá nhân hiện được nộp dưới dạng điện tử. Trong khi, hệ thống nộp hồ sơ khai thuế điện tử của Campuchia cũng đã hoạt động vào năm ngoái.

Tại Việt Nam, sáng 21/3, Tổng cục Thuế đã ra mắt Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài và triển khai ứng dụng Etax Mobile.

Ứng dụng công nghệ giúp các quốc gia Đông Nam Á hiện đại hoá công tác quản lý thuế - Ảnh 1.

Các đại biểu thực hiện nghi lễ kích hoạt chính thức vận hành Cổng TTĐT và ứng dụng eTax Mobile - Ảnh: VGP/Thùy Dung

Theo Tổng cục Thuế, thông qua cổng thông tin điện tử http://etaxvn.gdt.gov.vn, nhà cung cấp nước ngoài có thể đăng nhập và kê khai thuế nộp thuế ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần có địa chỉ email và thiết bị như máy tính, điện thoại có kết nối Internet. Sau khi kê khai thuế hoàn tất, người nộp thuế sẽ nhận được email xác nhận nộp tờ khai, hướng dẫn nộp thuế với mức thuế và số tiền thuế phải nộp.

Với đặc thù của các nhà cung cấp ở nước ngoài là không có cơ sở thường trú ở Việt Nam, các hoạt động kinh doanh chủ yếu thông qua môi trường số và trên các ứng dụng Internet... Do đó các hình thức đăng ký, kê khai, nộp thuế truyền thống như trước đây sẽ không còn phù hợp và khó thực hiện. 

Để đáp ứng tốt tình hình mới, nâng cao hiệu quả quản lý thuế cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các nhà cung cấp nước ngoài thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với ngân sách Nhà nước Việt Nam trong quá trình kinh doanh, Tổng cục Thuế đã chủ động nghiên cứu, xây dựng cổng thông tin dành riêng cho nhà cung cấp nước ngoài. Đây không chỉ là địa chỉ để nhà cung cấp nước ngoài thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế mà còn là nơi họ có thể tra cứu thông tin, tìm hiểu về hệ thống chính sách pháp luật thuế và các chính sách pháp luật liên quan tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng đã chủ động nghiên cứu, mở rộng các hình thức hỗ trợ cho người nộp thuế, đặc biệt là các cá nhân, hộ kinh doanh, nhằm hỗ trợ tối đa, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho họ dễ dàng tra cứu, tiếp cận đầy đủ thông tin về chính sách pháp luật thuế, nghĩa vụ thuế phải thực hiện của mình và thực hiện nộp thuế một cách đơn giản, dễ dàng và thuận tiện nhất với ứng dụng eTax Mobile.

Việc ngành thuế mở rộng thêm các kênh giao tiếp nhằm hỗ trợ tra cứu thông tin nghĩa vụ thuế, khai thuế, nộp thuế mọi lúc, mọi nơi không những tạo thuận lợi cho người dân mà còn góp phần hạn chế tiếp xúc xã hội trong bối cảnh dịch bệnh và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý thuế

Ngoài hệ thống kê khai và nộp thuế điện tử, các cơ quan thuế hiện cũng đang khám phá các công nghệ mới như dữ liệu lớn, blockchain, sinh trắc học và AI để cải thiện công tác quản lý thuế, cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người nộp thuế và kiểm tra, giám sát việc thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế tốt hơn để bảo đảm tính tuân thủ pháp luật và sự công bằng, minh bạch trong việc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.

Từ năm 2014, Cơ quan Doanh thu nội địa Singapore đã bắt đầu sử dụng các kỹ thuật khai thác văn bản để phân tích e-mail của người đóng thuế nhằm hiểu rõ hơn về mối quan tâm của người dân đối với các quy định pháp luật về thuế. Dữ liệu này đã giúp cơ quan thuế xác định các mối quan tâm cần ưu tiên, cho phép cơ quan thuế cung cấp những hướng dẫn cần thiết tốt hơn cho người nộp thuế.

Năm 2020, để thu hút khách du lịch nước ngoài, Thái Lan cũng ra mắt ứng dụng di động cho phép khách du lịch yêu cầu hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Hệ thống sử dụng công nghệ blockchain để ghi lại và giám sát các yêu cầu và mua sắm, do đó chi tiết các khoản mua sắm của họ sẽ được chia sẻ ngay lập tức với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan khi các cửa hàng nạp dữ liệu vào hệ thống. Nhờ vậy, công nghệ blockchain có thể rút ngắn quá trình xác nhận giấy tờ, giúp tiết kiệm 10 triệu tờ giấy/năm, giảm bớt chi phí quản lý tiền mặt và loại bỏ tắc nghẽn tại các quầy hoàn thuế VAT.

Ngoài ra, Cục Doanh thu Thái Lan còn triển khai hệ thống phân tích dữ liệu để tăng tốc độ xử lý các khoản hoàn thuế cho người nộp thuế thu nhập cá nhân và DN trong nước./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ giúp các quốc gia Đông Nam Á hiện đại hoá công tác quản lý thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO