Ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy hiện đại hóa lĩnh vực Hải quan
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, khối lượng công việc của Tổng cục Hải quan đã tăng lên một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, các thủ tục vẫn được tiến hành thuận lợi, liên tục và nhanh chóng, nhờ ứng dụng các công nghệ số.
Nỗ lực đơn giản hóa và tự động hóa quy trình Hải quan
Cải cách hành chính đã trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ trong những năm qua, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh, đẩy mạnh sự phát triển kinh tế và tạo sự minh bạch trong quản lý công quyền. Lĩnh vực Hải quan, với vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế, cũng đã thực hiện nhiều biện pháp cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu quả và đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế hiện đại.
Trong những năm qua, Hải quan Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng chú ý trong nỗ lực đơn giản hóa và tự động hóa quy trình hải quan. Đơn cử như việc áp dụng hệ thống thông tin hải quan tự động và kết nối điện tử đã giảm bớt thời gian và công sức cần thiết cho các thủ tục Hải quan. Điều này giúp tăng cường tính minh bạch và giảm rủi ro trong hoạt động hải quan, đồng thời giảm bớt thủ tục giấy tờ và hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp và cán bộ hải quan.
Cùng với sự phát triển nhanh của kinh tế đất nước, khối lượng công việc của Tổng cục Hải quan đã tăng lên một cách nhanh chóng. Theo chia sẻ của Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan), ông Lê Đức Thành, số lượng tờ khai xuất nhập khẩu trung bình mỗi năm tăng 22%. Cái khó hơn nữa của cơ quan hải quan là số lượng cán bộ, công chức lại giảm từ 1,5-1,7% mỗi năm. Tuy nhiên, các thủ tục hải quan của doanh nghiệp vẫn được tiến hành thuận lợi, liên tục và nhanh chóng, nhờ ứng dụng các công nghệ số.
Cụ thể, các thủ tục hải quan đã được thực hiện hoàn toàn bằng phương thức điện tử (E-Declaration). Nhờ đó, cơ quan hải quan đã tự động hóa 100% thủ tục hải quan cơ bản. Có 100% Cục Hải quan, Chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% doanh nghiệp tham gia.
Đầu tư vào các hệ thống kết nối điện tử, tăng cường hợp tác với các bên
Để đạt được những tiến bộ và phát triển bền vững trong cải cách hành chính lĩnh vực Hải quan, Hải quan Việt Nam đã đặt ra một số định hướng quan trọng.
Chẳng hạn, cơ quan hải quan quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh việc đơn giản hóa và tự động hóa quy trình hải quan. Việc sử dụng công nghệ thông tin và viễn thông sẽ giúp tăng cường tính minh bạch, giảm thiểu thủ tục giấy tờ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Hải quan Việt Nam đã tiếp tục đầu tư vào hệ thống thông tin hải quan tự động và kết nối điện tử, đồng thời tăng cường hợp tác với các bên liên quan để đảm bảo tính nhất quán và hiệu quả của quy trình hải quan.
Về vấn đề này, Hải quan Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ hệ thống thanh toán điện tử (E-payment). Từ năm 2012, cơ quan hải quan đã kết nối với các hệ thống công nghệ thông tin của các ngân hàng thương mại và Kho bạc Nhà nước để thực hiện thanh toán điện tử. Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 được triển khai từ năm 2017. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể nộp tiền thuế vào mọi lúc, mọi nơi, trên mọi phương tiện kết nối internet.
Hệ thống điện tử cũng giúp đảm bảo thông tin nộp tiền và thanh khoản thuế kịp thời, chính xác. Mặt khác, thời gian, thủ tục nộp thuế cũng được rút ngắn, hàng hóa thông quan ngay sau khi nộp thuế. Số thu ngân sách bằng phương thức điện tử đã đạt 98,4% tổng số thu ngân sách của Tổng cục Hải quan.
Trên thực tế, ngành Hải quan đã tập trung triển khai các ứng dụng công nghệ số một cách toàn diện. Tất cả các công tác nghiệp vụ như giám sát quản lý về hải quan; Quản lý thu thuế xuất nhập khẩu; Quản lý giá tính thuế; Quản lý rủi ro; Kiểm tra sau thông quan và điều tra, chống buôn lậu, xử lý vi phạm… đều được ứng dụng công nghệ số, mang lại hiệu quả tích cực trong công tác quản lý nhà nước về hải quan.
Đặc biệt, ngành Hải quan đã áp dụng các công nghệ số trong kiểm tra, giám sát hàng hóa như sử dụng máy soi container, giám sát trực tuyến, sử dụng seal định vị điện tử trong giám sát tự động đối với hàng hóa xuất nhập khẩu vận chuyển bằng container…
Để bắt kịp với xu thế tiến bộ của công nghệ và học hỏi các tổ chức quốc tế, cơ quan hải quan cũng tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hải quan. Việt Nam đã tham gia và thúc đẩy các hiệp định và cơ chế hợp tác quốc tế về hải quan như Hiệp định Thương mại tự do, Hiệp định hợp tác hải quan, và các cơ chế về cải cách hành chính quốc tế. Điều này sẽ giúp tạo ra môi trường thuận lợi cho thương mại quốc tế, đồng thời hỗ trợ việc chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Vừa qua, Hải quan Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế thường niên lớn nhất của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), với chủ đề của năm 2023 là “Đón đầu kỷ nguyên số: Ứng dụng công nghệ, Thúc đẩy đổi mới và Nuôi dưỡng thế hệ hải quan kế cận chuyên nghiệp”. Đầu tháng 11 này, Hải quan Việt Nam và cơ quan Hải quan Hà Lan cũng đã ký Thỏa thuận triển khai thực hiện Hiệp định hợp tác cấp Nhà nước trong lĩnh vực hải quan. Văn kiện Thỏa thuận được hai bên chính thức trao tại Lễ trao các văn kiện hợp tác giữa hai nước với sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước vào ngày 02/11/2023, trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte tại Việt Nam.
Những hoạt động này cho thấy định hướng hợp tác quốc tế chặt chẽ của cơ quan hải quan trong nỗ lực phối hợp và bắt kịp với thế giới, ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa thủ tục hải quan. Bên cạnh đó, cơ quan hải quan cũng nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác giám sát và kiểm tra hải quan, đảm bảo rằng các hoạt động giám sát và kiểm tra hải quan được thực hiện một cách công bằng, minh bạch và hiệu quả. Đặc biệt, công tác hợp tác và trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước được đảm bảo để hướng tới an ninh và an toàn hải quan./.