Ứng dụng ICT cải thiện cuộc sống, hướng tới tương lai bền vững, linh hoạt hơn

TH| 29/10/2020 11:34
Theo dõi ICTVietnam trên

Công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) có vai trò quan trọng trong việc duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội, giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu.

Năm 2020, thế giới trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ khi xuất hiện đại dịch Covid-19. Những tác động, ảnh hưởng của đại dịch này có thể nhận thấy trên mọi mặt kinh tế - xã hội. Ngày càng có nhiều người học tập và làm việc tại nhà khiến các nền tảng giáo dục trực tuyến, giảng dạy cùng các cuộc họp, hội thảo trực tuyến trở thành thói quen bình thường. Một hình thức tương tác xã hội mới đã hình thành, ở đó kết nối Internet băng thông rộng cho phép nhiều hoạt động giải trí trong nhà cũng như các cuộc gặp gỡ trực tuyến với bạn bè và người thân trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Đại dịch Covid-19 đã cho thấy công nghệ số không thể thiếu đối với hoạt động của các nền kinh tế, xã hội và cuộc sống cá nhân của chúng ta. Nó cũng đã cho thấy khoảng cách số rõ ràng, cả giữa và trong chính từng nền kinh tế phát triển và đang phát triển.

Tuy vậy, thông điệp từ Phiên Hội nghị Bộ trưởng đầu tiên tại Triển lãm Thế giới số trực tuyến ITU 2020 là rất rõ ràng: "Thách thức lớn của khủng hoảng toàn cầu mang đến cơ hội lớn cho cộng đồng ICT xích lại gần nhau và đẩy nhanh chuyển đổi kỹ thuật số trên quy mô chưa từng có".

Ứng dụng ICT để cải thiện cuộc sống, hướng tới một tương lai bền vững và linh hoạt hơn - Ảnh 1.

Phiên Hội nghị Bộ trưởng đầu tiên tại Triển lãm Thế giới số trực tuyến ITU 2020

Vai trò của công nghệ số trong và sau đại dịch Covid-19

Phó Tổng thư ký ITU và người điều hành phiên họp, ông Malcolm Johnson cho biết: "Chưa bao giờ sự phụ thuộc nhiều vào ICT và chưa bao giờ chúng được đánh giá cao như vậy". Công nghệ kỹ thuật số là một phần quan trọng của việc xây dựng trở lại tốt hơn cho một thế giới an toàn hơn, kết nối hơn và bền vững hơn cho tất cả mọi người - với sự hợp tác giữa các chính phủ, các công ty khu vực tư nhân, các trường đại học, các tổ chức khu vực và quốc tế quan trọng để tận dụng toàn bộ sức mạnh của ICT, kết nối 3,6 tỷ người chưa được kết nối và tăng tốc phục hồi kinh tế và xã hội.

Ông Mohamed Maleeh Jamal, Bộ trưởng Bộ Truyền thông, Khoa học và Công nghệ Maldives, nhấn mạnh tầm quan trọng của CNTT-TT trong việc hỗ trợ ứng phó với đại dịch, cung cấp thông tin, các hoạt động xã hội và kinh tế cho người dân trên khắp quốc đảo ngay cả khi mức độ sử dụng tăng gấp đôi. Theo ông, lết nối là "công cụ hiệu quả nhất trong việc giữ mọi người gần nhau và xa nhau về vật lý". Đảm bảo chất lượng phủ sóng và các dịch vụ kỹ thuật số giá cả phải chăng sẽ rất quan trọng để tiếp tục phục hồi.

Trong khi đó, Quốc vụ khanh Bộ Giao thông và Truyền thông Phần Lan Pilvi Torsti đánh giá công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong việc đối mặt và khắc phục hậu quả của đại dịch. Tại Phần Lan, chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó với đại dịch, giải quyết những tác động và đề xuất các giải pháp phục hồi nền kinh tế, xây dựng cơ chế pháp lý, xây dựng các công cụ để duy trì các hoạt động kinh doanh theo giai đoạn. Phần Lan đã nâng cao nhận thức của người dân trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, ban hành các chính sách nhằm xây dựng xã hội số hóa, để vừa phát triển kinh tế vừa ứng phó với đại dịch.

Theo bà Mirella Liuzzi, Quốc vụ khanh Bộ Phát triển Kinh tế Italia, công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong đại dịch Covid-19, giúp tăng cường sự kết nối trong công việc và giải trí.

Đẩy nhanh chuyển đổi kỹ thuật số trên quy mô toàn cầu

Tại Campuchia, chiến lược của chính phủ về phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, áp dụng công nghệ và nâng cao năng lực đã được đẩy mạnh nhờ sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào ICT để mọi người luôn kết nối, thông tin, làm việc, học tập và kinh doanh.

Ông Vandeth Chea, Bộ trưởng Bộ Bưu chính và Viễn thông Campuchia, cho biết sự cần thiết phải tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và tăng cường ổn định tài chính thông qua đa dạng hóa và đổi mới. Khả năng tiếp cận và khả năng chi trả là chìa khóa và chỉ có thể đạt được bằng cách thu hút đầu tư vào kỹ thuật số, 5G và cơ sở hạ tầng.

"Chúng tôi cam kết đảm bảo công nghệ kỹ thuật số có thể tiếp cận và giá cả phải chăng cho tất cả mọi người để thúc đẩy sự phục hồi và tăng tốc nền kinh tế. Hợp tác với các đối tác quốc tế là rất quan trọng trong việc cung cấp công nghệ cho tất cả mọi người ", ông Vandeth Chea khẳng định.

Chủ tịch Cơ quan ICT Mông Cổ, Battsengel Bolo-Erdene, cho rằng đại dịch Covid-19 đòi hỏi sự tiếp cận phổ quát ICT cho tất cả mọi người. Do vậy, Mông Cổ đã tích cực mở rộng các dịch vụ ICT cho mọi người dân ở thành thị và nông thôn. Số người sử dụng các thiết bị di động tại Mông Cổ đạt hơn 90%. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Mông Cổ đưa ra các biện pháp hỗ trợ như giảm thuế cho doanh nghiệp (DN), hỗ trợ khối tư nhân để phục hồi và thích ứng tốt hơn đối với tình hình dịch.

Trong thời gian tới, Mông Cổ sẽ tiếp tục triển khai cơ sở hạ tầng di động và cố định, thu hẹp khoảng cách giữa trung tâm thành thị và nông thôn, vùng sâu vùng xa, đồng thời hỗ trợ khu vực tư nhân thông qua các sáng kiến tín dụng và thuế. Mông Cổ cũng đã chuyển 181 dịch vụ chính phủ có nhu cầu cao sang trực tuyến trong giai đoạn đầu tiên của kế hoạch 5 năm nhằm cho phép công dân truy cập tất cả tài liệu, thủ tục giấy tờ và ứng dụng từ bất kỳ thiết bị nào ở bất kỳ đâu trong cả nước - hiệu quả, kịp thời và đảm bảo giãn cách xã hội.

Đại diện cho Singapore phát biểu tại Hội nghị, ông Keng Thai Leong, Tổng giám đốc Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm cũng nhận định đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến người dân toàn cầu, khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng nặng nề. Singapore đã phát triển các ứng dụng di động và cung cấp đến mọi người dân, cho bất kỳ ai cần một thiết bị kết nối di động để đảm bảo các hoạt động hàng ngày. Các công cụ trực tuyến được sử dụng để cung cấp các thông tin về dịch bệnh, đặc biệt các ca lây nhiễm bệnh mới.

"Chính phủ Singapore xây dựng các chính sách và nền tảng phục vụ cho các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, và cung cấp miễn phí cho DN nhằm hỗ trợ DN cải biến cách thức hoạt động để thích ứng và phát triển trong bối cảnh đại dịch", ông Keng Thai Leong cho biết.

Ứng dụng ICT để cải thiện cuộc sống, hướng tới một tương lai bền vững và linh hoạt hơn - Ảnh 2.

Trong khi đó, Chính phủ Jordan giám sát việc sử dụng mạng liên tục để hỗ trợ nhu cầu ngày càng tăng khi các hoạt động làm việc việc, giáo dục, kinh doanh, giải trí và xã hội chuyển sang trực tuyến liên tục. Tiến sĩ Ghazi Al-Jobor, Chủ tịch Hội đồng Ủy viên kiêm Giám đốc điều hành của Cơ quan quản lý viễn thông Jordan, giải thích rằng khả năng phục hồi là chìa khóa, với các biện pháp như phân bổ phổ tần tạm thời và thay đổi cấp phép đảm bảo khả năng mạng ngay cả khi lưu lượng dữ liệu tăng hơn 30%.

Theo ông, sự bùng nổ về học tập và thương mại điện tử có thể khiến những biện pháp đó trở nên lâu dài khi mọi người nhận ra tầm quan trọng của công nghệ kỹ thuật số: "Bên cạnh các dịch vụ y tế, tôi tin rằng CNTT-TT đã giúp ích nhiều nhất cho đất nước chúng ta trong việc giảm bớt gánh nặng (của đại dịch) và đạt được sự giãn cách xã hội - và trong việc phát triển nền kinh tế sau đại dịch".

Bà Mirella Liuzzi, Quốc vụ khanh Bộ Phát triển Kinh tế Italia, chia sẻ việc tập trung vào nhu cầu hỗ trợ các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa là chìa khóa để phục hồi kinh tế, đổi mới sản xuất và tiến bộ kỹ thuật. "Làm cho công nghệ kỹ thuật số có giá cả phải chăng hơn và dễ tiếp cận hơn ở cấp quốc gia sẽ thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, cho phép tiến bộ công nghiệp và hòa nhập xã hội," bà cho biết.

Đại dịch hiện tại đã thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển đổi kỹ thuật số với tiềm năng cho các nền kinh tế và xã hội bền vững và linh hoạt hơn - vì vậy, "hãy nắm lấy cơ hội đó và cùng nhau biến nó thành hiện thực", đó chính là thông điệp mà các nhà lãnh đạo ICT muốn truyền tải.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng ICT cải thiện cuộc sống, hướng tới tương lai bền vững, linh hoạt hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO