Ứng dụng IoT vào sản xuất là xu hướng không thể đảo chiều
Theo đại diện CMC TS, mặc dù việc ứng dụng Internet vạn vật (IoT) vào sản xuất là xu thế không thể đảo chiều nhưng hiện có rất ít các doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thể làm chủ công nghệ thiết kế phần cứng hay phát triển nền tảng IoT.
Ứng dụng IoT sẽ giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí sản xuất
Chia sẻ với chủ đề “Ứng dụng IoT trong tối ưu sản xuất” tại phiên chuyên đề trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 năm 2023 vừa được tổ chức, ông Lê Minh - Giám đốc công nghệ (CTO), Tổng công ty công nghệ và giải pháp CMC (CMC TS) cho biết, tổng giá trị IoT ở Việt Nam (sẽ chiếm khoảng 3,4 tỷ USD vào năm 2025) chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với thế giới (hiện vào khoảng 1660 tỷ USD). Chưa kể, tỷ trọng các ngành trong thị trường IoT ở Việt Nam cũng rất khác biệt, khi tập trung nhiều vào đô thị (35,59%), giao thông (17,6%), nông nghiệp (14,72%) và công nghiệp (9,67%).
Theo ông Minh, đối với IoT trong lĩnh vực công nghiệp, trên thế giới, tỷ lệ tăng trưởng của thị trường IoT công nghiệp toàn cầu luôn ở mức 12,3%, tăng từ mức 313 tỷ USD năm 2020 lên mức 606 tỷ USD vào năm 2026. “86% doanh nghiệp (DN) sản xuất nhận định nhà máy thông minh (smart factory) sẽ là yếu tố cạnh tranh chủ lực của DN sản xuất trong 5 năm tới”, ông Minh nhận định.
Đối với việc ứng dụng IoT ở Việt Nam, Giám đốc công nghệ của CMC TS nhận định, một nhà máy ứng dụng IoT vào sản xuất có thể ứng dụng công nghệ này vào nhiều tình huống khác nhau như theo dõi thiết bị, mức độ tiêu thị nhiên liệu… và đối tượng khác nhau từ quản lý, bộ phận R&D, nhân viên kinh doanh…
“Việc ứng dụng công nghệ hiệu quả phụ thuộc vào ý thức, mong muốn chuyển đổi số (CĐS) của DN, từ đó sẽ có kế hoạch chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sử dụng máy móc và áp dụng sức mạnh của khoa học công nghệ 4.0”, ông Minh nói.
Ngoài ra, để ứng dụng nhà máy thông minh hiệu quả, IoT sẽ cần phải kết hợp với các công nghệ 4.0 khác như dữ liệu lớn, AI, ĐTĐM. Bởi vì, nhờ IoT, số lượng dữ liệu sinh ra sẽ được nhân lên rất nhiều lần nên phải ứng dụng những công nghệ khác thì mới tạo ra giá trị.
Nhờ đó, DN sẽ: Sử dụng tài nguyên hiệu quả; Tối ưu hoạt động của con người (tiết kiệm nhân lực) trong sản xuất; Tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất; Đảm bảo chất lượng nhờ giám sát và điều chỉnh liên tục; Dữ liệu nâng cao giúp giám sát, dự báo, ra quyết định.
Nhiều cơ hội để cho DN Việt Nam tích hợp, phát triển IoT
Nói về những khó khăn trong ứng dụng IoT ở Việt Nam, ông Lê Minh nhấn mạnh, đầu tiên đó là năng lực và khả năng xử lý dữ liệu của các đơn vị chưa tốt, nhất là trong thời điểm DN phải đối mặt với dữ liệu lớn đa dạng về mặt cấu trúc cũng như bảo mật, quản lý dữ liệu IoT… Thứ hai là khả năng kết nối thông tin giữa các thiết bị IoT để tổ chức hoạt động một cách đồng bộ.
Các rào cản tiếp theo từ chủ quan DN sẽ bao gồm: Quy trình rời rạc, thiếu liên kết toàn diện; Thiếu tiêu chuẩn hoá khi thiết kế giải pháp; Thiếu nhận thức về IoT và CĐS; Thiếu năng lực hoạch định kế hoạch, tầm nhìn; Đội ngũ nhân sự nội bộ triển khai IoT.
Ngoài ra, DN cũng gặp những khó khăn khách quan từ thị trường, làm ảnh hưởng đến việc ứng dụng IoT hiện nay: Chi phí triển khai cao nếu ứng dụng các hãng lớn nước ngoài; Năng lực nhà cung cấp giải pháp IoT trong nước còn thấp; Quá ít các bài học tốt, có thể ứng dụng; Nhà cung cấp đầu tư năng lực thiếu đồng bộ; Thiếu trực quan hoá giải pháp và lợi ích khi ứng dụng IoT vào sản xuất; Bối cảnh kinh tế suy thoái, sản xuất giảm.
Mặc dù vậy, việc ứng dụng IoT vào sản xuất tại Việt Nam hiện đang ở giai đoạn phát triển nhất. Lý giải cho điều này, ông Minh cho rằng, do Việt Nam đang gặp những thuận lợi nhất định từ nguồn nhân lực có trình độ dồi dào với chi phí thấp, nguồn vốn đầu tư hiệu quả, một số mô hình sản xuất đã ứng dụng thành công IoT để tạo cảm hứng cho những đơn vị khác cũng như một số văn bản hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý.
Do đó, có thể nói, nhà máy thông minh - việc ứng dụng IoT vào sản xuất là xu hướng không thể đảo chiều. Ông Minh cũng đã điểm lại một số ứng dụng cụ thể IoT trong sản xuất đang được triển khai, tiêu biểu như quản lý và giám sát thiết bị tự động, nhận diện gương mặt từ xa, kiểm soát chất lượng, kiểm soát chính xác lượng hàng tồn kho….
Cũng trong chia sẻ của mình, Giám đốc Công nghệ của CMC TS đã nêu ra đặc điểm của nhà cung cấp IoT ở Việt Nam, trong bối cảnh các đơn vị nước ngoài chủ yếu cung cấp thiết bị phần cứng, các giải pháp IoT cơ bản, ít đi vào các ứng dụng cụ thể.
“Điều này đã tạo cơ hội cho DN Việt Nam tích hợp, phát triển ứng dụng. Vì vậy, các đơn vị trong nước đang thử nghiệm, duy trì sản phẩm IoT chờ đợi cơ hội của mình”, ông Minh bày tỏ.
Phân loại các DN cung cấp IoT ở Việt Nam, với lĩnh vực phần cứng, ông Minh đã chia ra làm 3 dạng. Đầu tiên là các đơn vị nhập khẩu và phân phối. Phần đông các nhà cung cấp sản phẩm/dịch vụ IoT ở Việt Nam ở dạng này.
Dạng thứ 2 là dù vẫn nhập khẩu thành phần (module thiết bị) nhưng đã làm chủ công đoạn lắp ráp, can thiệp xử lý tín hiệu bằng phần mềm nhúng trên thiết bị IoT.
Dạng thứ 3 là làm chủ công nghệ thiết kế phần cứng. Hiện có một số rất ít các DN thuộc dạng này: nhập khẩu các linh kiện quan trọng, làm chủ công nghệ thiết kế vỏ đáp ứng được tiêu chuẩn trên thế giới, làm chủ công nghệ thiết kế PCB, xử lý tín hiệu cả ở phần cứng và phần mềm.
Còn về nền tảng IoT, phần mềm ứng dụng, các DN Việt Nam chủ yếu viết ứng dụng cho từng giải pháp cụ thể không thông qua nền tảng IoT. Một số DN lớn sử dụng nền tảng IoT sẵn có hoặc phát triển dựa trên mã nguồn mở, từ đó xây dựng các bài toán ứng dụng cụ thể./.