Để tạo động lực tăng trưởng mới dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong thời gian tới, Bộ Công Thương chủ trương sẽ tập trung vào các định hướng nhiệm vụ cụ thể, ưu tiên đánh giá hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách phát triển công nghiệp, thương mại, hội nhập hiện có.
Các chương trình, kế hoạch nhằm góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đã được Đảng và Nhà nước đề ra.
Ngành công thương cũng đề xuất các điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện chính sách, định hướng để có giải pháp phát triển trong các lĩnh vực như công nghiệp, thương mại, logistics theo yêu cầu của tái cơ cấu ngành công nghiệp và tác động từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Công tác nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn cả trong nước và quốc tế sẽ được chú trọng, từ đó đưa ra các đề xuất phương án, kịch bản phát triển trong giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030.
Mặt khác, ngành công thương cũng sẽ tập trung xây dựng và triển khai các chương trình, đề án khoa học công nghệ, các chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Các chương trình sẽ ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.
Các ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến sẽ được đẩy mạnh. Cùng với đó là đổi mới cơ chế chính sách, để các doanh nghiệp thuận lợi trong việc đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, thiết bị sản xuất. Nhờ đó, Đề án Phát triển công nghiệp sinh học ngành công thương đến năm 2030 sẽ được đẩy nhanh xây dựng và triển khai.
Ngoài ra, ngành công thương đã xác định tập trung vào chiến lược công nghệ, ưu tiên ứng dụng công nghệ mới. Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 và phát triển sản xuất thông minh giai đoạn 2021 - 2030 sẽ được xây dựng và triển khai, trong đó sẽ tập trung mũi nhọn vào các ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh và mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cao.
Thời gian qua, các doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc áp dụng khoa học công nghệ, nhất là các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Chiến lược đầu tư nhiều hơn cho ứng dụng, đổi mới công nghệ đang được các doanh nghiệp chú trọng nhiều hơn. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị của các doanh nghiệp đã có sự cải thiện đáng kể. Hơn 80% doanh nghiệp lớn và trên 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tham gia thực hiện đổi mới sản phẩm hoặc quy trình.
Theo số liệu thống kê, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao liên tục tăng trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Cụ thể, mức tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đã tăng từ 22,9% năm 2016 lên 50% năm 2020./.