Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động báo chí tại Việt Nam
Ngày nay, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Với lĩnh vực báo chí, công nghệ AI đem đến nhiều bước ngoặt mang tính đột phá trong quy trình sáng tạo, sản xuất nội dung, trong hoạt động xuất bản cũng như làm thay đổi vai trò và vị thế của thế hệ công chúng số trong việc tiêu thụ các sản phẩm báo chí.
Theo Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, một trong những mục tiêu chủ yếu đến năm 2025 là 50% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa hoạt động và đến năm 2030, con số mục tiêu này đạt 90% cơ quan báo chí.
Các cơ quan báo chí đẩy mạnh ứng dụng AI
Theo thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam, tính đến hết năm 2023, cả nước ta có hơn 820 cơ quan báo chí. Trong đó có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí (trong đó có 319 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật), 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình.
Đến nay, ở nước ta có 29 tờ báo mạng điện tử độc lập; hầu hết cơ quan báo in, phát thanh, truyền hình đều có báo mạng điện tử. Báo chí số ra đời nhờ công nghệ số hóa dữ liệu và môi trường Internet, với những thế mạnh mà các loại hình báo chí truyền thống không có được, như: Tính cập nhật tức thì, tính siêu liên kết, siêu tương tác, siêu lưu trữ, tính đa phương tiện (đa ngôn ngữ)...
Báo điện tử VnExpess thu hút hơn 40 triệu độc giả thường xuyên, hơn 10 tỷ lượt xem và 5 triệu lượt bình luận, ý kiến đóng góp của bạn đọc. Để lọc và phản hồi được 5 triệu bình luận, ý kiến đóng góp trên, VnExpress cần rất nhiều người phục vụ công tác này và tốn rất nhiều thời gian cũng như hiệu quả kinh tế.
Chính vì vậy, mấy năm gần đây, VnExpress đã ứng dụng Al giúp kiểm duyệt bình luận của độc giả theo các tiêu chí không vi phạm định hướng thông tin, quy định của pháp luật cũng như giá trị thuần phong mỹ tục. Cả nhân hóa nội dung người dùng.
Vietnamplus là toà soạn có tốc độ chuyển đổi số mạnh mẽ, thường xuyên cập nhật và ứng dụng những công nghệ mới trong sản xuất và xuất bản báo chí, tương tác với công chúng. Hiện tại, Vietnamplus tiên phong trong việc sử dụng AI để phân tích dữ liệu về thói quen người dùng nhằm tự động đề xuất những nội dung theo sở thích của người đọc.
Nhờ thu thập dữ liệu độc giả, tờ báo tiếp tục tiến tới việc cá nhân hóa trang tin (hiển thị tin theo nhu cầu và khẩu vị riêng của từng người), giúp độc giả chọn tin bài thông qua Editor Picks hay gửi Newsletter đề xuất các tin tức được người đọc quan tâm.
Cùng với đó, Vietnamplus sử dụng AI hỗ trợ sản xuất các sản phẩm đồ hoạ, bài viết longform (phóng sự chuyên sâu, sử dụng đồ hoạ, hình ảnh lớn, ấn tượng với hiệu ứng chuyển động) phù hợp với môi trường truyền thông hiện đại.
Hiện nay, một trong số trang báo điện tử cũng ứng dụng AI để thu thập thói quen/sở thích tiếp nhận thông tin, lọc và hiển thị tự động nội dung thông tin theo mong muốn của công chúng thời đại số.
Toà soạn đã sử dụng công cụ VnExpress Insight thay thế Google Analytics với mục tiêu tự chủ về dữ liệu cho việc phân tích hành vi của độc giả cũng như tính tác động của từng nội dung. Nhờ vậy, việc cá nhân hoá nội dung người dùng và tăng trải nghiệm tương tác luôn hấp dẫn và mới lạ đối với độc giả.
Báo điện tử Dân trí là toà soạn tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ AI vào phiên bảo báo nói. Để phù hợp với sở thích và vùng miền mình đang sinh sống, độc giả có thể tùy chọn giọng đọc là nam hoặc nữ, giọng nói miền Nam hoặc miền Bắc, giúp nghe rõ và chính xác hơn về nội dung của bài báo.
Điều này giúp người dùng có thể trải nghiệm nội dung bài báo tốt hơn mà không cần phải mất thời gian tập trung vào màn hình, vừa có thể theo dõi bài báo, vừa có thể thư giãn cho đôi mắt.
Tại Nhân dân điện tử, toà soạn đã sử dụng công nghệ text-to-speech (TTS)/ speech-to-text (STT) để phát triển báo nói. Mỗi tin bài hiển thị được tích hợp phiên bản mới nhờ ứng dụng AI với các lựa chọn giọng đọc - Nam miền Bắc/Nữ miền Bắc/Nam miền Nam/Nữ miền Nam.
Thanh Niên Online là báo điện tử đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng AI để giao tiếp với bạn đọc, giúp tăng trải nghiệm của người dùng một cách hoàn toàn mới lạ.
Thông qua Al, người dùng truy cập không cần phải tương tác với các nội dung bài viết như truyền thống mà có thể sử dụng các lệnh thoại để ra lệnh tương tác. Điều này đặc biệt hữu ích trong bối cảnh mọi người quen thuộc với trợ lý giọng nói trong những năm gần đây. Sử dụng lệnh tương tác bằng giọng nói cũng giúp ích nhiều cho các đối tượng người dùng gặp khó khăn khi phải sử dụng chuột (người giả, người khiếm thị, trẻ nhỏ...).
Một trong những tính năng thú vị được thể hiện trên trợ lý ảo chính là đọc tin bài cho người dùng. Theo đó, khi truy cập vào một tin bài viết nào mà không có thời gian đọc, người dùng có thể ra lệnh "Đọc tin này", hoặc "Chào Thanh Niên" trước khi gọi “Đọc tin này” nếu Al đang ở trạng thái ngủ. Trong quá trình trợ lý ảo đang đọc tin mà người dùng muốn tạm dừng lại có thể ra lệnh “Dừng lại" và khi muốn nghe tiếp có thể sử dụng lệnh "Tiếp tục".
Trợ lý ảo của Thanh Niên Online cũng có thể tương tác bằng cách chát (gõ văn bản) trong trường hợp người dùng đang ở môi trường ồn ào không thể thực hiện điều khiển bằng giọng nói.
Báo Lao Động là một trong những đơn vị tiên phong tại Việt Nam ứng dụng khoa học công nghệ để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ báo chí xuất bản. Với mô hình và quy trình sản xuất bản tin tự động dựa trên công nghệ AI, báo có thể thực hiện hàng loạt các bản tin truyền hình định kỳ hàng ngày và các bản tin nóng tại bất kỳ thời điểm nào để cung cấp thông tin tới độc giả.
Đặc biệt, đầu tháng 7/2021, lần đầu tiên tại Việt Nam, báo Lao Động chính thức ra mắt một bản tin truyền hình sử dụng biên tập viên ảo được sản xuất tự động bằng công nghệ Al dựa trên hệ thống LDO-AL. Với mỗi biên tập viên ảo, hệ thống sẽ sử dụng hàng nghìn mẫu khẩu hình, động tác biểu cảm, cử chỉ khuôn mặt hình thể khác nhau để phân tích và khớp với nội dung, ngữ điệu, sắc thái thể hiện của từng bản tin.
Báo chí cần thay đổi mạnh mẽ về công nghệ để ứng dụng AI sâu rộng hơn
Trong tương lai, AI sẽ được ứng dụng ngày càng nhiều trong lĩnh vực báo chí để giải phóng sức lao động của nhà báo, thay thế nhà báo trong những công việc có tính chất lặp đi lặp lại và không đòi hỏi cao về tính sáng tạo. Nhờ đó, nhà báo có thêm thời gian tập trung lao động sáng tạo các tác phẩm báo chí có giá trị nội dung cao với định dạng dài, những phỏng vấn chuyên sâu…
AI còn giúp các cơ quan báo chí cung cấp cho độc giả những nội dung thông tin được cá nhân hóa, được lựa chọn theo sở thích hoặc thậm chí theo vị trí của họ. Không thể thay thế công việc của nhà báo, AI sẽ là trợ lý của mọi cơ quan báo chí trong sản xuất, phân phối và tiêu thụ thông tin đáp ứng việc chuyển đổi số như một yêu cầu tất yếu của thời đại.
Tuy ứng dụng AI đã được sử dụng đa dạng và mang lại nhiều lợi ích, nhưng báo chí nước ta chưa phát huy cao hiệu quả của trí tuệ nhân tạo. Do vậy, cần phát huy hơn nữa hiệu quả của ứng dụng AI trên báo chí, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp như:
Tòa soạn báo cần có những chính sách phù hợp để thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài, từ đó tăng nhanh khả năng phát triển trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ khi đánh giá việc có nên tự xây dựng hệ thống AI của riêng mình hay hợp tác với các công ty công nghệ khác.
Tòa soạn nên đầu tư vào việc hoàn thiện hệ thống AI, liên tục tạo ra những tin bài cung cấp thông tin và làm hài lòng độc giả. Công nghệ trí tuệ nhân tạo thay đổi và học hỏi từng ngày nên xây dựng khả năng thích ứng với công nghệ mới phụ thuộc vào hai yếu tố chính: nghiên cứu và đào tạo. Đào tạo nguồn nhân lực giỏi có thể làm giảm thiểu đến mức thấp nhất sự mơ hồ, thiếu hiểu biết về vai trò của công nghệ, từ đó tạo động lực cho các nhà báo chủ động hơn trong việc đưa ra các sáng kiến mới.
Tòa soạn báo phải đảm bảo bảo mật thông tin, không chỉ là những nguy cơ bị xâm nhập an ninh mạng, mà luôn phải duy trì các yếu tố về an toàn thông tin gồm: tính bảo mật nhằm đảm bảo dữ liệu không bị lộ, những người không được phép xem, sẽ không được xem (quyền READ); tính toàn vẹn (integrity): đảm bảo thông tin không bị thay đổi, từ khi nó được tạo ra hoặc chỉ được chính thức chỉnh sửa bởi người có thẩm quyền (quyền MODIFY). Điều này có thể ngăn chặn được lượng thông tin không chính xác hay tin chỉ chính xác một nửa, tin giả, …; tính sẵn sàng: đảm bảo thông tin luôn sẵn sàng khi cần đến; tính xác thực: chống lại mạo danh và chống bắt chước…
Trí tuệ nhân tạo có ích với các nhà báo giống như khi họ bắt đầu biết tới máy tính cá nhân và điện thoại thông minh. Các tòa soạn nên tận dụng trí tuệ nhân tạo, giống như cách mà họ tận dụng các công cụ công nghệ khác cho quy trình tác nghiệp. Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp các nhà báo kể các câu chuyện hay hơn đồng thời đảm bảo đưa được nội dung đến đúng đối tượng độc giả.
Trí tuệ nhân tạo không chỉ khiến cho máy móc tự học những điều mới mẻ mà nó cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ khác đi để có thể tạo ra những giá trị mới từ cái nhìn của con người. Đối với báo chí Việt Nam, sức ảnh hưởng của AI đã xuất hiện nhưng chưa thực sự mạnh mẽ, nền báo chí nước nhà cần có sự thay đổi mạnh mẽ về công nghệ để sự ứng dụng AI sâu rộng hơn./.