Ưu tiên xây dựng một Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN gắn kết, lấy người dân làm trung tâm

Vân Khánh| 24/08/2020 23:14
Theo dõi ICTVietnam trên

Năm 2020, Việt Nam sẽ ưu tiên việc tổ chức đánh giá sơ kết 5 năm thực hiện Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025.

Xây dựng một Cộng đồng hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm

Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN, với mục tiêu xây dựng một cộng đồng các dân tộc ASEAN hài hòa, đoàn kết, sống đùm bọc và chia sẻ, hướng tới người dân, chăm lo cho thể chất, phúc lợi, môi trường sống ngày càng tốt hơn của người dân, và tạo dựng một bản sắc chung của khu vực.

Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN tập trung nhiều vào khía cạnh con người, vào những nội dung thiết thực với cuộc sống của toàn thể người dân trong khu vực. Việc đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN sẽ thúc đẩy sự gắn kết người dân giữa các quốc gia, khuyến khích người dân tham gia vào tiến trình xây dựng Cộng đồng; đồng thời bổ trợ tích cực cho việc xây dựng hai trụ cột còn lại.

Ưu tiên xây dựng một Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN lấy người dân làm trung tâm - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Năm 2020 là một năm quan trọng của ASEAN khi tất cả các cơ quan chuyên ngành tiến hành đánh giá kết quả thực hiện các hoạt động của giai đoạn trước và chuẩn bị xây dựng kế hoạch công tác cho giai đoạn tiếp theo, hướng tới việc đạt được Tầm nhìn ASEAN 2025. Đây cũng là một năm đặc biệt trong công tác văn hóa - xã hội khi tất cả các quốc gia thành viên ASEAN đều đang ít nhiều chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, để chủ động ứng phó, các nhà lãnh đạo ASEAN và các cơ quan chuyên ngành các cấp bộ trưởng, quan chức của ASEAN như y tế, lao động, phúc lợi xã hội và phát triển và kênh giáo dục đã tổ chức một số các hội nghị đặc biệt để trao đổi kinh nghiệm và các sáng kiến phòng, chống dịch COVID-19, tăng cường hợp tác để giải quyết các tác động tiêu cực và hậu quả do dịch COVID-19 gây ra trên nhiều lĩnh vực của đời sống.

Các sáng kiến liên ngành có sự phối hợp chung đã cho phép xây dựng được kế hoạch phục hồi sau đại dịch nhằm mang lại việc làm và sinh kế cho người lao động và thúc đẩy khả năng vực dậy về kinh tế - xã hội của các nhóm dễ bị tổn thương. Những nỗ lực chung đáng khen ngợi này bảo đảm rằng, ASEAN vẫn đang duy trì lý tưởng hiện thực hóa một Cộng đồng ASEAN bền vững, kiên cường và bao trùm.

Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN vào năm 2025 được kỳ vọng sẽ là một cộng đồng thu hút sự tham gia của người dân và mang lại lợi ích cho người dân, là một cộng đồng đùm bọc, bền vững, tự cường và năng động. Cùng với đó, Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đến năm 2025 tiếp tục khẳng định "trọng tâm của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN là cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các hoạt động hợp tác hướng vào người dân, thân thiện với môi trường và hướng tới thúc đẩy phát triển bền vững" với các đặc điểm, thành tố gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân, hòa nhập, bền vững, tự cường và năng động.

Là một trụ cột với 15 cơ quan chuyên ngành liên quan, trải trên nhiều lĩnh vực, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN mang một ý nghĩa quan trọng khi kết nối trực tiếp với người dân và phục vụ cho người dân. Trong bối cảnh xã hội đang đổi thay với sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học - kỹ thuật và sự phát triển của công nghệ, các nền tảng xã hội phát triển, vấn đề già hóa dân số và gia tăng của thiên tai dịch bệnh, tại giai đoạn chuyển giao giữa hai thập kỷ này, nhiệm vụ của Hội đồng là phải điều phối hơn nữa những nỗ lực của Cộng đồng để bảo đảm cho người dân có được một cuộc sống hạnh phúc, bảo đảm được ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Việc thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đến năm 2025 đang được tích cực triển khai bởi các cơ quan chuyên ngành thuộc Cộng đồng, trong đó Hội đồng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện, với sự hỗ trợ của Hội nghị các quan chức cấp cao (SOCA) và các cơ quan chuyên ngành.

Ưu tiên xây dựng một Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN lấy người dân làm trung tâm - Ảnh 2.

Hội nghị trực tuyến quan chức cấp cao phụ trách Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (SOCA) ngày 22/6. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Quan chức cấp cao phụ trách Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (SOCA) ngày 22/6, ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Trưởng SOCA Việt Nam chia sẻ: "Đại dịch không chỉ để lại những tác động tiêu cực đến sức khỏe của người dân, mà còn có những ảnh hưởng sâu rộng đến sinh kế của người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế. Theo đó, Việt Nam với cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, đã và đang phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký ASEAN và các nước thành viên chủ động và tích cực triển khai các hoạt động, sáng kiến để ứng phó với tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, đúng với tinh thần và chủ đề của ASEAN 2020 "ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng".

Việt Nam ưu tiên mục tiêu vì một "ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng"

Trải qua hơn hai thập kỷ gia nhập ASEAN, Việt Nam đã và đang thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm nghĩa vụ của mình, góp phần quan trọng vào sự phát triển và thành công của ASEAN nói chung và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN nói riêng.

Là quốc gia đi đầu trong thúc đẩy việc thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đến năm 2025 với việc ban hành "Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đến năm 2025" ở cấp quốc gia với nhiều mục tiêu cụ thể, được các nước đánh giá cao và đề nghị Việt Nam thường xuyên chia sẻ về tiến độ thực hiện Đề án ở cấp quốc gia như một điển hình tốt trong ASEAN.

Trong năm nay, Việt Nam cũng hướng ưu tiên của mình vào việc tổ chức đánh giá sơ kết 5 năm thực hiện Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 25/01/2016. Kết quả của đánh giá sơ kết sẽ phục vụ cho việc hoàn thiện Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 tại Việt Nam và tăng cường những thảo luận về vấn đề phát triển nguồn nhân lực.

Với tư cách Chủ tịch ASEAN năm 2020, hướng tới chủ đề "ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng", trong các hoạt động của Cộng đồng, Việt Nam đã đề xuất những sáng kiến và ưu tiên trong các lĩnh vực: Lao động và phát triển nguồn nhân lực; Phúc lợi xã hội và phát triển; Y tế; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa ASEAN; Thanh niên; Môi trường và biến đổi khí hậu; Đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN… để thúc đẩy hơn nữa những nỗ lực của Cộng đồng hướng tới Tầm nhìn ASEAN 2025.

Hội nghị quan chức cấp cao phụ trách Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (gọi tắt là SOCA) là cơ quan giúp việc của Hội đồng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN (gọi tắt là ASCC), được tổ chức 2 lần/năm ngay trước các Hội nghị ASCC nhằm chuẩn bị để báo cáo lên Hội nghị ASCC các nội dung và các văn kiện liên quan.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ưu tiên xây dựng một Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN gắn kết, lấy người dân làm trung tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO