Vai trò của truyền thông trong định hướng nhận thức về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam kỷ nguyên 4.0

01/04/2022 16:43
Theo dõi ICTVietnam trên

Tôn giáo là văn hoá, là nguồn lực phát triển xã hội. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền cơ bản của con người, là tiền đề để thực hiện các quyền phát triển khác.

Tôn giáo là văn hoá, là nguồn lực phát triển xã hội. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền cơ bản của con người, là tiền đề để thực hiện các quyền phát triển khác. Để phát huy mặt tích cực của tôn giáo, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin trình bày: (i) Cơ hội và thách thức đối với truyền thông trong việc định hướng nhận thức cho công chúng về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0; (ii) Thực trạng truyền thông trong việc định hướng nhận thức cho công chúng về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam thời gian qua; (iii) Giải pháp phát huy vai trò của truyền thông trong việc định hướng nhận thức cho công chúng về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam thời gian tới.

VAI TRÒ CỦA TRUYỀN THÔNG  TRONG VIỆC ĐỊNH HƯỚNG NHẬN THỨC CHO CÔNG CHÚNG VỀ QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM TRONG KỶ NGUYÊN 4.0  - Ảnh 1.

Cơ hội và thách thức đối với truyền thông trong việc định hướng nhận thức cho công chúng về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam kỷ nguyên 4.0

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) có sự tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, với sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo, người máy làm việc thông minh, có khả năng ghi nhớ, học hỏi vô biên, trong khi khả năng đó ở con người thường chỉ có trong thời gian giới hạn. Chính vì vậy, việc các công nghệ cao và máy móc thông minh sẽ tạo cơ hội cho con người làm việc và hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn bằng cách tận dụng những lợi thế mà cuộc CMCN 4.0 mang lại.

Bên cạnh cơ hội nêu trên, CMCN 4.0 có thể gây ra sự bất bình đẳng. Những bất ổn về kinh tế nảy sinh từ CMCN 4.0 sẽ dẫn đến những bất ổn về xã hội. Hệ lụy của nó sẽ là những bất ổn về chính trị. Nếu Chính phủ các nước không hiểu rõ và chuẩn bị đầy đủ cho làn sóng công nghiệp 4.0, nguy cơ xảy ra bất ổn trên toàn cầu là hoàn toàn có thể. Bên cạnh đó, những thay đổi về cách thức giao tiếp trên Internet cũng đặt con người vào nhiều nguy hiểm.

Theo ông Lê Xuân Công, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (KHCN), Bộ TT&TT thì mức độ sẵn sàng của Việt Nam đối với cuộc CMCN 4.0 ở mức trung bình thấp. Điều này thể hiện qua 02 khía cạnh, các chỉ số và công nghệ. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực công nghệ ở Việt Nam về cơ bản vẫn chưa sẵn sàng, chưa tương đương với ASEAN.

Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2016-2017 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), trình độ công nghệ của Việt Nam chỉ đứng thứ 92/138 quốc gia được khảo sát; chỉ số đánh giá về công nghệ chỉ đứng thứ 106; tiếp thu công nghệ đứng thứ 78... Đặc biệt, năng lực sáng tạo, đổi mới đứng thứ 73/138 quốc gia. Thêm vào đó, dù khẳng định lợi ích từ việc đầu tư cho KHCN là rất rõ, nhất là trong cuộc CMCN 4.0 nhưng hiện nay, mỗi năm chúng ta mới chỉ dành 02% ngân sách nhà nước đầu tư cho KHCN.

Trước sự phát triển của cuộc CMCN 4.0, các cơ quan quản lý Nhà nước phải đối mặt với khá nhiều thách thức, nếu chúng ta không kịp thời đón đầu thành tựu của cuộc cách mạng này, chúng ta sẽ tụt hậu rất xa và do đó, không thể phát huy được vai trò của truyền thông trong việc định hướng nhận thức cho công chúng về quyền tự do tôn giáo.

Thực trạng truyền thông trong định hướng nhận thức về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam thời gian qua

Thời gian qua, các cơ quan truyền thông ở Trung ương và địa phương, nhiều báo, đài thường xuyên có các bài về quyền tự do tôn giáo và chính sách, pháp luật tôn giáo, có ưu tiên đối với các địa bàn trọng điểm. Đài Phát thanh, Truyền hình Việt Nam ở Trung ương và các Đài Phát thanh, Truyền hình các địa phương, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Huế và các đài Phát thanh - Truyền hình: Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An,... luôn quan tâm đến việc tuyên truyền các quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền tự do tôn giáo. Qua đó, tín đồ, chức sắc các tôn giáo có điều kiện tiếp cận thông tin ở các mức độ khác nhau. Họ đã có hiểu biết cơ bản về chính sách, pháp luật tôn giáo là nhằm tôn trọng, bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

VAI TRÒ CỦA TRUYỀN THÔNG  TRONG VIỆC ĐỊNH HƯỚNG NHẬN THỨC CHO CÔNG CHÚNG VỀ QUYỀN TỰ DO TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM TRONG KỶ NGUYÊN 4.0  - Ảnh 2.

Kết quả khảo sát về mức độ nhận thức về quyền tự do tôn giáo của mọi người tại địa bàn cho biết: Ở Hà Nội: mức độ "nhận thức cao" là 53,7%, nhận thức "trung bình" là 32% và "nhận thức thấp" là 14,3%; ở TP.Hồ Chí Minh, các mức độ này là: 56%, 25% và 19%; Tổng là: 54,8%, 28,5% và 16,7%. Mức độ nhận thức về quyền tự do tôn giáo của tổ chức tôn giáo, của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, về những hành vị tín ngưỡng, tôn giáo bị nghiêm cấm và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân. Tổng kết quả cho thấy ở cả 04 nội dung quyền tự do tôn giáo như sau: (i) Quyền tự do tôn giáo của mọi người: cao 54,8%, trung bình 28,5% và thấp 16,7%. (ii) Quyền tự do tôn giáo của tổ chức tôn giáo: cao 60,5%, trung bình 14,9% và thấp 24,6%. (iii) Quyền tự do tôn giáo của người nước ngoài: cao 80,4%, trung bình 8,3% và thấp 11,3%. (iv) Những hành vi tín ngưỡng, tôn giáo bị nghiêm cấm: cao 84,7%, trung bình 5% , thấp 10,3%. (v) Mức độ nhận thức về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cao 76%, trung bình 23,7%, thấp 0,3%.

Mức độ nhận thức đó chưa phải là rất cao, song mức nhận thức cao đã từ 54,8% đến 84,7% (thuộc về nhận thức các hành vi tôn giáo bị nghiêm cấm); còn thấp là từ 10,3% đến 24,6% (thuộc về quyền của tổ chức tôn giáo). Trong đó, vai trò của truyền thông là hình thành dư luận xã hội tích cực, định hướng nhận thức cho công chúng về quyền tự do tôn giáo tỏ ra rõ nét là ở nội dung Mức độ nhận thức về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, ở mức cao là 76% và trung bình là 23,7% và cộng hai mức này sẽ cho thấy có tỷ lệ cao nhất, 99,7%, so với những nội dung khác trên đây, dù không phải tương tự mà chỉ liên quan.

Mức độ nhận thức về quyền tự do tôn giáo đạt được như vậy, theo chúng tôi, nó đã khẳng định vai trò tích cực của truyền thông tôn giáo, nhất là đối với hành vi bị cấm, do đó các hoạt động tôn giáo nhìn chung tuân thủ pháp luật, đồng bào các tôn giáo có niềm tin vào sự tôn trọng, bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh kết quả đạt được, truyền thông trong việc định hướng nhận thức cho công chúng về quyền tự do tôn giáo vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Đồng bào tôn giáo đánh giá về truyền thông tôn giáo của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc trên các kênh báo, tạp chí phát hành ở Trung ương và địa phương vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thông tin về quyền tự do tôn giáo. Chủ trương, chính sách, pháp luật đối với tôn giáo chưa được giải thích một cách thường xuyên và kỹ càng, đủ cho việc người dân nắm vững và vận dụng. Thông tin có khi tốt nhưng chưa nhanh; hoặc thông tin nhanh nhưng sơ sài thiếu thực tế, thậm chí là sai. Về hoạt động tôn giáo trái pháp luật, đi ngược lại với cả quyền tự do tôn giáo, truyền thông có khi lại sơ sài, thiếu cả thực tế và trách nhiệm.

Nhìn chung công tác truyền thông về quyền tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc mang tính hình thức, nội dung chưa phong phú và hấp dẫn; chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin của tín đồ, chức sắc, nhà tu hành và chức việc tôn giáo. Truyền thông còn hạn chế trong công tác thu thập thông tin, về các vấn đề tôn giáo bức xúc; hoặc bị một số người có trách nhiệm ở các cấp né tránh, thậm chí thẳng thừng tuyên bố không cung cấp thông tin bản chất vấn đề tôn giáo.

Điều tra xã hội học bằng bảng hỏi về tổng hạn chế của truyền thông quyền tự do tôn giáo, từ cao đến thấp là: mang tính vụ việc 30%; tính hình thức 23,7%; hạn chế trong thu thập thông tin 18,2%; tính một chiều là 20,5%; nhược điểm khác là 7,7%. Theo đó, hạn chế lớn nhất ở đây là truyền thông tôn giáo hầu như không được chủ thể xây dựng kế hoạch 1 năm và 5 năm, khi có sự kiện gì đó của tôn giáo thì mới huy động truyền thông.

Hạn chế này có nguyên nhân do quyền tự do tôn giáo được nhận thức như hiện nay thì chỉ gần đây mới được đưa vào Hiến pháp, pháp luật; hoặc đây là vấn đề không dễ để có thể phân tích thấu đáo về lý luận, quan điểm, trong khi ngành tôn giáo học ở nước ta còn mới và truyền thông tôn giáo với tính cách là một chuyên ngành của truyền thông học, cũng như là một ngành của truyền thông nói chung thì vẫn chưa có. Ngoài ra, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo với tính phổ biến của nó luôn có yêu cầu phải được hiện thực hoá phù hợp với tính lịch sử cụ thể của đất nước ta, thì vẫn đang là một vấn đề khó nữa.

Giải pháp phát huy vai trò của truyền thông trong định hướng nhận thức cho công chúng về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam thời gian tới

Để phát huy vai trò của truyền thông trong việc định hướng nhận thức cho công chúng về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với truyền thông nhằm phát huy vai trò của truyền thông quyền tự do tôn giáo

Tại Đại hội lần thứ XII, năm 2016, Đảng đã đưa ra quan điểm, nhiệm vụ nhằm phát triển truyền thông, trong đó nhấn mạnh: "Làm tốt công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, xuất bản. Các cơ quan truyền thông phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam. Quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí đáp ứng yêu cầu phát triển, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên Internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên".

Quán triệt quan điểm chỉ đạo đó vào việc phát huy vai trò của truyền thông của Đảng, Nhà nước trong việc đảm bảo quyền tự do tôn giáo, Đảng lãnh đạo trước hết cần coi trọng đặc biệt tới vấn đề phát triển nhận thức của cán bộ, đảng viên và của cả xã hội về kiến thức tôn giáo và công tác tôn giáo. Đã có một thời gian dài, Việt Nam và nhiều nước xã hội chủ nghĩa nhận thức có phần phiến diện, một chiều và thiếu khách quan về tôn giáo, khi xem vai trò của tôn giáo là tàn dư của xã hội cũ, là tiêu cực, còn đồng bào các tôn giáo là cộng đồng thụ động, ít tiến bộ.

Tăng cường quản lý nhà nước đối với truyền thông trong việc phát huy vai trò của truyền thông quyền tự do tôn giáo

Quản lý Nhà nước về truyền thông đảm bảo quyền tự do tôn giáo cần phải tuân thủ nghiêm túc hơn nữa đối với các quy định của luật pháp về truyền thông nói chung. Quản lý Nhà nước về truyền thông nhằm nâng cao vai trò của truyền thông trong việc đảm bảo quyền tự do tôn giáo cần thực hiện những nội dung quản lý Nhà nước về báo chí mà Luật Báo chí đã quy định, với sự nghiêm minh, đảm bảo cả hiệu lực và hiệu quả. Từ đó, Bộ TT&TT cần thể chế hoá thành các quy định pháp lý đối với truyền thông quyền tự do tôn giáo.

Nội dung quản lý Nhà nước về báo chí được quy định ở Điều 6 của Luật Báo chí, gồm 10 nội dung cụ thể, từ thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển; tổ chức và quản lý thông tin; đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp, chính trị, đạo đức; quản lý hợp tác quốc tế; tổ chức thực hiện chế độ thông tin, cho đến việc thanh tra, kiểm tra. Từ những nội dung quản lý Nhà nước mà pháp luật Báo chí quy định, công tác quản lý Nhà nước về truyền thông quyền tự do tôn giáo cần quan tâm nhiều hơn ở việc: Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí, từ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức, lập trường chính trị cho đến việc khen thưởng, kỷ luật.

Để Bộ chủ quản xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về truyền thông tôn giáo trước hết cần rà soát, xem xét, dự kiến bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, kịp thời loại bỏ những quy định lạc hậu, mâu thuẫn, chồng chéo, không đúng thẩm quyền, không minh bạch. Đây là việc làm tiên quyết để truyền thông tôn giáo bảo đảm được tính thống nhất, đồng bộ, từng bước đơn giản hóa, hiện đại hóa hệ thống quy phạm, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập.

Nâng cao trách nhiệm của chủ thể truyền thông các cấp

Các cơ quan truyền thông ở các địa phương cần xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung, định hướng về công tác tuyên truyền để đồng bào tôn giáo gắn bó đồng hành cùng dân tộc; là nơi cung cấp thông tin, tài liệu, văn bản hướng dẫn nội dung công tác tuyên truyền trong đồng bào tôn giáo. Các cơ quan truyền thông cần có dự báo tình hình phát triển, những diễn biến của đồng bào có đạo trong giai đoạn mới để chủ động trong công tác truyền thông tôn giáo.

Bên cạnh đội ngũ làm báo, truyền thông chuyên nghiệp, việc xây dựng đội ngũ những người truyền thông về tôn giáo rất cần thiết phải tạo ra các "mạng lưới" rộng rãi cho mình từ môi trường xã hội - tôn giáo. Đó là việc xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, cốt cán phong trào trong tôn giáo, các trí thức tôn giáo và các chức sắc tôn giáo tiến bộ, để huy động họ tham gia công tác truyền thông tôn giáo. Những người này cũng thường có vị thế nhất định trong các tổ chức chính trị xã hội, như Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban Đoàn kết Công giáo, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp... Vì thế, họ nếu được chủ động, tự giác tham gia vào truyền thông tôn giáo, thì chắc chắn vai trò của truyền thông trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo sẽ được to lớn hơn.

Nâng cao chất lượng, phẩm chất nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác truyền thông quyền tự do tôn giáo

Xây dựng đội ngũ phóng viên, nhà báo, tuyên truyền viên về chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp. Đối với người làm truyền thông tôn giáo, bên cạnh chuyên môn chung, họ phải được trang bị về quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo, song vẫn chưa đủ, mà rất cần thiết, họ phải được trang bị những kiến thức cơ bản về tín ngưỡng, tôn giáo. Lâu nay người làm truyền thông tôn giáo thường có tâm lý ngại va chạm, né tránh, ít tiếp xúc với tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo nên không ít tin, bài viết về tôn giáo có chất lượng thấp, với nhiều sai sót, thiếu tính thuyết phục. Tình hình đó chủ yếu là do họ còn rất thiếu về kiến thức tôn giáo và chính sách, pháp luật đối với tôn giáo. Vì vậy, việc xây dựng, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng đối với cán bộ, phóng viên, biên tập viên truyền thông tôn giáo để họ có trình độ, có năng lực xử lý thông tin, và có bản lĩnh khi tác nghiệp báo chí về tôn giáo là công việc quan trọng hàng đầu của các cơ quan truyền thông về tôn giáo hiện nay.

Về phương diện đạo đức nghề nghiệp của người làm truyền thông về tôn giáo và quyền tự do tôn giáo. Họ phải luôn thể hiện rõ trong việc đề cao tính chính xác, chính thống của thông tin về tôn giáo phải trung thực, chuẩn xác, khách quan, nó phải được thẩm định trước khi đăng tải. Ngoài ra, đạo đức nghề nghiệp trong truyền thông tôn giáo cũng cần được thực hiện nghiêm minh trên vấn đề bản quyền tác giả và thực hiện nghiêm kỷ luật thông tin.

Về lập trường, quan điểm và bản lĩnh nghề nghiệp của người làm truyền thông tôn giáo đang đứng trước những đòi hỏi rất cao. Các phóng viên, biên tập viên, họ phải luôn được trau dồi, rèn luyện về lập trường, bản lĩnh chính trị, để tỉnh táo khi đối diện trước những thông tin có tính chất nghiêm trọng liên quan đến tôn giáo. Điều đó tạo cho họ có được uy tín, kinh nghiệm công tác và biết lắng nghe, xử lý được các tình huống thực tế trên cơ sở tôn trọng pháp luật và nguyện vọng chính đáng của đồng bào tôn giáo. Họ không nên sa đà vào miêu tả gây kích động, không kích thích sự tò mò, hiếu kỳ của người đọc mà phải phân tích rõ nguyên nhân, cảnh báo những biện pháp phòng tránh. Họ, khi đưa thông tin tiêu cực liên quan đến tôn giáo cần phản ánh với tinh thần xây dựng, không chỉ phê phán, đấu tranh một chiều, mà còn phải chú ý đến các giải pháp nhằm góp phần ổn định chính trị, xã hội. Đối với những thông tin nhạy cảm liên quan đến tôn giáo, họ không nên né tránh mà phải có trách nhiệm thể hiện rõ quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, cũng như nguyện vọng chính đáng - khách quan của người dân có và không có tôn giáo.

Bảo đảm thực hiện truyền thông trong việc định hướng nhận thức cho công chúng về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam trong thời gian tới

Một là, bảo đảm kết cấu hạ tầng CNTT, truyền thông trong việc định hướng nhận thức cho công chúng về quyền tự do tôn giáo cho các cơ quan truyền thông, báo chí và các cơ sở truyền thông theo kịp xu thế phát triển của CMCN 4.0, đồng thời phù hợp với trình độ tiếp cận và sử dụng các thiết bị thông minh của công chúng.

Hai là, đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực ngành Truyền thông đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0, bao gồm đồng bộ hóa đội ngũ nhà báo và nhà quản lý truyền thông, báo chí đủ bản lĩnh, nhân cách và năng lực tương ứng.

Ba là, xây dựng môi trường pháp lý cho truyền thông, báo chí bảo đảm thích ứng với cuộc CMCN 4.0. Trong bối cảnh phát triển xã hội thông tin, bên cạnh báo chí chính thống còn rất nhiều "dòng chảy" thông tin khác, đặc biệt là thông tin trên mạng xã hội. Cần nghiên cứu và tìm kiếm các giải pháp khoa học nhằm định hướng nhận thức cho công chúng về quyền tự do tôn giáo kịp thời và hiệu quả.

Bốn là, nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp an ninh truyền thông trong việc định hướng nhận thức cho công chúng về quyền tự do tôn giáo hiệu quả, đặc biệt là vấn đề phòng, chống tội phạm công nghệ cao và an ninh mạng. Có thể nói, đây là một trong những yêu cầu căn bản và cấp thiết nhất ở mọi quốc gia hiện nay, khi phải giải bài toán "CMCN 4.0".

Năm là, cơ quan truyền thông, báo chí và đặc biệt là cơ quan quản lý Nhà nước và Ban Tuyên giáo các cấp cần nhận thức đúng về CMCN 4.0 và tính tất yếu của sự đổi mới, có chiến lược nghiên cứu, thay đổi chính sách quản lý truyền thông, báo chí trước thách thức của sự phát triển mạng xã hội, truyền thông, sự ra đời của nền báo chí đa nền tảng, báo chí dữ liệu và báo chí sáng tạo, có chủ trương đổi mới ngay, không thể chờ đợi hay chậm trễ.

Sáu là, quán triệt và vận dụng quan điểm Đại hội XII của Đảng về chủ trương: "… gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển, xây dựng con người và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội"; củng cố, phát triển tính chủ động cho mỗi con người, mỗi tổ chức, đơn vị, từ Trung ương đến từng địa phương một cách tích cực, sát thực. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam trước tác động của CMCN 4.0 hướng đến mục đích, nội dung nhất quán là "bảo đảm được tính dân tộc, giữ gìn "bản sắc dân tộc" một cách vững chắc"; thường xuyên củng cố, kiên định mục tiêu "xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; thấm nhuần tinh thần dân tộc". Các cơ quan truyền thông, báo chí phải tiếp nhận, chuyển hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng thành thái độ, động cơ, niềm tin, ý chí và hành vi ứng xử của mỗi con người,"đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Có giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam", .

Bảy là, truyền thông trong việc định hướng nhận thức cho công chúng về quyền tự do tôn giáo trong CMCN 4.0 phải gắn với đấu tranh tư tưởng, lý luận; nâng cao chất lượng định hướng và hiệu quả quản lý mạng xã hội, củng cố thái độ kiên quyết, nâng tầm trình độ đấu tranh, phê phán của mỗi chủ thể, mỗi con người; phải lôi cuốn, tập hợp con người Việt Nam cả trong nước và ngoài nước cùng tham gia.

Đây là cơ hội và thách thức đối với truyền thông trong việc định hướng nhận thức cho công chúng về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0; thực trạng truyền thông trong việc định hướng nhận thức cho công chúng về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam thời gian qua; giải pháp phát huy vai trò của truyền thông trong việc định hướng nhận thức cho công chúng về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam thời gian tới.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Vai trò của truyền thông trong định hướng nhận thức về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam kỷ nguyên 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO