Trước ảnh hưởng của dịch COVID kéo dài, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), riêng trong 7 tháng năm 2021, cả nước có gần 79,7 nghìn doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Có thể thấy, những DN có thể bám trụ là những DN đã chuyển đổi hình thức kinh doanh phù hợp, cụ thể là đưa việc kinh doanh lên kênh trực tuyến để tiếp cận người tiêu dùng. Bên cạnh tài khoản mạng xã hội hay gian hàng thương mại điện tử, website đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hoàn thiện sự hiện diện của DN trên mạng Internet. Hầu hết các DN lớn đều sở hữu website, nhưng điều này có đúng với DN nhỏ và vừa hay không, 6 lý do dưới đây sẽ làm rõ vấn đề này.
1. Xây dựng một "trụ sở" trực tuyến
Theo báo cáo Việt Nam Digital 2021, đến tháng 1/2021, số lượng người sử dụng Internet ở Việt Nam đạt 68,72 triệu người, chiếm 70,3% tổng dân số. Điều này cho thấy xu hướng tất yếu của việc người tiêu dùng tìm kiếm thông tin trên Internet.
Website hoạt động giống như một trụ sở trực tuyến của DN: người tiêu dùng có thể tham chiếu để biết được thông tin liên hệ và dịch vụ được cung cấp. Có thể nói website là một yếu tố không thể thiếu trong việc xây dựng thương hiệu trên thị trường số. Bên cạnh đó, việc có website riêng cho phép DN tạo một địa chỉ email có thương hiệu (ví dụ: lienhe@thuonghieucuaban.vn), giúp tăng thêm mức độ chuyên nghiệp cho DN khi thực hiện hoạt động kinh doanh.
2. Website giúp thu hút khách hàng mới thông qua các công cụ tìm kiếm
Theo nghiên cứu của Gravity Digital, hơn 94% người tiêu dùng có xu hướng tìm hiểu website sản phẩm trước khi ra quyết định mua hàng. Và 75% trong số đó thừa nhận họ đánh giá uy tín của một DN dựa trên chính website của DN đó. Nếu không có website hoặc website thiếu chuyên nghiệp, DN của bạn có thể đánh mất đi một phần tín nhiệm không nhỏ từ người mua hàng.
3. Độc lập và chủ động trong quản lý
Khác với mạng xã hội hay sàn thương mại điện tử, website riêng không giới hạn khối lượng thông tin hay cách thức thể hiện mà bạn muốn đăng tải, minh bạch và rõ ràng. Website là công cụ giúp bày bán hàng nghìn sản phẩm mà không hề lo chi phí thuê mặt bằng, trang trí cửa hàng, phí tuyển nhân sự, đặt banner quảng cáo thu hút khách hàng. Hơn thế nữa, website có thể mở cửa 24/7 trong bất kể tình huống nào.
Nhiều DN nhỏ hay hộ kinh doanh có thể có tâm lý e ngại rằng việc xây dựng và duy trì một website khá tốn kém, đòi hỏi người quản lý có trình độ công nghệ thông tin cao. Tuy vậy, ngày nay điều này không còn khó khăn nữa. Có rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ làm website nhanh và chi phí thấp, tích hợp đầy đủ các tính năng từ giới thiệu sản phẩm, đến mua hàng và thanh toán trực tuyến. Điều này cho phép các DN vừa, nhỏ đến siêu nhỏ đều có thể xây dựng hiện diện trên Internet.
4. Hiển thị các đánh giá tốt nhất về sản phẩm
Bạn có thể chọn một vị trí nổi bật trên website để hiển thị những đánh giá tốt nhất về sản phẩm từ khách hàng. Ngoài ra, nếu sản phẩm của bạn được xuất hiện trên các trang báo hay tạp chí, bạn cũng hoàn toàn có thể đưa những hình ảnh đó lên website của mình. Yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua hàng (đặc biệt với các sản phẩm có giá trị cao) thường đến từ các các đánh giá, trải nghiệm của các khách hàng đã mua, dùng sản phẩm trước đó. Các đánh giá này có giá trị thôi thúc rất lớn đến quyết định mua hàng. Chỉ có website riêng bạn mới chủ động quản lý được các đánh giá này một cách có lợi nhất cho sản phẩm. Đây là một cách tuyệt vời để dành niềm tin của khách hàng tiềm năng.
5. Nhận phản hồi từ khách hàng và xử lý vấn đề trực tiếp
Website giúp những yêu cầu, thắc mắc của khách hàng đến thẳng DN, từ đó có thể đưa ra những phương án, biện pháp xử lý nhanh chóng và tăng sự hài lòng của khách hàng. Theo khảo sát của Digital Health của Ireland năm 2020, 73% DN cho rằng việc có website giúp gia tăng doanh số bán hàng trực tiếp. Website còn giúp gia tăng khả năng khách hàng mua những sản phẩm khác ngoài sản phẩm muốn mua ban đầu. Bên cạnh đó, với việc khác hàng giao dịch trực tiếp trên website, DN có thể xây dựng tệp dữ liệu về thói quen mua sắm, mặt hàng yêu thích của khách hàng đó để đưa ra những phương án quảng cáo, chào hàng hợp lý nhất.
6. Website là công cụ quan trọng nếu DN muốn vận hành lâu dài
Trong công cuộc chuyển đổi số, thiếu đi sự hiện diện trực tuyến cũng giống như khiến cho DN "tàng hình" trước một bộ phận lớn người tiêu dùng. Có thể thấy, website mang lại rất nhiều lợi ích, tăng sự tin cậy của khách hàng đối với DN, cũng như tăng khả năng cạnh tranh của DN trên thị trường. Kể cả khi dịch COVID qua đi, người tiêu dùng cũng đã hình thành một thói quen mua hàng trực tuyến và việc không có sự hiện diện trực tuyến sẽ làm cho DN trở nên tụt hậu. Không có một thời điểm nào thích hợp hơn là ngay bây giờ để bạn bắt tay vào xây dựng website cho DN của mình./.
Đối với các DN hướng tới thị trường Việt Nam, nên sử dụng tên miền quốc gia như .vn, .com.vn, .biz.vn, .net.vn để xây dựng website. Đây là mã tên miền quốc gia Việt Nam được công nhận trên toàn cầu, đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn thông tin và được pháp luật Việt Nam bảo vệ tránh khỏi việc đánh cắp tên miền. Bên cạnh đó, sử dụng tên miền quốc gia giúp gia tăng độ nhận diện của DN, khẳng định xuất xứ sản phẩm cũng như mang lại lợi thế xếp hạng trên công cụ tìm kiếm. Theo khảo sát của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), 86% người tiêu dùng cho rằng website với tên miền .vn tin cậy hơn những tên miền khác. Bên cạnh đó, tên miền .vn không bị ảnh hưởng bởi các sự cố Internet quốc tế, giúp duy trì sự hài lòng trong trải nghiệm khách hàng.