Ván cược lớn của Apple vào AI đối mặt với "rào cản" quy định của EU
Apple Intelligence là một bước tiến đột phá trong việc tích hợp trí tuệ nhân tạo vào các thiết bị iPhone, iPad và Mac, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm cá nhân hóa và bảo mật hàng đầu, đồng thời nâng cao hiệu suất và khả năng tương tác của người dùng với thiết bị. Tuy nhiên, trong tương lai gần, người tiêu dùng tại Liên minh châu Âu sẽ không được trải nghiệm tính năng này.
Hàng năm, iPhone luôn là chủ đề gây sốt trong cộng đồng yêu công nghệ và cả những người dùng phổ thông. Năm nay, nhiều người gọi iPhone 16 là “AI iPhone” nhờ hàng loạt tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) được tích hợp bên trong sản phẩm.
Vào ngày 20/9, những chiếc điện thoại thông minh mới nhất của Apple, iPhone 16, đã chính thức lên kệ tại nhiều thị trường. Tuy nhiên, trong tương lai gần, người tiêu dùng tại Liên minh châu Âu (EU) sẽ không được trải nghiệm Apple Intelligence, bộ tính năng AI tiên tiến lần đầu được tích hợp trên các hệ máy iPhone, iPad và Mac.
Các tính năng AI của Apple Intelligence bị chặn tại EU
Vấn đề của Apple Intelligence tại EU rất phức tạp. Apple không mang bộ tính năng đến EU do Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (Digital Market Act - DMA), nhằm bảo vệ thị trường cạnh tranh và ngăn chặn hành vi độc quyền trong khu vực.
Apple phải tuân thủ quy định của DMA bằng cách giới thiệu nhiều tính năng độc quyền dành riêng cho khu vực EU, ví dụ người dùng EU có thể tải ứng dụng từ nguồn thứ ba ngoài App Store, nhưng công ty không thực hiện những thay đổi này đối với phần còn lại của thế giới.
Vào tháng 6/2024, Apple từng tiết lộ rằng DMA đã tạo ra "sự không chắc chắn về quy định" khiến quá trình ra mắt Apple Intelligence tại EU gặp nhiều khó khăn. "Do sự bất ổn định mà Đạo luật DMA mang đến, chúng tôi không chắc có thể ra mắt Apple Intelligence cho người dùng EU trong năm nay", người phát ngôn công ty cho biết.
Theo Apple, các yêu cầu về khả năng tương tác của DMA có thể buộc họ phải đánh đổi tính toàn vẹn của sản phẩm, gây rủi ro cho quyền riêng tư và bảo mật của người dùng.
Như vậy, Apple Intelligence sẽ không khả dụng khi người dùng đang ở trong lãnh thổ EU và đăng ký ID Apple tại EU. Tuy nhiên, đối với các du khách đến EU, nếu ID Apple được thiết lập ngoài EU, vẫn có thể sử dụng Apple Intelligence trong xuyên suốt chuyến du lịch.
Apple Intelligence bao gồm các công cụ viết (chỉnh sửa, kiểm tra ngữ pháp và tóm tắt), khả năng tạo hình ảnh và Siri được nâng cấp, mang đến những trải nghiệm thú vị, trực quan, dễ sử dụng, và được thiết kế đặc biệt để giúp người dùng thực hiện những việc quan trọng nhất đối với họ.
Tòa án châu Âu buộc Apple phải trả 14,4 tỷ USD tiền thuế cho Ireland
Sau phán quyết cuối cùng của tòa án tối cao châu Âu mới đây, Apple bị yêu cầu phải trả tiền thuế truy thu khổng lồ là 14,4 tỷ USD (13 tỷ euro) cho chính phủ Ireland. Quyết định này đánh dấu sự kết thúc cho cuộc chiến pháp lý kéo dài 8 năm giữa Apple, chính phủ Ireland và Liên minh châu Âu.
"Hôm nay là một chiến thắng lớn cho công dân châu Âu và công lý thuế", Uỷ viên chống độc quyền của EU Margarethe Vestager cho biết trên X.
8 năm trước (năm 2016), Ủy ban Châu Âu (EC) đã đưa ra cáo buộc rằng Apple, có chi nhánh ở Ireland, đã được hưởng lợi từ 2 hiệp ước thuế của Ireland trong hơn hai thập kỷ.
Thoả thuận này cho phép Apple kê khai thuế từ hai công ty con Apple Sales International và Apple Operations Europe với mức thuế suất cực thấp, chỉ 1% trên số lãi mà hãng kiếm được tại châu Âu vào năm 2003 và giảm còn 0,005% vào năm 2014.
Theo bà Vestager, thông qua thỏa thuận với chính phủ Ireland, nhà sản xuất iPhone gần như không đóng thuế, trong khi lẽ ra phải trả 13 tỷ euro cho tất cả lợi nhuận liên quan.
EU buộc Apple "mở cửa" hệ điều hành iOS
Diễn biến mới nhất trong câu chuyện này là EU yêu cầu Apple phải mở rộng khả năng tương thích của hệ điều hành iOS với các thiết bị và ứng dụng của bên thứ ba. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh EU đang nỗ lực tăng cường cạnh tranh công bằng trên thị trường kỹ thuật số thông qua Đạo luật DMA.
Theo đó, Apple được yêu cầu "cung cấp khả năng tương tác miễn phí và hiệu quả cho các nhà phát triển và doanh nghiệp bên thứ ba" trên các thiết bị iOS và iPadOS. Uỷ ban châu Âu cho rằng, công ty nên cung cấp các khả năng tương tự như các sản phẩm AirPods, Apple Watch và Vision Pro cho các công ty khác.
Uỷ ban châu Âu cũng muốn Apple cải thiện quy trình mà họ đã thiết lập để giải quyết các yêu cầu về khả năng tương tác do các nhà phát triển và bên thứ ba gửi cho iOS và iPadOS.
DMA là quy định của EU nhằm đảm bảo các công ty công nghệ lớn cung cấp nền tảng mở và công bằng để thúc đẩy sự cạnh tranh trong thị trường. DMA quy định các thực thể trong danh sách "người gác cổng" (gatekeeper) bị cấm ưu tiên dịch vụ của họ hơn đối thủ và khóa người dùng để bảo vệ hệ sinh thái.
Các phần mềm phải cho phép bên thứ ba tương tác với các dịch vụ nội bộ. Trong trường hợp này, Apple bị chỉ trích vì các hạn chế nghiêm ngặt đối với hệ điều hành iOS, hạn chế quyền truy cập của các nhà phát triển và thiết bị bên thứ ba. Điều này bao gồm cả việc giới hạn quyền truy cập vào các tính năng như Siri, trợ lý ảo và hệ thống thanh toán Apple Pay. Đây là lý do tại sao Apple gần đây buộc phải phải cho phép người dùng cài ứng dụng bên ngoài App Store riêng tại châu Âu.
Quyết định của EU đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến vì một thị trường kỹ thuật số công bằng và mở cửa. Việc Apple có tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của EU hay không sẽ định hình tương lai của hệ sinh thái iOS và ảnh hưởng đến trải nghiệm của hàng triệu người dùng trên toàn thế giới.
Theo DMA, Apple sẽ có 6 tháng để giải quyết những vấn đề này từ Ủy ban châu Âu. Nếu Apple không tuân thủ, công ty có thể bị phạt tới 10% doanh thu hàng năm trên toàn cầu. Với Apple, khoản phạt này là một con số khổng lồ có thể lên tới hơn 38 tỷ USD khi dựa theo doanh thu năm 2023 của công ty là 385,70 tỷ USD./.