Vận hành hệ thống thông tin dùng chung sau sáp nhập hai tỉnh vào Thành phố Hồ Chí Minh
Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cùng hai Sở Khoa học và Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương và Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh vừa ký kế hoạch liên tịch phối hợp tổ chức vận hành các hệ thống thông tin của ba địa phương sau khi sáp nhập.

Mục tiêu của kế hoạch nhằm bảo đảm công tác vận hành các hệ thống thông tin của ba tỉnh, thành phố sau khi hợp nhất được thông suốt, không ảnh hưởng đến việc xử lý công việc của cán bộ công chức trên địa bàn ba địa phương.
Đồng thời, bảo đảm người dân, doanh nghiệp và các bên liên quan có thể truy cập, khai thác các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu trên một giao diện thống nhất, đồng bộ, dễ sử dụng và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và bảo mật dữ liệu.
Theo kế hoạch, công tác triển khai được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 ưu tiên các hệ thống thông tin thiết yếu.
Đối với các cơ quan Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu và Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh triển khai chung lộ trình các hệ thống thông tin về văn bản điều hành, hệ thống báo cáo, hệ thống phần mềm tác nghiệp, hội nghị trực tuyến, cổng thông tin điện tử đảng bộ và tạo tài khoản thư điện tử công vụ.
Đối với hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước, Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ ba địa phương và các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát hiện trạng hệ thống hội nghị trực tuyến, đề xuất giải pháp và phương án kết nối với hệ thống tại Thành phố Hồ Chí Minh để hình thành một hệ thống vận hành thống nhất.
Đồng thời, tiến hành khảo sát hiện trạng hệ thống quản lý văn bản tại các địa phương, xây dựng mô hình liên thông, đề xuất triển khai sử dụng một hệ thống quản lý văn bản điều hành duy nhất, bảo đảm tính liên tục và thuận tiện trong xử lý, lưu trữ văn bản. Việc này cũng bảo đảm duy trì liên thông với trục liên thông văn bản thành phố và quốc gia, bảo đảm văn bản điện tử luân chuyển thông suốt, đúng quy định.
Hệ thống quản lý văn bản, chỉ đạo điều hành sẽ được thử nghiệm tại các sở, ban, ngành của Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu; tại các phường, xã mới thành lập ở Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh.
Thời gian hoàn thành thử nghiệm trước ngày 15/6. Sau đó, triển khai mở rộng cho toàn bộ các phường, xã và đặc khu mới thành lập, cũng như các sở, ban, ngành sau hợp nhất, hoàn thành trước ngày 15/8. Tập huấn và hướng dẫn sử dụng sẽ hoàn thành trước ngày 28/8, chính thức vận hành từ ngày 1/9.
Đối với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, sau khi hoàn thành cấp mã định danh, Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cấu hình hệ thống Trung tâm hành chính cho Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu, chuẩn bị phương án kỹ thuật để thử nghiệm.
Việc thử nghiệm được thực hiện tại 15 phường, xã. Từ ngày 20/5 sẽ triển khai diện rộng cho các đơn vị còn lại. Việc tập huấn, hướng dẫn sử dụng và truyền thông được hoàn thành trước 28/8 và chính thức vận hành từ ngày 1/9.
Ngoài ra, các địa phương và đơn vị liên quan cũng được phân công triển khai các nhiệm vụ liên quan đến hệ thống 1022, chữ ký số, mã định danh điện tử… bảo đảm hoạt động thông suốt sau sáp nhập.
Trong giai đoạn 2, các đơn vị sẽ tập trung xây dựng phương án quản trị và vận hành hệ thống thông tin trên nền tảng số sau khi hợp nhất.
Nội dung bao gồm: Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp xã, xây dựng phương án triển khai hệ thống từ cấp sở xuống phường, xã và đặc khu, bảo đảm tuân thủ theo Chiến lược quản trị dữ liệu Thành phố.
Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tham vấn Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lựa chọn các hệ thống thông tin phù hợp để triển khai rộng rãi.