Ví Gpay: Tạo sự khác biệt nhờ mô hình B2B2C với giải pháp ví điện tử mở
Năm 2022, Ví điện tử Gpay đã được vinh danh trong hàng loạt các giải thưởng như Sao Khuê 2022, chuyển đổi số (CĐS) Việt Nam 2022...
Kết quả kinh doanh cũng đã có những sự tăng trưởng vượt bậc chỉ số tổng giá trị giao dịch (GMV) có tốc độ tăng trưởng cao, trung bình mỗi tháng tăng trưởng 2-3 lần. GMV 8 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng 21% so với GMV cả năm 2021.
Thành công này có được là do Gpay đã không chọn hướng đi “đốt tiền” để chạy khuyến mại thu hút người dùng cuối như các ví điện tử khác mà tập trung khai thác vào hệ sinh thái 30 triệu người dùng của G-Group, với sự đồng hành của tập đoàn KB Financial (Hàn Quốc), cũng như hướng đi B2B2C với giải pháp ví điện tử mở - doanh nghiệp có thể mở ví điện tử riêng mình ngay trên ứng dụng của họ.
Theo Gpay, mặc dù gặp những rào cản nhất định đến từ thói quen hay việc kết nối giữa doanh nghiệp (DN) ví điện tử và các công ty cung cấp dịch vụ, hàng hóa..., nhưng trong 3 năm tới, mọi người sẽ dần thấy xã hội thanh toán không dùng tiền mặt theo đề án của Chính phủ rõ hướng hơn bao giờ hết và đây cũng là xu thế chung trong tương lai gần.
Không “đốt tiền” để chiếm lĩnh thị trường như các ví điện tử khác, Gpay tập trung khai thác thị trường ngách, tạo dấu ấn riêng thông qua việc hợp tác với DN khác để đưa sản phẩm đến tay người dùng (B2C2C) cũng như ra mắt giải pháp ví điện tử mở (Open Wallet) để tạo ra ví điện tử di động riêng biệt cho các công ty. Việc tăng trưởng vượt bậc cùng hàng loạt giải thưởng trong năm 2022 đã cho thấy ví điện tử Gpay đang đi đúng hướng.
Đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong năm 2022
Cuối tháng 10/2022, ví điện tử Gpay đã được vinh danh ở Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2022 ở hạng mục Sản phẩm, dịch vụ, giải pháp công nghệ số tiêu biểu. Trước đó, tháng 4/2022, Ví điện tử Gpay cũng được Sao Khuê 2022 vinh danh là Sản phẩm, giải pháp số xuất sắc ở Lĩnh vực Tài chính số bởi tính hiệu quả, tiện lợi trong thanh toán và sự an toàn nhờ vào hệ thống bảo mật toàn diện. Ví điện tử Gpay đã gây ấn tượng khi triển khai thực tế vô cùng hiệu quả trong lĩnh vực CĐS.
Một trong những dịch vụ nổi bật của Gpay được hội đồng các giải thưởng đánh giá cao là ví điện tử mở (Open Wallet) - giải pháp cung cấp ví điện tử di động riêng biệt cho các DN. Trên Open Wallet, ví điện tử Gpay và app DN được tích hợp trên một nền tảng duy nhất. Khách hàng có thể thanh toán hàng hóa lẫn dịch vụ DN ngay trên ứng dụng; nạp, rút, liên kết hơn 30 ngân hàng.
Bên cạnh đó, Open Wallet cũng áp dụng phương thức định danh khách hàng eKYC, hỗ trợ thanh toán hóa đơn, điện thoại, TopUp ngay trên ứng dụng DN. Nhờ đó DN có thể: Tối ưu việc quản lý tài chính; Thanh toán trực tiếp phụ cấp của nhân viên qua App doanh nghiệp; Hỗ trợ mở rộng kênh bán hàng với chi phí đầu tư tối thiểu và Mở rộng thị trường, tiếp cận được khách hàng mới...
Về lý do ra mắt sản phẩm, ông Nguyễn Thuần Chất, Tổng Giám đốc Gpay, Tập đoàn Công nghệ G-Group cho biết, ví điện tử này được Ngân hàng nhà nước (NHNN) chính thức cấp giấy phép vào tháng 4/2020 với 3 dịch vụ được cung cấp bao gồm ví điện tử, cổng thanh toán điện tử và hỗ trợ thu hộ, chi hộ. Để rồi, tháng 01/2021, ví điện tử Gpay chính thức công bố khoản đầu tư series A từ Tập đoàn Tài chính KB Hàn Quốc với định giá 425 tỷ đồng từ Công ty KB Securities. Thương vụ đầu tư này là điểm sáng của thị trường Fintech và cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam ngay dịp đầu năm mới 2021.
Ra đời khi trên thị trường đã có nhiều ví điện tử với thị phần lớn, nên Gpay xác định tầm nhìn và chiến lược sản phẩm riêng, không chạy theo mô hình B2C hướng đến người dùng cuối.
Cụ thể, bên cạnh lợi thế riêng với hệ sinh thái G-Group gồm hơn 30 triệu người sử dụng trên tất cả các nền tảng, chiến lược của Gpay là tập trung vào đối tượng khách hàng B2B - khách hàng DN và B2B2C (Business To Business To Customer - hợp tác với DN khác để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng) để phát triển tất cả sản phẩm đang có. “Đó là cách đi khác biệt để tạo được những dấu ấn riêng trong thị trường trung gian thanh toán hiện tại”, ông Chất nói.
Kết quả kinh doanh từ đầu năm đến nay của Gpay đang khá tốt và tích cực, cho thấy công ty đang phát triển đúng hướng. Cụ thể, chỉ số tổng giá trị giao dịch (GMV) có tốc độ tăng trưởng cao, trung bình mỗi tháng tăng trưởng 2-3 lần. Đặc biệt từ tháng 9/2022, sau khi ra mắt sản phẩm mới Open Wallet, GMV đã tăng trưởng gần 3,5 - 5 lần so với tháng 7 và 8. Nhờ đó, GMV 8 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng 21% so với GMV cả năm 2021.
Với tốc độ tăng trưởng này, đến hết tháng 11, ví điện tử Gpay sẽ hoàn thành kế hoạch của cả năm. “Thời điểm trước dịch COVID-19, Gpay tập trung vào việc hoàn thiện sản phẩm. Đây cũng được coi là thời điểm vàng giúp Gpay phát triển sản phẩm để tung ra thị trường sau khi dịch bệnh được kiểm soát”, ông Chất cho biết thêm.
Ngoài ra, việc hợp tác với đối tác là Tập đoàn Tài chính KB Hàn Quốc giúp ví điện tử Gpay tiếp cận được nhiều xu hướng mới về dịch vụ tài chính mà nước bạn đã triển khai thành công cũng như cách triển khai sản phẩm cho tối ưu... Từ đó áp dụng vào chiến lược phát triển sản phẩm của Gpay.
Về kế hoạch trong thời gian tới, công ty vẫn tập trung phát triển 3 mảng dịch vụ Gpay được cấp phép. Về ví điện tử Gpay vẫn định hướng phát triển theo hướng ví điện tử mở, mô hình B2B2C. Còn về sản phẩm hỗ trợ thu hộ/chi hộ, công ty cũng đang có những tính năng nổi trội, hoàn toàn có tính cạnh tranh trên thị trường hiện nay. Bên cạnh đó, Gpay cũng đang nghiên cứu một hệ sinh thái dành riêng cho ví điện tử mở và dự định sẽ bùng nổ trong năm 2023.
Hướng đi khác biệt thay vì “đốt tiền” để thu hút người dùng
Cũng theo ông Chất, trong quá trình hình thành và phát triển, Gpay nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ từ cơ quan chủ quản là NHNN khi đã giải đáp nhanh chóng những vướng mắc, yêu cầu từ đơn vị gửi lên. Bên cạnh đó, Tập đoàn Công nghệ G-Group cũng tạo điều kiện để nghiên cứu phát triển sản phẩm và ứng dụng trong hệ sinh thái từ những giai đoạn đầu của sản phẩm ví.
Về khó khăn, Gpay cũng gặp phải một số thách thức khi mới bước chân vào thị trường như: Tuyển dụng các nhân sự chất lượng đúng chuyên môn; Tiếp cận khách hàng... Tuy nhiên, đội ngũ chúng tôi luôn đồng lòng và quyết tâm để tháo gỡ mọi nút thắt.
Vì vậy, kể từ khi thành lập đến nay, Gpay vẫn đang đi đúng hướng và lộ trình phát triển như ban đầu. Đến thời điểm hiện tại, đội ngũ Gpay vẫn đang được truyền cảm hứng và kiên định với mục tiêu và tầm nhìn 2023.
Khi được hỏi về việc cạnh tranh với các ví điện tử khác nếu không “đốt tiền”, ông Chất khẳng định, có 2 yếu tố giúp Gpay không cần đốt quá nhiều tiền, đó là: Hệ sinh thái 30 triệu người dùng trên tất cả các nền tảng của Tập đoàn Công nghệ G-Group; Mô hình sản phẩm tiếp cận B2B2C khác biệt so với các đơn vị khác trên thị trường.
Bởi vì, cách thức của Gpay không tập trung phát triển người dùng cuối như một số ví điện tử khác mà tiên phong tiếp cận thị trường theo mô hình B2BC2 khác biệt với thị trường.
Chưa kể đến, trong hệ sinh thái của G-Group có HANET và Ginnovations, chuyên về công nghệ cao và IoT (Internet of Things). Gpay đang phối hợp với cả 2 công ty để trong tương lai sẽ cho ra mắt những sản phẩm AI phục vụ cho mảng thanh toán.
“Hiện tại, Gpay đang sử dụng Big Data để phân tích dữ liệu người dùng, hiểu được hành vi của khách hàng, từ đó gợi ý cho người dùng những dịch vụ phù hợp trên nền tảng Open Wallet cũng như ví điện tử Gpay”, ông Chất nói.
Với trung gian thanh toán nói chung và Gpay nói riêng, việc đạt chứng nhận bảo mật là rất quan trọng. Gpay được cấp chứng chỉ bảo mật theo đúng quy trình của PCI DSS. Bên cạnh đó, Gpay cũng mã hóa tất cả dữ liệu khách hàng và phân quyền theo cấp độ, yêu cầu có tài khoản mới có thể truy cập.
Ngoài ra, Gpay cũng có sự hỗ trợ của VSEC - công ty về bảo mật trực thuộc Hệ sinh thái G-Group. Để rồi khi nâng cấp những việc nâng cấp sản phẩm hay ra đời tính năng mới đều kiểm thử trước khi ra mắt để kịp thời phát hiện và sửa chữa những lỗ hổng của Gpay.
Trong 3 năm tới xã hội thanh toán không dùng tiền mặt sẽ trở nên rõ nét
Cũng theo ông Chất, 2 năm dịch bệnh vừa qua rất quan trọng trong việc thay đổi hành vi của người dùng khi tỷ lệ người dùng ví hay thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao đáng kể. Vì vậy, trong 3 năm tới, tỷ lệ này sẽ còn tăng cao hơn nữa, trong bối cảnh không chỉ ví điện tử như Gpay mà các nền tảng của ngân hàng, VietQR (Napas) cũng đang đẩy mạnh giải pháp chuyển khoản ở các điểm chấp nhận thanh toán nhỏ lẻ ngoài thị trường...
Do đó, trong 3 năm tới, mọi người sẽ dần thấy xã hội thanh toán không dùng tiền mặt theo đề án của Chính phủ rõ nét hơn bao giờ hết và đây cũng là xu thế chung trong tương lai gần.
Mặc dù vậy, bên cạnh những thuận lợi như được sự hỗ trợ từ phía ngân hàng nhà nước cũng như truyền thông về ví điện tử như cách thức sử dụng, các dịch vụ thanh toán..., việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cũng gặp không ít khó khăn. Đầu tiên là do thói quen, tâm lý của người dân. Tiếp theo, cơ sở hạ tầng, sự kết nối, tích hợp giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ với các hệ thống thanh toán tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán còn hạn chế.
Chưa kể, sự thiếu đồng bộ giữa đơn vị trung gian thanh toán và doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ cũng đang là rào cản khiến cho người tiêu dùng chưa thể áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Rào cản cuối cùng đến từ việc mặc dù số lượng người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng đã tăng mạnh (từ khoảng 30% năm 2015 lên trên 85% năm 2021) song tại các khu vực vùng sâu, vùng xa thì điều kiện tiếp cận với dịch vụ ngân hàng của người dân vẫn còn khá hạn chế.
Để khắc phục những khó khăn này, theo ông Chất, việc khuôn phổ pháp lý về dịch vụ trung gian thanh toán còn thiếu và chưa đồng bộ nên đã gây ra những vướng mắc khi triển khai thực hiện. Vì vậy, Tổng giám đốc Gpay đã đề xuất cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 12/9/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt để tạo hành lang pháp lý cho các Ngân hàng được giao đại lý dịch vụ thanh toán đối với các tổ chức khác, giúp thực hiện Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ đạt hiệu quả.
Ngân hàng Nhà nước cũng cần sớm ban hành các hướng dẫn cụ thể, để các Trung gian thanh toán triển khai dịch vụ hỗ trợ thanh toán cho các hàng hóa dịch vụ ở nước ngoài vừa đảm bảo quy định về quản lý ngoại hối của Nhà nước vừa giúp hoạt động của Trung gian thanh toán phát triển, phù hợp thông lệ quốc tế.
“Cuối cùng, cần bổ sung quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của các Ngân hàng liên kết trong việc phối hợp với ví điện tử, chia sẻ các thông tin nhận biết khách hàng của ngân hàng để những đơn vị như Gpay có thể tinh giản được các quy trình thủ tục và thông tin khi mở ví điện tử”, ông Chất khẳng định.
Còn đối với các sản phẩm “Make in Viet Nam”, trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã công bố 38 nền tảng trải rộng trên nhiều lĩnh vực, gồm đào tạo trực tuyến, hội nghị trực tuyến, điện toán đám mây, công nghệ AI, tư vấn sức khỏe, khám chữa bệnh, quản trị DN và nền tảng mã địa chỉ bưu chính. Ông Chất cho rằng, do “Make in Viet Nam” là quá trình chuyển đổi và đổi mới quan trọng nhưng cũng rất phức tạp.
Tất cả các chiến lược kinh tế đề ra sẽ làm thay đổi hình thức tạo ra giá trị trong ngành sản xuất trong tương lai và làm cho chuỗi giá trị trở nên linh hoạt hơn. Những chính sách này sẽ tạo nên hệ sinh thái kỹ thuật số trên toàn cầu, bao gồm: Chuyển đổi chủ quyền công nghệ; Chuyển đổi phát triển xanh; Xây dựng chuỗi công nghiệp; Nhân mạnh vai trò của doanh nghiệp.
“Tất cả những yếu tố này cũng là thách thức rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển các ứng dụng “Make in Việt Nam” trong thời gian tới”, ông Chất bày tỏ./.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 2 tháng 2/2023)