Vì một quốc gia số

PV| 04/03/2021 22:18
Theo dõi ICTVietnam trên

Lần đầu tiên trong lịch sử, tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, những khái niệm như chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số,… và bao trùm lên tất cả là Quốc gia số đã được đề cập với định hướng rõ nét và cụ thể.

Quốc gia số - quá trình phát triển tất yếu

Chính phủ số, công dân số, ngân hàng số, doanh nghiệp số... thoạt nghe có vẻ thời thượng nhưng thực chất đã và đang hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, có thể nhìn thấy ngay từ chiếc điện thoại thông minh trên tay bạn.

Nội hàm của những khái niệm này được nhấn mạnh nhiều lần trong mục tiêu, quan điểm phát triển lẫn đột phá chiến lược. Cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chính là chuyển đổi số với sự tích hợp của số hóa, kết nối, siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh. Đây là quá trình phát triển tất yếu, không thể đảo ngược trên toàn cầu và Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Vậy quốc gia số là gì? Trong cuộc hội thảo mang tên "Quốc gia số: các đòn bẩy chính sách cho đầu tư và tăng trưởng" do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Refrom) tổ chức, ông Konstantin Matthies, Chuyên gia Kinh tế vi mô, Giám đốc Đối ngoại AlphaBeta đã định nghĩa ngắn gọn một Quốc gia số là một quốc gia chủ động thúc đẩy nền kinh tế số - thay vì chỉ thụ động đón nhận các sản phẩm và dịch vụ số.

Để đánh giá được sự thành công của Quốc gia số, các chuyên gia phân tích dựa trên 4 lĩnh vực: Vốn tài chính (tiếp cận vốn trong mọi giai đoạn phát triển của doanh nghiệp), sản phẩm số (hàng loạt các sáng kiến đổi mới trong lĩnh vực số bao gồm phát triển ứng dụng và IP), vốn con người (Lực lượng nhân tài chất lượng cao trong nước và tiếp cận nhân tài cao cấp nước ngoài) và cộng đồng số (Đội ngũ các công ty trong và ngoài nước chủ động trong lĩnh vực số).

Quốc gia số cần định hướng

Trên thực tế, tại Việt Nam, việc chuyển đổi số, hướng tới xây dựng kinh tế số đã có những kết quả bước đầu. Với kỳ vọng cuộc cách mạng số sẽ thực sự tạo ra sự bứt phá cho đất nước trong những thập niên tới, Văn kiện Đại hội Đảng XIII đã đề cập đến các chủ trương này với định hướng rõ nét và cụ thể.

Việt Nam, ở cấp độ Chính phủ, nhấn mạnh nhiều hơn đến "cách mạng công nghiệp 4.0" - dù rằng những yếu tố cốt lõi của 4.0 bao gồm công nghệ thông tin và số hóa. Tuy vậy, trên thực tế, như đã nói ở trên, tiến trình số ở khu vực doanh nghiệp, trong đời sống xã hội và giao dịch kinh tế, thương mại của người dân lại diễn ra ở tốc độ rất nhanh và khả quan. Việt Nam, với thuận lợi là dân số trẻ, nhanh nhạy trong nắm bắt công nghệ, nằm trong tốp đầu các quốc gia có tốc độ tăng trưởng về số người dùng Internet, điện thoại thông minh, và sử dụng mạng xã hội. Chuyển đổi số, trong khi chưa cần đến một chiến lược ở cấp quốc gia và hành động của Chính phủ, thì thực chất khu vực tư nhân và người dân đã đi trước một bước.

"Công nghệ số" sẽ làm thay đổi từ phương thức quản lý Nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng đến đời sống văn hóa, xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Văn kiện Đại hội Đảng XIII đặt ra yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Với 1 trong 3 đột phá chiến lược là "xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ", Văn kiện Đại hội Đảng XIII đã nhấn mạnh một yếu tố rất mới, đó là "chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số".

Vì một quốc gia số - Ảnh 1.

Giải pháp e-Cabinet (Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ) được coi là một trong những hành động khởi đầu xây dựng Chính phủ số.

Mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế số trong Văn kiện Đại hội cũng chỉ rõ: "Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Chính phủ số; kinh tế số đạt khoảng 30% GDP; đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử, kinh tế số". Đây là những mục tiêu đầy tham vọng nhưng không phải là bất khả thi.

Đổi mới luôn bắt đầu từ tư duy. Nắm bắt đúng xu thế của thế giới, phát triển kinh tế số sẽ là con đường tạo ra những bứt phá quan trọng, qua đó Việt Nam đạt mục tiêu đến năm 2030 "trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao".

Điểm đặc biệt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với trọng tâm chuyển đổi số, xây dựng kinh tế số là tạo ra một cơ hội bình đẳng như nhau để bứt phá đi lên, kể cả với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Nếu bỏ lỡ cơ hội này, Việt Nam sẽ khó khăn hơn trên con đường phát triển cũng như hội nhập toàn diện với thế giới.

Chủ trương phát triển kinh tế số trong giai đoạn 2021 - 2030 được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội XIII thực chất là một sự thay đổi về tư duy phát triển, phù hợp với nhiều nguồn lực, thế mạnh của Việt Nam.

Việc cần làm ngay lúc này là các Bộ, ngành, từng địa phương, từng doanh nghiệp cho đến người dân phải hành động để đưa chủ trương này vào cuộc sống. Nguyên nhân là do cuộc đua đến nền kinh tế số, xã hội số, đến thịnh vượng là cơ hội công bằng cho tất cả, dành cho những quốc gia đang quyết tâm vươn lên với khát vọng xây dựng một đất nước hùng cường.

Một quốc gia số, một nền kinh tế số chắc chắn sẽ là động lực lớn cho Việt Nam - điều đó không cần thảo luận quá nhiều nữa. Tuy nhiên, nhận diện và có được những giải pháp chính sách lớn mới là những vấn đề cần quan tâm. Một lần nữa xin nhắc lại "4.0" hãy còn xa vời, nhưng chuyển đổi số quốc gia và các vấn đề đặt ra nêu trên, thì đã hiển hiện trước mắt.


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Vì một quốc gia số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO