Vi phạm bản quyền trên môi trường số: “Lời kêu cứu” từ các đơn vị làm sách chân chính

Ka Mi| 26/01/2022 14:38
Theo dõi ICTVietnam trên

Vi phạm bản quyền sách trên môi trường số vốn là vấn nạn tồn tại từ lâu. Nhưng đến nay, tình trạng này vẫn khó giải quyết dứt điểm, các hình thức xâm phạm ngày càng biến tướng tinh vi hơn.

Thất thu hàng tỷ đồng mỗi tháng

Câu chuyện sách lậu, tạo ra những tác phẩm phái sinh từ sách giấy một cách công khai trên môi trường số ngày càng nghiêm trọng hơn. Chỉ cần gõ từ khóa “sách nói”, “tải sách miễn phí PDF”, “kho sách”... trên công cụ tìm kiếm, không khó để tìm đọc hoặc nghe miễn phí những quyển sách phổ biến như: Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi, Hạt giống tâm hồn, Quà tặng diệu kỳ, Muôn kiếp nhân sinh, Nhà Giả Kim...

Trên YouTube có hàng trăm kênh đọc sách với đầy đủ nội dung, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm thoả mãn nhu cầu nghe sách nói của lớp độc giả thế hệ số. Lướt Facebook, thật không khó để bắt gặp những lời mời chào mua sách giá rẻ 1k hay USB sách nói, USB sách nói - Tủ sách thiện tâm thay đổi cuộc đời, USB sách nói - Kinh doanh làm giàu, ebook miễn phí...

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty First News - Trí Việt nhấn mạnh: “First News là một trong những đơn vị chịu thiệt hại nặng nề số 1 Việt Nam vì vi phạm bản quyền sách trên môi trường số, công ty đã bị in giả, làm giả trên 486 đầu sách bán chạy. Riêng sách nói thì vi phạm bản quyền tràn lan, trên YouTube, sách của Trí Việt được đọc rất nhiều, First News cùng với một số đơn vị đã báo cáo nhưng không thể hết được. Điều ngạc nhiên là thậm chí có cả những người nổi tiếng cũng đăng trên các nền tảng này... Đó là hành vi ăn cắp bản quyền, ăn cắp chất xám trắng trợn”, ông Phước nói.

Giống như First News, nhiều đơn vị làm sách khác cũng chịu thiệt hại nặng nề, đơn cử như Chibooks. Bà Nguyễn Lệ Chi - Tổng giám đốc Công ty CP Văn hóa CHI (Chibooks) cho hay, không ít sách Chibooks bị làm sách ebook lậu, audiobook lậu phát tán rộng rãi trên nhiều trang web, nhóm, mạng xã hội, gây thiệt hại nhiều cho công ty. “Doanh thu sách giấy bị giảm sút mạnh do không ít độc giả trẻ thích đọc sách số miễn phí, doanh thu sách số có bản quyền của công ty rất thấp”.

Đồng quan điểm về việc vi phạm bản quyền trầm trọng trên nền tảng số như Facebook, YouTube, app sách nói... Theo ông Lê Hoàng Thạch, CEO của ứng dụng sách nói và Podcast VoizFM, những người vi phạm được chia làm hai loại, một là cố tình, hai là vô tình.

Ông Thạch nhận xét hai kiểu vi phạm này rất liên quan với nhau. Vô tình - để chỉ những người thiếu hiểu biết về luật pháp, người ta nghĩ rằng mua 1 cuốn sách giấy về rồi đọc lại, đăng lên những nền tảng công cộng là quảng bá cho cuốn sách, hành động thiện nguyện và chia sẻ vì cộng đồng. Họ biện hộ như vậy nhưng luật đã quy định khi đăng tải không được phép của đơn vị sở hữu bản quyền thì đều là vi phạm, là truyền bá phát tán những bản ghi không được chủ sở hữu cho phép. Hành vi đó vô tình tạo điều kiện cho những người cố tình vi phạm.

Với những người cố tình vi phạm, họ sưu tầm, gom bản ghi của những người vi phạm vô tình rồi sau đó kiếm tiền trục lợi bằng nhiều cách như đăng lên YouTube lấy tiền quảng cáo, đăng lên website kèm theo quảng cáo kiếm tiền hoặc sử dụng USB sách nói. Nghĩa là tổng hợp những bản đọc trôi nổi ở trên mạng vào 1 USB chứa khoảng 80 cuốn sách, sau đó bán với giá 500.000 đồng/chiếc, doanh thu của những cuốn sách đều không được chia cho nhà xuất bản hay tác giả.

Theo ông Lê Hoàng Thạch, gần đây thị trường sách nói tại Việt Nam tương đối phát triển, từ năm 2019 đến 2020 - giai đoạn “bùng nổ” nhất của sách nói, thiệt hại ước tính của những hành vi phi pháp, vi phạm bản quyền lên tới hàng tỷ đồng mỗi tháng.

Cũng theo nhà sáng lập trẻ tuổi này, chuyện thương thảo bản quyền để chuyển sách in thành sách nói khá rắc rối. Nhằm bảo vệ quyền lợi của các tác giả và nhà xuất bản, từ giữa 2020 đến nay, công ty đã báo cáo những trường hợp vi phạm bản quyền (đăng tải nội dung do Voiz FM sản xuất hoặc giữ bản quyền) trên những nền tảng YouTube, Spotify... Các nền tảng công nghệ này đã hợp tác gỡ hơn 30.000 nội dung sách nói vi phạm bản quyền.

“Chuộng” sách giả, sách lậu vì tâm lý... ham rẻ

Đọc sách online hay nghe sách miễn phí những năm gần đây đã trở thành thói quen của nhiều bạn trẻ, nhất là từ khi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 tràn vào Việt Nam. Hoàng Tr, sinh viên năm thứ 2 Đại học Sư Phạm Hà Nội cho biết: “Những ngày giãn cách em đọc nhiều sách hơn, nhưng vì không có điều kiện mua sách giấy nên em hay lên mấy trang web để tải bản PDF về đọc. Trên điện thoại cũng có mấy app tải sách, ngoài ra ở YouTube có Audio Book. Muốn đọc, muốn nghe gì trên mạng đều có hết”.

Lý giải về nguyên nhân sách giả và vấn đề vi phạm bản quyền một cách công khai trên môi trường số đã tồn tại từ lâu, khó truy quét và xử lý dứt điểm. Bà Nguyễn Lệ Chi - Tổng giám đốc Công ty CP Văn hóa CHI (CHIBOOKS) cho rằng ý thức tôn trọng bản quyền của người Việt rất kém.

“Việc làm giả phiên bản ebook khá dễ dàng, việc chia sẻ sách điện tử miễn phí hoặc bán với giá rẻ khiến cho thị trường sách điện tử bị thu hẹp. Có không ít trang web, trang mạng xã hội bán sách số không bản quyền với giá cực rẻ hoặc thậm chí cho tải miễn phí để thu hút lượt follow, lượt like. Nền tảng công nghệ để thực hiện hoạt động xuất bản, phát hành điện tử cũng như vấn đề bảo mật là bài toán khó với nhà xuất bản bởi thiếu nguồn lực đầu tư cho công nghệ. Vì vậy, ebook bản quyền nếu không bảo mật kỹ cũng rất dễ bị lấy xuống sử dụng trái phép", bà Chi chia sẻ.

Cũng theo bà Chi, việc vi phạm bản quyền trên Internet khó phát hiện và rất dễ bị xóa dấu vết bằng cách đóng trang hoặc đóng các group đang có hoạt động vi phạm bản quyền. Trong khi đó, ý thức tự tôn trọng chính mình và người khác, cũng như trách nhiệm đối với xã hội của nhiều người còn hạn chế. Thói quen “xài chùa” được hình thành từ lâu trở thành tật xấu khó bỏ khiến họ khó thích ứng với việc tự bỏ tiền ra mua sách số có bản quyền, dù rẻ đến đâu. Không ít người quan niệm sai lầm rằng việc mình tự "số hóa" và đưa lên mạng chia sẻ rộng rãi chính là giúp cộng đồng, vì cộng đồng.

Đáng ngại hơn, nhiều đối tượng đã lợi dụng kẻ hở quản lý của các sàn thương mại điện tử để bán sách giả, sách lậu đánh lừa bạn đọc cả nước.

Theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, các gian hàng, kênh phân phối mang nhiều danh tính khác nhau, nhưng thực chất đều xuất phát từ một vài kẻ kinh doanh sách giả. “Có lẽ đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn để giải quyết triệt để vấn nạn này”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Vi phạm bản quyền trên môi trường số: “Lời kêu cứu” từ các đơn vị làm sách chân chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO