Truyền thông

Vi phạm bản quyền xuất bản trên Internet

Nguyễn Luận - Giám đốc Bản quyền Voiz FM 18/10/2023 08:05

Việc vi phạm bản quyền trong ngành xuất bản tại Việt Nam đang trở thành một vấn nạn. Tất cả các tựa sách bán chạy trên thị trường hiện nay đều bị in lậu, in giả - gây nên những tác động tiêu cực cho các đơn vị xuất bản và bạn đọc.

Tóm tắt:

- “Điểm danh” những hình thức vi phạm bản quyền phổ biến nhất ở sách nói.

- Hệ lụy của việc vi phạm bản quyền xuất bản phẩm trên Internet.

- Khó khăn và các giải pháp xử lý hành vi vi phạm bản quyền xuất bản phẩm trên Internet.

Với sự giúp sức của công nghệ trong bối cảnh 4.0 như hiện nay, việc vi phạm bản quyền còn diễn ra nhanh và rộng hơn, chỉ cần vài thao tác scan chụp hoặc tải, các file sách ebook và sách nói đã có thể bị chia sẻ tràn lan, không chỉ thiệt hại trực tiếp đến các đơn vị xuất bản điện tử, mà còn tác động gián tiếp đến động lực mua sách giấy của khách hàng.

797870579381_sn.jpg
(Hình minh họa)

Hình thức vi phạm bản quyền phổ biến nhất ở sách nói

Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất bản phẩm điện tử mà cụ thể là sách nói, trong suốt hơn 4 năm qua, Voiz FM đã phải trực tiếp đối mặt với vấn đề vi phạm bản quyền trên mạng Internet với mức độ tổ chức và tinh vi ngày càng cao. Sau đây là 3 hình thức vi phạm bản quyền phổ biến nhất ở sách nói:

USB sách nói/Link chia sẻ: Đây là hình thức vi phạm bản quyền mang tính “truyền thống”, vốn đã xuất hiện từ khá lâu trước sự bùng nổ của các ứng dụng và thói quen nghe sách nói như hiện nay. Những người vi phạm sẽ sao chép các file sách nói vào các usb hoặc đăng tải lên các công cụ lưu trữ như Google drive, sau đó bày bán trên mạng hoặc chia sẻ miễn phí với mục đích “vì cộng đồng”.

Kênh YouTube sách nói: Đây là hình thức vi phạm bản quyền phổ biến nhất hiện nay, hoạt động công khai, chuyên nghiệp và có tổ chức. Với sự giúp sức của công nghệ, không khó để một cá nhân hoặc tập thể thu âm các sách nói và không hề xin phép tác giả/đơn vị nắm giữ bản quyền, sau đó đăng tải lên các kênh sách nói trên YouTube. Với tính chất miễn phí, những kênh này dễ dàng thu hút hàng chục/hàng trăm nghìn lượt xem mỗi video, thu về nguồn lợi bất chính từ nguồn tiền quảng cáo của YouTube.

Website: Thay vì đăng tải sách nói vi phạm bản quyền lên YouTube, những người vi phạm sẽ tạo các website để đăng tải. Tuy hình thức này không phổ biến như YouTube, nhưng sẽ rất khó bị phát hiện và xử lý do các công ty xuất bản không có thẩm quyền để giải quyết các trường hợp này.

Với các USB sách nói, bạn đọc phải trả một giá khá cao (từ 400.000 - 500.000 đồng) cho một USB nhưng chất lượng lại không đảm bảo vì các sách nói được “hack” từ cùng một nguồn và được sao chép lại nhiều lần nên nội dung không phong phú và chất lượng không đảm bảo. Đối với các website hoặc link chia sẻ, tuy mang tiếng là “chia sẻ miễn phí” nhưng thực chất bạn đọc cũng phải để lại thông tin cá nhân như email hoặc số điện thoại di động… Đây mới chính là thông tin mà những người chia sẻ muốn nhắm đến. Ngoài ra, việc sử dụng USB hay truy cập vào các website/đường link này cũng tiềm ẩn nguy cơ chứa đựng virus hoặc mã độc.

Những hệ lụy của việc vi phạm bản quyền trên Internet

Tuy nhiên, hình thức vi phạm bản quyền phổ biến nhất vẫn là các kênh YouTube chuyên đăng tải sách nói vi phạm bản quyền. Chính các tiện ích của công nghệ đã giúp các kênh YouTube này mọc lên như nấm sau mưa.

Một số tác động tiêu cực mà các kênh YouTube này tạo ra có thể được liệt kê như sau:

Thiệt hại trực tiếp cho các đơn vị xuất bản: Theo khảo sát của Voiz FM, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet tìm kiếm sách nói cao hơn sách điện tử (ebook). Nắm bắt được xu thế này, những người vi phạm bản quyền đã tổ chức thu âm hàng loạt tựa sách bán chạy nhất trên thị trường nhằm thu hút lượt xem và thu lợi bất chính từ nguồn tiền quảng cáo. Dường như có thể tìm thấy phiên bản sách nói lậu của bất kỳ tựa sách bán chạy nào trên YouTube. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của sách giấy, sách điện tử lẫn sách nói, gây khó khăn về tài chính cho các công ty xuất bản khi không thể thu về doanh thu kỳ vọng, từ đó thiếu hụt nguồn vốn cũng như động lực để đầu tư cho các dự án tương lai.

Thiệt hại cho ngân sách Nhà nước: Các đơn vị xuất bản luôn hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế, phí cho Nhà nước theo quy định. Tuy nhiên, những người vi phạm bản quyền từ nhiều năm qua đã thu được nguồn lợi khổng lồ mà không cần thực hiện nghĩa vụ nào.

Thiệt hại cho văn hóa đọc: Việc tiêu thụ các sản phẩm vi phạm bản quyền về dần dà sẽ gây phá hủy văn hóa đọc. Bởi khi người đọc không có sự tôn trọng tác quyền, không tôn trọng công sức của các đơn vị xuất bản, họ sẽ vô tư chọn lựa những nội dung miễn phí để nghe. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến các đơn vị xuất bản và gián tiếp đến ngành xuất bản và văn hóa đọc nước nhà.

Bởi khi không đạt doanh thu như kỳ vọng, giới xuất bản khó có thể tái đầu tư vào các dự án mới để phục vụ bạn đọc. Việc vi phạm bản quyền tràn lan cũng sẽ khiến các nhà xuất bản quốc tế e ngại khi bán bản quyền, khiến chúng ta khó tiếp cận hơn với các đầu sách hay.

sach-1-4097-1622617014.png

Tháo gỡ khó khăn

Nếu như việc xử lý vi phạm bản quyền với sách giấy khó một thì việc đối phó với tình trạng này ở sách nói còn khó mười. Sau đây là một số các khó khăn và vướng mắc mà Voiz FM đang gặp phải khi bảo vệ bản quyền:

Tính tổ chức và sự tinh vi của những người vi phạm bản quyền: Như đã kề cập ở trên, chính nguồn lợi khổng lồ từ doanh thu cũng như sự dễ dàng trong công nghệ đã khiến các kênh YouTube sách nói lậu hiện nay phát triển ồ ạt. Những người này rất biết cách đầu tư cho kênh của họ khi thiết kế tên channel, logo, thumbnail cũng như cài các từ khóa cho phù hợp với thuật toán của YouTube nhằm tạo hiệu quả cao nhất về lượt xem. Thành thực mà nói, các công ty sách nói đang đơn độc trong việc xử lý các nội dung vi phạm trên YouTube. Một ví dụ cụ thể là từ tháng 7/2020 đến nay, một mình Voiz FM đã cho tháo gỡ hơn 30.000 nội dung vi phạm.

Những hạn chế của chế tài xử lý: Tương tự như sách giấy, pháp luật hiện tại của nước ta quy định chỉ có thể xử lý vi phạm khi chứng minh được thiệt hại mà hành động vi phạm bản quyền gây ra. Tuy nhiên, ở môi trường Internet, nơi các nội dung được chia sẻ “miễn phí” còn những người vi phạm lại thu lợi gián tiếp từ tiền quảng cáo, việc xác định thiệt hại xem ra rất khó khăn. Ngoài ra, với một môi trường ẩn danh như Internet, cũng rất khó khăn để xác định danh tính những người vi phạm.

Sự dè dặt của các đơn vị xuất bản sách giấy: Do chỉ mới phát triển và bùng nổ tại thị trường Việt Nam trong khoảng 5 năm trở lại đây, sách nói vẫn còn là một khái niệm mơ hồ và mới lạ với đại đa số người tiêu dùng lẫn một số các đơn vị xuất bản sách giấy. Tính đến thời điểm hiện tại, Voiz FM vẫn nhận được sự dè dặt và thờ ơ từ một số đơn vị xuất bản bởi những nghi ngờ đến từ tính khả thi về doanh thu, hoặc tâm lý e ngại “sách nói sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của sách giấy”. Tuy nhiên, chính tâm lý này sẽ tạo một khoảng trống trong thị trường sách nói, tạo điều kiện cho những kẻ làm sách lậu nhảy vào để phục vụ nhu cầu của người nghe sách.

Để giải quyết các khó khăn này chúng ta cần: Phối hợp xử lý các hành vi vi phạm bản quyền sách nói trên các nền tảng trực tuyến, như YouTube, Facebook, các ứng dụng di động... Các cơ quan quản lý Nhà nước cần phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ Internet và các tổ chức xã hội trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa và xử lý vi phạm bản quyền. Các nhà xuất bản, nhà phát hành cũng có thể chủ động báo cáo và yêu cầu gỡ bỏ các nội dung vi phạm bản quyền trên các nền tảng trực tuyến.

Nâng cao ý thức và trách nhiệm của người sáng tạo và người tiêu dùng về việc bảo vệ quyền tác giả. Cần có những chiến dịch tuyên truyền và giáo dục văn hóa đọc cho công chúng, nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cũng như những hậu quả tiêu cực của việc sử dụng sách nói lậu. Cần khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các nguồn sách nói chính thống và chất lượng, có mua bản quyền từ tác giả hoặc nhà xuất bản.

Cơ quan quản lý Nhà nước cần khuyến các đơn vị xuất bản tích cực tham gia vào Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, đẩy mạnh hơn việc chuyển thể các tác phẩm sang định dạng sách nói chính thống và chất lượng để phục vụ nhu cầu của bạn đọc. Bên cạnh đó, cũng cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà xuất bản sách giấy và sách nói, để đảm bảo quyền lợi của tác giả và nhà xuất bản, cũng như đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 9 tháng 9/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Vi phạm bản quyền xuất bản trên Internet
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO