Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển kinh tế số

Bảo Bình| 06/02/2022 08:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Việt Nam đang nỗ lực mở rộng độ phủ vaccine COVID-19. Các nhà máy, doanh nghiệp (DN) sẵn sàng trở lại hoạt động. Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đi vào hiệu lực. Nền kinh tế số Việt Nam được nhận định sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt với sự thúc đẩy của TMĐT.

Việt Nam đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng vượt bậc trong thương mại điện tử (TMĐT) và kinh tế số. Trang Tech Wire Asia gần đây đã viết rằng nằm ở phía đông của Đông Nam Á, Việt Nam là một quốc gia khiêm tốn với 96 triệu dân - từng là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới cho đến khi cải cách kinh tế mạnh mẽ được thực hiện vào năm 1986.

Cùng với tác động của toàn cầu hóa, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình chỉ trong một thế hệ và đang trên đà phát triển cao hơn.

TMĐT xuyên biên giới trong ASEAN

ASEAN là một nền kinh tế số đang phát triển mạnh - Google, Temasek và Bain dự báo, trong báo cáo e-Conomy SEA hàng năm của họ, cho rằng khu vực này sẽ đạt nền kinh tế kỹ thuật số trị giá 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Bất chấp những thách thức từ đại dịch COVID-19, năm 2021 được xem là một năm khởi sắc với nền kinh tế số trên toàn Đông Nam Á. Tổng giá trị giao dịch tăng trưởng đến 49%, từ 117 tỷ USD năm 2020 lên 174 tỷ USD năm 2021. Con số này được kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng bình quân mỗi năm 20%, và dự kiến đạt 363 tỷ USD vào năm 2025.

Theo thông tin từ trang Statista.com, giá trị thị trường TMĐT ở Đông Nam Á đã tăng 24 lần trong vòng 6 năm qua, từ 5 tỷ USD năm 2015 lên 120 tỷ USD năm 2021; và dự kiến đạt 234 tỷ USD vào năm 2025. Indonesia và Việt Nam được dự báo là hai quốc gia sẽ có mức tăng trưởng vượt trội về quy mô thị trường TMĐT bán lẻ trong vài năm tới. Thị trường TMĐT bán lẻ của Indonesia dự kiến sẽ tăng 196%, từ 53 tỷ USD vào năm 2021 lên 104 tỷ USD vào năm 2025. Thị trường TMĐT bán lẻ của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 300%, từ 13 tỷ USD vào năm 2021 lên 39 tỷ USD vào năm 2025.

Tiềm năng phát triển của nền kinh tế số ở Đông Nam Á nói chung và TMĐT nói riêng còn được thể hiện qua sự gia tăng đều đặn của số lượng người tiêu dùng trực tuyến trong những năm vừa qua. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2021 do Google, Temasek và Bain & Company thực hiện, cứ 10 người được hỏi thì có 8 người đã mua sắm trực tuyến ít nhất một lần.

Trong giai đoạn 2020 - 2021, lượng người tiêu dùng trực tuyến mới ở khu vực Đông Nam Á đã tăng nhanh đáng kể. Cụ thể, đã có thêm 60 triệu người tiêu dùng trực tuyến mới kể từ khi đại dịch bùng phát, trong đó 20 triệu người dùng mới đã tham gia ngay trong nửa đầu năm 2021. Các khó khăn trong đại dịch đã thúc đẩy người tiêu dùng gia tăng tần suất sử dụng các nền tảng số và chi tiêu trực tuyến nhiều hơn.

Cơ sở hạ tầng số trên toàn khu vực phát triển mạnh mẽ là một nguyên nhân thúc đẩy TMĐT nói riêng và nền kinh tế số nói chung của Đông Nam Á phát triển. Thị trường trung tâm dữ liệu ở Đông Nam Á đang liên tục tăng trưởng với sự quan tâm ngày càng lớn từ các nhà cung cấp công nghệ đám mây như Google, AWS và Alibaba. Do đó, việc áp dụng các dịch vụ dựa trên đám mây (cloud) sẽ là động lực chính cho thị trường TMĐT phát triển trong vài năm tới.

Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển TMĐT, kinh tế số - Ảnh 1.

Tỷ lệ thanh toán số gia tăng trong các giao dịch TMĐT ở Việt Nam

Theo Báo cáo Toàn cảnh ngành TMĐT Việt Nam mới đây của Lazada, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng ổn định trong 5 năm qua. Trong năm 2016, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ ở Việt Nam chỉ đạt 5 tỷ USD, nhưng đến năm 2019 doanh thu này đã tăng gấp 2 lần, đạt trên 10 tỷ USD. Đà tăng trưởng này vẫn được duy trì vào năm 2020, khi đạt 11,8 tỷ USD, tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm 2019. 

Mặc dù đây là tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong 5 năm qua, các chuyên gia vẫn đánh giá cao ngành TMĐT bán lẻ Việt Nam khi họ dự báo ngành này sẽ đạt quy mô khoảng 39 tỷ USD vào năm 2025.

Theo Sách trắng về TMĐT Việt Nam năm 2021 của Bộ Công thương, hình thức thanh toán khi mua sắm trực tuyến chủ yếu vẫn là thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng (COD). Tuy nhiên, tỷ lệ này đã giảm từ 86% trong năm 2019 xuống 78% trong năm 2020. Mặt khác, mặc dù mức độ còn thấp nhưng tỷ lệ người tiêu dùng lựa chọn hình thức thanh toán số qua ví điện tử, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và thẻ cào đều tăng nhẹ trong giai đoạn từ năm 2019 - 2020. 

Các dịch vụ thanh toán điện tử đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của thị trường TMĐT và dự kiến sẽ sớm đạt được mức tăng trưởng đáng kể. Đây cũng sẽ là một xu hướng giàu tiềm năng cho các nền tảng TMĐT 14 trong những năm tới. Trong năm 2021, có 81% nhà bán hàng trực tuyến mong muốn tăng mức sử dụng hình thức thanh toán điện tử trong hai năm tới.

Tổng giá trị giao dịch của ngành TMĐT tại Việt Nam đạt mức tăng trưởng vượt bậc từ 8 tỷ USD năm 2020 lên 13 tỷ USD năm 2021. Điều này góp phần quan trọng trong việc đưa nền kinh tế số Việt Nam cán mốc tăng trưởng ấn tượng khi tăng vọt 31% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt tổng giá trị giao dịch (GMV) là 21 tỷ USD. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy ngành TMĐT Việt Nam đã thành công trong việc vượt qua những khó khăn do COVID-19 gây ra và đang phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh “bình thường mới”. Sự phát triển này thậm chí còn ấn tượng hơn so với thời kỳ trước đại dịch.

Tính tới nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có hơn 8 triệu người tiêu dùng trực tuyến mới, với 55% trong số đó đến từ các khu vực phi thành thị. Sự gia tăng số lượng người dùng mới từ các khu vực này là một tín hiệu tích cực về tiềm năng mở rộng thị trường cho các DN trong lĩnh vực kinh doanh số nói chung và TMĐT nói riêng. 

Hành vi người tiêu dùng Việt Nam cũng đã có sự thay đổi đáng kể trong thời kỳ giãn cách xã hội. Điều này đã thúc đẩy sự phát triển ấn tượng của ngành TMĐT trong nước. Tỷ lệ người dùng TMĐT tại Việt Nam có xu hướng tăng cao với 97% người tiêu dùng mới vẫn đang sử dụng dịch vụ và 99% có ý định tiếp tục sử dụng trong tương lai. Tiêu dùng số đang trở thành lối sống của người tiêu dùng Đông Nam Á và Việt Nam.

Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển TMĐT, kinh tế số - Ảnh 2.

Hình thức thanh toán khi mua sắm trực tuyến chủ yếu vẫn là thanh toán COD, tuy nhiên, tỷ lệ này đã giảm dần và số lượng nhà bán hàng có khả năng thanh toán bằng các dịch vụ tài chính số tăng dần.

Nhiều lợi thế về số hóa sản xuất và TMĐT xuyên biên giới

Dự đoán này thậm chí còn phát triển mạnh mẽ hơn khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bắt đầu vào ngày 1/1/2022. Cụ thể, từ 1/1/2022, Hiệp định RCEP - Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) có quy mô lớn nhất thế giới giữa ASEAN và 5 nước đối tác chính thức có hiệu lực. Đây là hiệp định thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương tạo ra khối thương mại lớn nhất thế giới theo quy mô kinh tế.

Đại dịch COVID-19, một thảm họa kinh hoàng trên thế giới, đã góp phần thúc đẩy quá trình số hóa trên toàn cầu, đặc biệt là ở ASEAN. Các chính sách phong tỏa của các quốc gia trong khu vực đã thúc đẩy người tiêu dùng mua hàng hóa và dịch vụ thông qua các phương tiện trực tuyến. Điều này đã thúc đẩy nhiều người online hơn, không chỉ để làm việc mà còn để giải trí, mua sắm, ẩm thực, tìm kiếm cửa hàng tạp hóa và hơn thế nữa.

Báo cáo của Google, Temasek và Bain nhấn mạnh rằng sự tăng trưởng bền bỉ của Đông Nam Á chủ yếu nhờ sự thúc đẩy của TMĐT và nhu cầu giao hàng thiết yếu, hàng thực phẩm. Những điều này dự kiến sẽ thúc đẩy nền kinh tế internet của khu vực phát triển trong thập kỷ tới.

Một báo cáo của Deloitte vào tháng 12/2021 đã theo dõi sự tăng trưởng và trạng thái của thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới ở Châu Á - Thái Bình Dương. Báo cáo đã chia thị trường thành ba phân khúc: Trưởng thành, đang phát triển và mới nổi. Nhìn chung, các thị trường trưởng thành có tốc độ phát triển nhanh chóng ở Châu Âu, Châu Mỹ và Đông Nam Á. Các thị trường đang phát triển chủ yếu mở rộng bán hàng sang thị trường Châu Á.

Hơn 80% DN TMĐT xuyên biên giới ở Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam cho rằng thị trường Đông Nam Á có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Trong đó, Việt Nam đang được nhận định là trung tâm của các hoạt động sản xuất khu vực. Nhiều công ty đa dạng hóa chiến lược kinh doanh, đầu tư vào các quốc gia khác ngoài Trung Quốc để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Chi phí kinh doanh ở Việt Nam, đặc biệt là đối với lĩnh vực sản xuất, được cho là khá phải chăng sau khi tính toán các chi phí như xây dựng, đất đai và nhân công.

Việt Nam cũng đang triển khai các chính sách thuế, hỗ trợ thúc đẩy FDI hợp lý đối với các công ty nước ngoài, cũng như lợi ích cho các công ty sử dụng năng lượng xanh hoặc có kế hoạch sử dụng năng lượng kết hợp. Nhưng có lẽ khía cạnh hấp dẫn nhất của hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nằm ở vị trí địa lý và khả năng tiếp cận. Lĩnh vực chế biến và chế tạo của Việt Nam là lĩnh vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI lớn nhất, ở mức 58,2% vào năm 2020. Việt Nam được cho là có vị trí địa lý rất chiến lược và so với hầu hết các nước láng giềng, có khả năng tiếp cận cao với các tuyến đường thương mại và vận chuyển hàng hóa lớn trong và ngoài Đông Nam Á và Châu Á với nhiều sân bay quốc tế, cảng biển và đường sắt - tất cả đều tạo điều kiện thuận lợi cho dòng sản xuất và hậu cần cần thiết của nó.

So với các nước trong khu vực, Việt Nam có lợi thế cao về khả năng số hóa trong sản xuất và chế tạo, liên quan đến TMĐT xuyên biên giới. Việt Nam dường như đang dần vươn lên và thực hiện rất tốt trong công cuộc số hóa trên hầu hết các khía cạnh của TMĐT. 

Mặc dù Việt Nam vẫn còn rất nhiều vấn đề có thể cải tiến hơn nữa để thúc đẩy số hóa sản xuất, TMĐT xuyên biên giới, chẳng hạn như các vấn đề trong lĩnh vực hậu cần và thanh toán, nhưng từ mức độ số hóa trong sản xuất, Việt Nam có vẻ sẽ vượt qua các đối thủ như Trung Quốc và thậm chí là Malaysia trong một số lĩnh vực sản xuất nhất định.

Không nghi ngờ gì, đại dịch COVID-19 dù đã gây nhiều thiệt hai, nhưng qua đó cũng thúc đẩy kế hoạch phát triển kinh tế của đất nước trong vài năm qua. Với việc tỷ lệ tiêm chủng phủ rộng, các nhà máy, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, cũng như Hiệp định RCEP đi vào hiệu lực, Việt Nam được nhận định sẽ tiếp tục dẫn đầu khu vực trong sản xuất, TMĐT và kinh tế số - ít nhất là trong tương lai gần./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO