Việt Nam cùng ASEAN thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống thông tin sai lệch

Hoàng Linh| 09/12/2021 21:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Với mục tiêu hướng tới một không gian mạng an toàn, tin cậy trong các nước ASEAN, chiều 9/12, Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ TT&TT đã chủ trì tổ chức hội thảo chia sẻ các thực tiễn sử dụng truyền thông xã hội, Internet an toàn, tin cậy của các nước ASEAN.

Việt Nam tích cực phòng, chống thông tin sai lệch

Phát biểu tại hội thảo, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ TT&TT cho biết, trong thời gian qua, người dân trên toàn thế giới dành nhiều thời gian trên không gian mạng, Internet hơn. Theo đó, khối lượng thông tin, tin tức khổng lồ được lan truyền, chia sẻ nhanh chóng trên Internet theo từng giây.  Trong biển thông tin đó có cả tin tốt, tích cực và cả thông tin xấu, đặc biệt nguy hiểm hơn nếu tin tức bị giả mạo. Đây là vấn đề đối với tất cả mọi người, các cơ quan, các quốc gia. Do đó, hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi sâu hơn các vấn đề để cùng hợp tác làm cho Internet bảo mật, an toàn và tin cậy hơn.

Việt Nam cùng ASEAN thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống thông tin sai lệch - Ảnh 1.

Ông Triệu Minh Long - Vụ trưởng Vụ HTQT - Bộ TT&TT

Chia sẻ thực tiễn của Việt Nam, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) - Bộ TT&TT cho biết Việt Nam đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Việt Nam có nhiều hành động phòng, chống thông tin sai lệch như tăng cường khung pháp lý, phát triển các công cụ kỹ thuật để phân tích lưu lượng các trang web, đo lường thời gian thực, lọc và kiểm chứng thông tin, truyền thông về thông tin chính thống và xây dựng đội ngũ để ứng phó thông tin sai lệch trên không gian mạng.

Việt Nam cùng ASEAN thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống thông tin sai lệch - Ảnh 2.

Ông Lê Quang Tự Do và bà Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền chủ trì phiên thảo luận

Cũng theo ông Lê Quang Tự Do, Việt Nam đã thúc đẩy đổi mới phương thức tuyên truyền của các cơ quan truyền thông và thường xuyên cung cấp, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, các quan điểm chính thức của Đảng, Nhà nước; thiết lập cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, các đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Công đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ…

Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 tại phía Nam vừa qua, Việt Nam đã chủ động xây dựng chương trình phát trực tuyến (livestream) hàng ngày với tên gọi "Dân hỏi - Thành phố trả lời", nhằm kết nối trực tiếp lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh với người dân Thành phố trong các cuộc đối thoại hàng ngày để cung cấp thông tin chính thống, cập nhật các chỉ đạo của Thành phố, phản hồi nhanh chóng và xác minh thông tin sai lệch, giả mạo trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở TP. Hồ Chí Minh.

Cũng theo Cục PTTH&TTĐT, Facebook, Google và Tiktok đã thực hiện theo yêu cầu của Bộ TT&TT Việt Nam về việc triển khai bộ lọc, thuật toán và nhân sự để chủ động chặn, lọc các thông tin, hình ảnh có ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng chống dịch của Việt Nam, ngăn chặn và loại bỏ 100% thông tin vi phạm liên quan đến COVID-19 trong vòng 12-24 giờ.

Đặc biệt, ông Lê Quang Tự Do cho biết Việt Nam còn tăng cường tập huấn, truyền thông về kỹ năng số cho công chúng, đặc biệt cho giới trẻ.

Thực tiễn phòng, chống thông tin sai lệch tại các nước ASEAN

Cùng ý kiến với đại diện Cục PTTH&TTĐT, đại diện Bộ Truyền thông và Tin học Indonesia (MCI) cho biết MCI sẽ tập trung vào các giải pháp từ trên xuống như như giám sát, xử lý mạnh các thông tin sai lệch, lừa đảo. MCI cung cấp dữ liệu cho cơ quan điều tra hình sự của Cảnh sát Quốc gia Indonesia để thực hiện các nỗ lực thực thi pháp luật chống lại những người tạo ra và phát tán tin tức lừa đảo, sai lệch.

MCI có các khung chương trình giảng dạy về kỹ thuật số, theo đó, MCI tăng cường kỹ năng số cho cộng đồng thông qua các chiến dịch, phong trào lớn về xóa mù kỹ thuật số theo chương trình gồm 4 trụ cột gồm kỹ năng số, đạo đức số, văn hoá số và an toàn số.

Đại diện Thái Lan cho biết nước này đã thành lập các kênh kiểm chứng và xác thực thực tiễn để giám sát các vụ việc, xác thực thông tin từ chính quyền, phổ cập thông tin chính xác và có trang web trả lời các thông tin tức thời tại http://www.realnewsthailand.net/.

Thái Lan cũng thành lập trung tâm chống tin tức giả mạo sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) như là một công cụ giám sát tự động các nội dung được chia sẻ nhiều nhất. Các thông tin được 400 tổ chức đánh giá và xác thực, sau đó sẽ công bố cho người dân thông qua các kênh và mạng lưới khác nhau. Trung tâm cũng hợp tác với lực lượng cảnh sát mạng để thực thi các quy định.

Luật máy tính năm 2007, được sửa đổi năm 2017, được ban hành nhằm mục đích bảo vệ hệ thống máy tính khỏi các truy cập bất hợp pháp. Theo Mục 14 của Luật bất kỳ người nào phạm vi bất kỳ tội nào theo Luật sẽ phải chịu hình phạt tù có thời hạn không quá 5 năm hoặc phạt tiền không quá 100.000 Baht hoặc cả hai.

Thái Lan cũng có các chiến dịch truyền thông, thúc đẩy hợp tác, hình thành các nền tảng truyền thông an toàn, và kêu gọi người dân tôn trọng lẫn nhau.

Việt Nam cùng ASEAN thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống thông tin sai lệch - Ảnh 3.

Các đại biểu tham gia Hội thảo

Trong khi đó, đại diện của Singapore cho biết quốc gia này đã xây dựng luật được gọi là POFMA để xử lý thông tin sai lệch, đặc biệt với sự vào cuộc của chính phủ trong việc công bố các thông tin chính thống để ngăn chặn thông tin sai sự thuật lan truyền. Bên cạnh đó là sự vào cuộc của truyền thông và trang bị kỹ năng cho người dân.

Đại diện của Singapore đề xuất ASEAN cần tạo dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các công ty công nghệ, có một phương pháp tiếp cận tổng thể nhằm chống lại thông tin sai lệch. Nhiều quốc gia đang đề xuất luật nhắm vào nội dung trực tuyến, theo đó cần có các cuộc thảo luận trong phạm vi quốc tế.

Đại diện của Văn phòng Điều hành Truyền thông Phillipines (PCOO), bà Florinda Princess E. Duque cho biết PCOO đã cải thiện năng lực truyền thông của chính phủ thông qua việc tăng cường các nền tảng truyền thông truyền thống và củng cố các nền tảng số và sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông xã hội để trao đổi với người dân.

Do đó, chính phủ sẽ không chỉ "phản ứng và phản ứng" mà cần "dẫn đường" bằng cách đưa các nỗ lực truyền thông với một chương trình nghị sự và một kế hoạch tổng thể.

Trong đại dịch COVID-19, nhiều chiến dịch số như Mask, Hugas, Iwas, Bida Solusyon, #BahayMunaBuhayMuna) đã được phát động. Một trang web COVID-19 thống nhất cũng đã được tạo ra. Cho đến nay, đã hơn 71.065 đồ họa truyền thông xã hội và đồ họa thông tin; và 35.311 video đã được đăng trên các trang và trang web của các cơ quan trực thuộc. 14.058 thông báo về dịch vụ công cũng đã được sản xuất và cung cấp trực tuyến. Nhiều video được sản xuất đăng tải trên truyền thông xã hội để khuyến khích người dân tiêm chủng.

Đại diện các nước Malaysia, Brunei Darusalam, Myanmar, Campuchia, Lào cũng cho rằng cần tăng cường truyền thông về thông tin của các cơ quan nhà nước, kỹ năng số cho người dân.

Thực tiễn tại châu Âu và Nhật Bản

Ông Lutz Guellner, Trưởng ban Truyền thông Chiến lược, Lực lượng đặc nhiệm và Phân tích thông tin, Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu cho biết từ năm 2016, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành bộ quy tắc thực hành (EU Code of Practices) ứng phó với những nội dung sau lệch trên không gian mạng. Quy tắc ứng xử đang mang lại kết quả tích cực.

Theo quy định này, EU đã thống với Facebook, Microsoft, Twitter và YouTube, sau đó là các công ty Instagram, Snapchat và Dailymotion, Jeuxvideo.com, TikTok để đồng thuận thực hiện Quy tắc ứng xử này.

Ông Lutz cho biết EU đã tăng cường làm việc với các nền tảng để đảm bảo rằng không có sự thao túng từ bên trong xã hội cũng như từ bên ngoài. EU cũng bắt đầu phát triển các công cụ an ninh và chính sách đối ngoại mạnh mẽ hơn nữa.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Einosuke Kamegai, Bộ TT&TT Nhật Bản cho biết Bộ TT&TT Nhật Bản đã tổ chức nhóm nghiên cứu về dịch vụ nền tảng để theo dõi các nỗ lực tự nguyện của các nhà khai thác dịch vụ nền tảng và xem xét các biện pháp ứng phó với những vấn đề về thông tin bất hợp pháp và có hại trên Internet như quấy rối trực tuyến và thông tin giả mạo, sai lệch và đảm bảo việc xử lý thông tin cho người dùng thích hợp.

Nhật Bản thúc đẩy hợp tác với các bên, trong đó có khu vực tư để thúc đẩy thảo luận và nghiên cứu chống thông tin sai lệch, giám sát nỗ lực của các nhà khai thác dịch vụ nền tảng về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình; thúc đẩy sự hợp tác giữa các nhà khai thác dịch vụ nền tảng, kiểm tra sự kiện, đảm bảo độ tin cậy của thông tin. Nhật Bản cũng tập trung trang bị, nâng cao trình độ hiểu biết của người dân về CNTT-TT./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam cùng ASEAN thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống thông tin sai lệch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO