Để thúc đẩy triển khai 5G trong khu vực ASEAN, các chuyên gia, tổ chức ICT trong khu vực và quốc tế đã bàn thảo, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái 5G trong khuôn khổ hội thảo ASEAN về chủ đề này diễn ra ngày 16/11 theo hình thức trực tuyến từ Hà Nội.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ TT&TT đã chào mừng các đại biểu tham dự hội thảo và cho biết ASEAN đang thực hiện đề án, kết nối các sáng kiến để thúc đẩy triển khai 5G trong khu vực. Năm 2019, Việt Nam đã tổ chức hội thảo ASEAN về 5G và năm nay do đại dịch Covid-19, các hội thảo được liên quan được triển khai trực tuyến.
"Đây là cơ hội để các nước ASEAN cập nhật chính sách, kế hoạch của từng quốc gia và các nước đối tác của ASEAN như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, các tổ chức quốc tế chia sẻ về 5G. 5G là công nghệ quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch tổng thể ASEAN số", Vụ trưởng Triệu Minh Long nhấn mạnh.
Các thực tiễn triển khai hệ sinh thái 5G tại ASEAN
Chia sẻ tình hình triển khai 5G, đại diện của Brunei cho biết quốc gia này đã sẵn sàng cho 5G với việc thành lập nhóm đặc trách 5G. Brunei đã triển khai nhiều trạm 5G, cũng như công bố băng tần 700 MHz và 3,5 GHz cho thử nghiệm 5G. Brunei đã xây dựng khung chính sách thử nghiệm "sandbox" để thúc đẩy phát triển và thử nghiệm công nghệ, các ứng dụng 5G.
Brunei xác định 3 trụ cột của 5G gồm: chính sách, quy định và phổ tần; các trường hợp ứng dụng, hạ tầng và tăng cường nhận thức thông qua các trình diễn 5G.
Trong khi đó, đại diện của Campuchia chia sẻ hiện quốc gia này đang trong quá trình dự thảo lộ trình 5G. Campuchia xác định ứng dụng 5G vào những lĩnh vực: Giám sát phương tiện đi lại một cách chủ động thụ động; Nông lâm - ngư nghiệp; Trang trại thông minh, Lưới điện thông minh; Giám sát lũ lụt; Đỗ xe thông minh, Quản lý xả thải... Campuchia dự kiến ban đầu ứng dụng hệ sinh thái 5G kết hợp cùng với dịch vụ 4G để đảm bảo nhu cầu 5G bền vững.
Còn theo chia sẻ của đại diện của Malaysia, nước này sẽ phát triển hệ sinh thái 5G tập trung vào 9 lĩnh vực cụ thể gồm: nông nghiệp, giáo dục, y tế số, giải trí/truyền thông, Sản xuất và chế biến, Xăng dầu, Vận tải thông minh, Thành phố thông minh và Du lịch.
Đại diện của Singapore cho biết các nhà mạng nước này đã công bố các dịch vụ 5G thử nghiệm vào tháng 8/2020. Nhà mạng Singtel đáp ứng dữ liệu 5G bổ sung với dung lượng 10 GB cho các thuê bao với mức cước 10 đô la Singapore. Nhà mạng M1 bổ sung dữ liệu 5G từ mức 5 đô la Singapore thì có thêm 25GB và lên mức 12 đô la Singapore thì có 100GB. Nhà mạng StarHub có các mức cước dữ liệu từ 65 đô la Singapore cho gói 30GB, 155 đô la Singapore cho 120 GB.
Thêu bao 5G của Singapore sẽ được hưởng lợi tốc độ nhanh hơn và các ứng dụng 5G hấp dẫn như phát trực tiếp (live streaming), chơi game trên đám mây, học nhập vai, trải nghiệm tại ngay tại cửa hàng…
Theo đại diện Singapore, hệ sinh thái sáng tạo sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp, chuyển đổi các ngành, thúc đẩy số hoá, tăng cạnh tranh. Cơ quan Phát triển Truyền thông thông tin Singapore (IMDA) đã phát triển hệ sinh thái 5G sáng tạo và thúc đẩy các ứng dụng cho các lĩnh vực từ năm 2019 bao gồm di động đô thị, các ứng dụng khách hàng, chính phủ, bất động sản thông minh, cách mạng 4.0, các hoạt động hàng hải…
Chia sẻ về ứng dụng 5G của Thái Lan, đại diện của Thái Lan cho biết quốc gia này ứng dụng 5G cho nông nghiệp thông minh gồm thu thập dữ liệu và phân tích, giám sát ruộng đồng và dự báo từ xa, nông nghiệp chính xác; Sản xuất thông minh.
Kinh nghiệm từ Nhật Bản, Hàn Quốc
Tham dự Hội thảo, đại diện từ Nhật Bản cho biết quốc gia này triển khai các trạm 5G trên toàn quốc trong 5 năm và theo từng khu vực của Nhật Bản.
Nhật Bản đưa ra khái niệm Local 5G là một hệ thống 5G có thể được xây dựng linh hoạt theo khu vực và nhiều bên khác nhau như doanh nghiệp trong nước, chính quyền địa phương tham gia xây dựng, có thể triển khai trong các toà nhà và hộ gia đình, phụ thuộc vào các nhu cầu cụ thể của khu vực hoặc lĩnh vực. Local 5G có thể được xây dựng trước ở những khu vực mà việc triển khai của nhà mạng chậm. Hiệu suất yêu cầu được thiết lập linh hoạt theo ứng dụng.
Đại diện của GSMA cho biết, đại dịch đã có tác động lớn tới kết nối mạng. Các trường hợp ứng dụng 5G cần quan tâm là: tăng cường kết nối băng rộng di động, băng rộng cố định dựa trên 5G, kết nối IoT diện rộng, truyền thông có độ tin cậy cao, độ trễ thấp.
Các nước có thể học hỏi kinh nghiệm từ Hàn Quốc về xây dựng hệ sinh thái 5G. Hàn Quốc đã đạt 4 triệu thuê bao 5G vào tháng 10/2019, chỉ 6 tháng sau khi công bố thương mại và dự báo đạt 67% kết nối 5G vào năm 2025. Hệ sinh thái thiết bị 5G của Hàn Quốc đã chín muồi cũng thúc đẩy sự chấp nhận 5G nhanh chóng. Trong một nghiên cứu gần đây cho biết gần 1/3 người được thăm dò cho biết việc tích hợp 5G vào một thiết bị nhất định là lý do chính để họ đăng ký gói cước 5G.
Việc kết hợp việc trải nghiệm nội dung vào các gói cước 5G có sẵn trong các thiết bị 5G trợ giá đã thúc đẩy tốc độ chấp nhận 5G nhanh hơn dự kiến. Các yếu tố khác thúc đẩy 5G còn phải kể đến nội dung sáng tạo miễn phí như AR, VR, và các trải nghiệm thể thao.
Việt Nam sẽ thương mại 5G vào quý IV
Chia sẻ về triển khai 5G tại Việt Nam, ông Lương Phạm Nam Hoàng, Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết triển khai 5G tại Việt Nam là quyết tâm của Nhà nước với tầm nhìn 5G là hạ tầng để chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện các nhà mạng Viettel, MobiFone, VNPT đã triển khai thử nghiệm 5G vào năm 2019. Tháng 1/2020, Việt Nam đã thực hiện cuộc gọi 5G trong nước với thiết bị gNodeB. Dự kiến Quý IV năm 2020, các nhà mạng Viettel, MobiFone, VNPT sẽ thử nghiệm thương mại tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Việt Nam triển khai 5G theo 3 giai đoạn: (1) các khu vực đô thị, trung tâm thương mại; (2) các khu công nghiệp, công nghệ cao; (3) Triển khai toàn quốc. Việt Nam đang thúc đẩy sản xuất thiết bị 5G "Make in Vietnam", phổ cập smartphone, chia sẻ hạ tầng…
Chia sẻ về lộ trình triển khai 5G của nhà mạng Viettel, đại diện của nhà mạng này cho biết 5G được triển khai theo 3 giai đoạn gồm:
Giai đoạn 2020 - 2022, tập trung vào một số ứng dụng như truy nhập vô tuyến cố định (FWA), cảm biến đô thị thông minh, theo dõi tài sản, game VR/AR, cảm biến công nghiệp…
Giai đoạn 2023 - 2025 tập trung vào chữ ký số cải tiến, năng lượng, các tiện ích công cộng, bản sao số, AR/VR cho ngành công nghiệp, du lịch (trải nghiệm immersive)…. Cũng trong giai đoạn này, Viettel sẽ triển khai các mạng 5G ở các trung tâm tỉnh, đảm bảo đạt mục tiêu 13 triệu thuê bao 5G;
Giai đoạn từ 2025 trở đi, đẩy mạnh ứng dụng 5G cho tự động hoá công nghiệp, điều khiển máy móc hạng nặng, lưới điện thông minh, phẫu thuật từ xa…