Việt Nam đạt tỷ lệ ứng dụng IPv6 thứ 8 toàn cầu

Lan Phương| 26/12/2019 20:06
Theo dõi ICTVietnam trên

“Tỷ lệ này đã khẳng định Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải đã nhấn mạnh tại phiên tổng kết hoạt động của Ban năm 2019 ngày 26/12/2019 tại Hà Nội.

Phiên họp được mở rộng để đánh giá kết quả chuyển đổi mạng Internet Việt Nam sang thế hệ địa chỉ Internet mới IPv6.

Ông Trần Minh Tân, Giám đốc VNNIC

Báo cáo công tác năm 2019 của Ban, ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Phó Trưởng Ban công tác cho biết: Với mục tiêu tổng thể là “Internet Việt Nam hoạt động an toàn, tin cậy với địa chỉ IPv6 kể từ 2019”, trong suốt giai đoạn 2011 - 2019, Ban Công tác đã cùng các đơn vị, doanh nghiệp (DN) triển khai nhiệm vụ bám sát nội dung, lộ trình của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6.

Sau các nỗ lực thúc đẩy, hoạt động đúng hướng với hạt nhân là Ban Công tác, Việt Nam hiện có kết quả ứng dụng IPv6 tốt trên hầu hết các phương diện.

Cụ thể, tính đến nay, tỷ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam đạt khoảng 40%, đứng thứ 2 ASEAN, thứ 8 toàn cầu (nguồn APNIC) với hơn 21.000.000 người sử dụng IPv6 (nguồn Cisco). Thời điểm tháng 5 - 6/2019, Việt Nam vượt qua Malaysia, Nhật Bản để đứng số 1 khu vực ASEAN và thứ 5 toàn cầu.

Tỷ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam (Nguồn: APNIC)

Hạ tầng mạng IPv6 quốc gia gồm Hệ thống DNS quốc gia với 6/7 cụm máy chủ hỗ trợ IPv6 và Trạm trung chuyển lưu lượng Internet quốc gia (VNIX) với 19/21 thành viên kết nối qua IPv4/IPv6, đây là cơ sở nền tảng cho phát triển Internet Việt Nam nói chung và ứng dụng thế hệ địa chỉ Internet mới IPv6 nói riêng.

Về hạ tầng, dịch vụ Internet của doanh nghiệp:

FTTH: 10 triệu thuê bao IPv6 (trong đó: 4,2 triệu thuê bao Viettel; 4 triệu thuê bao của VNPT; 1,5 triệu thuê bao của FPT Telecom ...).

Di động: 24,4 triệu thuê bao IPv6 (trong đó: 11,4 triệu thuê bao Viettel, 10 triệu thuê bao Mobifone, 3 triệu thuê bao Vinaphone).

Nội dung, hơn 10.650 Website nội dung IPv6, trong đó có 61 Website của Cơ quan nhà nước.

Tỷ lệ đóng góp của DN vào lưu lượng IPv6 Việt Nam (nguồn APNIC)

Về lưu lượng IPv6 của Internet Việt Nam, các DN lớn đã có đóng góp chủ yếu cho tổng lưu lượng IPv6 Việt Nam. Theo thống kê của APNIC vào đầu tháng 12/2019, Tập đoàn Viettel hiện là đơn vị có đóng góp lớn nhất cho tổng lưu lượng IPv6 Việt Nam ở mức 49,26%, tiếp đến là Tập đoàn VNPT là 35,23%, FPT Telecom là 10,7%, MobiFone là 4,76%.

Được Thường trực Ban hỗ trợ đào tạo, tư vấn trực tiếp, nhiều cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã chuyển đổi thành công IPv6 cho hệ thống ứng dụng CNTT, cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến sang IPv6 như: Bộ TTTT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Tin học hoá, Cục Bưu điện Trung ương thuộc Bộ TTTT, Sở TTTT Tp. Hồ Chí Minh, Sở TTTT Đà Nẵng, Sở TTTT Lâm Đồng, Sở TTTT Long An, Sở TT&TT Đồng Nai... Một số đơn vị khác đang từng bước xây dựng kế hoạch, thử nghiệm, chuyển đổi IPv6 trong thời gian tới.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải, chỉ đạo công tác IPv6

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải đánh giá cao vai trò của Ban, VNNIC. Hoạt động của Ban là hoạt động tiêu biểu, xuất sắc trong các nhiệm vụ ICT của Ngành.

Thứ trưởng nhớ lại thời kỳ đầu, Ban đã rất vất vả thuyết phục, tạo mọi điều kiện, hướng dẫn sử dụng, tổ chức nhiều hội thảo nâng cao nhận thức, rồi đi làm việc với từng doanh nghiệp. Kết quả của những năm gần đây được thế giới công nhận đột phá. Đặc biệt, có sự phối hợp của các đơn vị, doanh nghiệp như VNPT, Viettel, MobiFone, FPT.

Công tác chuyển đổi IPv6 đã vượt nhiều chỉ tiêu đề ra, và bước sang một giai đoạn mới.

“Trong thời gian tới, nhiệm vụ của Ban đã hoàn thành nhưng thường trực VNNIC tiếp tục vai trò phối hợp với các đơn vị để tiếp tục từng mảng công việc và đề xuất các biện pháp thúc đẩy IPv6 hơn nữa”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam đạt tỷ lệ ứng dụng IPv6 thứ 8 toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO