Chiều tối 13/10, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi tiếp Tổng thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) Houlin Zhao khi ông đang tham dự Hội nghị - Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World) 2021 do Việt Nam đăng cai tổ chức từ 12 - 14/10/2021.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ sự vui mừng khi được gặp lại ông Houlin Zhao tại Hà Nội và cảm ơn Tổng thư ký ITU đã dành cho Việt Nam vinh dự hai lần liên tiếp tổ chức Hội nghị và Triển lãm thế giới số năm 2020 và 2021.
"Việt Nam đánh giá cao vai trò của Tổng thư ký ITU trong 2 nhiệm kỳ qua khi thế giới đã thay đổi nhiều và lĩnh vực ICT cũng thay đổi nhiều hơn nữa. Khoảng cách viễn thông, khoảng cách số đã được thu hẹp đáng kể nhất là ở những nước đang phát triển ở châu Phi, việc tiếp cận các dịch vụ viễn thông và Internet đã thuận lợi hơn rất nhiều", Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết hai năm gần đây, chúng ta đã hội tụ được viễn thông với CNTT và công nghệ số, thể hiện thông qua việc đổi tên Hội nghị - Triển lãm Viễn thông (ITU Telecom World) thành Hội nghị - Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World).
"Sự hội tụ viễn thông, CNTT và công nghệ số thực sự tạo ra cuộc cách mạng. Khi mà tạo thành cuộc cách mạng thì nó không chỉ là vấn đề công nghệ nữa mà là vấn đề chính sách và thể chế, theo đó, ITU có lẽ cũng cần có sự thay đổi theo hướng làm các vấn đề chính sách và thể chế để chấp nhận môi trường số nhiều hơn", Bộ trưởng đề xuất.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ số tạo ra những thay đổi rất căn bản, thậm chí chúng ta phải định nghĩa lại thế nào là con người. Những tác động đó rất mạnh mẽ và cả thế giới đang mong chờ ITU có sự tham gia định hướng mạnh mẽ hơn các vấn đề ngoài công nghệ. Ví dụ, chủ quyền quốc gia trên không gian số là vấn đề nhiều quốc gia quan tâm, hay vấn đề các công ty công nghệ lớn đang ảnh hưởng đến xã hội nhiều thì có cần đề cao vấn đề điều tiết hay các trách nhiệm xã hội của các công ty này hay không.
Câu chuyện những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, đóng thuế, tuân thủ luật pháp địa phương, văn hóa rất khác nhau ở các quốc gia. "Tôi nghĩ rằng vai trò của ITU chưa bao giờ to lớn như ngày hôm nay", Bộ trưởng trao đổi.
Trong buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã đề xuất hai sáng kiến với Tổng thư ký ITU. Theo đó, mỗi quốc gia thành viên ITU nhận lấy một sáng kiến (của nước đó hoặc theo gợi ý của ITU) và thực hiện sáng kiến đó bằng nguồn lực của mình. Khi thành công thì ITU sẽ phổ biến ra toàn cầu. Như vậy, ITU sẽ huy động được thêm nguồn lực của 193 quốc gia nữa.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam đang thực hiện giải pháp để thúc đẩy nhanh phủ sóng 5G bằng cách huy động các nhà mạng cùng chung tay đầu tư. Như vậy, chi phí đầu tư của từng nhà mạng giảm đi và Việt Nam sẽ có chung một mạng 5G toàn quốc chỉ trong 1 năm. Việt Nam sẽ thực hiện sáng kiến này vào năm 2022 và nếu thành công sẽ chia sẻ với ITU.
Một sáng kiến nữa được Bộ trưởng chia sẻ đó là lịch trình dự kiến tắt sóng 2G vào năm 2023. Theo ước tính, vào đầu 2023 số lượng các khách hàng dùng thiết bị cầm tay 2G sẽ chỉ dưới 5%. Để đạt được con số này thì chính phủ và các nhà mạng phải hỗ trợ thiết bị 4G cho người dân.
"Nếu 193 quốc gia thành viên ITU mỗi năm có 1 sáng kiến thành công thì ITU sẽ có 193 sáng kiến vĩ đại. Tôi nghĩ đấy là một sự thay đổi rất lớn", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Bộ trưởng cũng chia sẻ câu chuyện đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam. "Chúng tôi cam kết sẽ đầu tư, mang câu chuyện Việt Nam ra nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia đang còn tỷ lệ người dân truy cập Internet thấp".
Trao đổi về những đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng tư ký ITU Houlin Zhao gửi lời cảm ơn những hỗ trợ to lớn của cá nhân Bộ trưởng với ITU.
Tổng Thư ký ITU cũng cho biết đã có buổi làm việc với Viettel và được biết Viettel gia nhập thị trường Myanmar muộn nhưng đã nhanh chóng vươn lên thành nhà cung cấp số 1 tại Myanmar. "Tôi đánh giá cao nỗ lực của Viettel bởi dù là công ty gia nhập thị trường Myanmar sau nhưng Viettel lại là công ty thành công nhất".
Tổng thư ký ITU cũng bày tỏ vui mừng vì theo thống kê của ITU, chỉ số tiếp cận mạng của Việt Nam ngày càng cao. Việt Nam đã vượt lên trên Philippines về chỉ số tiếp cận này. Khi so sánh thành tựu của Việt Nam thì không chỉ so sánh với các quốc gia trong khu vực mà còn với các quốc gia khác trong châu Á. Việt Nam là quốc gia duy nhất có hơn 10 thị trường ở nước ngoài.
"Việt Nam hiện đang triển khai các chiến lược mới và hiện Việt Nam mới thêm trụ cột mới vào đó là xã hội số và chúng tôi sẽ sát cánh bên Việt Nam để có thể triển khai cả 3 trụ cột này", ông Houlin Zhao cho biết.
Về các sáng kiến của Việt Nam, Tổng thư ký ITU đánh giá đề xuất mỗi quốc gia ITU thực hiện một sáng kiến là một ý tưởng tuyệt vời, đồng thời chia sẻ lộ trình tắt sóng 2G và sáng kiến chia sẻ chi phí đầu tư của các nhà mạng. "Chúng tôi mong đợi các thành quả để Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm với các nước thành viên"./.