Việt Nam là thị trường tiềm năng để áp dụng ĐMST mở trên nền tảng số

NK| 11/03/2022 17:42
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo các chuyên gia, không chỉ là xu hướng của các doanh nghiệp (DN) lớn, đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở cũng là cơ hội của DN nhỏ và vừa hoặc siêu nhỏ. Đồng thời, với số lượng người sử dụng smartphone, Internet cùng tỉ lệ tăng trưởng thanh toán điện tử cao nhất thế giới, Việt Nam đang là thị trường tiềm năng để áp dụng ĐMST mở trên nền tảng số.

Thông tin trên được các chuyên gia chia sẻ tạo Hội thảo ASEAN-ROK về "ĐMST mở: DN, tập đoàn và Hệ sinh thái ĐMST Quốc gia" do Cục Phát triển thị trường và DN Khoa học và Công nghệ (KH&CN) (NATEC), Bộ KH&CN phối hợp cùng với Ủy ban KHCN và Đổi mới ASEAN (COSTI), Viện Chính sách KHCN (STEPI), Bộ Khoa học và CNTT-TT (MSIT) - Hàn Quốc và các đơn vị liên quan đồng tổ chức ngày 10/3.

Hai hội thảo trước đó về ĐMST và công nghệ đã được liên tiếp tổ chức tại Hàn Quốc ngày 22/04/2021 và tại Campuchia ngày 04/06/2021. Hội thảo thứ 3 do Việt Nam đăng cai tổ chức. Đặc biệt, hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới ĐMST và Ngày sở hữu trí tuệ thế giới của Bộ KHCN Việt Nam 2022.

Việt Nam là thị trường tiềm năng để áp dụng ĐMST mở trên nền tảng số

Với sự tham gia của các đại diện tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam và các chuyên gia quốc tế về chính sách ĐMST, hội thảo đã đề xuất những khuyến nghị và sáng kiến cho Việt Nam trong việc tối ưu hóa nguồn lực xây dựng hệ sinh thái ĐMST mở. Đối thoại đa chiều giữa nhu cầu từ phía tập đoàn với đánh giá về tiềm năng sáng tạo và ứng dụng công nghệ của DN đã tạo tiền đề cho sự tích cực tham gia của khối tư nhân thuộc hệ sinh thái ĐMST mở cũng như thúc đẩy phát triển bền vững nền kinh tế quốc gia.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng NATEC cho biết hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam 2021 đã lên tới hơn 3.000 startup, trong đó có 3 "kỳ lân" là VNG, VNPay, MoMo. Bên cạnh đó là vô số các startup có giá trị vốn hóa trên 100 triệu USD như Tiki, Topica Edtech… Theo thống kê, tổng đầu tư vào các startup Việt lên tới 1,3 tỷ USD với trên 208 quỹ đầu tư, 108 "lồng ấp" và 138 cao đẳng/đại học  đang hoạt động tích cực ủng hộ dự án khởi nghiệp.

Trong năm 2021, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí 59 trên bản đồ khởi nghiệp thế giới; hai thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và Hồ Chí Minh xuất sắc giữ vị trí lần lượt là 191 và 179 trong danh sách 200 hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu (2020). Trên cơ sở đó, việc mở rộng mạng lưới ĐMST mở là mục tiêu quan trọng trong thời gian tới, như cuộc thi ROK-ASEAN hợp tác cùng DN Hàn hướng tới với đối tượng là các startup tại ASEAN. Cuộc thi hứa hẹn tạo sân chơi ý nghĩa cho các startup trong khu vực với thử thách thực tế. Đồng thời, Techfest quốc tế sẽ tổ chức tại Hàn Quốc trong năm 2022 trên cơ sở thành công của Techfest quốc tế 2020.

Ngoài ra, ông Quất cũng đã bàn luận về vai trò của Chính phủ trong việc thực thi chính sách. Nhằm nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ dự án hợp tác cùng các bộ, ngành và cơ quan địa phương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN khởi nghiệp, đặc biệt là việc tiếp cận nguồn vốn, sự hỗ trợ về vấn đề pháp lý, các thủ tục

Theo ông Martin Kim, Giám đốc Shinhan Future's Lab Vietnam, với 98 triệu dân (37,7% thành thị), 154 triệu điện thoại (157,9% tổng số dân) và 69 triệu người dùng internet (70,3% tổng số dân), 72 triệu người dùng mạng xã hội, Việt Nam là thị trường tiềm năng để áp dụng ĐMST mở trên nền tảng số.

Đổi mới sáng tạo mở là cơ hội của doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ - Ảnh 1.

Ông Martin Kim: Việt Nam là thị trường tiềm năng để áp dụng ĐMST mở trên nền tảng số.

Chưa kể đến, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ tăng trưởng thanh toán điện tử cao nhất thế giới (khoảng 35%/năm), xếp thứ 10 trong tổng số những quốc gia dùng điện thoại thông minh lớn nhất, là hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ 3 khu vực Đông Nam Á, cùng với đó là rất nhiều các dự án hỗ trợ khởi nghiệp ấn tượng của nhà nước.

ĐMST mở mang đến nhiều cơ hội cho startup và DN lớn

Theo ông Kim, ĐMST mở là yếu tố chính trong việc thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Lý giải cho điều này, ông Kim cho rằng, ĐMST truyền thống chỉ giới hạn trong một công ty nhất định và hướng tới một thị trường cụ thể. Với ĐMST mở, công ty giành được các nguồn ĐMST từ bên ngoài để cải thiện các dòng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và rút ngắn thời gian cần thiết để mang sản phẩm tới thị trường và thương mại hóa.

Bên cạnh đó, ĐMST mở mang đến rất nhiều cơ hội cho startup và DN lớn. Thông qua việc kết hợp các thế mạnh của startup là linh hoạt, nhiệt huyết, dồi dào ý tưởng mới, tăng trưởng nhanh chóng và tài nguyên, khách hàng mục tiêu, mạng lưới chuyên gia dày dạn kinh nghiệm của DN, ĐMST mở sẽ tạo ra ra vô số tiềm năng.

Để dẫn chứng, ông Kim đã đưa ra ví dụ về một số "kỳ lân" công nghệ toàn cầu ấn tượng, mà theo ông thậm chí các DN lớn cũng khó có thể lấn sân sang thị trường mà startup công nghệ này đang năm giữ như: ByteDance, Traveloka, Grab, Spotify… "Nguyên nhân đến từ yếu tố lãnh đạo và văn hoá", ông Kim chia sẻ thêm.

Trong ĐMST, cộng tác là lợi thế cạnh tranh mới và sẽ mở ra động lực cho sự phát triển trong tương lai của các tập đoàn. Mặc dù vậy, để thành công, người lãnh đạo trong một tập đoàn nên xúc tiến ý tưởng của ĐMST mở với mục tiêu và lý tưởng của DN. Điều này sẽ khiến cho tất cả nhân viên nhận thức được có nên thử thách và học hỏi ĐMST mở hay không, thay vì coi đó là một công việc bổ sung khác với những công việc ban đầu.

Đổi mới sáng tạo mở là cơ hội của doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ - Ảnh 2.

Hội thảo "ĐMST mở: DN, tập đoàn và Hệ sinh thái ĐMST quốc gia" được diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Từ đó, ông Kim đã đưa ra lời khuyên cho các lãnh đạo DN lớn khi ĐMST mở, cần xác định 4 tiêu chí cơ bản. Đầu tiên là cần khiến tất cả các thành viên trong công ty xác định rõ mục tiêu hàng đầu của DN dựa trên chuyên môn của họ. Tiếp theo do đa số các nhân viên thường sợ phải học những điều không phải chuyên môn của họ, nên lãnh đạo DN cần sự minh chứng rằng việc tiếp thu thêm kiến thức là cần thiết. 

"Những người lãnh đạo hãy khiến các nhân viên nghĩ rằng có rất nhiều cơ hội trang bị kiến thức chuyên môn mới, cống hiến cho công ty và phát triển. Đồng thời hãy trao cho họ những phần thưởng xứng đáng tạo động lực", ông Kim chia sẻ thêm.

Cuối cùng, cũng theo ông Kim, một số thành viên có thể sẽ nghĩ rằng tham gia vào ĐMST mở là sự hy sinh cá nhân. Thay vào đó, lãnh đạo DN cần khiến họ hiểu rằng đây là một nhiệm vụ quan trọng giúp họ nhận thấy việc tham gia vào mô hình ĐMST mở là góp phần vào sự phát triển chung của công ty.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Hương Quỳnh, CEO BambuUp cho rằng, ĐMST mở không chỉ là xu hướng của các DN lớn, mà nó cũng là cơ hội của DN vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ. Để dẫn chứng, bà Quỳnh đã đưa ra thống kê cho thấy, xu hướng dịch chuyển của ĐMST mở đến năm 2025, từ trung tâm nghiên cứu và phát triển, đơn vị kinh doanh của từng DN sang các phòng thí nghiệm và startup ngoài. 

"Với DN, điều này đã làm thúc đẩy 3 - 5 lần tốc độ phát triển và gấp 3 lần năng suất, đồng thời giảm từ 20 - 30 % tiền đầu tư vật chất để phát minh ý tưởng", bà Quỳnh nói.

Với sứ mệnh kết nối nhà cung cấp giải pháp sáng tạo và người tìm kiếm giải pháp, BambuUP ra đời. BambuUP với mạng lưới startup rộng lớn sẽ "mai mối" và tạo cơ hội để DN tiếp cận với các giải pháp ĐMST mới nhất, giúp DN xác định lộ trình và đảm bảo luôn đi đầu trong chuyển đổi số. Đồng thời, BambuUP giúp DN thiết kế và thực hiện các sáng kiến, cải tiến. BambuUP cũng giúp củng cố mô hình khởi nghiệp tinh gọn trong DN, đào tạo, xây dựng các dự án sáng tạo thiết thực và cung cấp văn hóa DN sáng tạo.

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch HĐQT Vinacert đã chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích về ĐMST mở. Đối với các DN khởi nghiệp ĐMST hay những DN nhỏ và vừa, việc hợp tác với công ty, tập đoàn lớn giúp họ chuẩn bị tốt hơn cho việc gia nhập thị trường như: cơ hội tiếp xúc với các nhà đầu tư và các khách hàng tiềm năng, được hỗ trợ, tư vấn, cố vấn, đào tạo với các chuyên gia giàu kinh nghiệm và trên hết là những hợp đồng và cơ hội hợp tác.

Với tư cách là Đối tác đối thoại toàn diện, Hàn Quốc đã hợp tác chặt chẽ với ASEAN. Trong Hội nghị Tham vấn về KH&CN ASEAN - Hàn Quốc năm 2011, Hội nghị đã hoan nghênh đề xuất về Đối thoại ASEAN - ROK STI lần thứ nhất, với mục tiêu xác định mục đích và phương thức hợp tác ASEAN - Hàn Quốc. Sau đó, các cuộc đối thoại ASEAN - ROK STI được đổi tên thành chuỗi "Hội thảo ASEAN - Hàn Quốc về công nghệ, đổi mới và tinh thần kinh doanh trong các nền kinh tế sau đại dịch" vào năm 2019 do STEPI chủ trì với sự bảo trợ của Bộ Khoa học và CNTT-TT, Hàn Quốc./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam là thị trường tiềm năng để áp dụng ĐMST mở trên nền tảng số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO