Việt Nam nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu

Hải Anh| 09/11/2022 15:34
Theo dõi ICTVietnam trên

Những cam kết và hành động của Việt Nam về biến đổi khí hậu thể hiện trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế về các mục tiêu chung của nhân loại, phù hợp xu thế phát triển chung của thế giới.

Biến đổi khí hậu gây ra nhiều hậu quả đến đời sống, sản xuất

"Biến đổi khí hậu" là thuật ngữ nói đến sự thay đổi của khí hậu và cả sự thay đổi của những yếu tố có tác động mạnh mẽ đến khí hậu như đại dương, bề mặt Trái đất, các vấn đề về nhiệt độ tăng cao, băng tan, và nước biển dâng…. Nói một cách dễ hiểu hơn, biến đổi khí hậu có biểu hiện chính là nhiệt độ tăng cao, toàn cầu nóng lên và mực nước biển dâng, tạo ra các hiện tượng thời tiết cực đoan. Trước đây, do tác động của các điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu thường diễn ra trong một khoảng thời gian dài. Tuy nhiên đáng báo động là giờ đây biến đổi khí hậu đã diễn ra nhanh hơn, do tác động của các hoạt động sản xuất kinh doanh của con người như việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong giao thông vận tải và sản xuất công nghiệp, thải ra môi trường lượng khí nhà kính lớn. Vấn đề này trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với toàn cầu trong thế kỷ 21, vì hệ sinh thái, tài nguyên môi trường và cuộc sống của con người bị ảnh hưởng trực tiếp trước hiện tượng biến đổi khí hậu.

Những hậu quả của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt hơn. cơ quan Phòng chống thiên tai (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cảnh báo đời sống con người, sản xuất nông nghiệp và toàn bộ nền kinh tế bị đe dọa vì mực nước biển dâng cao. Hậu quả là nhiều vùng đất bị ngập nước, tình trạng mưa lụt thường xuyên xảy ra thường xuyên, gây tác hại lớn đến đời sống, của cải vật chất và sản xuất của người dân. Trong khi đó, đất đai bị xói mòn, không còn thích hợp cho nông nghiệp do xâm nhập mặn. Đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam từng cho biết trong một hội thảo quốc tế với chủ đề "Tác động của Biến đổi khí hậu tới việc thụ hưởng quyền của các nhóm dễ bị tổn thương: Chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt”, rằng tính chất tổn thương do biến đổi khí hậu gây ra có thể ảnh hưởng đến hơn 74% dân số Việt Nam.

Đứng trước những thách thức này, Việt Nam đã có nhiều hành động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Những hành động này được Chính phủ quan tâm mạnh mẽ và đề ra nhiều phương hướng triển khai, từ việc sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng, hướng tới tiết kiệm và sử dụng năng lượng tái tạo, các giải pháp sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường đến việc nghiên cứu những giải pháp thích nghi với điều kiện mới…. Vừa qua, Quyết định số 854/QĐ-TTg ngày 19/7/2022 đã được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký, phê duyệt Đề án nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của hợp tác xã nông nghiệp vùng ĐBSCL, giai đoạn 2021 – 2025. Đề án đặt ra mục tiêu chung là tăng cường sức mạnh chủ động áp dụng các biện pháp nhằm thích ứng và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, đồng thời tận dụng các cơ hội mới do biến đổi khí hậu mang lại, từ đó xây dựng và phát triển bền vững các hợp tác xã nông nghiệp ở khu vực này.

Việt Nam tham gia và cam kết cùng quốc tế ứng phó biến đổi khí hậu

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đang nỗ lực cùng với các nước khác trên toàn cầu có những hành động quyết liệt, thiết thực trước biến đổi khí hậu. Chính phủ Việt Nam đã sớm tham gia các cơ chế, thỏa thuận liên quan đến biến đổi khí hậu cùng với các nước, như Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu…. Ngoài ra. Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra tại Ai Cập vừa qua, Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả. Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà dẫn đầu đã tiến hành các buổi làm việc ngay từ những ngày đầu diễn ra COP27, thúc đẩy hình thành thị trường carbon tại Việt Nam; thực hiện các cam kết về khí hậu cũng như quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam… 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, không chỉ hình thành thị trường carbon mà  Việt Nam sẽ tiến tới xây dựng thị trường tài chính một cách đồng bộ. Việc trao đổi, mua bán tín chỉ có thể vượt ra khỏi phạm vi ASEAN, tham gia thị trường thế giới đến các châu lục khác. 

Ông Mahmoud Mohieldin, nhà vận động chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc đã khẳng định trước giờ khai mạc Hội nghị COP 27 tại Ai Cập rằng đây là cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy hành động vì khí hậu. 

Tại các buổi làm việc ở COP27, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã tái khẳng định cam kết đưa mức phát thải ròng về không vào năm 2050 mà Việt Nam đã đưa ra tại COP26. Bộ trưởng cũng thông tin về việc Việt Nam đã triển khai các biện pháp tổng thể, toàn diện trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng nhằm hướng tới mục tiêu nói trên. Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng lưu ý rằng việc vừa bảo đảm an ninh năng lượng để phục vụ phát triển kinh tế vừa giảm phát thải khí nhà kính là một bài toán khó khăn và phức tạp, đòi hỏi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về cả nguồn lực và công nghệ. 

Việt Nam nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Đoàn Việt Nam tham dự COP27 do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà dẫn đầu. Ảnh: Baochinhphu.vn

Trong buổi làm việc bên lề sự kiện Hội nghị COP27, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới đã đánh giá cao các dự án của Việt Nam có sức tạo động lực và hiệu quả. Đặc biệt, lãnh đạo Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh Ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam, nhất là trong các chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việt Nam là một trong những quốc gia tại COP26 đã đưa ra các cam kết mạnh mẽ về việc sẽ đưa phát thải ròng về mức bằng không vào năm 2050; cùng với đó là những cam kết như từ năm 2030 sẽ không xây mới điện than, từ năm 2040 sẽ loại bỏ dần điện than. Việt Nam cũng có những tuyên bố về rừng và sử dụng đất; tham gia Liên minh thích ứng toàn cầu; giảm 30% khí thải metan vào năm 2030 so với mức năm 2020.

Theo Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Tấn, Việt Nam là một trong số những quốc gia đã có hành động ngay lập tức để thực hiện cam kết. Theo đó, Ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26 đã được Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo và thành lập, Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo cũng đã được ban hành. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo cùng với quy chế làm việc của Tổ công tác.

Việt Nam đã nhận được sự hoan nghênh và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế trước sự tham gia tích cực và những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26 về  ứng phó với biến đổi khí hậu. Những cam kết đó đã thể hiện tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn mới, gắn với các cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, điều đó thể hiện trách nhiệm cao của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế, cùng đóng góp vào các mục tiêu chung của nhân loại, phù hợp xu thế phát triển chung của thế giới./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO