Chương trình Đối thoại kinh tế Việt Nam 2020 là diễn đàn đối thoại chuyên biệt về kinh tế Việt Nam, với những phân tích, đánh giá, chia sẻ chuyên sâu của các chuyên gia kinh tế về các vấn đề của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 cũng như những thách thức của nền kinh tế trong năm 2020.
Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam, cùng trao đổi, phân tích, đánh giá, tư vấn và đưa ra những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn nảy sinh đối với doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Tại chương trình, ThS. Nguyễn Đức Thành, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Vietinbank cho biết, năm 2019 có thể coi là một năm thành công của nền kinh tế Việt Nam, với nhiều chỉ số ấn tượng như: Đạt và vượt 12 chỉ tiêu Quốc hội đề ra từ đầu năm; GDP ước đạt khoảng 7,02%; Xuất nhập khẩu tăng trưởng lên mức trên 500 tỷ USD; Tăng trưởng du lịch đạt tới con số 15-16% - gấp 3-4 lần mức tăng trưởng chung của ngành du lịch toàn cầu; Thu ngân sách đạt trên 1,6 triệu tỷ; Nợ công đã được đưa xuống dưới mức 55% GDP…
Năm 2019 có thể coi là một năm thành công của nền kinh tế Việt Nam
Nhận định về thông tin trên, GS. Võ Đại Lược, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới cho biết, trong bối cảnh các nền kinh tế thế giới đều suy giảm phát triển, Trung Quốc là đất nước có tốc độ tăng trưởng lớn nhất thế giới thì 2019 cũng ở 6%, Ấn Độ là quốc gia có mức tăng trưởng khá cao ở 7% nhưng tới năm 2019 cũng không đạt được. Do vậy, con số tăng trưởng 7,02% của nền kinh tế Việt Nam cũng là một trong những số ít quốc gia trên thế giới đạt được. Cùng với đó, tỷ lệ lạm phát cũng chỉ ở mức hơn 2% là khá thành công.
Tuy nhiên, ThS. Nguyễn Đức Thành nhận định: bên cạnh những thành công, nền kinh tế của Việt Nam cũng còn có rất nhiều những thách thức, khó khăn phải đương đầu trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Cụ thể, trong năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng khoảng 8%, nhưng nếu chúng ta nhìn vào cơ cấu thị trường xuất khẩu thì cũng đặt ra những lo ngại, khi tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ khoảng 30% thì ở các thị trường lớn, truyền thống mức độ tăng trưởng lại tương đối thấp khoảng dưới 4% và chúng ta vẫn tiếp tục nhập siêu rất lớn từ thị trường Trung Quốc. Nếu nhìn lại những năm trước, thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đang chậm lại rõ ràng. Nếu 2016, 2017 tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 20% hiện đã giảm xuống 8%.
Nhận xét về những rủi ro, khó khăn mà nền kinh tế Việt Nam có thể phải đối mặt trong những năm tới, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết: Kinh tế Việt Nam 2019 cũng đã đạt được thành tựu khá toàn diện.
Tuy nhiên, 70% xuất khẩu của Việt Nam hiện lại do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cũng tương tự tỷ ở tỷ lệ nhập khẩu điều này cho thấy kinh tế nước ta đang lệ thuộc một phần vào đầu tư nước ngoài và một số thị trường. Có thể thấy, một trong những đặc điểm cố hữu của nền kinh tế Việt Nam là độ mở lớn, nên độ rủi ro rất cao, tính tổn thương của nền kinh tế cũng vì thế mà gia tăng.
Trong chương trình, các chuyên gia kinh tế đã trao đổi, phân tích và dự báo diễn biến kinh tế vĩ mô năm 2020, đồng thời các doanh nghiệp tham dự chương trình có cơ hội được giao lưu và tìm kiếm giải pháp quản trị doanh nghiệp.