Tháng 8/2021, BTC cuộc thi Viet Solutions 2021 đưa ra thông báo gia hạn nộp hồ sơ do các startup gặp khó khăn trong tình hình phức tạp của dịch bệnh. Nhưng đó không phải là thay đổi duy nhất. Là một cuộc thi tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số quốc gia, trong bối cảnh giãn cách xã hội, Viet Solutions cũng linh hoạt chuyển đổi toàn bộ quá trình thi từ offline sang online và tự động hóa.
Số hóa quá trình thi
Theo đại diện BTC, với phương thức thi online, các thí sinh truy cập vào website của chương trình Vietsolutions.net.vn, tạo account rồi tải các tài liệu về bài thi đã chuẩn bị lên các trường thông tin mà chương trình yêu cầu. Sau khi đưa lên đủ các thông tin và gửi đi, hệ thống tự động ghi nhận bài thi của các startup.
Dựa trên các trường thông tin mà đội thi đã đưa lên, hệ thống sẽ phân phối bài thi về các tổ chấm điểm, mỗi tổ sẽ lại phân công về ban giám khảo của từng tổ. Trong đó, mỗi ban giám khảo (BGK) có một user để vào đọc bài thi và chấm thi. Điểm thi được tổng hợp theo kết quả chấm của BGK.
Nếu như trước đây, BGK đọc tài liệu giấy, nghe trình bày trực tiếp từ thí sinh thì năm nay, các tài liệu đều được số hóa. Các đội thi sẽ gửi tài liệu mềm ở dạng văn bản Word, Powerpoint và các video giới thiệu bản thân, trình bày sản phẩm qua website của cuộc thi.
Theo bà Phạm Thanh Phương - Phó Giám đốc Trung tâm VAS, Viettel Telecom - thành viên BGK Viet Solutions 2021, việc không đối thoại trực tiếp với thí sinh khiến cho BGK gặp một số hạn chế, bởi vì trực tiếp nghe đội thi trình bày, BGK có thể đặt câu hỏi luôn khi có chi tiết chưa rõ ràng.
Với việc chấm online qua video, BGK phải tương tác lại bằng cách gọi điện, trao đổi hoặc trên website có những trường thông tin yêu cầu các đội thi gửi thông tin bổ sung, hệ thống sẽ tự động email về cho đội thi biết cần bổ sung thông tin gì và họ vào website để bổ sung.
“Sau một thời gian, tôi thấy rằng tương tác online như vậy sẽ vất vả hơn ở khâu lấy thêm thông tin chấm thi, nhưng tiết kiệm được thời gian và chi phí hội họp”, bà Phương nhận xét.
Một điểm lợi khác là khi chấm online, dù dữ liệu trên hệ thống đã phân phối về từng tổ cho phù hợp nhưng các thành viên BGK cũng có thể xem toàn bộ các bài thi trên hệ thống. Từ đó, họ có thể nhận ra những bài thi đăng ký “lạc tổ” và điều chỉnh lại. Quan trọng hơn, khi nhìn tổng quan, BGK có thể thấy được xu hướng các bài thi năm nay, tức xu hướng thị trường.
Tiêu chí lựa chọn khi chấm thi qua video
Năm nay, sự thay đổi đặc biệt nhất là Viettel quyết định hợp tác từ sớm với các startup tiềm năng khi cuộc thi đang diễn ra. Theo đó, khi phát hiện ra các “viên ngọc” phù hợp, Viettel sẽ hỗ trợ startup hoàn thiện sản phẩm và thương mại hóa các sản phẩm dù mới ở giai đoạn “demo” hoặc thử nghiệm thị trường.
Tuy nhiên, khi không trực tiếp tương tác với startup, các giám khảo sẽ lựa chọn cơ hội hợp tác dựa trên các tiêu chí nào?
Ông Trương Quang Việt - Phó Tổng Giám đốc Viettel Digital Service, giám khảo trong mảng Tài chính - Ngân hàng, Giải pháp doanh nghiệp cho biết, có 3 tiêu chuẩn để vị giám khảo này chọn startup hợp tác.
Thứ nhất là cách startup gửi bài dự thi. “Nhìn vào cách gửi bài, cách trình bày ý tưởng, giải pháp và hình hài sản phẩm mà các bạn đã, đang hoặc muốn làm… chúng tôi sẽ đánh giá được startup có nghiêm túc tham gia hay không, có nghiêm túc với những cơ hội nhận được từ cuộc thi hay không?”, ông Việt nói.
Thứ hai là các phân tích về kế hoạch kinh doanh, thị trường, cơ hội kinh doanh cụ thể, cũng như cơ hội hợp tác mà các startup đề xuất khi đưa các giải pháp vào. Ông Việt chia sẻ: “Những thông tin đó khi đã tường minh thì công việc của mình chỉ là đánh giá và lựa chọn mà thôi. Các đội không trình bày được như vậy thì tất nhiên là khó để lựa chọn”.
Cuối cùng là câu chuyện đội nhóm. Ông Việt cho biết, những đội trình bày kỹ về lý lịch, thành tích của các thành viên trong đội sẽ giúp giám khảo dễ hình dung hơn và đánh giá được độ phù hợp về văn hóa với Viettel để xúc tiến hợp tác sớm.
‘Con đường tắt’ cho startup Việt
Tham gia cuộc thi giữa đại dịch, các startup của Viet Solutions 2021 được đánh giá là thực tế hơn, tập trung hơn vào việc giải quyết vấn đề tồn tại của xã hội. Về phía Viettel, tập đoàn có thể chọn lựa được nhiều sản phẩm phù hợp để đưa vào kinh doanh, đem lại những tác động tốt đến người dùng hơn.
“Theo tôi, để ứng phó với Covid trước mắt và lâu dài, thì công nghệ - chuyển đổi số chính là yếu tố then chốt và Viet Solutions - cuộc thi chuyển đổi số quốc gia chính là “con đường tắt” để các doanh nghiệp nhận sự hỗ trợ đầy đủ và toàn diện nhất cả về chính sách từ nhà nước, vốn từ nhà đầu tư thiên thần và thị trường khách hàng được hỗ trợ bởi Viettel, cũng như các doanh nghiệp trong hệ sinh thái”, bà Phạm Thanh Phương khẳng định.
Ông Trương Quang Việt đánh giá, Viet Solutions là cơ hội tốt để kết nối những “sếu đầu đàn” như Viettel với các startup chưa có nhiều cơ hội để mở rộng quy mô hoặc đưa sản phẩm ra thị trường.
Qua cách Viet Solutions chuyển đổi sang online, ông Việt cho rằng, không chỉ khi có cuộc thi mới nghĩ đến câu chuyện kết nối 2 bên mà có thể tiến hành thường xuyên. Khi đó, Viet Solutions không chỉ là một cuộc thi mà còn là một sân chơi, nơi những đơn vị kinh doanh như Viettel khi cần tìm kiếm ý tưởng mới sẽ có cơ hội kết nối với các doanh nghiệp trẻ, các startup luôn khát khao sáng tạo và có sẵn giải pháp nhưng đang khó khăn.
Có thể thấy, việc một sân chơi online diễn ra liên tục sẽ tạo cơ hội kết nối nhanh và nhiều hơn, giúp cho các giải pháp số bùng nổ ở Việt Nam mạnh mẽ và hiệu quả hơn./.