Viettel làm chủ nền tảng hạ tầng số phục vụ CĐS quốc gia

Trường Thanh| 09/04/2021 10:04
Theo dõi ICTVietnam trên

Để đóng góp vào công cuộc chuyển đổi số (CĐS), với tiềm lực về nhân lực công nghệ cao, làm chủ công nghệ lõi, tài chính và hạ tầng viễn thông, CNTT rộng khắp, Viettel đã làm chủ nền tảng hạ tầng số sẵn sàng phục vụ CĐS quốc gia.

Tại phiên họp sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) diễn ra vừa qua, lãnh đạo Tập đoàn Viettel đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng CPĐT. Theo đó, trong thời gian qua, hàng loạt các chính sách quan trọng đã được Chính phủ thực hiện, tiêu biểu như: Thành lập Ủy ban Quốc gia về CPĐT do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Chủ tịch Ủy ban; Ban hành Nghị quyết 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025; Phê duyệt Chương trình CĐS Quốc gia…

Viettel đã làm chủ nền tảng hạ tầng số

Đại diện Tập đoàn Viettel cho biết, để đóng góp vào công cuộc CĐS, với tiềm lực về nhân lực công nghệ cao, làm chủ công nghệ lõi, tài chính và hạ tầng viễn thông, CNTT rộng khắp, Viettel tiên phong thành lập nhiều đơn vị chuyên nghiệp để nghiên cứu, xây dựng các giải pháp như Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp (DN), Công ty An ninh mạng, Viettel IDC... Cho đến nay, Viettel đã làm chủ nền tảng hạ tầng số phục vụ CĐS quốc gia.

Hiện tại, Viettel có một hạ tầng băng rộng di động trải khắp Việt Nam với 67.000 trạm 4G, phủ sóng tới 95% dân số. Viettel cũng làm chủ công nghệ, tự nghiên cứu, sản xuất các thiết bị viễn thông bao gồm cả 5G. Cùng với đó là hạ tầng CNTT với 05 trung tâm dữ liệu đạt chuẩn Tier3 của thế giới, làm chủ nền tảng cloud đạt tiêu chuẩn quốc tế được Bộ TT&TT công nhận. Đây sẽ là nền tảng quan trọng phục vụ chương trình CĐS quốc gia.

Viettel làm chủ nền tảng hạ tầng số phục vụ CĐS quốc gia - Ảnh 1.

Khách hàng trải nghiệm dịch vụ công nghệ thông tin của Viettel

Trong năm 2020, nhiều nền tảng số trong 8 lĩnh vực ưu tiên CĐS quốc gia được Viettel xây dựng và triển khai đem lại hiệu quả rõ rệt:

Cụ thể, trong lĩnh vực CPĐT, Viettel đã xây dựng và triển khai các hệ thống thông tin quan trọng, nền tảng như hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet); Hệ thống Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc; Một cửa quốc gia...

Trong đó, theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, hệ thống e-Cabinet đã được đưa vào vận hành kết nối đến 22 bộ, cơ quan ngang bộ, giúp quản lý đồng bộ, đầy đủ các phiên họp của Chính phủ, tổ chức lấy ý kiến các thành viên Chính phủ một cách đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả trên môi trường mạng và góp phần rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí in ấn, sao chụp tài liệu giấy.

Từ ngày khai trương 24/6/2019 đến ngày 08/3/2021, hệ thống e-Cabinet đã phục vụ 28 hội nghị, phiên họp của Chính phủ (các đại biểu sử dụng tài liệu điện tử) và thực hiện xử lý 685 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ thay thế việc phát hành hơn 253.000 hồ sơ, tài liệu giấy. Việc sử dụng Hệ thống giúp tiết kiệm chi phí hơn 169 tỷ đồng/năm.

Trong lĩnh vực đô thị thông minh (ĐTTM), Viettel đã xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh về ĐTTM và cung cấp cho nhiều đô thị, đặc biệt triển khai tại Thừa Thiên - Huế đoạt giải "Dự án thành phố thông minh sáng tạo nhất châu Á".

Trong lĩnh vực y tế, nền tảng hỗ trợ, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Viettel TeleHealth) do Viettel xây dựng, đáp ứng 6 lĩnh vực theo tiêu chuẩn hệ thống khám chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế. Viettel TeleHealth triển khai, kết nối đến hơn 1300 bệnh viện và cơ sở y tế trên cả nước, trong đó có nhiều bệnh viện lớn như bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện Tim Hà Nội, bệnh viện Bạch Mai….

Trong lĩnh vực giáo dục, Viettel xây dựng nền tảng mạng xã hội học tập trực tuyến (ViettelStudy), học sinh các cấp có thể học từ xa đặc biệt trong giai đoạn dịch. Hiện đang có 26.000 trường trên toàn quốc sử dụng giải pháp đào tạo trực tuyến của Viettel với 565.000 khóa học, kỳ thi, thu hút hàng trăm triệu lượt truy cập. ViettelStudy sẵn sàng cho 100% học sinh các cấp trên toàn quốc.

Trong lĩnh vực tài chính số, Viettel xây dựng hạ tầng thanh toán kết nối với hàng trăm ngân hàng, cung cấp giải pháp thanh toàn số cho người dân và các nền tảng trong hệ sinh thái chính quyền điện tử liên kết thanh toán không dùng tiền mặt...

Trong lĩnh vực an toàn thông tin (ATTT), hệ sinh thái giải pháp ATTT được hoàn thiện và cung cấp cho Chính phủ, bộ, ngành, các địa phương và DN lớn với các giải pháp như: Giám sát và phản ứng ATTT; Bảo vệ website trên nền điện toán đám mây, chống tấn công có chủ đích…

Đại diện Viettel nhấn mạnh: "Viettel đang hội đủ các yếu tố để đẩy nhanh và triển khai thành công các nền tảng số và tiến tới triển khai CĐS hiệu quả. Viettel tin tưởng rằng trong các năm tới, chúng ta sẽ hoàn thành các mục tiêu mà Chương trình CĐS Quốc gia đã đặt ra, tạo ra giá trị mới, nâng cao đời sống người dân và năng lực cạnh tranh quốc gia".

Viettel hoàn thành chuyển đổi từ DN viễn thông thành DN cung cấp dịch vụ số

Năm 2020, Viettel cơ bản hoàn thành chuyển đổi từ DN viễn thông thành DN cung cấp dịch vụ số. Tổng doanh thu các lĩnh vực dịch vụ số của Viettel năm 2020 (bao gồm; giải pháp CNTT, thanh toán số, nội dung số, AI, lưu trữ dữ liệu, an toàn thông tin, an ninh mạng) tăng trưởng 27,7% so với năm 2019. Con số này cao gấp đôi so với mức tăng trưởng công nghiệp CNTT Việt Nam, 14,7%.

Một số nền tảng số nổi bật do Tập đoàn Viettel xây dựng, đem lại hiệu quả rõ rệt trong năm 2020 gồm có: y tế (Telehealth), giáo dục (Viettel Study), thanh toán (Viettel Pay) và giao thông thông minh (ePass). Trong số đó, Viettel Telehealth là nền tảng tiên phong, khởi đầu cho cuộc cách mạng về tư vấn, khám chữa bệnh từ xa tại Việt Nam, với hơn 1.000 điểm đã đi vào hoạt động. Trong đại dịch Covid-19, tổng giá trị các giải pháp số do Tập đoàn Viettel thực hiện để hỗ trợ Chính phủ, bộ ngành lên tới gần 4.400 tỷ đồng.

Năm 2020, Viettel tiếp tục khẳng định vị thế đứng đầu về an ninh mạng tại Việt Nam, doanh thu trong lĩnh vực tăng trưởng 54% so với năm 2019. Viettel được Bộ TT&TT đánh giá cao trong việc làm chủ các công cụ giám sát, quản lý và tác chiến trên không gian mạng để bảo vệ người dùng trên internet, bảo vệ các hệ thống, bảo vệ chủ quyền số quốc gia trước các thông tin độc hại từ bên ngoài.

Trên cơ sở hạ tầng kết nối viễn thông lớn nhất nước và các nền tảng đã hoàn chỉnh, Viettel tiếp tục thực hiện sứ mệnh tiên phong và chủ lực kiến tạo xã hội số, đóng góp đẩy nhanh tiến trình CĐS quốc gia trên cả 3 trụ cột gồm chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Viettel làm chủ nền tảng hạ tầng số phục vụ CĐS quốc gia - Ảnh 2.

Điều khiển robot bằng công nghệ 5G của Viettel

Phát triển nền tảng số đáp ứng nhu cầu CĐS

Đại diện Viettel cũng cho biết, CĐS là quá trình thay đổi từ mô hình tổ chức truyền thống lên môi trường số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn, Internet cho vạn vật, điện toán đám mây… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp công nghệ, viễn thông, Viettel đảm bảo nguồn lực tham gia tư vấn cải tiến quy trình hoạt động, phương thức vận hành khi tổ chức thực hiện CĐS.

Viettel cam kết, với kinh nghiệm tham gia tư vấn, triển khai, Viettel sẵn sàng cùng các bộ ngành, địa phương, tư vấn tin học hóa nghiệp vụ chuyên môn đảm bảo phù hợp quy trình trên môi trường số, hoạt động trực tuyến. Đồng thời, tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ trong việc phát triển nền tảng số đáp ứng nhu cầu CĐS ở Việt Nam. Cùng với đó, Viettel cũng đề xuất kiến nghị một số vấn đề:

Thứ nhất, về việc lựa chọn đơn vị có năng lực thực hiện: Nền tảng số là giải pháp quan trọng, cần giao cho các DN nhà nước lớn có uy tín, kinh nghiệm, nguồn nhân lực chất lượng, năng lực tài chính thực hiện.

Thứ hai, đẩy mạnh xây dựng khung pháp lý nhanh hơn nữa để cho các nền tảng của Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đã sẵn sàng triển khai sớm đi vào cuộc sống

Thứ ba, về cơ chế cho phép DN ứng vốn thực hiện: các DN có năng lực công nghệ, tiềm lực tài chính có cơ chế để ứng vốn nghiên cứu, đầu tư xây dựng các sản phẩm, dịch vụ CNTT,… Sau đó, Chính phủ sẽ thực hiện thủ tục hoàn trả.

Thứ tư, cơ chế cho phép DN sử dụng, khai thác các dữ liệu số được hình thành trong quá trình vận hành hệ thống để tạo ra các giá trị mới cho người dân, DN và chính quyền.

"Năm 2021, Viettel sẽ đẩy mạnh tham gia hiện đại hóa, CĐS tất cả các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các dịch vụ công như thuế, hải quan, tư pháp... Trong bất cứ hoàn cảnh nào, thế giới có công nghệ gì thì Viettel phải tiên phong và chủ lực công nghệ đó tại Việt Nam. Việt Nam nhất định phải song hành với thế giới về công nghệ", quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel - Thiếu tướng Lê Đăng Dũng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2020, Việt Nam đã làm chủ hầu hết các thiết bị viễn thông, từ thiết bị người sử dụng tới thiết bị nhà mạng. "Việt Nam trở thành một trong số rất ít nước làm được điều này".

Bộ trưởng cũng cho biết, khi hạ tầng viễn thông trở thành hạ tầng số, trở thành hạ tầng của nền kinh tế số, khi vấn đề an toàn, an ninh mạng trở thành yếu tố sống còn của CĐS, thì việc làm chủ thiết bị hạ tầng mạng lưới có ý nghĩa quyết định. Vì thế, Việt Nam có thể tự tin thúc đẩy nhanh CĐS quốc gia. Người dân Việt Nam có được niềm tin số khi hầu hết các thiết bị viễn thông, hầu hết các sản phẩm thuộc hệ sinh thái an ninh mạng là do các DN Việt Nam phát triển.

Công nghệ là phi vật chất, là những tài sản vô hình dựa trên cơ sở kiến thức, dựa trên sự sáng tạo của con người. Sự sáng tạo của người Việt Nam không thua kém ai. Vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta có dám nghĩ đến, có dám nghĩ rằng cái này mình có thể làm được. Với tinh thần “có thể làm được” thì não người được bổ sung năng lượng vô hạn và vì thế, việc khó không còn khó nữa, và vì thế, người Việt Nam có thể sáng tạo ra công nghệ.

"Viettel và Vingroup là những thí dụ sinh động để chứng tỏ rằng, người Việt Nam có thể làm được, DN Việt Nam có thể làm được, có thể sáng tạo ra công nghệ Việt, có thể góp phần cho Việt Nam phát triển bứt phá, thay đổi thứ hạng và trở thành hùng cường thịnh vượng", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Bộ trưởng cũng cho biết: Đại hội XIII của Đảng khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng, đặt ra mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao sau 25 năm nữa, chỉ ra con đường đi đến đích là bằng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST), bằng công nghệ số và CĐS. Việt Nam đã tuyên bố tầm nhìn về Make In Vietnam, về thiết kế, sáng tạo và làm ra sản phẩm tại Việt Nam và từ đây đi ra toàn cầu. Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Chiến lược phát triển DN công nghệ số Việt Nam.

Đồng thời, Chính phủ đã khởi động công cuộc CĐS quốc gia, tuyên bố sẽ đi nhanh và đi đầu để thay đổi thứ hạng quốc gia, tuyên bố mục tiêu kép vừa thực hiện CĐS vừa phát triển các DN công nghệ số trong nước, tuyên bố tăng chi tiêu cho CĐS để tạo thị trường cho DN, tuyên bố cho phép thử nghiệm công nghệ mới, mô hình mới để thúc đẩy ĐMST, tuyên bố CĐS là cuộc cách mạng toàn dân và toàn diện làm thay đổi sâu sắc cách thức vận hành của chính phủ, DN và người dân theo hướng chất lượng và hiệu quả hơn.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Viettel làm chủ nền tảng hạ tầng số phục vụ CĐS quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO