Chuyển đổi số

Vinh danh 32 Giải thưởng TPTM Việt Nam 2023

Minh Thiện 16:25 30/11/2023

32 giải thưởng đã được trao cho các tổ chức, đơn vị thuộc 03 xu hướng phát triển thành phố thông minh (TPTM) nổi bật tại Việt Nam

Lựa chọn từ 100 đề cử

Ngày 30/11/2023, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã tổ chức Lễ Vinh danh và Trao Giải thưởng TPTM Việt Nam 2023 lần thứ IV. Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động thúc đẩy xây dựng và phát triển TPTM do VINASA tổ chức.

Giải thưởng được tổ chức thường niên từ năm 2020 nhằm tôn vinh, khích lệ các tỉnh, thành phố, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp (DN) công nghệ với những giải pháp giúp các đô thị phát triển thông minh hơn, bền vững hơn, mang lại tiện ích cho người dân.

Giải thưởng TPTM không chỉ là sự công nhận những nỗ lực, thành tích của chính quyền các cấp, mà còn là động lực để thúc đẩy phát triển. Đến nay, đã có 142 giải thưởng đã được trao, trong đó có 23 giải cho các đô thị, 03 giải dành cho các dự án bất động sản, và 116 giải dành cho các giải pháp công nghệ.

Giải thưởng TPTM Việt Nam 2023 được phát động từ ngày 20/07/2023. Sau gần 3 tháng triển khai, Giải thưởng đã nhận được 100 đề cử.

01.jpg
Các tổ chức được trao Giải thưởng TPTM Việt Nam 2023

Qua 03 vòng đánh giá sơ tuyển, thuyết trình và chung tuyển, Hội đồng với 20 chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực: quy hoạch, kiến trúc, công nghệ, quản lý nhà nước… do TS. Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ làm Chủ tịch - được thành lập, đánh giá và đã lựa chọn trao 32 Giải thưởng TPTM Việt Nam 2023 bao gồm: 07 giải thưởng cho 4 đơn vị quản lý đô thị; 01 giải thưởng dành cho Bất động sản công nghiệp, và 24 giải thưởng dành cho các dịch vụ, giải pháp công nghệ xuất sắc. Danh sách chi tiết tại website: https://smartcitiesvietnam.com.

3 xu hướng nổi bật trong xây dựng TPTM tại Việt Nam

Quyết định 950/QĐ-TTg năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030, mở ra các định hướng trong hợp tác, phát triển giữa chính quyền đô thị các cấp với các DN, đối tác trong nước và quốc tế, đồng thời đang dần định hình một số xu hướng nổi bật trong xây dựng ĐTTM, đáng sống, phát triển bền vững tại Việt Nam.

Xây dựng TPTM hướng trọng tâm vào người dân và DN

Cùng với xu hướng chuyển đổi số (CĐS) toàn diện, chính quyền đô thị từ cấp trung ương đến địa phương đến nay đều đã xây dựng đề án TPTM, tập trung trước tiên vào thông minh hóa hệ thống quản lý, vận hành chính quyền đô thị, thúc đẩy phát triển xã hội số, kinh tế số.

Ghi nhận tại Giải thưởng và Hội nghị TPTM Việt Nam 2023, nhiều thành phố, đô thị đã chuyển sang giai đoạn 2 - Xây dựng TPTM, bền vững, hướng trọng tâm đến người dân và DN. Người dân và DN không chỉ là đối tượng thụ hưởng nữa mà đã là thành phần quan trọng, tham gia vào hệ thống kết nối, đô thị thông minh của các thành phố.

Những ví dụ điển hình: Hệ thống giám sát giám sát quan trắc môi trường của TP. Đà Nẵng với hơn 70 camera thông minh, không chỉ quan trắc, phát hiện mà còn cho phép người dân cùng giám sát, báo cáo khi phát hiện vấn đề. Hệ thống kết hợp với 66 trạm quan trắc tự động, 15 hệ thống lấy mẫu nước thải tự động, giúp xử lý hiệu quả nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường của thành phố.

da-nang.jpg
Ông Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở TT&TT TP. Đà Nẵng nhận Cup và Giấy chứng nhận

Trong khi đó, Ứng dụng Huế-S của tỉnh Thừa Thiên Huế với định vị là siêu ứng dụng, được tích hợp các dịch vụ của chính quyền cho người dân và DN, cho phép người dân tham gia giám sát, phản ánh các vấn đề phát sinh với tỉ lệ phản ánh được giải quyết rất nhanh chóng, kịp thời đạt trên 95% đã góp phần rất tích cực giải quyết nhiều vấn đề xã hội của tỉnh và thành phố trong các lĩnh vực giao thông, môi trường, y tế, giáo dục thậm chí cả tín dụng đen…

Lắng nghe ý kiến của DN, TP. Hồ Chí Minh đã cầu thị, áp dụng hệ thống thu phí cảng biển thông minh, không chỉ thiết thực giúp quản lý các phương tiện ra vào bến cảng một cách nhanh chóng, thuận tiện, minh bạch, góp phần tăng thu ngân sách của Thành phố lên hơn 3.500 tỷ đồng; và quan trọng hơn, giúp 68.000 DN làm xuất nhập khẩu, hậu cần, logistic tiết kiệm rất nhiều thời gian ra vào, thông quan nhanh chóng.

Liên quan đến chủ đề này, chia sẻ tại Hội nghị, ông Yudhistira Nugraha, D.Phil. - Giám đốc Jakarta Smart City - chia sẻ: “Jakarta – Indonesia thậm chí đã xây dựng hẳn một hệ thống CRM (Citizen relationship Management - hệ thống quản trị quan hệ công dân) – tương tự hệ thống quản trị quan hệ khách hàng (CRM) của DN. Chuyển từ tư duy quản trị sang tuy duy phục vụ".

Hệ thống với 03 trụ cột: 1) Thành phố cảm biến: Chính quyền có thể cảm nhận và xác định các vấn đề đô thị trong thành phố, 2) Hiểu biết về thành phố: Phát triển các phương pháp hiệu quả để hiểu và phân tích dữ liệu nhằm nắm bắt và giải quyết hiệu quả nhu cầu của người dân, 3) Thành phố của hành động: Chính phủ sử dụng dữ liệu để đưa ra quyết định và thực hiện các hành động hiệu quả.

02.jpg
Đại diện lãnh đạo các Thành phố nhận Giải thưởng TPTM năm 2023

Xây dựng hạ tầng dữ liệu thống nhất - bộ não của ĐTTM

Để phát triển TPTM, bền vững, chính quyền đô thị trong khu vực và thế giới đang hướng tới xây dựng, chuẩn hóa hạ tầng dữ liệu số thống nhất và xuyên suốt với: hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng số, kiến trúc dữ liệu hoàn chỉnh; Danh mục và tiêu chuẩn kết nối được chuẩn hóa; Cơ chế thu thập, khai thác dữ liệu minh bạch, hiệu quả. Các đô thị Việt Nam cũng đang hướng tới các mục tiêu này.

Hà Nội, đưa cụm từ "thông minh" vào ngay trong Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Dữ liệu được xem là nguồn tài nguyên mới. Tháng 7 vừa qua, Hà Nội đã ban hành Danh mục dữ liệu mở. Các dữ liệu chuyên ngành sẽ được triển khai, chia sẻ trong nội bộ cơ quan nhà nước và công dân, tổ chức trong thời gian tới.

Hà Nội cũng đang tập trung triển khai hạ tầng số và Trung tâm dữ liệu để sớm đưa vào khai thác, sử dụng trong quý IV 2023.

TP. Hồ Chí Minh - Địa phương đứng đầu cả nước về phát triển hạ tầng số và thể chế số. Thành phố đã triển khai và tích hợp dữ liệu các hệ thống thoát nước, chiếu sáng đô thị, công viên cây xanh, xử lý nước thải, dữ liệu hạ tầng giao thông, dữ liệu điện lực, cấp nước, bản đồ địa chính, địa hình, quy hoạch đô thị về kho dữ liệu dùng chung.

Cổng dữ liệu của thành phố và cổng dữ liệu mở sẽ được triển khai, chia sẻ để người dân, doanh nghiệp cùng khai thác và sử dụng trong thời gian tới.

Đà Nẵng coi dữ liệu số là ‘huyết mạch’ để xây dựng TPTM. Chủ tịch UBND Đà Nẵng trực tiếp vào cuộc chỉ đạo xây dựng hạ tầng dữ liệu thống nhất và tập trung. Trung tâm IOC thế hệ mới của thành phố đóng vai trò là đầu mối thu thập thông tin, dữ liệu từ các IOC quận/huyện, IOC chuyên ngành và các ứng dụng, hệ thống của các cơ quan, đơn vị, cộng đồng…; phân tích, đưa ra số liệu tổng hợp để lãnh đạo có thông tin chỉ đạo, điều hành; chia sẻ thông tin cho các cơ quan liên quan, phục vụ quản lý nhà nước; công khai, minh bạch cho người dân, DN, phục vụ chính quyền đô thị.

Đến nay, thành phố đã cung cấp gần 1.000 tập dữ liệu trên Cổng Dữ liệu mở thành phố (tăng 400 tập dữ liệu so với cuối năm 2022), tích hợp, chia sẻ gần 100 tập dữ liệu từ Cổng Dữ liệu mở thành phố lên Cổng Dữ liệu quốc gia."

tay-ninh.jpg
Đại diện Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh nhận Giải thưởng

Tây Ninh - một địa phương biên giới đã xây dựng Mô hình trung tâm xử lý điều hành thông tin tập trung, đa nhiệm - IOC thế hệ mới, với 03 tầng hệ thống: thu thập thông tin dữ liệu; phân tích xử lý dữ liệu, hỗ trợ quản lý điều hành; và phân phối, khai thác dữ liệu cho các cấp quản lý, người dân và DN. Hệ thống tích hợp bộ chỉ tiêu 15 ngành trong đó 4 bộ chỉ tiêu có hỗ trợ cảnh báo tự động.

Hơn 100 hệ thống IOC được triển các DN công nghệ lớn như Viettel, VNPT, FPT đang triển khai cho các đô thị tại Việt Nam đang dần phát triển sang giai đoạn mới, không còn là trung tâm chỉ huy điều hành tập trung, mà trở thành IOC là trung tâm tích hợp, phân tích và phân phối dữ liệu, với hạ tầng và các giải pháp công nghệ mạnh hỗ trợ cảnh bảo, ra quyết định dựa trên dữ liệu. Năng lực dữ liệu quyết định hiệu quả của IOC.

Phát triển các khu công nghiệp thông minh

Việt Nam đang là điểm đến rất hấp dẫn của các ông lớn trong các lĩnh vực sản xuất thiết bị công nghệ cao như: thiết bị điện tử, điện thoại, máy tính, chip bán dẫn...

Với sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về Net Zero năm 2050, yêu cầu của hội nhập và các đối tác, bên cạnh việc chuẩn bị và thay đổi hạ tầng để đáp ứng nhu cầu, để thu hút các nhà đầu tư trong nước vàc quốc tế, các địa phương…, các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp cũng đang bước vào một cuộc đua mới: phát triển khu công nghiệp xanh, thông minh.

Với trên 30 cụm và khu công nghiệp hoạt động, Bình Dương hiện định hướng chuyển đổi dần các khu công nghiệp truyền thống sang thông minh và sinh thái, để tạo lợi thế cạnh tranh. VNTT - Becamex đã hoàn thiện giải pháp khu công nghiệp thông minh với hệ thống nhà xưởng, tòa nhà điều hành, trung tâm vận hành, an ninh, bãi xe thông minh.

VSIP - đơn vị phát triển Bất động sản công nghiệp lớn nhất Việt Nam đã ký hợp tác với 9 tỉnh, thành phố phát triển khu công nghiệp thông minh.

05.jpg
Trao giải thưởng cho các Giải pháp TPTM xuất sắc

Công ty CP phát triển DN nhỏ và vừa Nhật Bản (JSC), một trong các DN đầu tư bất động sản công nghiệp uy tín đã phát triển tại Nhơn Trạch hệ thống nhà xưởng thông minh với các hệ thống quan sát 3D, các dịch vụ công nghệ thông minh, và hệ thống điện mặt trời, quan trắc môi trường đầy đủ, sẵn sàng phục vụ các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Lĩnh vực thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) có 02 đề cử. TP Hà Nội và TP Đà Nẵng đã xuất sắc đạt giải trong lĩnh vực này

Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST TP. Đà Nẵng đã hình thành và phát triển bền vững. Với phương châm lấy DN làm trung tâm của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, Thành phố đã ban hành nhiều văn bản về cơ chế, chính sách và tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ các cơ sở ươm tạo, các dự án, DN khởi nghiệp ĐMST ngày càng phát triển.

Hà Nội là Thủ đô của cả nước, đồng thời cũng là trung tâm văn hóa - giáo dục - chính trị, là nơi tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào với mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và học viện có vị thế hàng đầu trong nước và uy tín quốc tế.

Với mục tiêu tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển các loại hình DN có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững

03.jpg
Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở TT&TT TP. Hà Nội nhận Giải thưởng thành phố hấp dẫn khởi nghiệp ĐMST

Giải thưởng TPTM 2023 cũng chứng kiến sự phát triển của các giải pháp công nghệ tích hợp các xu hướng công nghệ mới đặc biệt là IoT và AI. Các giải pháp này hầu hết do các DN Việt Nam thiết kế, phát triển.

24 giải pháp số được trao Giải thưởng TPTM từ 19 DN, trong đó, 01 Giải pháp xuất sắc được Hội đồng giám khảo bình chọn 5 sao được trao cho Nền tảng Beca Smart City của Công ty CP Công nghệ và Truyền thông Việt Nam - Thành viên Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC)./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Vinh danh 32 Giải thưởng TPTM Việt Nam 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO