Để chuyển đổi thành công IPv6, trong năm 2020, Sở TT&TT Vĩnh Long đã tổ chức các hội thảo tuyên truyền về việc triển khai chuyển đổi IPv6 đối với các cơ quan nhà nước (CQNN) trên địa bàn tỉnh và thực hiện đào tạo, tập huấn IPv6 cho các bộ chuyên trách CNTT.
Sở cũng đã cử cán bộ chuyên trách tham gia các chương trình tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn về hạ tầng IPv6 do Bộ TT&TT, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) tổ chức.
Sở cũng đã khảo sát, xây dựng phương án chuyển đổi sang nền tảng IPv6 và triển khai thử nghiệm tại hệ thống mạng Trung tâm dữ liệu tỉnh, thực hiện chuyển đổi thành công cổng thông tin điện tử Sở TT&TT sang nền tảng IPv6; Xây dựng Đề án "Chuyển đổi IPv6 trong CQNN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030".
Về công tác chuyển đổi IPv6 trên địa bàn tỉnh trong năm 2021, Sở TT&TT tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi IPv6 trong CQNN trên địa bàn. Kế hoạch có mục đích chuyển đổi IPv6 trong hạ tầng mạng lưới, dịch vụ của CQNN trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phát triển CNTT, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
Trong năm 2021, Kế hoạch đề ra nhiệm vụ đào tạo, tập huấn về chuyển đổi IPv6; Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về chuyển đổi IPv6 cho các đơn vị. Sở TT&TT sẽ chủ trì tổ chức đào tạo cho các quản trị mạng, công chức phụ trách kỹ thuật của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Về thực hiện chuyển đổi sang IPv6, các cơ quan, đơn vị thực hiện chuyển đổi: cổng, trang thông tin điện tử và phần mềm của các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh. Sở TT&TT Vĩnh Long chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan thực hiện kế hoạch; Hỗ trợ, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong quá trình chuyển đổi IPv6.
Các cơ quan, đơn vị phối hợp với Sở TT&TT thực hiện chuyển đổi sang IPv6 đối với các nội dung của đơn vị; Phối hợp với các đơn vị có liên quan (đối với các hệ thống phần mềm) hỗ trợ cấu hình chuyển đổi sang IPv6.
Thực hiện Chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo Sở TT&TT Vĩnh Long, mạng diện rộng của tỉnh đã triển khai đến 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, hoạt động ổn định thông suốt; 100% sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã có xây dựng hệ thống mạng LAN kết nối mạng WAN của tỉnh, tỷ lệ máy tính kết nối Internet đạt 98% (trừ máy tính soạn thảo văn bản mật). Tỷ lệ máy tính/cán bộ công chức sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện đạt 100%, UBND cấp xã đạt trên 95% (79% đáp ứng yêu cầu sử dụng trong triển khai chính quyền số).
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cáp tỉnh LGSP giai đoạn 1 đã được hoàn thiện, đưa vào vận hành, gồm: Trục tích hợp, trục kết nối ESB; Trục xác thưc̣ dữ liệu (Identity Management) và đã kết nối với nền tảng NGSP; h oàn thành kết nối VNPost để thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; đang thực hiện kết nối hệ thống thanh toán trực tuyến với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Trục xác thực (SSO) đã kết nối các ứng dụng dùng chung: hệ thống thư điện tử của tỉnh, cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh, hệ thống trang thông tin điện tử, hệ thống hỗ trợ tham gia cộng đồng, tra cứu thông tin GIS cơ bản, cơ sở dữ liệu an toàn vệ sinh thực phẩm và một số dịch vụ trong triển khai thí điểm đô thị thông minh.