Vĩnh Long quyết tâm đưa 100% DVCTT đủ điều kiện lên mức độ 4 trong năm 2021

Bảo Bình| 02/06/2021 14:21
Theo dõi ICTVietnam trên

Để đưa các dịch vụ công (DVC) trực tuyến (DVCTT) đủ điều kiện lên mức độ 4 trong năm 2021, tỉnh Vĩnh Long đã đặt ra lộ trình công việc cụ thể trong từng tháng, từ nay đến cuối năm.

Ngày 19/4/2021, Bộ TT&TT đã ra Công văn số 1145/BTTTT-THH về việc hướng dẫn, đôn đốc xây dựng kế hoạch triển khai và hoàn thành mục tiêu cung cấp 100% DVC đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 năm 2021. Công văn nêu rõ cung cấp DVCTT là một trong những chỉ số đo lường quan trọng nhất trong phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) khi lấy người dân làm trung tâm, là đối tượng phục vụ. Theo đó, Bộ TT&TT đề nghị các tỉnh triển khai quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp để đạt được mục tiêu cung cấp 100% DVC đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021. Các Sở TT&TT sẽ xây dựng kế hoạch triển khai DVCTT mức độ 4, trong đó đặt mục tiêu cung cấp 100% DVC đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021.

Nhận thức được tầm quan trọng của CNTT, thời gian qua tỉnh Vĩnh Long đã ban hành một số văn bản quan trọng để làm nền tảng pháp lý triển khai ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh, điển hình như Kế hoạch hành động số 40/KH-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Long về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025; Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 26/5/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ về phát triển CNTT và truyền thông tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030… Mới đây nhất, tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai và hoàn thành mục tiêu cung cấp 100% DVC đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long năm 2021.

Vĩnh Long quyết tâm đưa 100% DVCTT đủ điều kiện lên mức độ 4 trong năm 2021

Tỉnh Vĩnh Long đặt mục tiêu cung cấp 100% DVC đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trên địa bản tỉnh trong năm 2021. Cụ thể, Chủ tịch tỉnh Vĩnh Long yêu cầu phải hoàn thiện Cổng DVC của tỉnh đáp ứng việc cung cấp DVCTT mức độ 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh trong năm 2021; đáp ứng quy định về tiêu chí chức năng, tính năng kỹ thuật theo kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản 2.0 và các quy định có liên quan. Việc triển khai DVCTT mức độ 4 sẽ tận dụng hệ thống CNTT sẵn có, chủ động bố trí, huy động nguồn lực tại chỗ để sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của tất cả các thủ tục hành chính (TTHC); Hoàn thành việc nâng cấp các DVC mức độ 2 và mức độ 3 lên mức độ 4 trong năm 2021.

Ngay trong tháng 5, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, phối hợp với Sở TT&TT cùng các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã phải hoàn thành công tác tổ chức khảo sát, lập danh sách các dịch vụ công đủ điều kiện đưa lên DVCTT mức độ 4. Ngoài ra, tổ giúp việc với sự tham gia của các thành viên là cán bộ, công chức, viên chức của các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã sẽ được thành lập.

Lộ trình đưa DVCTT lên mức độ 4 của tỉnh Vĩnh Long trong năm 2021 - Ảnh 1.

Tỉnh Vĩnh Long đã đặt mục tiêu cung cấp 100% DVC đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trên địa bản tỉnh trong năm 2021. Ảnh: website DVCTT Vĩnh Long

Dự kiến trong tháng 6/2021, tỉnh sẽ hoàn thành thực hiện xây dựng quy trình nội bộ, xây dựng quy trình điện tử của các cơ quan, đơn vị bảo đảm giải quyết TTHC được chuẩn hóa, đồng thời Sở TT&TT tỉnh thực hiện rà soát, đánh giá hệ thống đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật và khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu theo quy định; Ban hành Chỉ thị tăng cường tuyên truyền sử dụng hiệu quả khai thác, sử dụng DVCTT mức độ 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Trong tháng 7/2021, Sở TT&TT sẽ thực hiện kết nối tích hợp dữ liệu từ Cổng DVC của tỉnh với CSDL quốc gia về dân cư; ưu tiên triển khai thử nghiệm kết nối, khai thác CSDL quốc gia về dân cư theo danh mục DVCTT ưu tiên.

Hoạt động rà soát, đánh giá chất lượng theo danh sách các DVCTT mức độ 4 đã cung cấp trên Cổng DVC và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh sẽ được tiến hành thường xuyên, đồng thời tuyên truyền chuyển đổi nhận thức người đứng đầu tại các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã về DVCTT trong cơ quan, đơn vị mình phụ trách. Đặc biệt là triển khai hiệu quả tuyên truyền, phổ biến về DVCTT trên các phương tiện thông tin đại chúng, ứng dụng công dân trong dịch vụ đô thị thông minh (ĐTTM), các trang mạng xã hội để người dân, DN quan tâm sử dụng.

Hiện tỉnh Vĩnh Long có ứng dụng Smart Vinh Long. Đây là ứng dụng dành cho công dân tỉnh Vĩnh Long, giúp người dân cập nhật được tình hình kinh tế, văn hóa xã hội, y tế giáo dục và gửi ý kiến phản ánh hiện trường đến các cấp lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long. Ứng dụng hiện đã được cung cấp trên các kho ứng dụng App Store của Apple và Google Play; ngoài ra, hàng năm tỉnh còn tổ chức hội thi tìm hiểu ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính bằng hình thức trực tuyến trong đó chú trọng các DVCTT mức độ 3,4.

Để triển khai thành công, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long giao Sở TT&TT là đầu mối tiếp nhận yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật, các yêu cầu liên quan đến cập nhật Cổng DVC của tỉnh, chủ trì, phối hợp với Công ty CP Giải pháp Tích hợp mở hướng dẫn thực hiện cấu hình quy trình điện tử đối với các TTHC cung cấp mức độ 4 trên Cổng DVC của tỉnh sau khi các cơ quan, đơn vị hoàn chỉnh quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC.

Hiện tại, cổng DVC và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh đã triển khai đến cơ quan cấp tỉnh, huyện, xã. Theo trang cổng DVC của tỉnh Vĩnh Long, từ đầu năm 2021 đến nay, có 90,4% hồ sơ được xử lý đúng hạn, với 143.630 văn bản được trao đổi qua mạng giữa 42 đơn vị. Cổng DVC của tỉnh kết nối với Cổng DVC quốc gia, đăng tải 1.793 DVCTT lên Cổng DVC của tỉnh; trong đó hiện tại đã có 672 DVC mức độ 4; 448 DVC mức độ 3 và 673 dịch vụ công đạt mức độ 2 (theo Quyết định số 856/QĐ-UBND ngày 13/4/2021 của UBND tỉnh về ban hành Danh mục DVCTT mức độ 3, mức độ 4 thực hiện trong năm 2021 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long).

Chuyển đổi IPv6 trong cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long năm 2021

Bà Đoàn Hồng Hạnh, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Vĩnh Long cho biết, ngoài triển khai các DVCTT lên mức độ 4, tỉnh Vĩnh Long cũng đang triển khai chuyển đổi IPv6 trong cơ quan nhà nước (CQNN). Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu chuyển đổi IPv6 trong hạ tầng mạng lưới, dịch vụ của CQNN trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phát triển CNTT, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; đồng thời thực hiện theo Chỉ thị số 03/2008/CT-BTTTT, ngày 06/5/2008 của Bộ TT&TT về việc thúc đẩy sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6.

Chuyển đổi IPv6 trong hạ tầng mạng lưới, dịch vụ của CQNN là một phần trong kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng tỉnh Vĩnh Long năm 2021. Đồng thời, triển khai IPv6 cũng bảo đảm hạ tầng mạng lưới, dịch vụ, thiết bị hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt; quy hoạch đáp ứng nhu cầu phát triển các dịch vụ của chính quyền điện tử, chuyển đổi số và dịch vụ ĐTTM.

Trao đổi với PV Tạp chí TT&TT, lãnh đạo Sở TT&TT Vĩnh Long cho biết tỉnh sẽ tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về chuyển đổi IPv6 cho các đơn vị; tổ chức các hội thảo tuyên truyền về việc triển khai IPv6 trong CQNN trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2020, Sở TT&TT đã tiến hành khảo sát, xây dựng phương án chuyển đổi sang nền tảng IPv6 và triển khai thử nghiệm tại hệ thống mạng Trung tâm dữ liệu tỉnh, thực hiện chuyển đổi thành công cổng thông tin điện tử Sở TT&TT sang nền tảng IPv6. Sở cũng đã chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật đáp ứng chuyển đổi IPv6 cho trang thông tin điện tử của 18 Sở, ban, ngành tỉnh và 107 xã, phường, thị trấn. Đề án "Chuyển đổi IPv6 trong CQNN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030" đã được xây dựng.

DVCTT là một trong những chỉ số đo lường quan trọng nhất trong phát triển CPĐT

Để phát triển CPĐT, hướng tới Chính phủ số trong giai đoạn mới, Bộ TT&TT yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai Cổng DVC và hệ thống một cửa điện tử trên cùng một nền tảng, đáp ứng các yêu cầu và quy định hiện hành; kết nối Cổng DVC và hệ thống trực tuyến một cửa điện tử cấp tỉnh với Hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và DVC trực tuyến do Bộ TT&TT xây dựng để theo dõi thực tế triển khai cung cấp DVCTT của các địa phương; tiếp tục triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp để đạt được mục tiêu cung cấp 100% DVC đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021…

Theo Cục Tin học hóa, tính đến tháng 4/2021, số lượng DVC của các tỉnh là khoảng 1.200-2000 dịch vụ, trong đó DVC cấp huyện là khoảng 200-300 dịch vụ, số lượng DVC cấp xã là khoảng 100-200 dịch vụ. Tỷ lệ DVCTT mức độ 4 trung bình của cả nước là 34,19%. Một số tỉnh có tỉ lệ DVCTT mức độ 4 cao như Tây Ninh (96,86% với 1.818 DVC mức 4); Nam Định (79,61% với 1.382 DVC mức 4), Đà Nẵng (68,12% với 1.237 DVC mức 4)…

Cục Tin học hóa cho biết kinh nghiệm triển khai DVCTT mức độ 4 thành công của một số tỉnh cho thấy vai trò to lớn, quyết định của người đứng đầu. Bài học kinh nghiệm để triển khai DVCTT mức độ 4 thành công chính là sự quyết tâm của lãnh đạo các cấp, sự sẵn sàng của các nền tảng như cổng DVC, hệ thống một cửa điện tử,… sự chuẩn hóa của các TTHC và sự phối hợp giữa các đơn vị tỉnh, bộ, DN. Cần thực hiện tốt các nội dung sau triển khai cung cấp 100% DVC đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 như tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, DN về việc sử dụng và lợi ích của DVCTT./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Vĩnh Long quyết tâm đưa 100% DVCTT đủ điều kiện lên mức độ 4 trong năm 2021
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO