VIRUS CORONA- Đòn chí tử giáng vào ngành xuất bản thế giới

Ngô Thùy Ninh| 27/04/2020 09:51
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngành xuất bản quốc tế đã phải chịu cú đánh mạnh của “cơn lốc” virus corona kể từ khi khởi phát đến nay. Trong thời điểm cô lập này, có thể có nhiều độc giả đắm chìm trong những trang sách nhưng giới kinh doanh đang chuẩn bị cho “thảm họa” tới gần.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Các lễ hội và hội chợ văn học lớn nhỏ trên khắp thế giới đã bị hủy bỏ. Thư viện công cộng đã đóng cửa. Chuyến lưu diễn của đội ngũ sáng tác, ký kết hợp đồng bị loại bỏ. Ánh đèn trong các hiệu sách dần thưa thớt.

Cuối tháng Hai, tại Trung Quốc - trong tâm điểm dịch bùng phát, nhiều nhà in là đối tác của các nhà xuất bản, in của nhiều nước đã phải tạm dừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới, nhiều văn phòng đại diện của các nước hoạt động tại tâm dịch phải đóng cửa, cho phép nhân viên làm việc tại nhà. Trong thời gian này, Triển lãm Sách Quốc tế Đài Loan cũng đưa ra thông báo dừng lại.

Giữa tháng Ba, tác động của virus corona đối với ngành xuất bản Mỹ đã trở nên rõ rệt khi nhiều hiệu sách báo cáo doanh số bán hàng chậm lại, các lễ hội sách và các sự kiện liên quan đến tác giả bị hủy bỏ. Amazon nhanh chóng đưa thông báo lực lượng lao động khoảng 50.000 người ở khu vực Seattle làm việc tại nhà và cũng mở rộng hướng dẫn đó cho các nhân viên có trụ sở tại New York và New Jersey.

Đầu tháng Ba, Hội chợ Sách Luân Đôn - sự kiện thường thu hút 25.000 tác giả, nhà xuất bản, đại lý và các chuyên gia trong ngành, một trong những sự kiện quốc tế lớn nhất của ngành xuất bản trong năm đã phải hủy bỏ trong khi Hội chợ sách trẻ em Bologna của Ý cũng bị lùi lại đến tháng Năm. Hội chợ Sách Paris dự kiến diễn ra cuối tháng Ba cũng bị hủy ngay từ đầu tháng sau khi chính phủ Pháp ban hành hướng dẫn cấm các sự kiện hơn 5000 người. Lễ hội Nhà văn Sydney, thường thu hút 80.000 khán giả dự kiến vào cuối tháng 4 cũng bị hoãn.

Một hội chợ sách tại Đức - Leipzig nơi thu hút hàng trăm ngàn khách tham quan đã có sự đăng ký của khoảng 50 nhà triển lãm từ Đức, Anh, Ý, Hà Lan, Áo và Ba Lan trước đó cũng bị hoãn. Hàng ngàn chuyến đi và phòng khách sạn, chi phí đặt hàng nhiều dịch vụ của các đơn vị tham gia phải hủy bỏ, lệ phí cho khán đài, vé vào cổng, vé khách đặt tham dự sự kiện từ các công ty đường sắt phải hoàn trả. "Việc này là cay đắng với chúng tôi và cho toàn bộ ngành công nghiệp sách", Okiver Zille, Giám đốc Hội chợ sách Leipzig cho biết.

VIRUS CORONA- “Đòn chí tử” giáng vào ngành xuất bản thế giới - Ảnh 1.

15 tác phẩm ứng cử viên cho Giải thưởng sách Leipzig

Khi mức độ nghiêm trọng của sự bùng phát corona tiếp tục gia tăng, các tác giả, nhà xuất bản, hiệu sách phải vật lộn để đối đầu và lường trước nguy cơ sụp đổ tài chính, trong mối lo sợ điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra. Ngày càng nhiều cửa hàng phải đóng cửa, các khâu phân phối bị gián đoạn, thiếu giấy dẫn đến giảm công suất in.

Nhiều mối lo ngại dấy lên rằng tổn thất tài chính do bùng phát dịch kéo dài sẽ khiến cho lượng lớn cửa hàng đóng cửa vĩnh viễn. Barnes & Noble, chuỗi cửa hàng sách lớn nhất Hoa Kỳ vốn đang ốm yếu giờ lại trong cơn khủng hoảng ngay cả khi trước đó đã chứng kiến sự tăng trưởng của bán hàng trực tuyến. Penguine Randon House Canada đã phải hủy bỏ tất cả chuyến lưu diễn của các tác giả cho đến giữa tháng Tư, trong bối cảnh hầu hết các sự kiện lớn nhỏ tại đây đều phải lùi lịch.

VIRUS CORONA- “Đòn chí tử” giáng vào ngành xuất bản thế giới - Ảnh 2.

Chuỗi cửa hàng sách Strand ở thành phố New York tạm đóng cửa vì dịch virus corona

Luke, chủ Studio xuất bản ở Bắc Kinh cho biết cuốn sách của anh ấy dự kiến xuất bản vào tháng Ba nhưng đã lùi đến tháng Sáu vì lý do nhà in đã hết giấy in do khâu kiểm soát ngặt nghèo vào thành phố. Công ty của Luke làm tất cả mọi thứ từ bản quyền, dịch, thiết kế trang bìa, đặt hàng với các nhà in, trừ việc cấp quyền xuất bản cuốn sách là công việc thẩm quyền được trao cho các nhà xuất bản. Những công ty nhỏ như của Luke dễ bị khủng hoảng. Chỉ bốn đến năm cuốn sách được lựa chọn cẩn trọng để xuất bản mỗi năm nhưng khi các ấn phẩm bị hoãn xuất bản, áp lực tài chính bủa vây.

Đại diện của xuất bản Đông Nam Á là Malaysia vào cuối tháng 3 cũng đã phải tuyên bố hủy bỏ lễ khai mạc của Thủ đô Sách Thế giới của UNESCO 2020-2021 dự kiến vào 22/4 khi danh hiệu này là một niềm vinh dự về mặt uy tín và là cơ hội để quảng bá tên tuổi với làng xuất bản thế giới.

Nỗ lực vượt qua

Đáp lại cuộc suy thoái từ trên trời giáng xuống, các nhà sách, tác giả, nhà xuất bản bản tích cực sử dụng các phương tiện sáng tạo để tiếp cận độc giả và hỗ trợ lẫn nhau.

Nhiều tác giả Âu Mỹ phải hủy các chuyến lưu diễn vốn đã được lên kế hoạch công phu trước đó, mất khá nhiều phí tổn đặt trước. Những chuyến lưu diễn đã trở thành văn hóa quảng bá trong sự nghiệp của tác giả, bao gồm các cuộc trò chuyện, giới thiệu, quảng bá, đọc sách trực tiếp cho người đọc. Họ đã phải nhanh chóng chuyển sang các sự kiện ảo thông qua các nền tảng như Zoom, Crowdcast, Instagram Live, Youtube, Skype, facebook hay cửa hàng sách ảo trên phương tiện truyền thông xã hội.

Erik Larson, tác giả của cuốn sách bán chạy "The Splendid and the Vile" phải dừng công việc quảng bá tại 33 thành phố. Nhà xuất bản cuốn sách đang tìm cách để trò chuyện trực tuyến với ông và lên kế hoạch tải lên web một loạt video ngắn kể về quá trình nghiên cứu và viết sách. Nhiều cửa hàng sách xem các sự kiện ảo là sự thay thế tốt nhất cho tương lai gần và có lẽ là cách duy nhất để duy trì kết nối với độc giả và cộng đồng khi không gian địa lý buộc phải đóng cửa.

VIRUS CORONA- “Đòn chí tử” giáng vào ngành xuất bản thế giới - Ảnh 3.

Các nền tảng hỗ trợ tổ chức các sự kiện ảo thời dịch corona

Book, Inc. lên ý tưởng thực hiện chiến dịch kỹ thuật số thông qua việc giao hàng miễn phí cho các đơn đặt hàng trực tuyến đã được khách hàng hưởng ứng mạnh mẽ chỉ sau vài giờ. First Place Books cũng bắt đầu cung cấp một ưu đãi vận chuyển với hi vọng bù đắp doanh số giảm. Một số nhà sách lại không muốn quảng bá mua sách trực tuyến mà khuyến khích độc giả gọi điện trực tiếp để có thể giao sách tận nhà. Nhiều cửa hàng sách tại Mỹ thực hiện giao hàng miễn phí hoặc nhận hàng ở lề đường. Amazon được nhận định là thu hồi lớn khi mua sắm internet trở thành kênh ưu tiên số một trong bối cảnh hiện nay.

Hiệp hội các Nhà sách Mỹ cho biết họ đã vận động các nhà xuất bản hỗ trợ các cửa hàng sách nhỏ lẻ bằng phương thức giảm giá, giao hàng miễn phí và nới lỏng thời hạn trả nợ đối với đầu sách chưa bán được. Một Quỹ từ thiện được thành lập để hỗ trợ tài chính cho các cửa hàng nhỏ không có khả năng thanh toán tiền thuê địa điểm và doanh thu sụt giảm.

Trong khi đó tại Đức, một số nhà xuất bản chuyển các hoạt động hội chợ thương mại sang trực tuyến. Nhà xuất bản Carlsen Verlag, chẳng hạn, phát động chiến dịch trực tuyến trên web của mình trong những ngày mà hội chợ thương mại bị hủy bỏ, với hashtag #LeidernichtLeipzig, nơi độc giả có cơ hội gặp gỡ một số tác giả và khám phá các chủ đề. "Chúng ta hãy mang Hội chợ sách về nhà cho độc giả", tác giả Karl-Lugwig von Wendt viết trên Bookbytes, blog kỹ thuật số của các chuyên gia trong ngành, ông đề xuất phương án đọc sách, trò chuyện trực tuyến.

Kobo tại Ý và Gruppo Mandadori - một trong những công ty truyền thông hàng đầu châu Âu, trong đó có nhánh nhà xuất bản sách và tạp chí đang hoạt động tại Ý - đã làm việc cùng nhau để cung cấp 5000 ebook miễn phí cho độc giả ở vùng dịch và khu vực bị cách ly. Trong khi đó mới đây, Hiệp hội các Nhà xuất bản và bán sách Georgia, Mỹ công bố trên twitter rằng sẽ cung cấp 6000 đầu sách định dạng kỹ thuật số miễn phí vào tháng 4. Đây được xem là biện pháp an ủi cho những người yêu sách giữa đại dịch.

Ở một diễn biến sâu hơn khi Covid-19 ngày càng lan rộng và thế giới phải kéo dài thời gian để chống chọi, ngành xuất bản từng quốc gia đã phải hứng chịu những hậu quả nặng nề.

Pháp giờ đây trở thành điểm nóng của Covid-19, cũng như nhiều thị trường lớn khác như Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, Anh, Trung Quốc cũng đang phải áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại của người dân và thương mại quốc gia. Cơn sóng xử lý lương cho lực lượng nhân viên trong ngành là điều phải nghĩ đến đầu tiên và được thực hiện theo cách khác nhau ở các hiệu sách, nhà xuất bản phụ thuộc và tính chất độc lập và quy mô, có thể là thất nghiệp một phần khi hợp đồng nhân viên phải kết thúc nhưng vẫn nhận được hỗ trợ, hay chỉ trả 70% lương. Các tập đoàn xuất bản lớn như Editis của Vivendi, Hachette Livre của Lagardère cho phép nhân viên làm việc ở nhà với mức lương giữ nguyên. Nhiều đơn vị độc lập nhỏ có hai đến ba tháng thua lỗ và với tình trạng phải chống đỡ trong thời gian nữa, việc trả lương cho nhân viên là không thể.

Pháp có khoảng 3300 hiệu sách độc lập. Bán sách vốn dĩ là một công việc kinh doanh rủi ro thì nay lại phải đối mặt với thiệt hại tài chính. Hầu hết các nhà xuất bản lớn hơn đồng ý sắp xếp lại việc chi trả cho các hiệu sách nhưng ngân quỹ của các nhà xuất bản nhỏ hơn thì lại không cho phép họ làm như vậy. Ở một góc độ khác, việc cho ra quá nhiều sách đã trở thành một vấn đề nhiều năm qua tại thị trường Pháp thì giờ đây lại càng trở nên trầm trọng hơn.

Ngày 18/3, Bộ trưởng Văn hóa Pháp, Franck Riester mặc dù trong quá trình phải cách ly do dương tính Covid-19 đã công bố gói cứu trợ khẩn cấp 22 triệu euro cho ngành văn hóa và trong số đó, 5 triệu euro dành cho công nghiệp sách. Một ngày sau đó, Bộ trưởng Kinh tế, Bruno le Maire cho biết ông sẽ sẵn sàng xem xét cho mở lại các hiệu sách như là một trong những cơ sở kinh doanh "thiết yếu". Trong khi Hiệp hội các Nhà sách khuyến cáo rằng biện pháp y tế công cộng hiện tại không đủ an toàn để các cửa hàng sách mở cửa trở lại, ngay cả khi lực lượng này làm giảm doanh số của Amazon và các nền tảng bán lẻ trực tuyến khác, như FNAC – một tập đoàn kinh doanh văn hóa phẩm lớn của nước này. Báo cáo của tuần báo chuyên ngành xuất bản Livres Hebdo nhấn mạnh doanh thu của xuất bản sụt giảm mạnh trong tuần đầu tiên khi đóng cửa các hiệu sách, từ ngày 16 đến 22/3, giảm đến 54% so với tuần trước đó.

Nhiều đơn vị xuất bản lớn nhỏ đã chọn cách giảm giá sách và cung cấp quyền truy cập miễn phí một số sách điện tử và tài liệu giáo dục. Tiên phong là Gallimard với loạt tiểu thuyết ngắn và hư cấu được các tác giả đọc trực tuyến bắt đầu từ 10 giờ sáng, 2 giờ chiều và 8 giờ tối hàng ngày. Editis cho phép trẻ em truy cập miễn phí sách trực tuyến về học thuật và giáo dục. Cứ 9 giờ sáng hàng ngày, trẻ em có thể vào web École des loisirs để tham gia nhiều hoạt động với các bức vẽ và trò chơi của các tác giả yêu thích.

FNAC đã đưa 500 sách điện tử trực tuyến miễn phí. Inezo, một nền tảng truyện tranh trực tuyến cũng đã có sẵn kho truyện tranh cho trẻ em. Một nghiên cứu năm 2019 từ Hiệp hội các Nhà xuất bản Pháp chỉ ra rằng audiobook đang ngày càng phổ biến, với 14% số người được hỏi cho biết họ đã nghe một cuốn sách như vậy. Lệnh hạn chế nhằm ngăn chặn Covid-19 dự kiến sẽ thúc đẩy audiobook ở Pháp như những nơi khác. Diliocom, nền tảng chuyên cung cấp sách điện tử cho các nhà sách và thư viện cho biết, các khoản vay từ các thư viện đã tăng gấp đôi kể từ 16/3. Các đơn vị tham gia trong ngành đang nghĩ về các giải pháp kỹ thuật số để tạo điều kiện cho việc tiếp cận sách, ví dụ như xin giấy phép tăng lên 25 người có thể mượn ebook mỗi lần, 15 người có thể mượn một cuốn sách nói.

Các tổ chức quốc tế liên quan đến ngành xuất bản cũng phát động những chương trình thiết thực nhằm duy trì và khuyến khích văn hóa đọc.

Ngày 2/4 , Hiệp hội xuất bản Quốc tế (IPA), Tổ chức Y tế Thế giới và UNICEF công bố chương trình "Đọc Thế giới" vào đúng Ngày Sách Trẻ em Quốc tế nhằm hỗ trợ trẻ em và thanh thiếu niên trong thời gian giãn cách toàn cầu. Chương trình, với nội dung được đăng trên truyền thông xã hội với hashtag #ReadtheWorld, thu hút sự tham gia mạnh mẽ của những tác giả được trẻ em yêu mến. Họ sẽ đọc những trích đoạn trong cuốn sách của mình thông qua các video trực tuyến cho hàng triệu trẻ em và gia đình đang sống cách ly giữa đại dịch. IPA muốn làm điều gì đó tích cực để kéo trẻ em và các nhà văn được yêu thích gần nhau hơn, nhằm kích thích sự quan tâm, tâm trí của trẻ em với sách, giảm căng thẳng, mang lại hi vọng và tạo ra những khoảnh khắc quý giá trong giai đoạn khó khăn. Việc đọc sách có thể nhắc nhở trẻ em sức mạnh của những cuốn sách có thể mang lại là không giới hạn.

IPA không còn xa lạ gì với văn học thiếu nhi khi thành lập Câu lạc Bộ Sách SDG cho trẻ em thông qua sự kết hợp và hỗ trợ cho 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc.

VIRUS CORONA- “Đòn chí tử” giáng vào ngành xuất bản thế giới - Ảnh 4.

Nhà văn người Ý Elisabetta Dami là người tham gia đầu tiên của chương trình với tiết mục đọc sách trực tuyến trên tài khoản Instagram của mình. (Ảnh: publishingperspectives).

Ít ngày sau đó, IPA cũng chính thức cùng tham gia lời kêu gọi liên minh cho chương trình #LearningNeverStops (Không ngừng học) mà UNESCO phát động trước đó. Chương trình được thực hiện dựa trên ước tính của UNESCO rằng hơn 1,5 tỷ học sinh, sinh viên ở mọi cấp học và lứa tuổi đang chịu ảnh hưởng của Covid-19 trên thế giới. Đại dịch được xem là đang phá vỡ và gây ra khủng hoảng, thách thức cho hệ thống giáo dục toàn cầu, vốn trước đó chưa từng chứng kiến sự gián đoạn có quy mô lớn như vậy. Chương trình có sự tham gia của nhiều tập đoàn tư nhân lớn như Microsof, GSMA, Weidong, Google, Facebook, Zoom, KPMG, Coursea, Among… IPA là một trong những thành viên của liên minh trong đó bao gồm nhiều tổ chức đa phương khác như Tổ chức Lao động Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quan hệ Đối tác Toàn cầu về Giáo dục, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế đã quyết định tham gia liên minh nhằm đóng góp vai trò trong việc đảm bảo việc học tập và giáo dục trẻ em trong thời điểm gian nan này.

(Bài viết từ ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số đặc biệt kỷ niệm Ngày sách Việt Nam 21/4/2020)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
VIRUS CORONA- Đòn chí tử giáng vào ngành xuất bản thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO