Chiếm hơn 50% thị phần giải pháp quản lý giáo dục trực tuyến
Theo ông Chu Lê Long, Giám đốc quản lý sản phẩm VNPT VnEdu, hệ sinh thái giáo dục VNPT vnEdu được Tập đoàn VNPT phát triển từ hơn 10 năm trước. Hệ sinh thái VNPT vnEdu là một giải pháp tổng thể và toàn diện hỗ trợ đầy đủ hơn 20 giải pháp, công cụ và tiện ích cho các nhà quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh… bao gồm 3 khối chức năng chính bao gồm: phần mềm quản lý, phần mềm học tập số, phần mềm tích hợp.
Hệ sinh thái giáo dục "Make in Vietnam" VNPT vnEdu là một giải pháp xây dựng trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây nhằm tin học hoá toàn diện công tác quản lý, điều hành trong giáo dục, kết nối gia đình, nhà trường và xã hội, góp phần nâng cao chất lượng quản lý, chất lượng dạy và học. Sản phẩm đã được trao giải nhất hạng mục Thu hẹp khoảng cách số trong Giải thưởng Make in Vietnam năm 2020 do Bộ TT&TT tổ chức.
Cập nhật và bắt kịp với xu thế công nghệ giáo dục số hiện đại trên thế giới, VNPT đã nghiên cứu và ứng dụng thành công các công nghệ 4.0 như Cloud Computing, Big Data, AI, Blockchain… vào các bài toán ứng dụng nghiệp vụ giáo dục, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý điều hành hành, đồng thời tạo ra môi trường số hỗ trợ các phương pháp học tập hiện đại.
Hiện nay, hệ sinh thái giáo dục thông minh vnEdu 4.0 do VNPT phát triển đã triển khai tới hơn 50% số trường học trên toàn quốc. Cụ thể, vnEdu đã cung cấp giải pháp cho hơn 29.000 cơ sở giáo dục trên tổng số hơn 53.000 trường ở 63 tỉnh/thành phố, với hơn 800.000 hồ sơ giáo viên và hơn 8 triệu hồ sơ học sinh/sinh viên.
Trong số các sản phẩm của hệ sinh thái VNPT vnEdu, sản phẩm được nhiều người sử dụng và quan tâm nhất chính là sản phẩm Quản lý trường học vnEdu, giải pháp giúp tin học hoá các quy trình, nghiệp vụ ở trong nhà trường. "Đây cũng chính là sản phẩm đầu tiên trong hệ sinh thái giáo dục của VNPT, để từ đó chúng tôi đưa ra những sản phẩm khác đáp ứng yêu cầu đa dạng của nhà trường", ông Long chia sẻ.
Còn sản phẩm có số lượng người dùng tăng trưởng nhanh nhất là giải pháp học từ xa VNPT e-Learning. Tháng 2/2020, ngay trong đợt dịch Covid-19 đầu tiên, VNPT đã tiên phong miễn phí hệ thống VNPT e-Learning cho tất cả các trường học trên toàn quốc. Để rồi, giải pháp VNPT e-Learning đã tiếp cận 21.000 trường học, 600.000 giáo viên, 8 triệu em học sinh và với hơn 1 triệu bài giảng được tạo ra. Nhờ đó, việc dạy học không bị gián đoạn, đảm bảo chương trình giáo dục diễn ra như bình thường.
Ngoài ra, ứng dụng di động nhằm kết nối giữa nhà trường và phụ huynh, học sinh vnEdu Connect đã ghi nhận hơn 2,8 triệu lượt tải về trên cả 2 nền tảng Android/iOS cho thấy sự tiện lợi và thiết thực. Trong năm 2020, vnEdu cũng trở thành từ khóa top 1 về học tập trực tuyến, top 2 trending trên Google tại Việt Nam. Điều đó cho thấy hệ sinh thái giáo dục của VNPT ngày càng đi vào thực tiễn đời sống và được nhiều người quan tâm.
Giải quyết được các bài toán mà hệ thống giáo dục ở Việt Nam gặp phải
Theo ông Long, khó khăn đầu tiên mà đội ngũ phát triển VNPT vnEdu phải vượt qua trong suốt 10 năm phát triển sản phẩm, đó là việc thuyết phục các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, lãnh đạo nhà trường và các thầy cô cũng như phụ huynh, học sinh thay đổi cách thức học tập truyền thống. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ của VNPT trên nhiều tỉnh thành đã thực sự tham gia, kiên trì phối hợp cùng nhà trường trong việc hướng dẫn sử dụng, thao tác.
Đồng thời sự tương tác, góp ý của nhà trường, giáo viên và các bậc phụ huynh, học sinh giúp cho sản phẩm liên tục được hoàn thiện, đáp ứng được nhu cầu của đa dạng đối tượng người dùng. Nhờ đó, sản phẩm VNPT vnEdu từ một sản phẩm chính đầu tiên đã mờ rộng ra thành hệ sinh thái với hơn 20 sản phẩm và ngày càng nhận được sự ủng hộ của các cơ quan quản lý giáo dục, thầy cô, phụ huynh, học sinh.
Đặc biệt từ tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện. Nhờ đó, việc đầu tư cho CĐS được quan tâm hơn bao giờ hết, nhận thức của cơ quan quản lý và người dân về CĐS đã có những chuyển biến tích cực nên việc triển khai các sản phẩm công nghệ số nói chung và vnEdu nói riêng ngày càng thuận lợi.
Lý giải về lý do tại sao VNPT vnEdu đã chiếm được hơn 50% thị phần trường học ở Việt Nam, ông Long cho rằng sản phẩm đã giải quyết được bài toán mà hệ thống GD&ĐT từ trung ương đến địa phương trước đây đã gặp phải. Đó là việc chưa có nền tảng (platform) để triển khai các dịch vụ thông minh và kết nối giữa các ứng dụng; Chưa có khung ứng dụng Chính quyền điện tử tổng thể toàn ngành và liên thông với các hệ thống Chính phủ điện tử, việc phát triển tự phát không theo quy chuẩn đã dẫn đến khó khăn trong liên thông và tích hợp phần mềm; Dữ liệu phân tán, chưa tập trung nên khó khăn trong việc giám sát, thống kê, báo cáo.
Ngoài ra, VNPT vnEdu cũng giải quyết những vấn đề mà nhà trường, giáo viên, phụ huynh học sinh đang gặp phải. Chẳng hạn, mặc dù việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội để lập nhóm trao đổi thông tin giữa giáo viên với phụ huynh sẽ thuận tiện và đơn giản hơn nhưng phương án này cũng xảy ra nhiều bất cập như việc dễ dàng trôi tin nhắn hay công khai những thông tin riêng của học sinh... Chưa kể đến, những thông tin khác như điểm danh, kết quả học tập rèn luyện,… không được tự động gửi qua các kênh mạng xã hội công cộng này cũng làm cho nhà trường, giáo viên tốn nhiều thời gian xử lý, thao tác thủ công.
Cùng với đó là những mối lo ngại về tính bảo mật. Thông tin liên quan đến phụ huynh, học sinh dễ lộ ra ngoài và bị kẻ xấu lợi dụng. Bởi vậy, trong hệ sinh thái VNPT triển khai sổ liên lạc điện tử và ứng dụng di động đáp ứng đầy đủ các nhu cầu tương tác giữa nhà trường và gia đình theo hướng tiện dụng, cung cấp đầy đủ thông tin, chú ý đến giao tiếp an toàn, bảo mật thông tin, phù hợp với nhu cầu của nhà trường và phụ huynh trong bối cảnh hiện nay. Nhờ vậy, phụ huynh nắm bắt kịp thời và chính xác tình hình của con mình mọi lúc mọi nơi.
Hệ sinh thái VNPT vnEdu đáp ứng các yêu cầu về chuẩn dữ liệu và kết nối của Bộ GD&ĐT, giúp cho công tác quản lý trường học thuận tiện, có khả năng tự động đồng bộ dữ liệu lên CSDL của Bộ nên không phải thao tác trên nhiều hệ thống thông tin khác nhau.
Tuy nhiên, VNPT và các doanh nghiệp (DN) cũng gặp một số khó khăn nhất định trong việc triển khai giáo dục trực tuyến cho ngành giáo dục. Đầu tiên, đó là việc chưa ban hành chính thức các chương trình, hướng dẫn, định hướng về CĐS trong ngành GD&ĐT, vẫn còn thiếu một số hướng dẫn và quy định pháp lý cho việc triển khai học bạ điện tử… nên việc số hóa hoàn toàn các loại hồ sơ sổ sách trong nhà trường cũng gặp khó khăn.
"Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT và các Sở/Phòng giáo dục, các trường học để thực hiện chuyển đổi số toàn diện cho ngành", ông Long chia sẻ.
Covid-19 đã giúp ứng dụng học trực tuyến đi trước ít nhất 5 năm
Cũng theo ông Long, Covid-19 đã khiến nhu cầu học trực tuyến trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Theo các chuyên gia giáo dục, trong suốt 20 năm qua tại Việt Nam, đây là thời điểm chuyển đổi số trong giáo dục diễn ra nhanh nhất. "Theo đánh giá của tôi, Covid-19 đã giúp ứng dụng học trực tuyến đi trước ít nhất là 5 năm so với thực tế", ông Long nói.
Bởi vì, sau khi được trải nghiệm các ứng dụng học trực tuyến, nhà trường, các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh đã có cái nhìn toàn diện, cả về ưu lẫn nhược điểm của việc học online, từ đó có phương án kết hợp giữa học tập online và offline (trực tiếp) sao cho hiệu quả nhất. Mặc dù vậy, việc sụt giảm lượng người sử dụng sau thời điểm học sinh đi học trở lại đã cho thấy thị trường học trực tuyến còn rất nhiều khó khăn.
Do đó, để giữ chân người dùng, VNPT vnEdu xác định sẽ phải liên tục cập nhật từ nội dung cho đến sản phẩm, đáp ứng yêu cầu học sinh, giáo viên, nhà trường. "Các sản phẩm giáo dục trực tuyến ở Việt Nam thường quan tâm đến nền tảng hơn là nội dung, học liệu trên ứng dụng. Vì vậy, VNPT vnEdu xác định sẽ xây dựng hệ sinh thái nội dung, các bài học liệu.. để đáp ứng nhu cầu giáo viên, phụ huynh, học sinh", ông Long khẳng định.
Ông Long cho rằng, thời gian qua, Bộ TT&TT đã có nhiều hành động quyết liệt, kịp thời và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển, truyền thông cho các sản phẩm Make in Vietnam. Bởi vì, chỉ có người Việt Nam mới hiểu rõ nhất những vấn đề của mình đang gặp phải để cùng nhau giải quyết thông qua các giải pháp công nghệ số.
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của đội ngũ phát triển VNPT vnEdu có lẽ là trong thời gian triển khai dịch vụ VNPT E-Learning cho các trường học trong giai đoạn Covid-19. Mặc dù ra đời năm 2018 nhưng phải đến năm 2020, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì ứng dụng này mới có sự tăng trưởng vượt bậc trong một thời gian ngắn, khiến hệ thống không đáp ứng kịp. Có những thời điểm, hệ thống VNPT E-Learning đón nhận một lượt truy cập lớn, lên đến hơn 22 triệu lượt truy cập/ngày. "Ngay lập tức, đội ngũ chuyên gia của VNPT đã làm việc không kể ngày đêm để xử lý, nâng cao năng lực của hệ thống và trong thời gian ngắn hệ thống đã hoạt động ổn định trở lại", ông Long chia sẻ.
Đối với các ứng dụng học trực tuyến, theo ông Long, các DN trong nước đã tích cực đồng hành cùng Bộ TT&TT, Bộ GD&ĐT trong việc triển khai dạy học trực tuyến.
Từ đó, đại diện VNPT vnEdu đã kiến nghị các cơ quan nhà nước cần có chính sách ưu tiên sử dụng các nền tảng ứng dụng hỗ trợ học trực tuyến Make in Vietnam thay thế cho các giải pháp của nước ngoài, nhằm đảm bảo an toàn thông tin, quy định về dữ liệu, thông tin cá nhân, quản lý và lưu trữ kết quả học trực tuyến, sở hữu trí tuệ, cũng như hỗ trợ, bảo trợ tài chính, truyền thông cho các sản phẩm được công nhận giải thưởng Make in Vietnam của Bộ TT&TT.
Bên cạnh đó, ông Long cũng mong muốn Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn và công nhận các học liệu dạy học trực tuyến được xây dựng đáp ứng theo chương trình giáo dục phổ thông. Các sản phẩm về học trực tuyến Make in Vietnam vẫn thiên về các nền tảng công nghệ, việc ban hành các chính sách khuyến khích phát triển, công nhận đạt chuẩn học liệu của Bộ sẽ giúp cho việc học và dạy trực tuyến phát triển hơn.
"Cơ quan quản lý cần sớm ban hành chính sách ưu đãi khi sử dụng mobile money và các hình thức thanh toán trực tuyến khác khi tiến hành thanh toán cho học tập trực tuyến nhằm đẩy mạnh các giải pháp thanh toán không tiền mặt, tài chính số", ông Long kết luận.
Đầu tháng 11/2021, tại lễ tôn vinh "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích và khai mạc chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội năm 2021", dịch vụ vnEdu Connect đã đạt danh hiệu TOP 1 Hàng Việt Nam được người tiêu dùng Thủ đô yêu thích năm 2021.
App vnEdu Connect là ứng dụng nằm trong Hệ sinh thái giáo dục Việt Nam VnEdu của VNPT được thiết kế để cung cấp tiện ích cho nhà trường trong công tác quản lý, dạy và học và giúp phụ huynh nhận được các thông báo kịp thời về tình hình của con em mình tại trường một cách nhanh nhất.
App vnEdu Connect là kênh liên lạc hiệu quả giữa Giáo viên và Phụ huynh học sinh trong việc duy trì nề nếp học tập của học sinh thông qua việc Nhận/Nộp bài tập của Giáo viên cũng như xem kết quả chấm điểm bài tập mà Giáo viên gửi lại. Nhờ đó, học sinh sẽ được ôn tập và bổ trợ kiến thức, giúp học sinh lưu nhớ những bài đã học, còn phụ huynh học sinh tránh được mối lo lắng con không tự giác học bài.
VnEdu Connect là ứng dụng tương tự như một sổ liên lạc điện tử, với nhiều tính năng ưu việt như: Theo dõi chi tiết kết quả học tập của học sinh với cấu trúc điểm chi tiết nhất từ điểm miệng đến điểm tổng kết năm; Cập nhật thông báo nhà trường một cách nhanh chóng; Kiểm tra thời khóa biểu và điểm danh trên lớp qua đó biết được học sinh ngày nào nghỉ, có phép hay không; Vnedu connect cũng giúp kết nối nhanh chóng để tra đổi tin về học sinh ngay lập tức để có biện pháp giải quyết và hỗ trợ kịp thời; Tạo đơn xin nghỉ phép. Với chức năng này, phụ huynh có thể nhanh chóng xin phép nghỉ cho con em mình.
Đối với các Phụ huynh, app vnEdu Connect còn là công cụ hỗ trợ kịp thời cập nhật các thông tin con đến lớp, không đến lớp bằng hình thức điểm danh của nhà trường; cho phép gửi đơn nghỉ phép đến cho Giáo viên chủ nhiệm qua ứng dụng và dễ dàng thanh toán trực tuyến các khoản học phí cho con.