Xây dựng chiến lược, hoàn thiện pháp luật - đáp ứng dòng chảy của lĩnh vực số

Hoàng Linh| 19/07/2022 05:42
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh trong 6 tháng đầu năm 2022 ngành TT&TT đã có 3 chiến lược quốc gia được ban hành và nhiều luật liên quan đến lĩnh vực số được sửa đổi, thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS), đáp ứng dòng chảy của cuộc sống

Ngày 18/7, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Dự Hội nghị có các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, các hội nghề nghiệp, đơn vị chuyên trách CNTT, các doanh nghiệp (DN) TT&TT và các sở TT&TT trên cả nước.

3 chiến lược quốc gia được ban hành và nhiều luật liên quan đến lĩnh vực sốđược sửa đổi

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết: 6 tháng mà TT&TT có tới 3 chiến lược quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành. "Đây là các chiến lược lĩnh vực. Chiến lược mà cho riêng từng lĩnh vực thì sẽ rõ ràng hơn và dễ làm hơn. Đó là các chiến lược về bưu chính, về chính phủ số và về kinh tế số".

"Chiến lược về bưu chính là sự tăng trưởng nhanh của bưu chính để 5 năm nữa bưu chính có thể to như viễn thông, là sử dụng công nghệ số mạnh mẽ trong hoạt động bưu chính, là khẳng định vai trò của hạ tầng bưu chính là hạ tầng logistics đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh hạ tầng viễn thông đảm bảo dòng chảy dữ liệu", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tiếp theo là chiến lược về chính phủ số. Theo Bộ trưởng, chiến lược chính phủ số khẳng định kết thúc giai đoạn chính phủ điện tử với 100% dịch vụ công đủ điều kiện thì đưa lên trực tuyến, là bắt đầu của giai đoạn chuyển đổi số (CĐS) chính phủ, là bắt đầu của giai đoạn các dịch vụ số, là giai đoạn thay đổi cách vận hành của chính phủ dựa trên dữ liệu, dựa trên các công nghệ số, là CĐS để giải quyết các bài toán thiên niên kỷ.

Chiến lược thứ ba là chiến chiến lược kinh tế số. Theo Bộ trưởng, chiến lược này là khẳng định "kinh tế số là động lực tăng trưởng mới, là sự chuyển đổi từ 80% kinh tế số dựa trên ICT thành 80% là dựa trên kinh tế số ngành, là sự nhấn mạnh vai trò của các nền tảng số Việt Nam, là sự thay đổi thể chế để chấp nhận các mô hình kinh doanh mới".

Cũng từ năm 2022, ngành TT&TT bắt đầu sửa khá nhiều luật liên quan đến lĩnh vực số. Đó là các luật về Giao dịch điện tử, Công nghiệp công nghệ số (CNS), Tần số, Viễn thông. Bộ trưởng cho biết: "Đây đều là các lĩnh vực nền tảng cho CĐS, cho sự phát triển số. Các đơn vị trong ngành phải coi đây là việc của mình để nghiên cứu góp ý, tránh việc luật ra rồi, mang ra áp dụng thì mới phát hiện ra bất cập, khi ấy thì đã muộn, muốn sửa là mất nhiều năm".

Về Luật Giao dịch điện tử, theo Bộ trưởng, là nhằm hợp pháp hoá các giao dịch trên môi trường mạng, tạo ra một ánh xạ 1-1 từ các giao dịch trong môi trường thực vào môi trường số. "Luật Giao dịch điện tử đã 17 năm, lĩnh vực đã có nhiều thay đổi lớn, nên việc sửa luật là cần thiết. Cách tiếp cận của luật là tạo ra các khối xây dựng (buiding block) cho việc chuyển đổi này để các ngành, các lĩnh vực dễ dàng qui định các giao dịch trên môi trường mạng trong lĩnh vực của mình".

Luật Công nghiệp CNS là một sự chuyển đổi mang tính cách mạng từ lĩnh vực công nghiệp CNTT sang công nghiệp CNS. Theo Bộ trưởng, CNS còn được gọi là CNTT mới, mà chủ yếu là sự bổ sung nhóm CNS của cuộc CMCN lần thứ tư. Nhưng chính nhóm CNS này, theo nhận định của Bộ trưởng, lại tạo ra sự thay đổi căn bản cho lĩnh vực CNTT, bởi vậy, mà gọi tên mới là lĩnh vực CNS. "Sự thay đổi thứ hai cũng rất quan trọng là chủ trương Make in Viet Nam trong lĩnh vực công nghiệp CNS, tức là tự lực, tự cường Việt Nam".

Luật Viễn thông thì sự thay đổi căn bản là chuyển đổi từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số, từ hạ tầng liên lạc sang hạ tầng của nền kinh tế số. Các hạ tầng mới là hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng CNS, hạ tầng nền tảng số.

Trong khi đó, Luật Tần số thì sự thay đổi căn bản là làm rõ cách thức phân bổ tài nguyên tần số, nhất là cho dịch vụ thông tin di động. "Luật Tần số 2009 đã 13 năm mà vẫn chưa đấu giá được. Luật mới sẽ giải quyết điểm nghẽn này".

Theo kế hoạch, tại kỳ họp Quốc hội thứ 4 (10/2022), Luật Tần số sẽ được trình Quốc hội thông qua, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến.

Cũng trong năm 2022, nhiều nghị định về quản lý các nền tảng xuyên biên giới (như mạng xã hội, phát thanh truyền hình OTT, quảng cáo) cũng sẽ được ban hành.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Quản lý các nền tảng xuyên biên giới là một thách thức toàn cầu. Việc thiếu thể chế quản lý các nền tảng xuyên biên giới đã tạo ra một môi trường kinh doanh bất bình đẳng, còn gọi là sự bảo hộ ngược, giữa các nền tảng số trong nước và nước ngoài. Các nghị định mới này là để thực hiện một nguyên lý rất căn bản là DN làm ăn ở đâu thì phải theo pháp luật ở đó. Nếu nói rộng ra thì là sự bảo vệ chủ quyền số quốc gia".

Đầu năm 2022, Bộ TT&TT cũng bắt đầu ban hành các hướng dẫn thực thi. Bộ trưởng nhấn mạnh: "Một văn bản pháp lý là phủ rộng toàn quốc, từ cấp Trung ương đến cấp xã. Nếu thiếu các hướng dẫn cho từng đối tượng thì sẽ rất khó triển khai. Văn bản pháp lý là cho mọi đối tượng liên quan. Hướng dẫn là cho từng đối tượng. Các cục, vụ của Bộ khi làm văn bản pháp lý là phải làm luôn việc hướng dẫn cho từng đối tượng. Bởi vì chỉ khi làm các hướng dẫn này thì mới biết văn bản pháp lý mà mình sẽ ban hành có vận hành được trong cuộc sống hay không".

Dấu ấn xây dựng chiến lược, luật lĩnh vực số đáp ứng dòng chảy của cuộc sống - Ảnh 1.

Hội nghị trực tiếp tại đầu cầu Hà Nội và trực tuyến tới các sở TT&TT trên cả nước

Đảm bảo cho sự phát triển được nhanh và bền vững

Năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ TT&TT cũng tuyên bố chuyển trọng tâm từ phía trước sang phía sau. Theo đó, lãnh đạo, quản lý có lúc phải đi đầu dẫn dắt, có lúc lại phải lùi về sau để thúc đẩy. "Bộ ta trong mấy năm qua đã khởi xướng nhiều cái mới, đã đi đầu, đã trực tiếp tham gia làm, để khởi động những cái mới của Ngành. Nay, đa số những định hướng mới đã thành nhận thức của xã hội, của chính quyền các cấp, nhà nhà bắt đầu làm, ngành ngành bắt đầu làm, thì Bộ phải lui về sau để làm những việc đảm bảo cho sự phát triển được nhanh và bền vững".

Theo Bộ trưởng, đó là làm thể chế, các qui định, hướng dẫn. Đó là làm các công cụ số, nền tảng làm việc số, trợ lý ảo để hỗ trợ. Đó là làm các hệ thống đo lường, giám sát trực tuyến. Đó là làm Proof of Concept (làm để chứng minh nguyên lý) thay vì làm cả. Đó là đào tạo kỹ năng số cho công viên chức và người dân, là tổ chức các tổ công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ đến từng hộ đình.

6 tháng đầu năm 2022, Bộ trưởng cho biết: "Bộ đã tập trung chỉ đạo thanh kiểm tra, xử lý mạnh tay các vi phạm để làm lành mạnh môi trường TT&TT. Muốn phát triển nhanh và bền vững thì môi trường phải lành mạnh. Giữ cho môi trường lành mạnh thì phải làm thường xuyên".

Năm 2022, Bộ TT&TT chính thức được bổ sung chức năng nhiệm vụ mới về CĐS, công nghiệp CNS, kinh tế số, nên bộ máy phải tổ chức lại cho phù hợp. Nhiều cán bộ về hưu, phải chuẩn bị người thay thế phù hợp. Nhiều vị trí có yêu cầu mới, cao hơn cũng phải có người mới phù hợp. Nhiều cán bộ đi biệt phái về phải phân công cho phù hợp. Nhiều cán bộ tập sự cấp phó phải đánh giá, bố trí.

Cuối cùng, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Làmviệcở cơ quan quản lý nhà nước là dẫn dắt quốc gia, là quyết định sự phát triển của đất nước, thì phải đặt ra mục tiêu cao cho mình, cũng tức là mục tiêu cao cho đất nước, phải tìm cách tiếp cận mới cho việc khó dễ đi mà làm, không được dùng mãi câu cửa miệng là làm nhà nước thì khó lắm. Nếu nói vậy là đã đóng lại mọi cánh cửa rồi. Phải mở cánh cửa ra, mọi cái đều có thể làm được, mọi giấc mơ đều có thể hiện thực".

Đẩy mạnh mẽ CĐS ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện

Cũng tại Hội nghị, thay mặt Bộ TT&TT, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã thông tin những hoạt động nổi bật trong công tác 6 tháng đầu năm của Bộ TT&TT.

Dấu ấn xây dựng chiến lược, luật lĩnh vực số đáp ứng dòng chảy của cuộc sống - Ảnh 2.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: Năm 2022 là năm đầu thực hiện các chiến lược mới: Hạ tầng số, dữ liệu, bưu chính, an toàn thông tin mạng, công nghiệp CNS, DN CNS Việt Nam, Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, CĐS báo chí.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Về quản lý nhà nước, Bộ TT&TT đã quyết liệt triển khai đo lường trực tuyến thay vì báo cáo giấy. Kết quả là giám sát trực tuyến số liệu của Tổng công ty VTC và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost); chỉ đạo, kiểm tra trực tuyến đối với 22 DN, đo lường 62/63 cổng DVC trực tuyến của các địa phương.

Bộ TT&TT hỗ trợ Bộ Công thương giám sát dữ liệu của gần 40.000 DN xăng dầu, từ đó nhận thấy bất cập đến từ hành lang pháp lý. 

Về nền tảng số, Thứ trưởng thông tin có 35/35 nền tảng số quốc gia đã được đưa vào sử dụng, trong đó 31/35 nền tảng đã dùng chính thức, 04/35 nền tảng đang dùng thử nghiệm. Bộ TT&TT đã công bố 50 nền tảng số, trong đó đã công bố 18 nền tảng số phổ biến phục vụ chính quyền số; 16 nền tảng số phổ biến phục vụ CĐS DN nhỏ và vừa; 16 nền tảng số phổ biến phục vụ người dân

Thứ trưởng nhấn mạnh, cách tiếp cận mới trong quản lý nhà nước 6 tháng đầu năm là việc thành lập các tổ CNS cộng đồng. Đã có 38.350 tổ CNS cộng đồng và 190.000 người tham gia vào các tổ CNS cộng đồng. 

Thứ trưởng khẳng định: "Năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ CĐS ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện; là năm đầu thực hiện các chiến lược mới: Hạ tầng số, dữ liệu, bưu chính, an toàn thông tin mạng, công nghiệp CNS, DN CNS Việt Nam, Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, CĐS báo chí".

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc Bộ quyết tâm thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ để đạt và vượt Kế hoạch Bộ trưởng giao từ đầu năm, xứng đáng với truyền thống "Trung thành, dũng cảm, tận tụy, sáng tạo, nghĩa tình" và phương châm hành động "Làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá"./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng chiến lược, hoàn thiện pháp luật - đáp ứng dòng chảy của lĩnh vực số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO