Xây dựng Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động là nhiệm vụ quan trọng

HA| 30/11/2022 09:19
Theo dõi ICTVietnam trên

Năng suất lao động là một yếu tố mang tính quyết định đối với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung cũng như của từng địa phương và của khu vực doanh nghiệp nói riêng.

Trong bối cảnh hiện tại, các phương thức tăng trưởng truyền thống đang dần hạn hẹp, như tăng trưởng dựa trên nguồn lao động đại chúng giá rẻ, hoặc dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, chiến lược tăng năng suất lao động trở nên quan trọng và cấp thiết để giữ vững phát triển và năng lực cạnh tranh của đất nước.

Thực hiện nhiệm vụ “nghiên cứu, triển khai Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động” được phân công tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Hội thảo “Thúc đẩy năng suất lao động cho tăng trưởng bền vững ở Việt Nam” đã được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức, với sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPS-C).

Nhiều vấn đề cần thiết nhằm tăng năng suất lao động đã được Hội thảo tập trung thảo luận, như việc rà soát các cơ chế, chính sách đã ban hành; đánh giá thực trạng năng suất lao động theo từng góc độ tổng thể nền kinh tế, khu vực doanh nghiệp và theo vùng, theo địa phương, vùng kinh tế trọng điểm. Hội thảo cũng đề xuất các mục tiêu phát triển cũng như định hướng, giải pháp chính để tăng năng suất lao động trong giai đoạn tới.

Theo Báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, để cải thiện năng suất lao động, trong giai đoạn 2011 - 2021, khung chính sách nền tảng đã được ban hành hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, các chính sách nhằm mục tiêu nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tuy vậy, thể chế, chính sách vẫn chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ và đầy đủ. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả phối hợp khi thực hiện các giải pháp cũng như chưa xác định rõ ràng vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong các chương trình thực hiện.

Năng suất lao động của Việt Nam dù có cải thiện song vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, thậm chí sự chênh lệch có xu hướng gia tăng. Năng suất lao động của các khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, cũng như khu vực công nghiệp - xây dựng còn thấp và không ổn định. Lý do nằm ở việc các ngành nghề có phân khúc giá trị gia tăng thấp và sử dụng nhiều lao động, chưa mang tính dẫn dắt và thúc đẩy tăng trưởng. Năng suất lao động của khu vực dịch vụ tăng lên nhưng lại thiếu ổn định.

Trong bối cảnh đó, các đại biểu tham dự Hội thảo đều nhận định việc xây dựng Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động là nhiệm vụ quan trọng, nhằm sớm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Chương trình cũng là trọng tâm chiến lược để cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và giúp Việt Nam vượt lên các quốc gia trong khu vực./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động là nhiệm vụ quan trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO