Kinh tế biển có bước phát triển vượt bậc
Trong những năm qua, kinh tế biển của Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức đáng khích lệ. Đặc biệt, sau 4 năm triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW về "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", kinh tế biển và ven biển dần trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước…
Đến nay, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển tăng lên rõ rệt, có bước phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng bình quân 7,5%/năm. Nhìn nhận một cách cụ thể hơn, trong 4 năm qua, hạ tầng biển đảo đã có bước phát triển vượt bậc. Cả nước hiện có 272 bến cảng, 45 cảng biển, gồm 3 cảng cửa ngõ trung chuyển quốc tế; 11 cảng đầu mối khu vực và 17 cảng tổng hợp địa phương... Tổng công suất thiết kế của hệ thống cảng biển đạt trên 534,7 triệu tấn/năm.
Không chỉ đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển, Việt Nam cũng đầu tư hiện đại hóa đội tàu biển, nhất là đội tàu container, chú trọng phát triển dịch vụ logistics. Theo Cục Hàng hải Việt Nam, đội tàu Việt Nam đang đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và thứ 30 trên thế giới. Tuổi tàu bình quân là 15,5 tuổi, trẻ hơn 5,8 tuổi so với thế giới.
Cùng với đó, ngành du lịch và dịch vụ biển có bước phát triển vượt bậc. Hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch phát triển nhanh ở các tỉnh ven biển. Du lịch biển trong những năm qua tăng trưởng nhanh cả về doanh thu và số lượt du khách. Năm 2019, du lịch biển chiếm 70% lượng khách và 60% doanh thu của toàn ngành du lịch.
Bên cạnh đó, ngành nuôi trồng và khai thác hải sản phát triển mạnh mẽ, sản lượng khai thác thủy sản năm 2020 đạt khoảng 8 triệu tấn. Giá trị xuất khẩu thủy sản đạt hơn 7,3 tỉ USD. Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác từng bước khẳng định là một ngành kinh tế quan trọng của đất nước.
Với tiềm lực sẵn có, vùng ven biển và hải đảo Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, thịnh vượng, gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền.
Những thách thức từ suy giảm nguồn lợi
Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản khu vực biển Đông đang ngày càng giảm sút. Các hệ sinh thái quan trọng bị suy thoái, bị mất và thu hẹp. Các hòn đảo có xu hướng di chuyển ra xa bờ hơn do thay đổi cấu trúc hoàn lưu ven biển, thay đổi tương tác sông biển ở các vùng cửa sông ven bờ, mất tới 60% các nơi cư trú tự nhiên quan trọng. Rừng ngập mặn mất khoảng 15.000 ha/năm, khoảng 80% rặng san hô, 50% thảm cỏ trong vùng biển Việt Nam nằm trong tình trạng rủi ro. Khoảng 100 loài có mức độ nguy cấp khác nhau và trên 100 loài đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam. Nguồn lợi hải sản có xu hướng giảm dần về số lượng và trữ lượng, nguồn lợi hải sản ở vùng biển gần bờ có dấu hiệu bị khai thác cạn kiệt.
Môi trường biển bị ô nhiễm và biến đổi theo chiều hướng xấu. Ngày càng có nhiều chất thải chưa qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển được đổ ra biển, một số khu vực ven bờ bị ô nhiễm, hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện ngày càng nhiều với quy mô rộng.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang chịu tác động nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trước hết là vùng ven biển và các đảo nhỏ.
Trong khi đó, tình hình khai thác, sử dụng biển và hải đảo chưa đạt hiệu quả cao, thiếu bền vững do khai thác tự phát, không tuân thủ quy hoạch biển đảo. Phương thức khai thác biển chủ yếu vẫn theo hình thức sản xuất và đầu tư nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu, chủ yếu là ưu tiên khai thác tài nguyên biển ở dạng vật chất, không tái tạo; chú trọng nhiều đến sản lượng, số lượng, ít chú ý đến chất lượng và lợi ích lâu dài của các dạng tài nguyên. Ngoài ra, công tác quản lý, giám sát việc khai thác nguồn lợi biển còn nhiều yếu kém.
Bảo tồn các hệ sinh thái để phát triển kinh tế biển
Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đã nhấn mạnh thế kỷ 21 được xem là thế kỷ của đại dương, biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc gia. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy rằng, "ra biển là thịnh vượng, ngược biển là suy tàn".
Các chính sách cụ thể để phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên biển được xây dựng ngày càng cụ thể, đầy đủ. Ngày 5/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW; Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030… Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan tích cực tham gia xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bảo đảm tính liên kết vùng, giữa địa phương có biển và không có biển.
Để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết số 36, Nghị quyết số 26/NQ-CP…, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương các giải pháp căn cơ nhằm quản lý tốt tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp về tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển; chủ động điều tra cơ bản tài nguyên; phân vùng không gian và sử dụng hợp lý tài nguyên biển, đảo.
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng đã chủ động phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát hiệu quả bảo tồn các hệ sinh thái trước tác động của các nguồn gây ô nhiễm môi trường; phối hợp sở tài nguyên và môi trường các tỉnh, thành phố tiến hành rà soát, đề xuất các giải pháp nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên biển, hải đảo, kiểm soát các hoạt động khai thác ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển…
Các địa phương triển khai có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường biển; sớm thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của địa phương mình, phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) tổ chức triển khai các chủ trương, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW và các đề án, dự án, nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết số 26/NQ-CP./.