Đây là nhấn mạnh của ông Nguyễn Dương Anh, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên - Huế tại Hội thảo trực tuyến "Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2021" do IDG Vietnam và Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA) vừa tổ chức.
Kênh số để gắn kết chính quyền, người dân, doanh nghiêp (DN)
Ông Nguyễn Dương Anh cho biết, hiện nay, Thừa Thiên - Huế có hơn 20 dịch vụ ĐTTM đang được vận hành, thu hút được sự quan tâm, tham gia của người dân, DN và xã hội; phát huy hiệu quả quản lý xã hội, cung cấp các dịch vụ công hiệu quả; hình thành kho dữ liệu số, quy trình số giúp tăng hiệu suất và hiệu quả xử lý các công việc thủ tục hành chính công và hình thành ứng dụng Hue-S hiệu quả, nền tảng cho chuyển đổi số (CĐS).
Đồng thời, Trung tâm Giám sát, điều hành ĐTTM (IOC) tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được vận hành hiệu quả. IOC đi vào hoạt động từ tháng 8/2018, là đầu mối triển khai các hệ thống dịch vụ ĐTTM theo cơ chế dùng chung, phân quyền chia sẻ, giúp cấp chính quyền triển khai các dịch vụ, tiếp nhận thông tin đầu vào từ xã hội, phân tích, xác minh và chuyển thông tin đến các cơ quan chức năng theo thẩm quyền…
Thông qua IOC, tỉnh đã triển khai nhiều dịch vụ ĐTTM trên các lĩnh vực: giáo dục thông minh, y tế thông minh, giao thông thông minh, phản ánh hiện trường, phòng chống dịch bệnh, ứng cứu khẩn cấp, môi trường, nhóm giải pháp camera giám sát đô thị, thông tin cảnh báo, giám sát thông tin báo chí địa phương…
Đến nay, hầu hết các dịch vụ ĐTTM trên các lĩnh vực trên đều thu được những kết quả tích cực, đồng thời, bước đầu đáp ứng được nhu cầu thông tin, nâng cao nhận thức về CĐS cũng như hình thành thói quen sử dịch vụ, ứng dụng trên nền tảng số trong cộng đồng xã hội. Cũng nhờ việc triển khai hiệu quả các dịch vụ này, giúp địa phương dần hình thành hệ thống thông tin thông suốt, hỗ trợ nghiệp vụ liên quan cho các ngành và hình thành các dịch vụ GIS phục vụ các ứng dụng ĐTTM.
Trong số đó, kênh phản ánh hiện trường là dịch vụ tiếp xúc với người dân nhiều nhất và người dân có thể thực hiện dịch vụ công, khai báo y tế và phương tiện vào, ra Huế, các thông tin về dịch COVID-19 và thông tin cảnh báo của địa phương...
Ông Nguyễn Dương Anh nói thêm, riêng đối với kênh phản ánh hiện trường đang phát huy nhiều điểm tích cực, như kênh công cụ số hữu hiệu quả giúp chính quyền năm bắt kịp thời các vấn đề của người dân đang bức xúc, cần giải quyết. "Đây chính là kênh số bước đầu tạo ra giá trị mô hình thống nhất và giám sát toàn diện giữa các cấp chính quyền, người dân, DN".
Hiện nay, trong nhiệm vụ việc phát triển ĐTTM, Thừa Thiên - Huế còn triển khai thêm hệ thống tương tác thông minh (chatbot) để hỗ trợ người dân sử dụng, tương tác qua tin nhắn, giọng nói trên nền tảng web; xây dựng hệ thống phân tích dữ liệu thông minh, dự báo hỗ trợ ra quyết định phục vụ công tác quản lý, giám sát tình hình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả dịch vụ hành chính công trực tuyến trên địa bàn tỉnh; tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)… góp phần đảm bảo vận hành hiệu quả các dịch vụ ĐTTM của địa phương.
Xây dựng ĐTTM cần đúc kết, rút kinh nghiệm, có bổ sung để phù hợp
Nói về giải pháp, kinh nghiệm triển khai ĐTTM, ông Nguyễn Dương Anh cho rằng không chỉ đối với Thừa Thiên - Huế mà các địa phương khi muốn xây dựng, khai thác vận hành hiệu quả ĐTTM, yếu tố quan trọng là cần phải tập trung, quan tâm đến nhu cầu thực tế người dân, DN trước khi cung cấp các dịch vụ phục vụ, cần xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là các cấp lãnh đạo…
"Các cấp lãnh đạo cũng cần phải có những kiến thức, sự hiểu biết cơ bản, cần thiết về các ứng dụng CNTT, nền tảng số, nền tảng điện tử…", ông Nguyễn Dương Anh nêu quan điểm.
Cũng theo ông Nguyễn Dương Anh, để Thừa Thiên - Huế có được những kết quả như hiện nay, địa phương đã tận dụng tối đa các nguồn lực, nhân lực nội tại và kết hợp, hợp tác mạnh mẽ với các tập đoàn công nghệ lớn như VNPT, Viettel... Bên cạnh đó, tỉnh nhận được sự ủng hộ tích cực từ người dân, sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo thành phố.
Cũng theo ông Nguyễn Dương Anh, suốt từ năm 2018 đến nay, Thừa Thiên - Huế đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo để tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý trong việc phát triển, vận hành hiệu quả ĐTTM.
Thừa Thiên - Huế xác định, khi bắt tay xây dựng, triển khai ĐTTM không nên tiến hành ồ ạt, trải rộng nhiều lĩnh vực, ngành mà cần phải cân nhắc, đo đếm, đặt trong mối quan tâm, nhu cầu cần thiết mà người dân, DN. Những lĩnh vực nào cần, có thế mạnh thì ưu tiên, tập trung nghiên cứu và cần phải lập kế hoạch để quyết tâm triển khai từng bước, từng giai đoạn. Trong quá trình làm, triển khai cần đúc kết, rút kinh nghiệm, có bổ sung để phù hợp.
Điều quan trọng nữa, theo ông Nguyễn Dương Anh, trong xây dựng ĐTTM cần sử dụng, phát triển các nền tảng số, dữ liệu số dùng chung… "Dù là bước khởi đầu hay đang tiến hành xây dựng ĐTTM, điều không nên làm là chỉ dựa vào lý thuyết bản vẽ mà cần phải được dựa trên công tác thử nghiệm, trải nghiệm thực tế, vì chỉ có thực tế giúp kiểm chứng, không hạn chế tư duy cái mới", ông Anh nêu quan điểm.
Như vậy, những bước đi đúng hướng, trọng tâm, trọng điểm, cùng quyết tâm, tích cực của nhân dân, các cấp lãnh đạo, các dịch vụ ĐTTM của Thừa Thiên - Huế đã và đang góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, đổi mới phương thức hoạt động trong các cơ quan quản lý nhà nước, gia tăng mức độ hài lòng của người dân, DN..., Thừa Thiên - Huế được xem là "điểm sáng" về phát triển ĐTTM./.