Trong ngày thứ hai (16/1) của Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ TTTT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Lãnh đạo Bộ đã nghe các tham luận, đề xuất, góp ý của các đại diện đến từ các Sở TTTT và các doanh nghiệp trong lĩnh vực BCVT, CNTT.
Toàn cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, Giám đốc Sở TTTT TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức trình bày về triển khai thử nghiệm 5G tại TP. Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ TTTT cần sớm hoàn thiện quy hoạch băng tần và cấp phép thử nghiệm ở băng tần thấp và băng tần cao cho các doanh nghiệp (DN) viễn thông triển khai 5G. Tuy nhiên, bên cạnh việc đẩy nhanh tốc độ cấp phép 5G, ông Dương Anh Đức cũng đề xuất với Bộ TTTT về việc sớm nghiên cứu lộ trình tắt sóng 2G.
Liên quan đến xây dựng thành phố thông minh, TP. Hồ Chí Minh đang nghiên cứu phương án triển khai hạ tầng kết nối dùng riêng cho các ứng dụng đô thị thông minh và phát triển các ứng dụng IoT. Sở TTTT TP. Hồ Chí Minh mong muốn Bộ sớm xây dựng các quy định, chính sách về tần số hoạt động của các thiết bị IoT, tiêu chuẩn kỹ thuật, chuẩn dữ liệu cho các ứng dụng IoT.
Việc kiểm định sóng trường điện từ cho các trạm BTS trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh để phát triển hạ tầng 5G cũng là một mối quan tâm của Sở TTTT TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, việc kiểm định các trạm 4G còn rất chậm và quá tải từ đơn vị kiểm định, Sở này phản ánh.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel Lê Đăng Dũng
Trong khi đó, theo ông Lê Đăng Dũng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, DN này đề nghị Bộ TTTT cần nhanh chóng tiến hành cấp phép thử nghiệm mạng 5G, tiến đến triển khai mạng 5G.
Trả lời các đề xuất của Sở TTTT TP. Hồ Chí Minh và Viettel, ông Lê Văn Tuấn - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tần số Vô tuyến điện (VTĐ) cho biết, trong năm 2018, Cục đã xác định được những băng tần có thể tiến hành thử nghiệm 5G rất sớm
Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Tần số VTĐ Lê Văn Tuấn
Cục Tần số VTĐ đã có ý kiến để tiến hành tổ chức cấp phép thử nghiệm băng tần 400 MHz, 3,7-3,8 GHz và 2,6-2,9 GHz tùy thuộc vào thiết bị mà doanh nghiệp có thể mua được trong thời điểm hiện nay. Ông Lê Văn Tuấn cho biết Cục sẽ tập trung vào 3 băng tần nói trên để thử nghiệm phát triển dịch vụ 5G. Tuy nhiên, với những tần số thuộc băng C, có sự chồng lấn với băng tần của vệ tinh Vinasat. Do việc hoạt động thực tế của vệ tinh Vinasat chỉ sử dụng băng tần từ 3.4-3.6GHz nên Cục Tần số đề nghị VNPT ủng hộ Cục trong việc để lại băng tần từ 3.6GHz đổ lên cho việc quy hoạch băng tần 5G. Sau quá trình thử nghiệm, Cục sẽ tiến hành đánh giá tính chất vùng phủ. Tuy nhiên nhìn từ kinh nghiệm thế giới, chúng ta sẽ ưu tiên triển khai những băng tần này cho 5G.
Theo ông Lê Văn Tuấn, hiện dịch vụ 2G và 3G đều đang suy giảm tại Việt Nam. Tốc độ suy giảm 3G thậm chí còn nhanh hơn 2G. Nhiều nhà mạng Châu âu đã dùng 4G để thay thế 3G, Cục sẽ nghiên cứu lộ trình trong năm nay để xem đâu là thời điểm tích hợp nhằm tắt sóng 2G và thậm chí là 3G. Khoảng thời gian quan sát còn ngắn, tuy nhiên lộ trình tắt sẽ phụ thuộc vào công nghệ. Nhiều nhà mạng châu âu dùng 4G thay 3G, Cục sẽ nghiên cứu lộ trình trong năm nay để xem đâu là thời điểm thích hợp nhằm tắt sóng 2G và 3G.
Với 4G, Cục Tần số VTĐ sẽ hỗ trợ việc nâng cao chất lượng mạng bằng việc cấp phép băng tần 4G. Tuy nhiên, ông Lê Văn Tuấn cũng đề nghị các DN phải tăng cường đầu tư vào mạng lưới, cả về lượng lẫn về chất.
Chỉ đạo nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ các nước trên thế giới đều công bố lộ trình tắt sóng di động công nghệ cũ hơn từ rất sớm. Tắt sóng công nghệ cũ để giải phóng tần số dùng tiếp cho công nghệ mới. Điều này bắt buộc phải làm. Sau Tết Nguyên Đán, Cục Tần số VTĐ phải xem xét tuyên bố thời điểm tắt 2G hay 3G. Bộ trưởng cũng yêu cầu dành băng tần 700 MHz để nâng cao chất lượng phủ sóng di động trong nhà, bởi người Việt Nam dùng di động trong nhà là phần lớn.
Trước kiến nghị của TP. Hồ Chí Minh về việc dùng chung hạ tầng viễn thông và các ngành khác, ông Nguyễn Đức Trung - Cục trưởng Cục Viễn thông đề nghị các sở xem xét lại việc quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động ở từng địa phương. “Phần nào dùng chung được có thể điều chỉnh quy hoạch trình UBND tỉnh phê duyệt”.
Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Đức Trung
Cục Viễn thông đã nhận được ý kiến của nhiều DN trong việc quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động, trong đó có việc ngầm hóa hạ tầng truyền dẫn và phát triển các trạm BTS đảm bảo mỹ quan. Cục sẽ đề nghị lãnh đạo Bộ để thống nhất cách hiểu, cách triển khai quy hoạch giữa các Sở, từ đó tạo thuận lợi cho DN và góp phần đảm bảo mỹ quan đô thị.
Về hạ tầng thanh toán số, Cục sẽ làm việc với Ngân hàng nhà nước về việc tìm giải pháp để một số nhà mạng viễn thông có thể mở dịch vụ thanh toán dịch vụ nôi dung số qua thẻ viễn thông, tài khoản điện thoại di động và chuyển mạnh bù trừ. Tại Việt Nam, dịch vụ này hiện chỉ có một nhà cung cấp duy nhất là công ty Napas. Cục Viễn thông sẽ đóng vai trò thúc đẩy cùng lúc nhiều dịch vụ mới trong thời gian tới: Tài khoản di động thanh toán hàng hóa giá trị nhỏ, rút/nạp tiền qua mobile, cấp thêm một số DN chuyển mạch bù trừ, thanh toán dịch vụ nội dung số, phát hành thẻ viễn thông dùng chung cho các doanh nghiệp nội dung số nhỏ không có khả năng phát hành thẻ.
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo
Kết luận nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tài khoản trong máy di động giúp người dân dùng để thanh toán các hàng hóa giá trị nhỏ, sử dụng tài khoản di động để rút tiền ra/nạp vào (mobile money), thanh toán dịch vụ nội dung số, mua bán hàng hóa có giá trị nhỏ, dùng chung thẻ nạp giữa dịch vụ viễn thông và dịch vụ nội dung số.
Chính phủ đang coi các đề xuất về quản lý tài khoản di động của ngành viễn thông là một đột phá của năm 2019 về việc thanh toán không dùng tiền mặt. “Đây là cơ hội để mở ra không gian phát triển mới cho các công ty dịch viễn thông. Với tình trạng bão hòa như hiện tại, nếu không mở không gian mới cho các nhà mạng thì gần như không còn cơ hội tăng trưởng.Nếu tiếp tục được mở không gian mới, các DN viễn thông sẽ có cơ hội tăng trưởng nguồn lực, trở thành những DN lớn, có sức cạnh tranh trong nước và quốc tế”.