Y bác sĩ lên mạng tư vấn sức khoẻ cho người dân trong mùa dịch

Hải Đăng| 24/07/2021 17:54
Theo dõi ICTVietnam trên

Hàng trăm bác sĩ khắp mọi miền lên nhóm Facebook 'Giúp nhau mùa dịch' để hỗ trợ người dân vượt qua bệnh dịch.

“Cho em hỏi gia đình em cách ly tập trung. Em muốn mua thuốc này dự trữ. Bác sĩ cho em hỏi có được dùng không?”, một người đăng trong nhóm Facebook “Giúp nhau mùa dịch”, kèm với hình ảnh hộp thuốc.

Trong phần bình luận, bác sĩ Vi Thị Thuỳ Trang (Hà Nội) cho biết đó là thực phẩm chức năng tăng cường sức đề kháng, có thể dùng được.

“Mọi người giúp em với. Nhà em 4 người bị dương tính. Hai trẻ em, đứa lớn 7 tuổi, nhỏ 1 tuổi. Hiện mình và bé nhỏ đang cách ly tập trung tại BV dã chiến số 4…”, một bài viết khác bắt đầu như vậy. “...Hỏi không ai biết, không biết gặp ai để liên hệ. Mình rối quá…”, là lý do chị đăng bài.

Trên đây là hai trong số hàng trăm bài viết mỗi ngày trên nhóm “Giúp nhau mùa dịch”. Các bài viết xin hỗ trợ và tư vấn gần như mọi vấn đề trong cuộc sống liên quan tới đại dịch. Hầu như không có bài viết nào không được hỗ trợ, trả lời.

Nhóm mới tạo được hơn một tuần nhưng số lượng thành viên tăng lên rất nhanh, đến nay đã hơn 211 ngàn tài khoản. Chỉ mới nửa ngày 23/7 nhưng đã có gần 400 bài viết trong ngày, hỏi han mọi lĩnh vực. Có những kêu cứu về lương thực, thực phẩm. Có người xin tư vấn về các bệnh xảy ra tại nhà mà không đi cấp cứu được. Có người là F0, F1 xin lời khuyên về sức khoẻ. Lại có rất nhiều mạnh thường quân sẵn sàng hỗ trợ thuốc men, bình ôxy, xe cấp cứu,...

Nhiều nhất trong số này là các bác sĩ, chuyên gia đăng thông tin công khai để sẵn sàng tư vấn cho bệnh nhân khi cần.

“Tôi là BS CK2 Trương Bá Quân, hiện đang công tác tại TP.HCM. Tôi rất mong có thể đóng góp chút kiến thức và sức lực ít ỏi của mình để tư vấn, giúp mọi người về chuyên môn y tế… Có thể liên lạc qua Zalo hoặc Messenger. Xin cảm ơn và chúc mọi người khoẻ mạnh!”, bác sĩ Quân đăng tin, và để kèm thông tin cá nhân trên bài viết trong nhóm.

Rất nhiều bác sĩ chuyên khoa đăng các bài viết như vậy trong nhóm. Các bài viết đều nhận được hàng trăm comment cám ơn, hàng ngàn like.

Y bác sĩ lên mạng tư vấn sức khoẻ cho người dân trong mùa dịch - Ảnh 1.

Một bác sĩ đăng thông tin lên nhóm để giúp bệnh nhân.

Không chỉ hỗ trợ các bệnh lý thể chất, nhiều bác sĩ tâm lý cũng tham gia tư vấn. “Con xin chào admin và mọi người! Con làm chuyên ngành tham vấn và trị liệu tâm lý. Trong mùa dịch khó khăn này, con muốn đóng góp sự hiểu biết về lĩnh vực của mình đến cho cộng đồng. Nếu có vấn đề cần tư vấn xin liên hệ với con qua Zalo với số điện thoại là... Con chúc mọi người sức khỏe vượt qua mùa dịch ạ!’, là một trong rất nhiều nội dung khác đăng trên nhóm này.

Bác sĩ đa khoa Phan Xuân Trung (Trung tâm y khoa Medic Hoà Hảo) lập nhóm này ban đầu chỉ với mục đích hỗ trợ y tế, kêu gọi đồng nghiệp hỗ trợ bệnh nhân trong giai đoạn nhiều người bệnh đang cần hỗ trợ y tế. Ban đầu chủ yếu các bác sĩ TP.HCM tham gia, đến nay đã có rất nhiều lực lượng ở các tỉnh vào nhóm, cùng nhau tư vấn bệnh tình cho người dân.

“Nhóm phát triển nhanh và hỗ trợ đa lĩnh vực vượt ra khỏi dự đoán của tôi”, bác sĩ Trung nói với VietNamNet. “Mỗi câu hỏi hiện nay có hàng chục, hàng trăm người vào tư vấn, giúp đỡ. Điều này khiến công việc của chúng tôi càng có ý nghĩa”, bác sĩ nói thêm.

Do số lượng thành viên quá lớn, bài viết quá nhiều, nhóm của bác sĩ Trung hiện có hơn chục người để xét duyệt các bài đăng để tránh trùng lắp. Tất cả những người này đều hoạt động thiện nguyện.

Số lượng thành viên đông đảo và lực lượng y tế trong nhóm rất sẵn lòng hỗ trợ đã tạo đà để nhóm này trở thành trung tâm của các hoạt động thiện nguyện.

Rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp công bố hỗ trợ thuốc men, hỗ trợ thực phẩm, xe cấp cứu, phun khử khuẩn trong nhóm này. Đó là chưa kể nhiều người tình nguyện theo dõi một số ca F0 để hỗ trợ khi cần thiết. Nhiều chính sách của thành phố cũng được lan toả để người có nhu cầu có thể liên hệ.

Trước giãn cách, bác sĩ Trung có phòng khám nhưng sau đó phải đóng cửa để phòng dịch. Bản thân nhà bác sĩ cũng có người bệnh cần truyền dịch, cần lấy máu tại nhà, nhưng các dịch vụ này cũng tạm ngưng. Việc này khiến bác sĩ Trung nảy ra ý định thành lập nhóm Facebook “Giúp nhau mùa dịch”, để kết nối người có nhu cầu và những bác sĩ có thời gian rảnh.

“Nhóm tạo được tiếng vang tốt, giúp đỡ được nhiều người khiến tôi rất vui. Còn công lao thuộc về các bác sĩ, chuyên gia, mạnh thường quân, và cả những người hỗ trợ tôi quản trị nhóm”, bác sĩ Trung chia sẻ.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Y bác sĩ lên mạng tư vấn sức khoẻ cho người dân trong mùa dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO