Chuyển đổi số

Yếu tố đẩy nhanh chuyển đổi số ở doanh nghiệp

Đỗ Hưng 06:05 17/02/2023

Những mô hình, cách làm hay tạo nên kết quả tích cực trong việc thực hiện chuyển đổi số (CĐS) ở các tổ chức, doanh nghiêp (DN) luôn là điều chúng ta mong đợi. Do đó, cần phải được tích cực, phổ biến, nhân rộng trong những giai đoạn tiếp theo.

Đó là những quan điểm của ông Đỗ Hoàng Hải, thành viên Chương trình Hỗ trợ DN CĐS giai đoạn 2021 - 2025 được chia sẻ tại Hội thảo “Báo cáo thường niên CĐS DN 2022: Mức độ sẵn sàng CĐS của Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức chiều ngày 16/2.

z4114960501469_63e4b63766c66d085bb31008bac60426.jpg
Ông Đỗ Hoàng Hải: yếu tố đẩy nhanh quá trình thực hiện nhiệm vụ CĐS ở các DN đó chính là việc “thực thi và văn hoá”

Dữ liệu giúp DN vận hành liên thông, ổn định phát triển

Trước khi chia sẻ các quan điểm, kinh nghiệm về CĐS, ông Đỗ Hoàng Hải đã nêu dẫn chứng về sự thành công, tăng trưởng, phát triển của các DN Việt Nam khi áp dụng CĐS như: Langbiang Farm; Tomeco An Khang; Sơn MT; Vico Thắng Lợi…

Theo đó, DN Langbiang Farm những năm qua đã ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp (hoa, cây thuỷ canh...). Nhờ áp dụng công nghệ số, DN đã tự động hoá được tất cả các khâu, quy trình từ reo hạt đến thu hoạt, được đảm bảo liên thông dữ liệu dựa trên hạ tầng công nghệ số có kết nối Internet.

Nhờ đó, cấp lãnh đạo có thể nắm bắt nhanh các thông tin về năng suất, trữ lượng… từ đó giảm thời gian để đưa ra các quyết định chỉ đạo, điều hành, quản lý liên thông, ổn định phát triển.

z4114961596617_b51202ceddeb3e091f29bec9d9c7512b.jpg
DN Langbiang Farm hoạt động luôn đảm bảo liên thông dữ liệu dựa trên hạ tầng công nghệ số có kết nối Internet.

Cũng như DN Langbiang Farm, Công ty TNHH Thương mại và sản xuất hóa chất Sơn MT cũng được coi là một DN đạt được nhiều thành công trong hoạt động kinh doanh khi thực hiện tốt việc CĐS. Đây là công ty chuyên về sản xuất sơn, đồng thời là nhà cung cấp sản phẩm sơn cho các hãng xe ô tô lớn trên thế giới như: Audi, Range Rover, Volkswagen…

Tất cả các sản phẩm của Sơn MT trước khi cung cấp ra thị trường, đến tay các khách hàng phải luôn được được xử lý đảm bảo đầy đủ dữ liệu, tiêu chuẩn, thông số kỹ thuật và được lưu trữ trên hệ thống, nền tảng, công nghệ số.

Cũng tạo ra bước tiến lớn nhờ áp dụng công nghệ, Công ty CP Tomeco An Khang chuyên sản xuất quạt công nghiệp Việt Nam xây dựng hệ thống sản xuất dựa trên công nghệ học máy (machine learrning) và hệ thống dữ liệu đầu ra để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao, có khả năng chống chọi với thời tiết có lượng không khí ẩm cao hoặc khi có độ nghiêng ảnh hưởng đến quạt…

Hơn nữa, Tomeco An Khang đã xây dựng, hoàn thiện các ứng dụng, quản lý số cho phép khách hàng dễ dàng tra cứu thông tin, thông số về sản phẩm. “Trong tương lai, Tomeco An Khang còn hướng đến việc thay đổi mô hình truyền thống từ bán quạt chuyển sang mô hình cho các khách hàng thuê quạt thông qua các nền tảng, ứng dụng số của công ty”, ông Đỗ Hoàng Hải cho biết.

Cũng được coi là một điển hình khi áp dụng các công nghệ số, nền tảng số trong hoạt động sản xuất, nhất là kênh phân phối sản phẩm đầu ra, công ty TNHH Thắng Lợi (TL VICO) là DN ngành thép đúc đã đưa các sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) trong nước và quốc tế. Nhờ áp dụng kênh bán hàng trên sàn TMĐT, DN đã tạo ra những tăng trưởng về doanh thu lớn cho công ty.

Hơn nữa, công ty Thắng Lợi đã triển khai hệ thống công nghệ thông tin dựa trên các nền tảng số để số hoá mọi dữ liệu thông tin sản phẩm, điều này giúp DN đo đạc, xử lý dữ liệu quá trình sản xuất, đưa ra các dự báo chính, cảnh bảo các sự cố xấu từ tác động từ thị trường.

Từ những kết quả, sự thành công nêu trên, ông Đỗ Hoàng Hải nêu ra quan điểm, nhận định chung: “Công nghệ số giờ đây chính là công cụ, “cánh tay” nối dài các lợi ích mà DN mong muốn trong hành trình phát triển”.

Công nghệ dẫn dắt DN phát triển, thay đổi

Từ những thành công điển hình nêu trên, với tư cách là một chuyên gia hỗ trợ các DN sử dụng các giải pháp công nghệ để thực hiện nhiệm vụ CĐS bền vững, ông Đỗ Hoàng Hải cho rằng, các DN khi CĐS cần phải luôn xác định đây là một nhiệm vụ bắt buộc trong xu thế số hoá, không thể ngoài cuộc mà cần chung tay, chủ động, tích cực thực hiện.

Đặc biệt, các DN cần nhận thức đầy đủ về lợi ích, vai trò to lớn khi CĐS mang lại và phải đảm bảo đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng trong công tác truyền thông nội bộ.

z4114962829076_2f4704df90887a0009c73f66ef75e3dd.jpg
DN có thể áp dụng các công nghệ theo hướng linh hoạt (Agile)

Cụ thể, các DN cần định vị, tư duy lại về vai trò của CNTT đối với DN như là một nguồn lực quan trọng, cốt lõi của DN, đồng thời, hướng đến sự đồng thuận, hiểu biết chung những kiến thức CĐS từ cấp lãnh đạo đến toàn cán bộ, công nhân viên trong công ty.

Nhấn mạnh sâu về vai trò then chốt sẽ được tạo ra trong DN, đó chính là yêu cầu các cấp lãnh đạo trong các DN phải có tầm nhìn dài hạn về việc áp dụng, ứng dụng các công nghệ, nền tảng số. “Khi lãnh đạo có tầm nhìn và được hỗ trợ bởi chính những công nghệ số, đây sẽ là con đường đúng đắn, “dẫn dắt” mọi sự phát triển, thay đổi cho DN”, ông Đỗ Hoàng Hải nhấn mạnh.

Mặt khác theo ông Đỗ Hoàng Hải, khi mỗi DN thực hiện việc CĐS của mình cần phải đánh giá được nhu cầu thực tế, điều kiện cụ thể của mình, từ đó sẽ dần xác định rõ “chiến lược” để triển khai.

Nói về chiến lược CĐS của mỗi DN là luôn có sự khác nhau, không bao giờ giống nhau, bởi phụ thuọc vào đặc thù của từng DN, do đó, hướng đến cái chung cần đưa vào “chiến lược” phải được đảm bào có: Hướng đi ưu tiên & trình tự, lộ trình hoặc hiệu quả từng bước từ dễ đến khó, thấp đến cao.

DN có thể áp dụng theo mô hình “chiến lược” CĐS hướng đến: Mở rộng tập hợp khách hàng, thị trường, tăng trưởng doanh thu (tăng gấp 02 lần số lượng điểm bán trên thị trường; đạt tối thiểu 80% điểm bán hàng thân thiết; quản trị vòng đời khách hàng…); tăng cường trải nghiệm khách hàng (xây dựng, đo đạc được về chỉ số trải nghiệm khách hàng; tăng các kênh hỗ trợ thông tin khách hàng…); chuẩn hoá quy trình số hoá, tự động hoá (có các dữ liệu kế toán, tài chính; kiểm soát chất lượng sản phẩm trên hệ thống máy tính…).

Chưa dừng lại ở những quan điểm chia sẻ quan trọng nêu trên, theo ông Đỗ Hoàng Hải, được coi là yếu tố đẩy nhanh quá trình thực hiện nhiệm vụ CĐS ở các DN đó chính là việc “thực thi và văn hoá”.

Đối với vấn đề khi thực thi nhiệm vụ CĐS, DN cần xây dựng trước việc đảm bảo hệ thống các quy trình được chuẩn hoá sau đó mới ứng dụng, áp dụng công nghệ thực hiện. “Không cần công nghệ quá tốt, quan trọng là biết cách sử dụng các công nghệ (còn hơn là không sử dụng) và có thể áp dụng các công nghệ theo hướng linh hoạt (agile)”, ông Đỗ Hoàng Hải nêu quan điểm.

Đối với yếu tố văn hoá, cần khơi dậy tinh thần sáng tạo, đổi mới, dám làm, thử nghiệm. Văn hoá số sẽ dần được hình thành trong các DN, đôi khi bước đầu DN phải chấp nhận, cho phép dù đó là những sai sót để từ đó có hướng khắc phục, điều chỉnh phù hợp./.

Bài liên quan
  • Nhiều DN Việt đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của CĐS
    Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (DN) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), cho rằng tính tất yếu của xu hướng chuyển đổi số (CĐS) đã được nhiều DN nhìn nhận và tăng đầu tư vào công nghệ số, giúp DN thích ứng, tăng tốc trong giai đoạn khó khăn.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Yếu tố đẩy nhanh chuyển đổi số ở doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO