Doanh nghiệp, người dân cùng thay đổi để thích nghi trạng thái bình thường mới hậu Covid-19

TH| 10/06/2020 14:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Trạng thái bình thường mới sẽ dần được thiết lập tại tất cả nền kinh tế trên thế giới. Người dân và doanh nghiệp (DN) buộc phải thích nghi và chuẩn bị nhiều kịch bản để tiếp tục hoạt động sản xuất - kinh doanh (SXKD) hậu dịch bệnh.

Tác động của đại dịch COVID-19 đến kinh tế toàn cầu phải nói là chưa có tiền lệ. Trong ba tháng trở lại đây, sinh hoạt người dân ở hầu hết các quốc gia bị ảnh hưởng bởi các giải pháp giãn cách, phong tỏa và hạn chế di chuyển. Về kinh tế, hầu hết các hoạt động SXKD bị đình trệ. Đại dịch cũng làm suy giảm nghiêm trọng thương mại toàn cầu, phá vỡ các chuỗi cung ứng, sản xuất và giá trị.

Trong những ngày này, khi dịch bệnh đã phần nào được kiểm soát, có rất nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đang ra những quyết định phức tạp về việc cùng tồn tại với COVID-19 hoặc thích nghi như thế nào với "bình thường mới". Các chính phủ đang đánh giá các biện pháp ngăn chặn dịch trong giai đoạn đầu và xem xét liệu có thể ngừng áp dụng biện pháp nào.

Thích nghi với trạng thái bình thường mới giai đoạn hậu Covid-19 - Ảnh 1.

Cuộc sống người dân chuyển sang trạng thái bình thường mới (Nguồn: WHO)

Theo TS. Takeshi Kasai, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương, việc tạm thời đóng cửa các cửa hàng, công sở, trường học và chấp hành yêu cầu ở nhà, hạn chế đi lại và hoãn các sự kiện văn hóa và tôn giáo đã giúp Chính phủ và người dân Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. "Những biện pháp này và sự chấp hành của các bạn đã giúp ngăn ngừa COVID-19 lây lan rộng trong cộng đồng, giúp các cơ sở y tế không bị quá tải và cứu nhiều mạng sống", ông Takeshi Kasai nhấn mạnh.

Tuy nhiên các biện pháp giãn cách cũng làm cho cuộc sống của hàng triệu người trở nên rất khó khăn và tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Không thể đếm được số lượng người dân bị mất việc và không thể hỗ trợ gia đình, trong đó, người nghèo bị ảnh hưởng nhiều nhất. Những người ở tuyến đầu của "cuộc chiến" chống dịch đã làm việc không mệt mỏi, chịu thiệt thòi để duy trì mạch sống và dịch vụ y tế cho tất cả chúng ta.

Trong giai đoạn hiện nay, một số biện pháp có thể đã được gỡ bỏ, tuy nhiên điều này không có nghĩa là cuộc chiến này đã qua. Đây sẽ còn là một trận chiến dài lâu. Một khi virus còn đang lây lan, và trước khi có được loại vắc-xin an toàn và hiệu quả dành cho tất cả mọi người, thì không có quốc gia nào an toàn trước các ca bệnh mới và làn sóng lây nhiễm mới.

Theo ông Takeshi Kasai, thách thức đối với chúng ta bây giờ là cần bảo vệ được sức khỏe của người dân và duy trì được tư thế sẵn sàng để ứng phó với những đợt sóng tiềm ẩn COVID-19 mới, đồng thời khởi động lại nền kinh tế và cuộc sống. Trên thực tế, chúng ta cần nâng cao sức khỏe của người dân và cả sức mạnh của nền kinh tế, thông qua hợp tác trên tất cả các lĩnh vực của xã hội.

Những quyết định to lớn mà các quốc gia hiện đang cân nhắc cần được các chuyên gia về y tế và kinh tế, cũng như các thành viên trong cộng đồng và các DN ngồi lại cùng nhau và đưa ra. Cách tiếp cận toàn xã hội này đã được Việt Nam thực hiện một cách hiệu quả từ đầu thời điểm bùng phát dịch. Chúng ta đã và đang thấy được kết quả từ sự phối hợp đó. Kể từ khi COVID-19 xuất hiện, nhiều sáng kiến sáng tạo đã được đưa ra. Ví dụ, có nhiều loại hình sản phẩm và dịch vụ hơn - từ sản xuất nông nghiệp cho đến các dịch vụ y tế - đã được chuyển đến tận nhà của người dân.

Trách nhiệm trước cộng đồng

Các đặc điểm khác của trạng thái "bình thường mới" là việc chúng ta phải tiếp tục các biện pháp phòng ngừa COVID-19, như giữ khoảng cách với nhau tại các nơi công cộng, thường xuyên rửa sạch tay và ở nhà khi bị ốm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc hơn ngoài việc chỉ thay đổi hành vi - chúng ta cần thay đổi cả thái độ của mình. Trong bối cảnh bình thường mới, mỗi người trong chúng ta cần chịu trách nhiệm không chỉ cho chính bản thân, mà còn chịu trách nhiệm cho sức khỏe và sự an toàn của gia đình, đồng nghiệp và rộng hơn là cộng đồng.

Đối với DN, họ sẽ phải thay đổi các chiến lược kinh doanh trong ngắn và dài hạn để thích nghi với tình hình mới. Ví dụ, trong ngắn hạn, các DN có thể chuyển hướng sản xuất tạm thời, tập trung vào những mặt hàng đang có nhu cầu cao trong mùa dịch bệnh. Về dài hạn, dịch bệnh càng làm rõ hơn sự phụ thuộc của các DN Việt Nam vào một số thị trường lớn nước ngoài. Đây là thời điểm các DN xuất khẩu chủ lực nhìn về thị trường nội địa và tìm thêm các thị trường thứ cấp/thị trường thay thế như châu Phi hay khu vực Nam Mỹ để đa dạng hóa nguồn cầu.

Nhanh chóng chuyển đổi là yêu cầu bắt buộc để thích ứng với trạng thái bình thường mới. Chuyển đổi không đồng nghĩa với chuyện tìm cơ hội kinh doanh ngắn hạn, chạy theo bề nổi, mà cần sự linh hoạt trong từng tình huống, bởi lẽ cơ hội đôi khi đi kèm với nguy cơ.

Mỗi người dân, mỗi DN cần điều chỉnh thích ứng với cách sống mới, cách làm việc mới và cách tương tác mới. Chúng ta hãy đoàn kết, thống nhất, cảnh giác và kiên nhẫn để cùng nhau vượt qua đại dịch và xây dựng một tương lai khỏe mạnh, an toàn và đáng sống tại Việt Nam.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp, người dân cùng thay đổi để thích nghi trạng thái bình thường mới hậu Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO