Gây quỹ xuất bản - Phương thức mới góp phần triệt đường sách giả, sách lậu

Cát Cát| 20/03/2020 16:04
Theo dõi ICTVietnam trên

Đã từ lâu, câu chuyện sách lậu bán tràn lan trên thị trường luôn là bài toán khó với các đơn vị xuất bản. Họ đã tốn không ít công sức, thời gian và tài chính để ngăn chặn tình trạng này. Tuy nhiên, cho tới nay, có vẻ tình trạng ấy vẫn chưa hề thuyên giảm, thậm chí còn phát triển rầm rộ và tinh vi hơn. Và một trong những phương thức nhằm chống lại sách lậu hiệu quả, đó chính là gây quỹ xuất bản.


Gây quỹ xuất bản - Phương thức mới góp phần triệt đường sách giả, sách lậu - Ảnh 1.

Khái niệm gây quỹ xuất bản đã không còn quá xa lạ đối với độc giả Việt. Thậm chí, một bộ phận không nhỏ rất ủng hộ hình thức bản này. Tính từ 2012 cho tới nay, đã có không ít những dự án gây quỹ xuất bản được xây dựng và đã rất thành công, mới đây nhất là bộ Boss là nữ phụ do công ty cổ phần Waka ấn hành vào quý IV năm 2019. Điều đặc biệt ở những bộ sách với phương thức xuất bản này, đó là độc giả đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ bản quyền và tác quyền. Điều ấy đã góp phần không nhỏ trong hành trình triệt đường tồn tại của sách giả, sách lậu.

Sự đón nhận của độc giả với phương thức xuất bản mới này

Nếu như trước đây, với phương thức xuất bản phổ thông, độc giả chỉ được sở hữu cuốn sách yêu thích một cách thụ động, bằng cách chờ cho nó được đơn vị nào đó xuất bản mới bỏ tiền ra mua. Và điều đó có nghĩa rằng, chỉ cần có trong tay cuốn sách họ yêu thích, càng rẻ càng tốt đã vô hình chung làm mảnh đất màu mỡ cho những đường dây buôn bán sách giả, sách lậu, sách kém chất lượng.  Còn với phương thức gây quỹ xuất bản, độc giả được chủ động hơn với những cuốn sách mình yêu thích thông qua hình thức gây quỹ. Với phương thức này, độc giả còn có một vai trò mới là nhà đầu tư. Chính vì lẽ đó, độc giả có trách nhiệm hơn với những cuốn sách do mình đầu tư.

Theo quản trị viên của trang ủng hộ Boss là nữa phụ cho biết: “Bằng cách gây quỹ xuất bản, chúng tôi lập ra một kênh tương tác với độc giả nhằm đưa ra những chính sách dành riêng cho độc giả ủng hộ cũng như công khai nguồn ngân sách. Hơn thế, thông qua đó, chúng tôi hiểu hơn về nhu cầu của độc giả, nhờ những dòng trạng thái, những câu chia sẻ, tương tác cũng như góp ý của độc giả dành cho bộ sách”.

Theo một điều tra, năm 2014 bộ truyện tranh lịch sử Long thần tướng nhận được 330 triệu đồng từ 711 người ủng hộ (mục tiêu nhóm đề ra là 300 triệu đồng). Với số tiền đó, nhà phát hành đủ chi phí để sản xuất cuốn sách và những ấn bản, quà tặng tri ân những người đã góp vốn cho mình. Tác phẩm ra đời nhận được phản hồi tích cực.

Sau Long thần tướng, nhiều cuốn sách đã được xuất bản thông qua hình thức gây quỹ như: Humans of Hanoi - Bước vào thế giới của nhau (sách ảnh), Art Book (sách tranh của Tuyệt Đỉnh Sinh Vật), Project Icon, Nhóm máu O (truyện tranh), Sổ tay giáo dục gia đình (sách kỹ năng cho các bậc cha mẹ)... Trong đó, cuốn được nhiều người ủng hộ nhất là Long thần tướng với 330 triệu cho tập một, 260 triệu cho tập hai và hiện tiếp tục nhận được tiền quyên góp để sản xuất tập ba. Cuốn sách gây quỹ nhanh nhất là Sổ tay giáo dục gia đình, nhận 100 triệu (số tiền in 5.000 cuốn) chỉ sau bốn ngày phát động.

Gây quỹ xuất bản - Phương thức mới góp phần triệt đường sách giả, sách lậu - Ảnh 2.

Những bộ sách được xuất bản theo phương thức gây quỹ

Gần đây nhất là bộ Boss là nữ phụ đã được Waka, một công ty xuất bản sách điện tử bản quyền hàng đầu Việt Nam, đã cho ra mắt bộ sách theo hình thức gây quỹ này. Chỉ trong vòng 6 tuần kêu gọi, gần 600 độc giả đã ủng hộ số tiền lên tới 181 triệu đồng, hoàn thành 139% so với mục tiêu ban đầu (130 triệu đồng).

Theo bạn Nguyễn Ánh Hồng, độc giả của bộ Boss là nữ phụ cho hay: “Biết rằng bộ sách đã có bản điện tử, song tôi vẫn muốn đọc sách giấy, bởi, sau một ngày làm việc mệt mỏi với màn hình máy tính, thì có những trải nghiệm, chỉ sách giấy mới mang lại được”.

Với phương thức gây quỹ xuất bản này, cho thấy, sách giấy phần nào vẫn khẳng định được vị trí trên thị trường, dù trước đó, có không ít lo ngại khi dòng sách điện tử ra đời.

Những đường dây sách giả, sách lậu phải tự động gỡ bài

Với phương thức gây quỹ xuất bản này, độc giả sẽ có ý thức hơn trong việc bảo vệ tác quyền và tác phẩm. Chính vì vậy, độc giả cũng chính là những người “thợ săn” những đường dây buôn bán sách giả, sách lậu.

Khi bộ tiểu thuyết Boss là nữ phụ được xuất bản, đã có không ít người muốn trục lợi bằng cách bán sách lậu, sách kém chất lượng một cách công khai. Và chính những độc giả đã là những người phát hiện, thông báo với đơn vị xuất bản, chia sẻ và lan tỏa với cộng đồng “nói không với sách giả”, khiến những kẻ trục lợi đã phải tự động gỡ bài đăng bán.

Gây quỹ xuất bản - Phương thức mới góp phần triệt đường sách giả, sách lậu - Ảnh 3.

Ngay sau khi bộ Boss là nữ phụ được ra mắt, đã có không ít người muốn trục lợi bằng cách buôn bán sách lậu sách kém chất lượng một cách công khai

Theo quản trị viên của fanpage gây quỹ xuất bản bộ sách Boss là nữ phụ cho biết: “Việc phát hiện sách lậu, sách giả, sách kém chất lượng, của chúng tôi, đa phần là do độc giả của chúng tôi phát hiện và phản ánh. Họ đã cùng nhau kêu gọi cộng đồng tẩy chay. Chính cách làm ấy đã khiến những trang buôn bán sách giả, sách lậu đã phải tự động gỡ bài”.

Điểm đặc biệt là, độc giả của bộ sách có độ tuổi trung bình chỉ từ 14-16 tuổi. Trước khi sách giấy được xuất bản, những độc giả trẻ ấy đã không ít lần kêu gọi tẩy chay và lên án việc chia sẻ nội dung tác phẩm lên những trang mạng xã hội không có bản quyền.

Có thể nói, trong thời đại 4.0, việc để độc giả nhận thức được vai trò của mình đối với mỗi cuốn sách mình yêu thích và có trách nhiệm với chúng là việc làm thông minh.

Với phương thức xuất bản mới này, bài toán, hành trình về chống sách giả, sách lậu có hướng đi mới và hiệu quả hơn. Đồng thời, cũng nhờ đó mà độc giả được sở hữu những bộ tiểu thuyết dài, mà trước đây, những đơn vị xuất bản thường ngại xuất bản bởi tính rủi ro cao và kinh phí xuất bản lại quá lớn.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Gây quỹ xuất bản - Phương thức mới góp phần triệt đường sách giả, sách lậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO