Triển vọng hồi phục của ngành du lịch tại Đông Nam Á

TH| 12/06/2020 21:40
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngành du lịch của nhiều nước, đặc biệt là các nước trong khu vực Đông Nam Á đang đứng trước những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Du lịch là một trong những ngành dễ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các cuộc khủng hoảng thiên tai như thảm họa cháy rừng tại Úc năm 2019, núi lửa Taal phun trào tại Philippines năm 2020… hay sự bất ổn chính trị như Brexit, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung... 

Sự bùng phát của virus corona ở Trung Quốc đã gây ra cú sốc lớn đối với ngành du lịch toàn cầu và dự kiến sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh khách sạn trong thời gian tới.

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), số lượng khách du lịch trên toàn cầu sẽ sụt giảm đến 80% trong năm nay, gây thất thu khoảng 1,2 nghìn tỷ USD. Trong đó, ngành du lịch tại Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai thế giới, chỉ sau Bắc Á.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi tháng 1/2020, lần đầu tiên du lịch Đông Nam Á chứng kiến số lượng du khách Trung Quốc bị giảm nghiêm trọng. Ngay sau đó, tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với du khách đến từ châu Âu, Úc, Mỹ… do dịch bệnh ngày càng lan rộng. Kết quả là lượng khách quốc tế của Đông Nam Á đã chạm mốc thấp nhất lịch sử.

Triển vọng hồi phục của ngành du lịch tại Đông Nam Á - Ảnh 1.

Du lịch Đông Nam Á gặp nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa: AFP

Gần đây, số liệu thống kê của Bộ Du lịch Thái Lan cho thấy, dịch bệnh Covid-19 có thể khiến doanh thu ngành du lịch nước này bị thiệt hại hơn 40 tỷ USD trong năm nay. Trong khi đó, con số này ước tính tại Campuchia là 3 tỷ USD. Số lượng du khách tại Việt Nam cũng đã giảm 98% so với tháng 5 năm ngoái.

Theo UNWTO, năm 2018, du lịch chiếm tới 32% GDP ở Campuchia, 20% ở Thái Lan và 9% ở Việt Nam. Ngành này cũng chiếm 6,7% việc làm ở Campuchia và khoảng 9% ở Thái Lan và Việt Nam.

Tuy nhiên, về cơ bản hiện nay các nước trong khu vực Đông Nam Á đã kiểm soát dịch bệnh tốt và bảo đảm sức khỏe cho người dân. Thái Lan, Việt Nam và Campuchia đều ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 thấp hơn so với các nước khác trong khu vực. Cụ thể, Thái Lan chỉ có 58 trường hợp tử vong do COVID-19, trong khi các ca nhiễm ở Việt Nam và Campuchia đều được chữa khỏi.

Hiện nay, khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, nhiều địa phương nỗ lực thực hiện các giải pháp phục hồi du lịch như tập trung thu hút khách du lịch nội địa, liên kết với các địa phương trong nước, giảm giá các tour cho du khách…

Với lợi thế này, các quốc gia trong khu vực đang nỗ lực thực hiện các giải pháp phục hồi du lịch như tập trung thu hút khách du lịch nội địa, liên kết với các địa phương trong nước, giảm giá các tour cho du khách… Khách du lịch nước ngoài cũng có xu hướng sẽ chọn đến tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch tại những quốc gia có tình hình dịch bệnh không nghiêm trọng.

Đến nay, các chuyến bay quốc tế đến Thái Lan vẫn bị cấm ít nhất là đến hết 30/6, trong khi du lịch Việt Nam có thể sẽ dần mở cửa, với đảo Phú Quốc và một số điểm du lịch khác có thể sẽ mở cửa vào cuối tháng này.

Báo cáo mới nhất của UNWTO cho thấy, giới chuyên gia hy vọng rằng du lịch quốc tế có thể bắt đầu phục hồi vào năm tới, trong lúc một số khác lại cho rằng sự phục hồi có thể đến sớm hơn vào cuối năm 2020 này.

Mặt khác, để hỗ trợ duy trì du lịch, chính phủ Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đều đưa ra nhiều gói kích cầu giúp các doanh nghiệp trong ngành du lịch có thể vượt qua giai đoạn khó khăn trong thời gian dịch bệnh như chính sách miễn thuế, hỗ trợ tài chính...

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Triển vọng hồi phục của ngành du lịch tại Đông Nam Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO