Multimedia

10 sự kiện nổi bật trong lĩnh vực TT&TT do Tạp chí TT&TT bình chọn

Tạp chí TT&TT 26/01/2025 14:15

Năm 2024, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế cho lĩnh vực TT&TT đã được chú trọng đẩy mạnh. Đảng, Nhà nước và Bộ TT&TT đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển Ngành.

Đặc biệt, ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Năm 2024, cũng ghi dấu ấn các lĩnh vực TT&TT đã có sự phát triển bứt phá, khi các lĩnh vực chuyên ngành TT&TT được Liên Hợp Quốc (LHQ), các tổ chức chuyên ngành của LHQ xếp hạng cao về phát triển. Việt Nam xếp hạng chính phủ điện tử (CPĐT) thứ 71/193 quốc gia, tăng 15 bậc so với xếp hạng trước đó vào năm 2022. Về An toàn thông tin (ATTT), Việt Nam vinh dự được xếp vào nhóm các quốc gia bậc 1, thuộc nhóm các quốc gia “hình mẫu lý tưởng” với cam kết mạnh mẽ về an ninh mạng. Trong khi đó, lĩnh vực Bưu chính của Việt Nam đã bước vào nhóm 8 thuộc Top 45 thế giới, đánh dấu một bước tiến vững chắc trên bản đồ bưu chính quốc tế. Trước những thành quả của Ngành, Tạp chí TT&TT lựa chọn 10 sự kiện nổi bật trong lĩnh vực TT&TT trong năm 2024.

1 - TỔNG BÍ THƯ LÀM TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO PHÁT TRIỂN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ

Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia. Nghị quyết xác định rõ mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 57-NQ/TW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nên bước ngoặt lịch sử trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước, tạo ra những điều kiện và cơ sở vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

tong-bi-thu-to-lam.jpeg
Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia

Bộ Chính trị cũng quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban.

Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2-9), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết quan trọng về “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước

Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia vào kỷ nguyên mới”. Trong bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thể hiện những quan điểm rất mới, có tính lý luận cao về vai trò rất quan trọng của CĐS: “Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Ðó là cuộc cách mạng CĐS, ứng dụng KHCN nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất. CĐS không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động KT-XH, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo (AI); dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời, quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số”.

2 - THÔNG QUA LUẬT DỮ LIỆU; BAN HÀNH CHIẾN LƯỢC DỮ LIỆU QUỐC GIA ĐẾN NĂM 2030

Ngày 30/11/2024, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Dữ liệu với 94,15% đại biểu tán thành và luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Luật quy định việc thiết lập và vận hành Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia thông qua Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, đặt dưới sự quản lý của Bộ Công an. Luật cũng quy định về việc chuyển, xử lý dữ liệu xuyên biên giới. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được tự do chuyển dữ liệu từ nước ngoài về Việt Nam và xử lý dữ liệu của nước ngoài tại Việt Nam, được Nhà nước bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc chuyển dữ liệu từ Việt Nam ra nước ngoài, đặc biệt là dữ liệu cốt lõi và dữ liệu quan trọng, sẽ được thắt chặt hơn và cần sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.

quoc-hoi-thong-qua-luat-du-lieu-2024.jpg

Trước đó, ngày 2/2/2024, Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 142/QĐ-TTg. Chiến lược đưa ra tầm nhìn: Dữ liệu của Việt Nam mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; phản ánh đầy đủ mọi mặt hoạt động KT-XH trên môi trường số và là nhân tố thúc đẩy tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo cho tiến trình CĐS thành công, đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn. Dữ liệu góp phần chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.

3 - ĐỊNH HÌNH CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP BÁN DẪN

Ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Quyết định 1018/QĐ-TTg đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

ban-dan-viet-nam.png

Đây không chỉ là một chiến lược kinh tế mà còn mang ý nghĩa chiến lược quốc gia, giúp Việt Nam vươn lên trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị công nghệ cao toàn cầu, đồng thời củng cố năng lực cạnh tranh và đảm bảo an ninh công nghệ trong bối cảnh thế giới ngày càng phụ thuộc vào công nghiệp bán dẫn.

Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký ban hành Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 về việc phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” có ý nghĩa chiến lược trong việc thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam trên nhiều phương diện.

Chương trình đề ra mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2030: Đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó, đào tạo ít nhất 42.000 kỹ sư, cử nhân; có ít nhất 7.500 học viên thạc sĩ và 500 nghiên cứu sinh; đào tạo ít nhất 15.000 nhân lực trong công đoạn thiết kế, ít nhất 35.000 nhân lực trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các công đoạn khác của ngành công nghiệp bán dẫn; đào tạo ít nhất 5.000 nhân lực có chuyên môn sâu về AI phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

Quyết định 1017/QĐ-TTg không chỉ nhằm xây dựng lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn mà còn định hướng chiến lược phát triển lâu dài cho kinh tế và KHCN của Việt Nam.

Với sự đầu tư đúng hướng, chương trình này sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia công nghệ cao, hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu và tăng cường vị thế cạnh tranh quốc tế trong tương lai.

4 - NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI, KHẲNG ĐỊNH VỊ TRÍ THÔNG TIN CƠ SỞ

Ngày 15/4/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 47/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại (TTĐN) trong tình hình mới.

ttdn.jpg

Nghị quyết đã cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo nêu tại Kết luận số 57-KL/TW, tạo sự chuyển biến căn bản trong tư duy về công tác TTĐN, coi không gian mạng như một không gian mới. Đồng thời, tăng cường tính chủ động, phối hợp và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả trong công tác TTĐN giữa các bộ, ban, ngành, địa phương và gắn TTĐN với các nhiệm vụ chính trị, phát triển KT-XH của địa phương, đất nước.

Nghị định số 49/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 về hoạt động thông tin cơ sở (TTCS) chỉ ra 8 loại hình thông tin, thực hiện cung cấp thông tin đến người dân, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và tiếp nhận phản ánh và thông tin nội dung trả lời. Nghị định số 49/2024/NĐ-CP cũng mở rộng không gian phát triển và tương tác với doanh nghiệp (DN) và người dân trong hoạt động TTCS.

Ngày 9/11/2024, Nghị định số 147/2024/NĐ-CP về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP) đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Nghị định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, được xây dựng hướng tới mục tiêu khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn sau hơn 10 năm thi hành Nghị định 72/2013/NĐ-CP, phù hợp với xu thế phát triển hội nhập công nghệ số, nội dung số và các dịch vụ Internet và kế thừa các quy định còn phù hợp của Nghị định 72/2013/NĐ-CP.

5 - VIỆT NAM LẦN ĐẦU TIÊN ĐƯỢC XẾP VÀO NHÓM QUỐC GIA CÓ CHỈ SỐ PHÁT TRIỂN CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ RẤT CAO; THÚC ĐẨY ĐỔI MỚI DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN

Ngày 17/9/2024, LHQ công bố bảng xếp hạng chỉ số CPĐT (EGDI) năm 2024, Việt Nam xếp hạng 71/193 quốc gia, tăng 15 bậc so với báo cáo năm 2022 và được xếp vào nhóm các nước có EGDI ở mức “rất cao” và vươn lên vị trí xếp hạng cao nhất kể từ khi bắt đầu tham gia đánh giá EGDI của LHQ năm 2003.

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã vượt Brunei để vươn lên vị trí thứ 5 trong 11 nước (tăng 01 bậc so với năm 2022); 4 nước có vị trí cao hơn Việt Nam là Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. LHQ đánh giá cao Việt Nam về những nỗ lực trong việc cải tiến chất lượng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). So với 55 quốc gia trong nhóm có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam là một trong năm quốc gia (4 quốc gia khác là Ukraine; Mongolia; Uzbekistan và Philippines) có EGDI ở mức “Rất cao”.

Để thúc đẩy DVCTT, ngày 17/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1588/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao chất lượng về cung cấp và sử dụng hiệu quả DVCTT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, làm căn cứ, hướng dẫn tập trung, thống nhất, chi tiết để tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến về DVCTT thường xuyên, liên tục, có trọng tâm và phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn, trong từng bối cảnh cụ thể trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, cung cấp DVCTT là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi, trong phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, lấy người dân là trung tâm, là đối tượng phục vụ.

dich-vu-cong-truc-tuyen.jpg

6 - TẮT SÓNG DI ĐỘNG 2G ĐỂ TẬP TRUNG VÀO CÔNG NGHỆ VIỄN THÔNG HIỆN ĐẠI HƠN

Bắt đầu từ ngày 16/10/2024, Việt Nam dừng cung cấp dịch vụ đầu cuối thuê bao 2G. Việc tắt sóng di động 2G mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành viễn thông di động nói riêng và của quốc gia nói chung. Tắt sóng 2G giúp giải phóng băng tần dành riêng cho công nghệ cũ, vốn chiếm dụng tài nguyên tần số nhưng không đáp ứng được nhu cầu dữ liệu cao. Các băng tần này có thể được tái sử dụng cho các công nghệ hiện đại như 4G, 5G, giúp nâng cao hiệu suất sử dụng phổ tần và chất lượng mạng.

Tắt sóng 2G không chỉ là một bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa hạ tầng viễn thông tại Việt Nam, mà còn là động lực thúc đẩy quá trình CĐS và phát triển kinh tế số.

Việc chính thức thương mại hóa mạng viễn thông di động công nghệ 5G tại Việt Nam từ năm 2024 mang lại nhiều ý nghĩa chiến lược và thực tiễn đối với phát triển kinh tế, xã hội và công nghệ. 5G là nền tảng quan trọng để thúc đẩy quá trình CĐS toàn diện, hỗ trợ triển khai các ứng dụng như AI, dữ liệu lớn (big data), và chuỗi khối (blockchain). 5G là động lực chính thúc đẩy IoT, cho phép triển khai các thành phố thông minh, nhà máy thông minh, và hệ thống giao thông thông minh. Công nghệ 5G khi được triển khai trên diện rộng sẽ giúp tăng cường hiệu quả và tốc độ triển khai các dịch vụ công trực tuyến, góp phần xây dựng chính phủ số, kinh tế số. Nhờ đó, mạng 5G tạo động lực phát triển các ngành kinh tế dựa trên công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, thương mại điện tử, và logistics.

5g.png

Triển khai 5G giúp Việt Nam bắt kịp các quốc gia tiên tiến trong khu vực và thế giới, đồng thời tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài. Đây là một cơ hội lớn để Việt Nam định hình vị thế trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

7 - VIỆT NAM XẾP HẠNG CAO VỀ CHỈ SỐ AN TOÀN THÔNG TIN 2024

Ngày 12/9/2024, Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) công bố Chỉ số ATTT mạng toàn cầu (Global Cybersecurity Index - GCI) 2024. Việt Nam vinh dự được xếp vào nhóm các quốc gia bậc 1, thuộc nhóm các quốc gia “hình mẫu lý tưởng” với cam kết mạnh mẽ về an ninh mạng.

nen-tang-dien-tap-thuc-chien-attt.jpg

Theo các chuyên gia, Việt Nam đã thể hiện tầm nhìn chiến lược từ sớm, khi nhận ra tầm quan trọng của an ninh mạng đối với nền kinh tế và vận hành DN. Theo đó, hàng loạt văn bản pháp luật được ban hành, từ Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân năm 2013, Luật ATTT mạng 2015, cho đến Luật An ninh mạng 2018.

Trong năm 2022, Chính phủ đã ban hành Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia nhằm chủ động ứng phó với các thách thức trên không gian mạng từ năm 2025 - 2030. Theo đó, các tổ chức liên quan, DN đều đang tích cực tuân thủ các quy định, chiến lược của Nhà nước, chính phủ. Năm 2023, nhiều sáng kiến tiến bộ đã được ghi nhận trong việc thực hiện các điều luật này.

8 - BƯU CHÍNH VIỆT NAM ĐƯỢC XẾP HẠNG NHÓM PHÁT TRIỂN TIẾN TỚI HOÀN HẢO

Thành tựu tự hào nhất của Bưu chính Việt Nam năm 2024 là việc vươn lên nhóm 8 trong bảng xếp hạng Chỉ số Tích hợp Phát triển Bưu chính (2IPD) của Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU). Từ vị trí nhóm 6, Bưu chính đã bước vào nhóm 8 thuộc Top 45 thế giới, đánh dấu một bước tiến vững chắc trên bản đồ bưu chính quốc tế. Đây là kết quả của quá trình cải tiến toàn diện trong mọi khía cạnh hoạt động: từ hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, đến mở rộng mạng lưới phục vụ. Đây là nền tảng vững chắc để chúng ta tiếp tục hành trình phát triển, khẳng định vị thế của Bưu chính Việt Nam trong cộng đồng bưu chính toàn cầu.

buu-chinh-viet-nam.jpg

Trong lĩnh vực bưu chính, điểm đáng ghi nhận nữa là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) nhận Giải Vàng Chất lượng Quốc gia. Với việc đạt Giải vàng Chất lượng Quốc gia, BĐVN đã được lựa chọn để tham gia Giải cấp quốc tế. Với sự nổi trội vượt bậc về kết quả, năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và uy tín, thương hiệu trong lĩnh vực logistics, bưu chính chuyển phát trên thị trường, BĐVN tiếp tục được trao Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (GPEA) năm 2024 ở hạng mục cao nhất - World Class Award.

Giải thưởng World Class chứng minh rằng các sản phẩm và dịch vụ của BĐVN đã đạt tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế. Giải thưởng củng cố uy tín của BĐVN, tạo lòng tin với khách hàng trong và ngoài nước, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

BĐVN được nhìn nhận như một tổ chức tiên phong trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có năng lực cạnh tranh ngang hàng với các DN bưu chính hàng đầu thế giới. Việc đạt giải thưởng giúp BĐVN trở thành đối tác tin cậy của các tập đoàn, DN trong lĩnh vực logistics và bưu chính toàn cầu. Thành tích này nâng cao hình ảnh thương hiệu BĐVN, đồng thời khẳng định khả năng cạnh tranh của DN Việt trên trường quốc tế. Đây là niềm tự hào không chỉ riêng của ngành bưu chính mà còn của cả đất nước, khẳng định rằng Việt Nam có thể đạt được những thành tựu đáng kể trong các lĩnh vực kinh tế, dịch vụ.

9- PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG SỐ, ĐẢM BẢO MẠNG LƯỚI VIỄN THÔNG HOẠT ĐỘNG ỔN ĐỊNH VÀ AN TOÀN SAU BÃO YAGI

Bão số 3 (Yagi) năm 2024 đã đổ bộ vào đất liền vào tháng 9/2024 và gây ảnh hưởng đến hạ tầng viễn thông tại nhiều địa phương. Theo Bộ TT&TT: “Đây là cơn bão mạnh, sức tàn phá lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, nhiều cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã bị phá hủy trong đó có hạ tầng viễn thông. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác chuẩn bị phòng chống, lên phương án, xây dựng các kịch bản ứng phó trước bão, ngành TT&TT đã giảm thiểu được thiệt hại, đảm bảo duy trì thông tin liên lạc trước, trong và sau bão”.

Tại cuộc họp đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Thủ tưởng Chính phủ Phạm Minh Chính đã biểu dương chỉ đạo của các bộ ngành, cơ quan chuyên môn trong đó Bộ TT&TT, các DN viễn thông đã làm tốt công tác truyền thông tới người dân, chuẩn bị trang thiết bị vật tư, gia cố hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông để ứng phó với cơn Bão số 3.

Để đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, ngày 9/10/2024, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 1132/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025 phổ cập cáp quang đến các hộ gia đình; 100% các tỉnh, thành phố và các khu công nghệ cao có dịch vụ di động 5G; triển khai tối thiểu 2 tuyến cáp quang biển quốc tế mới; phát triển các trung tâm dữ liệu hỗ trợ AI; mỗi người dân sẽ có 1 kết nối IoT và 1 định danh số… Mục tiêu đến năm 2030 hướng đến việc phủ sóng mạng di động 5G tới 99% dân số, triển khai thử nghiệm mạng 6G, phát triển 6 tuyến cáp quang biển quốc tế mới, nâng dung lượng cáp quang biển đạt tối thiểu 350 Tbps.

10 - GIẢI THƯỞNG SÁCH QUỐC GIA 2024 CÓ NHIỀU ĐỔI MỚI; RA MẮT NỀN TẢNG SÁCH BÁO QUỐC GIA.

Giải thưởng Sách Quốc gia 2024 có nhiều điểm mới cụ thể như:

- Mở rộng thành phần cơ quan chỉ đạo, cơ quan phối hợp tổ chức Giải thưởng với sự tham gia trực tiếp của các cơ quan quan trọng như Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan chỉ đạo Giải thưởng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan phối hợp chỉ đạo.

- Mở rộng đối tượng đề cử sách dự Giải trong đó có cả bạn đọc và các cơ quan báo chí, truyền thông; tăng tỉ trọng điểm để đề cao tính lan tỏa của sách được giải.

- Bổ sung hạng mục mới trong cơ cấu Giải thưởng là Giải Sách được bạn đọc yêu thích, do chính bạn đọc đề cử, bình chọn.

- Tổ chức công bố các cuốn sách đề cử được Giải sau khi đã qua hai vòng chấm sơ khảo và chung khảo…

- Tổ chức các hoạt động tri ân các tác giả, dịch giả, đơn vị xuất bản và các hoạt động truyền thông quảng bá, lan tỏa sách sau khi đạt Giải.

giai-a-gia-thuong-sach-quoc-gia-2024.png

Năm 2024 có 51/57 nhà xuất bản có sách tham dự Giải thưởng (nhiều hơn 10 nhà xuất bản so với Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VI). Số sách tham dự Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII: 372 tên sách và bộ sách, bao gồm 455 cuốn sách (nhiều hơn 60 tên sách và bộ sách, 20 cuốn sách so với Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VI).

Bộ TT&TT cũng ra mắt nền tảng cung cấp sách, báo thiết yếu phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo về thông tin (Nền tảng Sách, báo quốc gia sachdientu.vn, ebook.gov.vn). Theo đó, Nền tảng được xây dựng với Cổng truy cập và phần mềm ứng dụng trên thiết bị di động để đọc sách điện tử và báo điện tử. Cổng truy cập có chia 2 phân hệ để đăng tải sách điện tử và báo điện tử riêng biệt.

Nền tảng được xây dựng và vận hành còn tạo thành một hệ sinh thái, trở thành nền tảng xuất bản và phát hành sách điện tử, cung cấp nội dung, thông tin báo chí dùng chung cho các chương trình, đề án khác do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì như: Chương trình sách Quốc gia, Sách Nhà nước đặt hàng, các chương trình mục tiêu khác của báo chí, xuất bản, v.v...

Việc đưa Nền tảng sách, báo điện tử vào vận hành khai thác sẽ góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, là kênh thông tin thiết yếu cho người dân tiếp cận, đọc và trải nghiệm sách, báo điện tử...

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1+2 tháng 1+2 năm 2025)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
  • Startup Việt vươn ra thế giới: Làm thế nào để tồn tại giữa vùng nước lạ?
    VinCSS vươn ra thị trường quốc tế không chỉ để phát triển kinh doanh, mà còn để học hỏi kinh nghiệm, làm tốt hơn và thu về nhiều ý tưởng mới để có thể quay về giải quyết những bài toán trong nước và đóng góp cho Việt Nam.
  • iTanong: ChatGPT phiên bản Philippines, giúp cách mạng hóa dịch vụ công
    Philippines đang tự tin giới thiệu iTanong, một trợ lý ảo thông minh được thiết kế riêng cho người dân địa phương. Với khả năng truy cập thông tin chính phủ và thực hiện các thủ tục hành chính, iTanong hứa hẹn sẽ cách mạng hóa cách người dân tương tác với chính quyền.
  • Internet Việt Nam lớn hơn, an toàn hơn và phẳng hơn
    Internet đang trở thành là yếu tố thiết yếu, tích hợp vào mọi mặt đời sống xã hội, trở thành hạ tầng quan trọng của chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy thành công quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
  • Chuyển đổi số cần tầm nhìn xa để thực hiện
    Chuyển đổi số chính là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, là một quá trình cần thiết để hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ công dân và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đất nước.
  • Một hành trình đầy tiềm năng được thúc đẩy
    Chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa đang tạo ra một môi trường văn hóa mới cho con người - môi trường số, với sự thay đổi trong phương thức phát triển và khả năng tiếp nhận, cùng rất nhiều đòi hỏi. Chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, để làm rõ hơn nội hàm các nội dung có tác động lớn đến sự phát triển của đời sống văn hóa-xã hội này.
  • Tiếp cận về văn hóa số trong thời đại số
    Trong chiến lược chuyển đổi số, những thuật ngữ như “kinh tế số”, “xã hội số”, “văn hóa số” cũng được đề cập một cách thường xuyên, vừa như phương thức, vừa như hệ quả của sự chuyển đổi. Trong đó, thuật ngữ “văn hóa số” có lẽ là phức tạp hơn cả, cũng như bản thân sự phức tạp vốn có của văn hóa. Bài viết góp một thảo luận sâu và rộng hơn về chủ đề này, thay vì cách hiểu máy móc và đơn giản là sự chuyển dịch của văn hóa trên nền tảng số.
  • Đưa các ấn phẩm báo Xuân lên nền tảng số phục vụ bạn đọc
    Hàng trăm ấn phẩm Xuân của các báo, tạp chí Trung ương, tỉnh Thái Nguyên và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã được trưng bày, giới thiệu tại phòng đọc báo Xuân Ất Tỵ năm 2025.
  • Báo chí cách mạng Việt Nam Một thế kỷ xung trận
    Báo chí từ thời điểm khai sinh đã tự mình làm những cuộc cách mạng, tuyệt nhiên không thuần túy thực thi bổn phận bằng những cuộc rượt đuổi thụ động, lệ thuộc theo đời sống và sự kiện, mà từ đời sống và sự kiện, phản ánh và xác lập những mục tiêu cao hơn, kết nối quá khứ và tương lai bằng những bước chuyển mình đậm tính định hướng, tính thời đại.
  • Gần 1 triệu bưu gửi mỗi ngày, Bưu điện huy động tối đa mọi lực lượng giao hàng trước Tết
    Với nguyên tắc phát hết hàng hóa trong ca, trong ngày, Bưu điện Việt Nam đã chủ động bố trí lực lượng phát, bưu tá phù hợp cho từng tuyến phát, tổ chức phát hàng cả vào thứ Bảy, Chủ nhật và ngoài giờ hành chính, để đảm bảo hàng hóa được phát chính xác tới người nhận nhanh nhất.
  • Ba khóa học mới giúp ứng phó các tình huống an ninh mạng ngày càng phổ biến
    Ba khóa học cung cấp kiến thức cơ bản và kỹ năng thực hành cần thiết, giúp nhân viên tự tin ứng phó với các tình huống an ninh mạng ngày càng trở nên phổ biến.
10 sự kiện nổi bật trong lĩnh vực TT&TT do Tạp chí TT&TT bình chọn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO