170 doanh nghiệp ICT nước ngoài đầu tư vào Việt Nam bất chấp dịch Covid-19

Lan Phương| 24/08/2021 20:37
Theo dõi ICTVietnam trên

7 tháng đầu năm 2021, dòng vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 10 tỷ USD, tăng 3,8% so với năm ngoái. Riêng lĩnh vực ICT có gần 170 doanh nghiệp (DN) ICT gồm DN phần mềm, viễn thông, điện - điện tử đầu tư vào Việt Nam.

Thông tin trên được ông Hoàng Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT chia sẻ tại buổi họp báo trực tuyến công bố báo cáo "Việt Nam số hoá: Con đường đến tương lai" - báo cáo điểm lại tháng 8/2021 của Ngân hàng thế giới (WB) chiều 24/8.

Việt Nam - Điểm đến của các DN công nghệ số tới kinh doanh và thành công

Ông Hoàng Anh Tú cho biết báo cáo đã hàm ý con đường Việt Nam sẽ đi trong thời gian tới để đạt được các mục tiêu đầy khát vọng trong tương lai. Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng phát triển khoa học - công nghệ là lựa chọn của Việt Nam.

Dù dịch Covid-19, 170 doanh nghiệp ICT nước ngoài  đến Việt Nam đầu tư - Ảnh 1.

Ông Hoàng Anh Tú: CĐS, công nghệ số sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và là giải pháp quan trọng trong việc giúp phục hồi nền kinh tế

Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình CĐS quốc gia với 3 trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2025 là kinh tế số sẽ đóng góp 20% GDP, phát triển 100.000 DN công nghệ số. Việt Nam sẽ là nơi tốt nhất trong khu vực để các DN công nghệ số tới kinh doanh và thành công. Việt Nam cũng sẽ trở thành quốc gia số.

So với báo cáo điểm lại kỳ trước vào tháng 12/2020, thời gian này Việt Nam cũng đang phải chống lại thách thức của đại dịch Covid-19. Thế giới đang sống trong một thế giới không chắc chắn, và chúng ta đều muốn tìm thấy sự chắc chắn trong những điều không chắc chắn đó.

Có hai điểm được ông Tú nhấn mạnh chắc chắn sẽ xảy ra là: CĐS, công nghệ số sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và là giải pháp quan trọng trong việc giúp phục hồi nền kinh tế và Việt Nam sẽ vượt qua thách thức của đại dịch Covid-19, sớm trở lại trong trạng thái bình thường mới.

Ông Tú cho biết mỗi báo cáo nhìn nhận con đường tới ngày mai của Việt Nam dưới những góc nhìn khác nhau nhưng chắc chắn đều dẫn đến điểm chung, đó là một Việt Nam phồn vinh - hạnh phúc. Để đạt được điều đó cần sự nỗ lực chung của nhiều bên và Việt Nam luôn đánh giá cao vai trò của WB trong tiến trình CĐS Việt Nam.

Ông Tú cũng chia sẻ nhận định của một vị chuyên gia tại Diễn đàn Davos năm 2021 là đến năm 2030, tất cả các DN sẽ trở thành DN công nghệ số và DN cần sự "phù hộ" của công nghệ số để tồn tại.

Theo đó, ông Tú cho rằng để các DN tư nhân Việt Nam có thể tham gia vào nền kinh tế số một cách nhanh chóng cần có 2 yếu tố quan trọng: Đối với các DN thông thường thì cần phải CĐS nhanh nhất có thể và chính lãnh đạo của các DN cũng phải CĐS nếu không muốn bị lạc hậu, bị bỏ lại phía sau. Tiếp theo, Việt Nam sẽ phải phát triển các DN số bởi chính các DN số này sẽ là những DN cung cấp các nền tảng để chuyển đổi kinh tế - xã hội ở các DN truyền thống thành DN số.

Việt Nam định hướng trở thành công xưởng của thế giới và là trung tâm của các DN công nghệ số đến để đầu tư và thành công. Theo đó, ông Tú chia sẻ Việt Nam sẽ cần phải có chính sách hỗ trợ các DN, đặc biệt là các startup như chính sách thuế cho DN, những chính sách không truyền thống sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh mới, ví dụ, như những chính sách sandbox để làm sao tối ưu lợi thế của công nghệ mang lại cho xã hội, nền kinh tế thay vì có những chính sách ưu đãi về đất đai, nhân lực giá rẻ.

Để Việt Nam trở thành công xưởng của thế giới

Ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng, Chủ nhiệm chương trình WB tại Việt Nam cho biết điểm sáng trong khủng hoảng Covid-19 là CĐS được đẩy nhanh ở Việt Nam. 60% các DN hiện đang sử dụng các nền tảng và công cụ trực tuyến. Chính phủ điện tử đang cung cấp trên 2.000 thủ tục trực tuyến.

Dù dịch Covid-19, 170 doanh nghiệp ICT nước ngoài  đến Việt Nam đầu tư - Ảnh 2.

Ông Jacques Morisset: Việt Nam phải đi nhanh về nâng cấp kỹ năng số

Báo cáo chuyên đề số hóa lần này, theo ông Jacques Morisset, được xây dựng bởi hai lý do là: Nền kinh tế Việt Nam cần được nâng cao hiệu suất. Để đạt được mục tiêu đó phải ứng dụng công nghệ và những công nghệ quan trọng nhất trong tương lai là các nền tảng số, các công cụ số. Đại dịch Covid-19 cũng đã thúc đẩy người dân, DN và chính quyền làm việc trực tuyến hơn, phải thực hiện các hoạt động không tiếp xúc nhiều hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam đã xác định ưu tiên chuyển đổi Việt Nam thành nền kinh tế số và Việt Nam cũng đặt mục tiêu trở thành công xưởng của thế giới về công nghệ số.

Báo cáo đã sử dụng khung đánh giá của WB gọi là "CHIP" (C: Kết nối; H: Làm chủ; I: đổi mới sáng tạo; P: Bảo vệ). Báo cáo thực hiện so sánh Việt Nam với 12 quốc gia và được chia làm 2 nhóm quốc gia. Nhóm 1 là các quốc gia tương đương bao gồm các nền kinh tế có thu nhập trung bình và có hiện trạng CĐS tương đương Việt Nam như Nam Phi, Bờ Biển Ngà, Thái Lan, Phillipines… và so sánh Việt Nam với các quốc gia phát triển hơn hay mong muốn hướng tới như là Singapore, Hàn Quốc.

Về trụ cột kết nối (C), Việt Nam đang có thứ hạng tốt, khi hầu hết người dân đều được tiếp cận công cụ số, Internet. Tuy nhiên, chất lượng hạ tầng vẫn chưa đảm bảo về tốc độ.

Về trụ cột làm chủ (H) để thực hiện những công việc bằng công nghệ số, Việt Nam cần có 2 tài sản lớn là: kỹ năng số, khung pháp lý quy định hoạt động trong nền kinh tế số. Ở trụ cột này, Việt Nam chưa có thứ hạng thật tốt.

Trụ cột 3 (I) là đổi mới sáng tạo, chính là khả năng thích ứng, thích nghi với các công nghệ số. Ở trụ cột này, Việt Nam đã có một số tiến bộ nhất định và đứng ở giữa các quốc gia được đánh giá.

Trụ cột thứ tư là bảo vệ (P), có nghĩa là khi sử dụng công cụ số để tiếp cận thông tin, và người tiếp cận cần được đảm bảo thông tin đó là thông tin tốt và thông tin cá nhân phải được bảo mật. Về trụ cột này, Việt Nam có thứ hạng tốt về an ninh, an toàn thông tin nhưng truy cập dữ liệu, khả năng của dữ liệu, liên thông dữ liệu của các đơn vị vận hành thì còn tương đối thấp.

Dù dịch Covid-19, 170 doanh nghiệp ICT nước ngoài  đến Việt Nam đầu tư - Ảnh 3.

Hình ảnh của báo cáo"Việt Nam số hoá: Con đường đến tương lai"

Với những phân tích trên, ông Jacques Morisset đã đưa ra những đề xuất để Việt Nam cần cải thiện trong thập kỷ tới để trở thành công xưởng của thế giới.

Đầu tiên là phải có hạ tầng số tốt. Hạ tầng số cần được bảo trì, cần được nâng cấp, hiện đại hóa liên tục. Việt Nam cần được đảm bảo về tốc độ của hạ tầng viễn thông. Việt Nam đã làm tốt và sẽ tiếp tục làm tốt vì đó là điều mà các cơ quan nhà nước, DN đã làm tốt trong nhiều năm qua và Việt Nam vẫn phải làm tốt trong nhiều năm nữa.

Việt Nam cần phải nâng cấp về kỹ năng cho mọi người vì Việt Nam đang đi sau nhiều quốc gia về khả năng và kỹ năng số. Việt Nam phải cần 25 năm để đạt được kỹ năng số bằng Thái Lan và như vậy Việt Nam phải đi nhanh hơn. Thực hiện CĐS, nhu cầu về kỹ năng số là rất cao. Người lao động sẽ phải đầu tư vào kỹ năng số và DN sẽ phải đào tạo cho người lao động.

Ông Jacques Morisset nhận định có thể DN ngại chi trả chi phí cho các khóa học của người lao động vì lo ngại khi được đào tạo xong họ có thể lại chuyển sang chỗ làm khác, cạnh tranh hơn hoặc DN đầu tư không đầy đủ cho kỹ năng số. Theo đó, chính phủ cần có các chính sách để hỗ trợ đào tạo kỹ năng số, thậm chí là cấp kinh phí cho DN đào tạo.

Ưu tiên thứ hai được vị chuyên gia WB chia sẻ là phải khuyến khích DN tiếp thu công nghệ mới, bởi trong CĐS, trong thế giới số, công nghệ thay đổi rất nhanh. Theo đó, Việt Nam cần những DN tiên phong lớn trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số để lan toả. Việt Nam cũng cần khuyến khích startup và nhân tài tham gia vào thị trưởng, chính phủ cần hỗ trợ, tạo động lực đầu tư cho khởi nghiệp, nhân tài công nghệ số.

Ưu tiên thứ ba là đẩy mạnh truy cập và chất lượng thông tin. Nếu người sử dụng đang sử dụng smartphone, nền tảng số mà không truy cập được dữ liệu thì vấn đề đặt ra là sử dụng công cụ số làm gì. Theo đó, Việt Nam cần đẩy mạnh truy cập thông tin có chất lượng tốt. Việc Việt Nam công bố mọi thông tin dữ liệu về Covid-19 đã tạo tích cực rất tốt trong cuộc chiến chống dịch và cần nhân rộng. Tăng cường thông tin là tăng cường tiếp xúc, thông tin hỗ trợ cho việc ra quyết định tối ưu. Đó gọi là dữ liệu lớn.

Cuối cùng, ông Jacques Morisset nhấn mạnh Việt Nam đã và đang xây dựng được một hạ tầng số tốt để mọi người dân, DN có thể kết nối, bên cạnh đó phải nâng cao kỹ năng số, sử dụng công nghệ mới nhất, tiếp cận thông tin tốt để có thể khai thác tối đa khả năng của tiến trình CĐS và đạt được lợi thế mà quốc gia kỳ vọng trong thập kỷ tới./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
170 doanh nghiệp ICT nước ngoài đầu tư vào Việt Nam bất chấp dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO