4 vấn đề cần giải quyết liên quan đến văn hóa đọc trong xu thế CĐS

T.H| 20/04/2021 08:52
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong khuôn khổ Ngày sách Việt Nam lần thứ 8 tại Đường sách TP. HCM do Bộ TT&TT tổ chức đã diễn ra buổi Tọa đàm “Văn hóa đọc trong xu thế chuyển đổi số”.

Tham gia tọa đàm có các diễn giả có ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT), ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, bà Diễm Phương đại diện NXB Tổng hợp TP.HCM, anh Hoàng Thạch - đồng sáng lập Voiz FM và ông Đình Bảo - CEO và nhà sáng lập JoiKid. Buổi tọa đàm thu hút nhiều người dự thính, đặc biệt là các sinh viên chuyên ngành xuất bản.

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành ngắn gọn chia sẻ chuyển đổi số (CĐS) là sự chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình mới dựa trên nền tảng số, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm tạo ra quy trình mới, sản phẩm mới để đạt được giá trị mới. "CĐS là xu thế của lĩnh vực xuất bản".

Văn hóa đọc trong xu thế chuyển đổi số - Ảnh 1.

Các diễn giả trong buổi tọa đàm

Tại Việt Nam, CĐS đã manh nha từ hơn 10 năm trước qua việc các đơn vị số hóa kho dữ liệu; số hóa một số hoạt động trong đơn vị như kế toán, bán hàng. Các đơn vị xuất bản ở Việt Nam hiện ở giai đoạn 2 của CĐS thông qua các hoạt động như ứng dụng công nghệ vào quản lý, quản trị toàn bộ hoạt động của đơn vị hay ứng dụng AI vào công việc biên tập sách. Sắp tới, các NXB Việt Nam sẽ hướng tới giai đoạn 3 là chuyển sang NXB số như NXB Britannica đã làm.

"Khó khăn là dĩ nhiên nhưng chúng ta cũng có rất nhiều thuận lợi. Trong 145 triệu thuê bao điện thoại di động (tính đến năm 2020) có hơn 70 triệu thuê bao sử dụng dữ liệu trên mạng. Chúng ta có 70% dân số sử dụng Internet khi trung bình thế giới chỉ 50%, thậm chí các nước đang phát triển chỉ hơn 44%. Vấn đề là làm sao để người dùng mạng không chỉ dành thời gian lướt Facebook, mua hàng trực tuyến mà quan tâm nhiều hơn văn hóa đọc, sử dụng mạng để tiếp cận tri thức, làm đẹp tâm hồn", ông Nguyên nói.

Theo anh Hoàng Thạch - đồng sáng lập Voiz FM và ông Đình Bảo - nhà sáng lập ứng dụng JoiKid cùng cho biết việc tạo ra ứng dụng đáp ứng nhu cầu văn hóa đọc xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cá nhân. Từ việc đi tàu xe khó đọc sách in, anh Hoàng Thạch nghĩ đến một ứng dụng giúp con người nghe sách. Còn ông Bảo quan tâm đến nhu cầu đọc, học, nghe, xem của hai cậu con trai mình.

Anh Thạch và đội ngũ Voiz FM đã ứng dụng AI vào sách nói. Giọng đọc AI này được thu từ giọng thật nên trong thử nghiệm 800 khách hàng, hơn 70% người nghe không phân biệt được người hay máy đọc. 

"Ứng dụng AI vào sách nói giúp các diễn viên đọc sách giảm tải số lượng công việc lại tăng thu nhập. Giống như máy may không làm các công nhân dệt may thất nghiệp, trái lại tạo ra cơ hội cho các nghệ nhân may thêu", anh cho biết.

Vị đại diện WeWe, đơn vị phát triển Voiz FM đề xuất thiếp lập cổng đăng ký điện tử xin cấp phép sách điện tử thay vì giấy tờ giống xin cấp phép sách in như hiện nay. Anh nói thêm, giải sách hay hằng năm có thể thêm hạng mục cho sách nói nếu được vì các diễn viên đọc sách đã dốc rất nhiều kỹ năng, cảm xúc và tâm huyết vào cuốn sách nói của mình.

Là người bố của hai đứa trẻ, nhà sáng lập JoiKid đề xuất tăng cường hoạt động đọc sách cho trẻ em. Ông dẫn chứng học sinh nước ngoài đã được giao nhiệm vụ đọc sách và viết thu hoạch những gì đã đọc ngay từ cấp tiểu học. "Nếu chúng ta hình thành thói quen đọc từ bé thì lớn sẽ không ngại đọc", ông nói.

Bà Diễm Phương đại diện NXB Tổng hợp TP.HCM cho rằng CĐS không phải việc của một cá nhân hay đơn vị nào mà của tất cả bên liên quan. Ba thử thách mà bà và NXB Tổng hợp TP.HCM phải đối diện khi CĐS gồm: vi phạm bản quyền, sự phổ cập công nghệ và bài toán nguồn vốn đầu tư công nghệ.

Kết luận buổi Tọa đàm ông Nguyễn Nguyên nhấn mạnh: có 4 vấn đề cần giải quyết liên quan đến văn hóa đọc trong xu thế CĐS gồm: thay đổi nhận thức con người, thiết lập thể chế, bảo vệ bản quyền, đầu tư cho công nghệ và cuối cùng là tạo ra thế hệ nhân lực CĐS mới cho ngành xuất bản.

Toàn bộ nội dung chi tiết của buổi tọa đàm này sẽ được phát trên sàn Book365.vn để bạn đọc tiện truy cập theo dõi.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
4 vấn đề cần giải quyết liên quan đến văn hóa đọc trong xu thế CĐS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO